2008-12-08 15:15:26

Phong trào hành hương du lịch trên thế giới


Trong các ngày từ 20 tới 22-11-2008, 100 chuyên viên hành hương du lịch thuộc hai nước Australia và Phi Luật Tân đã cùng tham dự đại hội với 30 chuyên viên Italia tại tỉnh Foggia, nam Italia. Đây là đại hội lần thứ năm do tổ chức ”Không gian và Biến cố Milano” bảo trợ. Nó là một loại ”Học bổng quốc tế về hành hương du lịch tôn giáo và các vùng được bảo vệ”, nhằm mục đích thăng tiến phong trào hành hương du lịch trên thế giới. Đại hội lần đầu tiên đã được tổ chức hồi năm 2003 tại San Giovanni Rotondo, nam Italia, với 30 tham dự viên.

Trong chương trình có hai buổi hội thảo bàn tròn: một cuộc hội thảo với các chuyên viên quốc gia, trong có có các tổ chức như Brevivet, tổ chức Hành hương của tỉnh Napoli, Liên hiệp các tổ chức chuuyên chở các bệnh nhân Italia hành hương tới các đền thánh gọi tắt là UNITALSI, và tổ chức Spi vv...; một cuộc hội thảo khác với các hãng du lịch ngoại quốc thuộc 25 quốc gia.

Chương trình chính là cuộc gặp gỡ trao đổi với Đức Cha Kamal Bathish, nguyên Giám Mục Phụ tá Giêrusalem, và Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục Phụ tá tòa Thượng Phụ Canđê thủ đô Baghdad. Nó là một cây cầu trong dấu chỉ hòa bình giữa Giêrusalem là thành phố hành hương của ba tôn giáo độc thần và thủ đô Baghdad của Irak khổ đau.

Sau đó là phần trình bầy nghiên cứu của Học viện Du lịch về ”Tiến trình và sự phát triển kinh tế của ngành du lịch tôn giáo”. Ngoài ra còn có cuộc thảo luận về đề tài ”Nghệ thuật Kitô trên các lộ trình hành hương”, do Đức Cha Claudio Giuliodori, Giám Mục giáo phận Macerata, kiêm chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia, phối hợp; sau phần thuyết trình về cùng đề tài của Đức Ông Pasquale Jacobone, thuộc Hội Đồng Tòa Thánh Văn Hóa.

Từ vài thập niên qua phong trào hành hương du lịch ngày càng phát triển trên bình diện quốc tế. Các lý do tôn giáo tinh thần kết hiệp với các lý do văn hóa nghệ thuật. Italia là quốc gia đứng đầu danh sách các nước lôi cuốn tín hữu và du khách hành hương năm châu, vì chứa đựng 70% gia tài nghệ thuật toàn thế giới. Không có một nhà thờ nhà nguyện cổ nào mà không có các tác phẩm nghệ thuật. Trong các thập niên 1980 tại Italia hằng năm có tới 300 ngàn tác phẩm nghệ thuật lớn nhỏ đủ loại - tương đương với nguyên một viện bảo tảng - bị đánh cắp và bán ra nước ngoài bởi các tổ chức liên quốc. Hòa Lan là một trong ngã tẩu tán các tác phẩm nghệ thuật nói trên, và một số lớn được các triệu phú Mỹ và giới sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật quốc tế mua lại.

Thống kê năm 2007 cho biết có 300 triệu tín hữu và khách du lịch đi hành hương và viếng thăm đó đây trên thế giới, đem lại ngân khoản 18 tỷ mỹ kim tiền lời cho nghành du lịch. Riêng nước Italia trong năm 2007 đã tiếp đón 40 triệu du khách, và thu nhập ngân khoản 4,5 tỷ mỹ kim tiền lời. So với năm 2006 số người trọ đêm tại các khách sạn đủ loại gia tăng 20%, và đem lại ngân khoản 19 triệu mỹ kim tiền lời.

Italia có 30.000 nhà thờ lịch sử, 1.700 trung tâm hành hương và 800 tu viện. Chỉ riêng tại Roma đã có tới 2.500 nhà thờ và nhà nguyện lớn nhỏ. Trên tổng số 8.097 thị xã có 752 thị xã có cất giữ các tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ, và bao gồm hai phần ba gia tài nghệ thuật toàn nước. Theo thống kê, vùng có nhiều tác phẩm nghệ thuật nhất Italia là Lazio, trung Italia, với 21,6%; tiếp đến là Lombardia, bắc Italia, với 20,4%; và thứ ba là vùng Toscana trung bắc Italia với 19,5%. Vùng Trung Bắc Italia có nhiều trung tâm hành hương nhất. Tại miền Nam, đảo Sicilia chiếm 12.2%, vượt cả vùng Umbria. Trong các vùng có nhiều trung tâm hành hương nhất đứng đầu là Lombardia với 241 trung tâm; tiếp đến là Emiglia với 164 trung tâm và thứ ba là Lazio với 152 trung tâm.

