2008-12-10 19:20:14

Đc Thánh Cha đề cao Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 đề cao Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ như một điểm tham chiếu rất quí giá cho cuộc đối thoại liên văn hóa về tự do và các quyền của con người.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây vào cuối buổi hòa nhạc chiều ngày thứ tư, 10-12-2008 tại Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican, trước sự hiện diện của tổng thống Italia, Ông Giorgio Napoletano, thủ lãnh Hội hiệp sĩ Malta, các vị HY và TGM lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ngoại giao đoàn, và đông đảo quan khách đạo đời.

ĐTC đặc biệt cám ơn Ngân Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã tổ chức buổi hòa nhạc này, cùng với buổi trao tặng các giải thưởng mang tên Đức Cố HY. Nhắc đến Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Phẩm giá của mỗi người chỉ thực sự được bảo đảm khi tất cả các quyền căn bản của con người được nhìn nhận, bảo vệ và thăng tiến. Giáo Hội vẫn luôn lập lại rằng các quyền căn bản là một sự kiện phổ quát, vì nó hiện diện nơi chính bản chất con người, tuy nó được diễn tả theo thể thức và được đặt nặng khác nhau trong các bối cảnh văn hóa khác biệt. Luật luân lý tự nhiên được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm con người, là một danh xưng chung cho tất cả mọi người và mọi dân tộc; đó là người hướng đạo phổ quát mà tất cả đều có thể nhận ra và dựa theo đó, tất cả có thể cảm thông với nhau. Vì thế, xét cho cùng, các quyền của con người có căn cội nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng ban cho mỗi người trí thông minh và tự do. Nếu tách rời khỏi nền tảng luân lý vững chắc ấy, thì các quyền con người sẽ mong manh vì thiếu nền móng vững chắc”.

ĐTC nhận xét rằng việc kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là cơ hội để kiểm điểm xem các lý tưởng đã được phần lớn cộng đồng các dân nước chấp nhận hồi năm 1948 đã được tôn trọng thế nào trong luật pháp của các quốc gia, và hơn nữa, trong lương tâm của các cá nhân và tập thể. Chắc chắn, một đoạn đường dài đã được trải qua, nhưng con đường phải đi vẫn còn dài: hằng trăm triệu anh chị em chúng ta vẫn còn bị đe dọa trong các quyền sống, tự do, an ninh của họ; sự bình đẳng giữa mọi người cũng như phẩm giá của mỗi người không luôn luôn được tôn trọng, trong khi các hàng rào mới đang được dựng lên vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến và các xác tín khác. Ước gì sẽ không chấm dứt những dấn thân chung để thăng tiến, hay đúng hơn là xác định các quyền con người, đồng thời gia tăng nỗ lực để bảo đảm sự tôn trọng các quyền con người”.

Buổi hòa nhạc mà ĐTC và mọi người tham dự là phần thứ hai trong chương trình buổi lễ do Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, và Ngân Quỹ Thánh Mathêu tưởng niệm ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tổ chức để kỷ niệm 60 năm công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ.

Buổi kỷ niệm khởi sự lúc 4 giờ rưỡi. ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Ông Juan Somavia, Tổng Giám đốc tổ chức Lao động của LHQ, Ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc tổ chức Lương nông quốc tế, đã trình bày về các khía cạnh của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và việc áp dụng tuyên ngôn này.

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, SDB

Trong bài thuyết trình, ĐHY Bertone khẳng định rằng Giáo Hội coi Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền như một 'dấu chỉ thời đại', và như một bước tiến quan trọng trên con đường tiến tới việc tổ chức cộng đồng thế giới về mặt pháp lý và chính trị' (Pacem in terris, 75). Đó là một văn kiện có khả năng tổng hợp ý nghĩa tự do của con người, liên kết những đòi hỏi hiện tại với những nguyên lý bất biến... Tuyên ngôn này là một cột mốc trên con đường dài và khó khăn của nhân loại. Cần đo lường tiến bộ của nhân loại không những bằng sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhưng đồng thời và trên hết bằng vị trí ưu tiên của các giá trị tinh thần và bằng sự tiến bộ trong đời sống luân lý”.

ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng nói đến những thách đố ngày nay và báo động rằng ”Đứng trước bối cảnh hoàn cầu đáng lo âu, do ảnh hưởng của các cơ cấu kinh tế không tương ứng với giá trị con người, các quyền căn bản dường như phải lệ thuộc những động cơ vô danh, không có kiểm soát và lệ thuộc một quan điểm khép kín trong chủ nghĩa duy thực dụng trong lúc này mà quên đi tương lai của gia đình là tình liên đới.”

ĐHY Bertone tố giác sự từ bỏ quan niệm về con người như một chủ thể và biến con người thành một đối tượng của hoạt động kinh tế, để rồi chỉ đòi hỏi những quyền gắn liền vấn đề tiêu thụ chứ không liên hệ tới nhân vị.
Riêng về quyền tự do tôn giáo, như được khẳng định trong khoản số 18 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, ĐHY Quốc vụ khanh phê bình xu hướng trong nhiều xã hội ngày nay muốn loại bỏ tôn giáo và các quyền gắn liền với tôn giáo ra khỏi việc cộng tác vào công trình xây dựng trật tự xã hội. Vì thế tự do tôn giáo có nguy cơ bị lẫn lộn với tự do phụng tự, hoặc bị giải thích như một yếu tố thuộc lãnh vực riêng tư, và ngày càng bị thay thế bằng một thứ gọi là quyền được bao dung nhân nhượng”. Làm như thế là cố tình không biết rằng tự do tôn giáo, như một quyền cơ bản, đánh dấu sự vượt lên trên sự bao dung về tôn giáo, vốn dựa trên một quan điểm duy tương đối về chân lý và trên chủ thuyết duy cá nhân vô giới hạn”.

Trước khi cuộc hòa nhạc bắt đầu, đã có nghi lễ trao giải thưởng ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, liên đới và phát triển, cho Tiến sĩ Cornelio Sommaruba, Cựu Chủ tịch Ủy ban quốc tế chữ thập đỏ, Cha Pedro Opeka, sáng lập viên dự án Akamasoa, một dự án cung cấp nhà cho những người vô gia cư tại Tananarivo bên Madagascar; tiếp đến là Cha José Raul Matte, LM bác sĩ dòng Camillo, tận tụy săn sóc giúp đỡ người cùi tại miền Amazzonia nơi nhà thương Thánh Camilo và Thánh Louis.

2 dự án được giải thưởng là dự án Galunap, một trường y khoa tại Gulu ở miền bắc Uganda, cộng tác với đại học Federico II ở Napoli, nam Italia, sau cùng là dự án ”Nhóm Ercolini - Làng Ercolini” giúp người trẻ thuộc sắc dân du mục Rom, hội nhập văn hóa và xã hội, qua việc chỉnh trang một khu vực ở Roma.

Buổi buổi hòa nhạc do Ban nhạc thành phố Frankfurt bên Đức trình diễn, dưới quyền điều khiển của bà nhạc trưởng Inma Shara người Tây Ban Nha, một số tác phẩm của các nhạc sĩ Felix Mendelssohn, Amilcare Pinchielli, Manuel de Falla và đặc biệt là của nhạc sư Mozart, một tác giả được ĐTC đặc biệt ưa chuộng.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.