2008-12-02 15:25:59

Các thảm cảnh của Phi châu


Phỏng vấn Đức Hồng Y Francis Arinze về các thảm cảnh của đại lục Phi châu

Từ đầu tháng 11 tới nay chiến tranh đã bùng nổ tại Goma và Kivu trong vùng đông Cộng Hòa Dân Chủ Congo, khiến cho hàng trăm người chết và 2 triệu người phải tản cư lánh nạn. Nội chiến cũng tiếp tục tàn phá nhiều nước Phi châu khác như: Sudan, Somalia, Uganda và Nigeria. Và thường khi các cuộc chiến này bị giới truyền thông quốc tế lãng quên, coi như không có.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Francis Arinze, người Nigeria, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về chuyến công du mục vụ Phi châu vào năm tới của Đức Thánh Cha và các thảm cảnh đang xâu xé đại lục Phi châu.

Đức Hồng Y Arinze năm nay 76 tuổi, từ năm 2002 là Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Được Đức Phaolô VI chỉ định làm Giám Mục Phó năm 1965, Đức Cha Arinze đã tham dự khóa họp cuối cùng của Công Đồng Chung Vaticăng II. Hai năm sau Đức Cha được chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Onitsha. Năm 1984 Đức Gioan Phaolô II đã triệu vời Đức Cha về Roma và chỉ định Đức Cha làm Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn rồi vinh thăng ngài làm Hồng Y năm 1985. Ngày 23-11-2008 Đức Hồng Y đã mừng Ngọc Khánh Linh Mục.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã có cảm tưởng gì khi nghe Đức Thánh Cha báo tin sẽ công du Phi châu vào năm 2009 tới đây?

Đáp: Tôi đã tiếp nhận tin Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ viếng thăm Camerun và Angola vào tháng 3 năm tới 2009 với niềm vui và sự hài lòng. Tôi tin rằng toàn Phi châu công giáo sẽ chào đón Đức Thánh Cha với lòng biết ơn. Và chúng tôi hy vọng Phi châu sẽ chú ý lắng nghe điều Đức Thánh Cha sẽ nói.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, như thế năm 2009 có thể gọi là năm của Giáo Hội Phi châu. Vì ngoài chuyến công du mục vụ của Đức Thánh Cha còn có việc chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II sẽ diễn ra tại Roma trong các ngày từ mùng 4 đến 25 tháng 10. Ngoài ra trong các ngày từ 27 tháng 9 đến mùng 3 tháng 10 trước đó còn có hội nghị của các Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM nữa, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Thời gian là của Chúa, và mỗi năm đều phải là năm của từng đai lục. Nhưng dĩ nhiên các biến cố, mà qúy vị vừa kể trên đây, sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với lục địa Phi châu của chúng tôi. Hội nghị của Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar rất là quan trọng. Nó tương đương với Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu và Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu Latinh. Vấn đề tổ chức hội nghị bên Phi châu hay tại Roma cũng đã được thảo luận. Nhưng sau cùng thì mọi người chọn tổ chức tại Roma, để nói lên sự gắn bó tâm tình thực sự của Giáo Hội tại Phi châu với Giáo Hội Roma.
 
Hỏi: Đức Hồng Y có tiếc là Đức Thánh Cha đã không chọn Nigeria cho chuyến công đu mục vụ sắp tới hay không?

Đáp: Nếu Đức Thánh Cha đã chọn Nigeria, thì dĩ nhiên là tôi đã rất hài lòng. Nhưng ngài đã chọn Camerun và Angola, và tôi cũng hài lòng như thế. Điều quan trọng là Đức Thánh Cha viếng thăm Phi châu, và ngài thăm Phi châu là để giới thiệu tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu. Một Thượng Hội Đồng Giám Mục mà Đức Gioan Phaolô II đã muốn triệu tập và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã muốn tái xác nhận. Và đây sẽ là Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu lần II. Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu lần thứ I đã được triệu tập hồi năm 1994 và đã đề cập tới 5 đề tài của việc rao truyền Tin Mừng. Lần này đề tài sẽ là công lý và hòa bình.

Hỏi: Điều này có nghĩa là Phi châu hiện nay đặc biệt cần đến công lý và hòa bình, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn rồi. Nhưng nó không có nghĩa là toàn lục địa Phi châu đều có tình hình tồi tệ. Nhiều người Tây Âu chỉ chú ý tới lục địa của chúng tôi, khi có thảm cảnh gì xảy ra. Khi họ không thấy tin tức gì về Phi châu, thì họ nghĩ là mọi chuyện đều tốt lành, vì không có tin gì. Thật ra cũng có nhiều tin tốt, nhưng chúng không gây ồn ào.