Tín hữu thăm viếng các nơi thánh: các đền thờ, các trung tâm thánh mẫu, các nhà thờ, các tu viện vv... Trong số các trung tâm hành hương có đông tín hữu thăm viếng nhất tại Italia có đền thờ thánh Phêrô ở Roma, nhà thờ thánh Pio năm dấu tại San Giovanni Rotondo đông nam Italia: mỗi nơi hằng năm tiếp đón 7 triệu người. Đứng hàng thứ hai là đền thờ thánh Phanxicô thành Assisi với 5,5 triệu du khách; thứ ba là đền thờ Đức Bà Loreto với 4,5 triệu; và thứ năm là đền thờ thánh Antôn thành Padova với 4,2 triệu. Năm 2007 với 40 triệu du khách hành hương Italia đạt kỷ lục số tín hữu hành hương du lịch, vượt xa Năm Thánh 2000.

Ngoài Italia ra, nơi hằng năm thu hút nhiều khách hành hương nhất thế giới là trung tâm thánh mẫu Guadalupe bên Mêhicô với 10 triệu người; Lộ Đức bên Pháp có 7 triệu tín hữu hành hương; Giêrusalem bên Thánh Địa có 6 triệu; Fatima bên Bồ Đào Nha có 4,5 triệu; và Santiago de Compostella bên Tây Ban Nha có 4,5 triệu.

Bên cạnh các tín hữu hành hương cầu nguyện trong nghĩa cổ điển thuần túy tôn giáo, có rất nhiều du khách đi thăm viếng đó đây vì các lý do hâm mộ văn hóa, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, điêu khắc, hội họa và kiến trúc. Nghệ thuật và kiến trúc có thể là dịp rao giảng Tin Mừng một cách hữu hiệu, vì chúng diễn tả lòng tin nhập thể của một cộng đoàn trong một thời điểm lịch sử. Năm 2002 Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin có nói rằng: ”Ngày nay để cho lòng tin có thể lớn lên, chúng ta phải tự dẫn mình và dẫn người khác tới chỗ đụng chạm và bước vào tiếp xúc với cái đẹp và loan báo sự thật của vẻ đẹp”.

Cũng như con người ngày xưa, con người thời nay du hành với các phương thế và khả năng khác nhau cũng như với các lý do và kích thích khác nhau. Nhưng cả hai đều hướng tới một đích điểm: đó là kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời. Cho dù sự tục hóa đã soi mòn nhiều giai tầng xã hội, nỗi nhung nhớ sự thánh thiêng nơi con người ngày nay là một trong những lý do khiến cho nó lên đường. Thi hào Nga Dostoevski có viết: ”Con đường lớn là cái gì xem ra bất tận; nó giống như một giấc mơ, đó là nỗi nhớ nhung Đấng Vô Tận”.

Thật thế, ngày nay cũng như xưa kia có biết bao nhiêu người sống nỗi nhớ nhung Đấng Vô Tận. Không phải chỉ tại Italia mà thôi, nhưng tại các nước khác cũng thế, hiện tượng du lịch tôn giáo đang gia tăng. Theo thống kê của tổ chức thương mại quốc tế năm 2007 đã có 330 triệu du khánh hành hương, đem lại 18 tỷ mỹ kim tiền lời.

Chính Thiên Chúa đã khiến cho con người trở thành người hành hương. Xưa kia Thiên Chúa đã phán với ông Abraham: ”Lekh lekha” ”Hãy ra đi”, nhưng cũng có thể dịch là ”hãy đi về chính ngươi”. Mỗi một người hành hương đều tiến về một nơi thánh. Học giả Mircea Eliade đã viết: ”Con người tôn giáo tin rằng có một thực tại tuyệt đối là sự thánh thiêng, siêu vượt hơn thế giới này, nhưng trong thế giới này một cách nào đó nó tự biểu lộ ra, và vì thế nó thánh hóa và khiến cho thế giới trở thành thực tại”. Các nơi chốn của sự bất tận ấy đã bị kiểm soát bởi một nền văn hóa kỹ thuật mờ đục, say men tiêu thụ hưởng thụ, bèo bọt mau qua, nhưng chúng vẫn tiếp tục là các dấu chỉ của sự thánh thiện và thiêng liêng mời gọi con người.

