2008-12-12 17:23:28

60 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền, 60 năm nhân quyền bầm dập


Cách đây 60 năm, ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948 Liên Hiệp Quốc đã công bố ”Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền”, khẳng định phẩm giá cao qúy và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã là một chinh phục pháp lý của thế giới tân tiến ngày nay. Ngoài phần dẫn nhập nó gồm 36 khoản, và đã được một Ủy Ban gồm 18 người soạn thảo trong vòng 2 năm. Ủy ban do bà Eleanor Roosevelt, góa phụ của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, làm chủ tịch. Trong số các thành viên có ông René Cassin, người Pháp, ông Charles Malik, người Libăng và ông Trần Bành Xuân, người Trung Hoa.

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã được chấp nhận ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, với nghị quyết 217, được 51 quốc gia thành viên hiện diện thông qua tại Paris. Lá phiếu chấp thuận của năm 1948 này đã là nền tảng cho hiệp định về các quyền con người - được thừa nhận hoàn toàn hay một phần - bởi 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Có thể ví nó như là một bản ”Hiến Pháp Quốc Tế”, nảy sinh từ các tàn phá đổ vỡ chết chóc thê lương của thế chiến thứ II, và nhằm vạch ra các nguyên tắc của một cuộc sống chung dựa trên hòa bình, công lý và sự tôn các quyền tự do và sự sống con người.

Nội dung Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền có gốc rễ trong tư tưởng kitô và tư tưởng cổ điển với phần đóng góp của tư tưởng thiên quang luận. Theo quan niệm của Kinh Thánh Kitô con người gồm hai phái tính nam nữ có phẩm giá cao trọng, vì đã được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài. Vì là một bản vị có xác có hồn, có sự tự do và khả năng lựa chọn quyết định, có lương tri, biết suy nghĩ và phân biệt phải trái, lành dữ nên con người là sinh vật cao qúy nhất và là tuyệt đỉnh công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Từ phẩm giá cao qúy đó phát xuất ra tất cả các quyền con người. Chúng là các quyền bất khả xâm phạm, gắn liền với bản chất là người, mà ai cũng có kể từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ cho tới lúc chết tự nhiên. Đây đã là lý do khiến cho Giáo Hội không ngừng bảo vệ và luôn luôn mạnh mẽ tranh đấu cho các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Nó là thước đo mọi quyền tự do khác.

Ngày 18 tháng 4 năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã viếng thăm Liên Hiệp Quốc và phát biểu trước đại biểu của mọi quốc gia trên thế giới. Người nhắc lại rằng Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948 là kết qủa sự tụ hội của các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, coi hạnh phúc con người là trung tâm mọi hoạt động. Các quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn dựa trên luật lệ tự nhiên được khắc ghi trong con tim của từng người, và luật lệ tự nhiên đó là điểm tột đỉnh chương trình tạo dựng của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sử. Đức Thánh Cha cũng cảnh cáo chống lại sự thắng thế của một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và việc giải thích các quyền con người có thể thay đổi và từ chối tính cách đại đồng của chúng nhân danh các bối cảnh văn hóa, chính tri, xã hội và cả tôn giáo khác nhau nữa. Nghĩa là có thể xảy ra nguy cơ chối bỏ nền tảng bản thể học của các giá trị được khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và khiến cho quyền con người tùy thuộc các trào lưu tư tưởng thắng thế trong một xã hội.

Điều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định trên đây được minh xác bởi tình hình nhân quyền bị các chính quyền độc tài thuộc mọi ý thức hệ trên thế giới ngang nhiên chà đạp, hành hạ đánh phá bầm dập, cắt chặt què quặt, mang đầy thương tích, và trong nhiều trường hợp bị bức tử. Điển hình như tại các nước còn có chế độ cộng sản vô thần độc tài thống trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Trong đó Nhà Nước tự đồng hóa mình với quốc gia dân tộc, tự ban cho mình mọi quyền sinh sát và hành xử sai trái vô luân, kể cả ăn cướp đất đai tài sản của dân và bán nước cho ngoại bang. Trong đó gian tham hối lộ, bạo ngược tráo trở, ức hiếp dân lành là quốc sách. Trong đó các cơ quan của Nhà Nước trở thành tổ chức tội phạm, muốn làm gì thì làm, sai trái tới đâu cũng vẫn được bao che và không bi trừng phạt.

Nhân quyền cũng bị vi phạm trầm trọng tại nhiều nước Phi châu, đặc biệt trong những nước có nội chiến như Sudan, Uganda, Congo, Somalia và Nigeria. Trong đó chiến tranh bùng nổ vì việc tranh giành khai thác các thứ quặng mỏ, quyền lực chính trị, kinh tế, trộn lẫn với các xung khắc bộ tộc, có bàn tay lông lá của các cường quốc kinh tế và các tổ chức đa quốc lèo lái.

Nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, cũng bị chà đạp trong các quốc gia A rập, đứng đầu là A rập Sauđi. Trong đó tín hữu các tôn giáo khác không có quyền hành đạo. Nhân quyền cũng bị chà đạp tại nhiều nước châu Mỹ Latinh, điển hình như Brasil, trong đó giới đại điền chủ chiếm hữu đa số đất đai và tài sản quốc gia, trong khi hàng chục triệu nông dân không có đất đai canh tác và sinh sống. Trong đó các thổ dân bản địa bị khai thác bóc lột và phải tiếp tục sống trong bần cùng, mù chữ, bán khai.

Thế rồi hằng ngày khắp nơi trên thế giới quyền sống cũng bị chà đạp vì nạn phá thai, được hiến pháp của nhiều quốc gia công nhận. Và giờ đây các bệnh nhân, người già và người tàn tật cũng có nguy cơ bị loại bỏ với các luật hay dự luật cho phép giết người đêm dịu. Phụ nữ trẻ em và công nhân vẫn tiếp tục bị bán như nô lệ, và các tù nhân vẫn tiếp tục bị tra tấn và hành hạ trong các nhà tù đó đây trên thế giới.

Qủa thật, 60 năm đã trôi qua kể từ khi Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, nhưng trên thực tế các quyền con người chưa được tôn trọng, trái lại vẫn còn tiếp tục bầm dập vì bị nhiều chính quyền ngang nhiên chà đạp. Thật đáng buồn thay cho thế giới tân tiến ngày nay!

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.