Hỏi: Đức Hồng Y muốn ám chỉ các tin nào vậy?

Đáp: Chẳng hạn tôi nghĩ tới việc chuyển tiếp an bình không đổ máu từ chế độ kỳ thị sang chế độ dân chủ tại Nam Phi. Rồi cũng có những nước tiến tới nền dân chủ như Malawi và Ghana cũng như tại Liberia, nơi một phụ nữ được chuẩn bị trong lãnh vực chính trị và văn hóa, đã đánh bại hết mọi đối thủ và trở thành tổng thống. Thế rồi tôi cũng nghĩ tới nước Kenya, cách đây mấy tháng nhờ sự trợ giúp của các quốc gia láng giềng và của ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã thắng vượt được cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ đẩy đưa Kenya vào cuộc nội chiến. Tất cả đều là các dấu chỉ tích cực.

Hỏi: Xem ra Đức Hồng Y có một cái nhìn qúa lạc quan về Phi châu. Thật ra Phi châu có thiếu các vấn đề đâu thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Không, tôi không là người ngô nghê đâu. Tôi đang định đề cập tới các vấn đề mà Phi châu đang phải đối phó hiện nay. Bên cạnh các ánh sáng cũng có các bóng tối dầy đặc. Tôi nghĩ tới tình hình của Cộng Hòa Dân Chủ Congo, là nạn nhân sự tham lam của các lực lượng trong nước cũng như quốc tế đối với các tài nguyên thiên nhiên của nước này. Thế rồi còn có tình hình của Sudan và vùng Darfur. Chúng ta hy vọng thánh nữ Giuseppina Bakhita, là người quê quán tại vùng Darfur, che chở vùng đất này. Rồi còn có vùng Đại Hồ nữa, là vùng đất rất xinh đẹp nhưng bị xâu xé bởi các khuynh hướng chủng tộc điên khùng. Ngoài ra còn có đất nước Nigeria của tôi nữa, là nơi có dầu lửa trong vùng đồng bằng sông Niger, nhưng từ sự kiện là một phước lành nó đã biến thành sự dữ, vì là lý do gây ra chiến tranh. Giáo Hội phải làm một cái gì đó cho các tình trạng này. Và khi tôi nói tới Giáo Hội, tôi không chỉ nghĩ tới các Giám Mục, mà cũng nghĩ tới giáo dân nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có phải trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua, các nghị phụ cũng đã lên tiếng về vài vấn đề đặc biệt liên quan tới Giáo Hội tại Phi châu, như việc đương đầu với Hồi giáo, vấn đề các giáo phái và việc quay trở về với các tôn giáo cổ truyền vv...?

Đáp: Vâng, đó là những vấn đề thực thụ, nhưng không nên phóng đại. Trong vùng nam sa mạc Sahara các tương quan với Hồi giáo đã trở thành tốt đẹp hơn so với các nước quay ra Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Thế rồi nhiều khi các xung khắc giữa các tín hữu Kitô và hồi giáo được xác định bởi các cạnh tranh chính trị, thương mại và kinh tế hơn là vì các vấn đề thuần túy tôn giáo. Một tín hữu Kitô tốt lành và một tín hữu hồi tốt lành không giết người nhân danh Thiên Chúa.

Hỏi: Thế còn vấn đề các giáo phái thì sao, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn đây là một hiện tượng phổ biến. Nó phát triển là do các người làm kinh doanh hơn là do các mục sư nhiệt tình tìm đem các linh hồn về cho Chúa Giêsu. Đây là một hiện tượng đang lan tràn tại những nơi nào các tín hữu công giáo không được đào tạo vững vàng và tại những nơi nào thiếu linh mục. Tuy nhiên hiện tượng các giáo phái lan tràn không chỉ là hiện tượng liên quan tới Phi châu, mà cũng xảy ra tại các đại lục khác nữa như tại Brasil bên Mỹ châu Latinh hay tại Phi Luật Tân bên Á châu. Đó là chưa kể cả bên Âu châu giầu có và tiến bộ kỹ thuật, nơi giáo phái Thời Mới đã lôi cuốn được nhiều tín đồ. Hồi năm 1991 đã có một Công Nghị Hồng Y đặc biệt, trong đó Hồng Y Đoàn đã được mời gọi suy tư về hiện tượng này. Và một trong các giải pháp được đề nghị đó là phải săn sóc các buổi cử hành phụng vụ làm sao để chúng sinh động và được tín hữu tham dự tích cực hơn. Và lời mời gọi này vẫn còn có giá trị đối với ngày nay.
 