Và như vậy trong thế kỷ vừa qua, điều đã có thể tuyên bố ngày tàn vĩnh viễn của sự thánh thiêng, thì lại kết thúc với một bình minh không chờ đợi là hiện tượng du lịch tôn giáo và các cuộc hành hương vĩ đại. Hồi thế kỷ thứ XVIII giữa Roncisvalle và Compostella mỗi năm chỉ có 400 người hành hương.

Vào Năm Thánh 2000 mỗi ngày có 400 người và năm 2004 mỗi ngày trung bình có 700 người. Dĩ nhiên không phải bất cứ ai du hành cũng đều có tinh thần hành hương của tín hữu xưa kia. Cuộc hành hương đi bộ đến đền thánh Santiago de Compostella đã trở thành thời thượng, nhưng nó vẫn là một kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ sâu đậm, vì trước hết nó là một kinh nghiệm vật lý mạnh mẽ, với sự mệt nhọc nóng bức đói khát mà thân xác của người hành hương cảm nghiệm được. Và điều đặc biệt là nó lôi cuốn cả những người từng sống xa lòng tin.

Con đường hành hương của tín hữu Kitô giao thoa với điều, mà nhà xã hội học Nicolò Costa định nghĩa là ”khách du lịch hiện sinh”. ”Họ giống tín hữu hành hương tôn giáo nhất, vì cả hai đều là những người kiếm tìm ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời”. Các tài liệu chứng minh cho thấy trong số các du khách hành hương ấy có rất nhiều người đã từng sống xa cách Thiên Chúa và Giáo Hội.

Tuy nhiên các cuộc hành hương đi bộ theo kiểu cổ xưa vẫn tồn tại. Trong các cuộc hành hương đi bộ đó lòng tin của các tín hữu đơn sơ tìm ra sự vinh hiển của nó. Thí dụ điển hình là cuộc hành hương của tín hữu Roma tới đền thánh Đức Bà Thiên Chúa Tình Yêu tại Castel di Leva, cách trung tâm Roma 14 cây số. Hồi năm 1740 có một tín hữu hành hương đến Roma, khi đi ngang qua Castel di Leva ông bị một đàn chó dại từ lâu đài đổ nát chạy ra tấn công. Nhưng ông kêu cầu Đức Mẹ và được Đức Mẹ cứu thoát.

Kể từ khi xảy ra phép lạ tín hữu Roma ngày càng đến hành hương đông đảo nơi đây, và rất nhiều người đã được Đức Mẹ ban ơn lành hồn xác. Tín hữu Roma có thói quen hành hương tới đây mỗi tối thứ bẩy: từ thứ bẩy đầu tiên sau lễ Phục Sinh cho tới thứ bẩy cuối cùng của tháng 10. Họ khởi hành lúc nửa đêm đem theo ảnh Đức Mẹ và đuốc sáng, vừa đi vừa đọc kinh, lần hạt Mân Côi và hát thánh ca. Mọi người đến đền thánh lúc 5 giờ sáng để tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Ngoài ra còn có hai cuộc hành hương đi bộ và canh thức trọng thể vào nửa đêm ngày 14 tháng 8 áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, và nửa đêm ngày mùng 7 tháng 12 áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hai cuộc hành hương này thường do Đức Hồng Y Giám Quản hay một Giám Mục của giáo phận Roma hướng dẫn.

Tại đền thánh có các thánh lễ và giờ chầu Thánh Thể quanh năm. Tín hữu cũng có thể lãnh bí tích Hòa Giải. Từ ngày 25 tháng 3 năm 2007 Mình Thánh Chúa được chầu kính 24 giờ trên 24 giờ. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Đền Thánh Đức Bà Thiên Chúa Tình Yêu ba lần. Và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ ngày đầu tháng 5 năm 2006. Trong đền thánh có phòng trưng bầy hình Đức Mẹ và các trung tâm thánh mẫu khắp nơi trên thế giới, trong đó có hình Đức Mẹ Lavang của Việt Nam.

Ngày nay Đền Thánh Đức Bà Thiên Chúa Tình Yêu cũng là nơi tổ chức các buổi tĩnh tâm, gặp gỡ và các đại hội đủ loại trên bình diện địa phương cũng như quốc gia và quốc tế.

(Avvenire 20-11-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.