2008-12-10 17:06:06

Cuộc sống mới của Kitô hữu, chi thể Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô, được dưỡng nuôi bởi các bí tích


Tường thuật buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-12-2008

Khi tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận bí tích Rửa tội, tín hữu trở thành chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa là Giáo Hội, trở thành thụ tạo mới, có cuộc sống mới kết hiệp với Chúa, và được dưỡng nuôi bằng các bí tích.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 8000 tín hữu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thư tư 10-12-2008. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”ơn gọi là thụ tạo mới và là người mới nhờ các bí tích và trong Chúa Thánh Thần theo giáo huấn của thánh Phaolô”. Đại ý ngài nói:

Anh chị em thân mến, giáo huấn của thánh Phaolô giới thiệu với chúng ta một giáo lý phong phú về ”thụ tạo mới” và ”con người mới” mà chúng ta tất cả đều được mợi gọi trở thành, đặc biệt qua các bí tích.

Như đã biết, việc lạm dụng sự tự do khiến cho con người chống lại sự thật và ý muốn của Thiên Chúa, và làm ô nhiễm các thực tại nhân trần, đặc biệt là các tương quan nền tảng với Thiên Chúa, giữa người nam và người nữ, giữa con người và thiên nhiên. Chúa Giêsu Kitô giúp chúng ta thắng vượt được tình trạng ô nhiễm đó. Với Chúa lịch sử con người có một khởi đầu mới. Với Người, là Đấng đến từ Thiên Chúa, bắt đầu một lịch sử mới được làm thành bởi tiếng xin vâng của Người đối với Thiên Chúa Cha, không phải bởi sự kiêu căng của một thoát ly giả tạo, mà bởi tình yêu và sự thật.

Như thế, Rửa Tội là bí tích của sự hiệp thông vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúng ta chết đi cho tội lỗi, và chúng ta sống lại với Chúa Kitô cho một cuộc sống mới được thánh hóa và nên công chính, và chúng ta ”mặc lấy” Chúa Kitô. Bí tích Rửa Tội là bước khởi đầu và là mầm giống của cuộc sống mới. Nó tháp nhập chúng ta vào Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô là Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: Với bí tích Rửa Tội Chúa Giêsu bước vào cuộc sống của tôi, nhưng Người biến đổi nó như thế nào đây? Câu trả lời căn bản của thánh Phaolo là Chúa Giêsu biến đổi tôi qua Thánh Thần, là Đấng đã tạo dựng nhân loại mới trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần là Đấng thực sự tạo dựng ra một sự hiệp nhất mới, thắng vượt các chia rẽ bằng cách dùng hai yếu tố: đó là loan báo Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Thánh Thể.

Trong mối dây liên hệ mà thánh Phaolo nhận ra giữa bí tích Rửa Tội và Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô hé mở cho chúng ta thấy ý nghĩa của điều theo sau là bí tích Thêm Sức. Tín hữu được rửa tội, con người mới sống vì Thần Khí.

Lòng tin không phải là hoa trái suy tư của chúng ta, mà là ơn Thiên Chúa ban. Lòng tin không đến từ việc đọc, nhưng từ việc lắng nghe Lời Chúa. Nó không phải chỉ là một điều nội tại, mà là một tương quan. Nó giả thiết một cuộc gặp gỡ, nó giả thiết sự hiện hữu của một người khác, loan báo và tạo ra sự hiệp thông. Không ai có thể tự biến mình trở thành Kitô hữu.

Chỉ có Chúa Kitô mới có thể thành lập Giáo Hội mà thôi. Và chúng ta nhận được đức tin từ Giáo Hội. Kitô giáo không phải là một cái gì thuần túy thiêng liêng, vì nó bao hàm một thân thể. Trở thành tín hữu Kitô thì hơn là một cuộc giải phẫu mỹ thuật, thêm vào vài vẻ đẹp cho một cuộc sống đã ít nhiều đầy đủ. Nó là một khởi đầu mới, và một cuộc tái sinh, là cái chết và sự sống lại.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha suy tư về bí tích Thánh Thể, được chính Chúa Giêsu thành lập trong Bữa Tiệc Ly. Lời hứa Giao Ước Mới hiện thực trong hy tế tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng đâu là ý nghĩa sâu xa của bí tích Thán Thể? Đức Thánh Cha trả lời:

Cừ hành Thánh Thể có nghĩa là Chúa Kitô trao ban chính Ngài cho chúng ta, trao ban tình yêu của Ngài để làm cho chúng ta trở nên đồng hình dạng với Ngài và như thế để tạo dựng một thế giới mới.

Chúa Kitô kết hiệp với từng người trong chúng ta, nhưng cũng kết hiệp với những người sống gần chúng ta nữa, và như thế Ngài hiệp nhất chúng ta tất cả với Ngài. Vì thế cử hành bí tích Thánh Thể mà không có tình liên đới với tha nhân, thì là một làm dụng bí tích Thánh Thể. Từ suy tư đó chúng ta có thể tiếp nhận ý nghĩa giáo lý của thánh Phaolô về Giáo Hội như Thân Mình của Chúa Kitô.

Thật thế Giáo Hội không phải là một nghiệp hội hay một tổ chức như kiểu Nhà Nước. Giáo Hội là một thân thể, một cơ phận chứ không phải phải là một tổ chức.

Từ sự kết hiệp giữa tín hữu với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, Đức Thánh Cha cũng hướng tư tưởng tới hôn nhân Kitô. Hôn nhân sẽ trung thực và sống động trong sự phát triển yêu thương nhân bản, nếu nó luôn gắn liền với sự hữu hiệu của Lời Chúa và ý nghĩa của bí tích Rửa Tội. Chiều kích thần học này của hôn nhân trong giáo huấn của thánh Phaolô, bao gồm sự trao đổi tình yêu có chiều kích hàng dọc là tùng phục nhau theo gương mẫu tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội.

Sau khi tóm tắt bài huấn dụ cho tín hữu hiểu, Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slovac, Croat, Sloveni. Ngài cầu chúc mọi người sống Mùa Vọng sốt sắng, và năng lãnh nhận các bí tích để củng cố sự kết hiệp với Chúa Kitô và can đảm làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày.

Chào phái đoàn tỉnh Mazzarrone, Đức Thánh Cha cám ơn họ đã tặng ngài nho để phân phát cho người nghèo ở Roma. Đức Thánh Cha cũng nhắc tới lễ kính Đức Bà Loreto cử hành hôm qua. Ngài xin Đức Mẹ giúp các bạn trẻ rộng mở con tim để đón nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu rỗi nhân loại với quyền năng tình yêu thương của Chúa. Đức Thánh Cha khích lệ các anh chị em đau yếu dâng tật bệnh để cùng vác khổ giá với Chúa Kitô, và cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới luôn lớn mạnh trong tình yêu, mà Chúa Giêsu đã trao ban cho mọi người trong ngày lễ Giáng Sinh.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha Đức Thánh Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.