Hỏi: Đức Hồng Y nghĩ gì về lời tố cáo nhiều tín hữu công giáo phi châu từ bỏ Giáo Hội để trở lại với các tôn giáo cổ truyền phi châu?

Đáp: Nền văn hóa của một dân tộc không thể bị xóa bỏ được trong một thời gian ngắn. Nhưng thay vì là một vấn đề thì tôi coi các tôn giáo truyền thống phi châu như là một tài nguyên, vì chúng chứa đựng rất nhiều giá trị qúy báu như lòng kính trọng qúy mến đối với người cao niên, con cái không đẩy cha mẹ già yếu vào các nhà dưỡng lão để có thể đi ca nhạc phòng trà giải trí; việc tiếp nhận sự sống; trẻ em được coi như là phước lành chứ không phải là một vấn đề cần tránh né; thái độ tôn trọng sự thánh thiêng, ý thức về cộng đoàn; niềm tin nơi sự siêu việt của Thiên Chúa. Tất cả đều là các thái độ rất tích cực đâm rễ sâu trong tâm lòng người dân Phi châu. Khi tôi còn là chủng sinh, cha tôi tuy chưa theo Kitô giáo nhưng nhìn tôi với lòng kính trọng sâu xa vì cho tôi là người sống đời thánh hiến. Dĩ nhiên bên Phi châu có các quốc gia và giới lãnh đạo chính trị muốn phục hồi các tôn giáo cổ truyền cho các mục đích riêng của họ, nhưng đây là điều đã chỉ hữu hiệu trong thời hậu thực dân, chứ ngày nay thì không còn hữu hiệu nhiều nữa. Thế rồi cũng còn có các vụ tín hữu quay trở về với các thói quen mê tín dị đoan. Đây cũng là điều dễ hiểu thôi, vì lịch sử Kitô giáo Phi châu vẫn còn rất trẻ. Ngay tại Âu châu này là đại lục có hàng bao nhiêu thế kỷ lịch sử, thế mà trên các máy bay, tôi không thấy ghế ngồi nào mang số 13.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Phi châu là đại lục có số tín hữu và ơn gọi linh mục gia tăng mạnh nhất thế giới. Đây là một kho tàng phong phú cho Giáo Hội, nhưng cũng có các vấn đề như sự khó khăn đối với luật độc thân và nguy cơ chạy theo danh lợi và tìm tiến thân, có đúng thế không?

Đáp: Sự kiện ơn gọi linh mục và số tín hữu gia tăng khiến cho chúng tôi vui mừng, nhưng cũng cảm thấy có trách nhiệm. Bên Nigeria có một chủng viện có tới 400 chủng sinh. Một mùa ơn gọi phong phú như thế cũng đòi buộc phải có sự phân định đặc biệt nghiêm chỉnh. Các cha xứ có vai trò đặc biệt và cả các phụ nữ công giáo nữa, vì nhiều khi họ biết các vấn đề trước người khác và trước cả vị giám mục nữa. Dĩ nhiên là các gia đình đông con cũng dễ làm nảy sinh ra ơn gọi hơn. Nhưng chúng ta biết rằng bản chất con người đã bị tội tổ tông gây thương tích, vì thế nên mới xảy ra cảnh một vị trong số các tông đồ đã phản bội Chúa Giêsu, và ngày nay chúng ta không thể yêu sách là chúng ta tốt hơn các môn đệ đầu tiên của Chúa.

Liên quan tới vấn đề độc thân và ơn gọi sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng đó là các thách đố đối với mọi đại lục, chứ không phải chỉ đối với đại lục Phi châu.

Hỏi: Như là người Phi châu Đức Hồng Y có cảm tưởng gì khi ông Barack Obama, con của một người Kenya được bầu làm tân tổng thống Hoa Kỳ hiện nay?

Đáp: Đây là một biến cố lịch sử, khi chúng ta nhìn về qúa khứ của Hoa Kỳ. Người dân Mỹ đã bỏ phiếu để lựa chọn vị tân tổng thống mà không nhìn tới mầu da. Đây là điều tích cực, cả khi nó không có nghĩa là người dân chấp thuận mọi yếu tố trong chương trình của tổng thống Obama. Tôi hy vọng rằng tân tổng thống có cái nhìn tốt lành đối với đại lục quê hương của cha ông.

(Avvenire 22-11-1008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.