2008-12-01 18:00:05

Đức Thánh Cha tiếp kiến 1300 sinh viên Đại Học Parma, Italia


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các sinh viên hãy giữ quân bình giữa chiều kích cá nhân và cộng đoàn trong cuộc sống và ngài mời gọi các đại học tại Italia thực thi công cuộc cải tổ đích thực.

ĐTC đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 1-12-2008 dành cho 1.300 giáo sư và sinh viên đại học Parma, bắc Italia, nhân dịp kết thúc các buổi lễ kỷ niệm 1 ngàn năm sinh nhật của thánh Pier Damiano, tiến sĩ Hội Thánh, cựu giáo sư của Đại học này, một đại học hiện có 30 ngàn sinh viên thuộc 13 phân khoa, 1.100 giáo sư và hơn 1 ngàn nhân viên kỹ thuật hành chánh.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng: ”các thế hệ trẻ ngày này thường gặp 2 nguy cơ, phần lớn do sự phổ biến các kỹ thuật mới về tin học: một đàng là nguy cơ thấy khả năng tập trung và tập luyện tâm trí của mình ngày càng bị thu hẹp, và đàng khác là nguy cơ cô lập bản thân trong một thực tại ngày càng tiềm thể. Vì thế, chiều kích xã hội bị phân tán thành ngàn mảnh nhỏ, trong khi chiều kích bản thân bị co cụm vào mình và có xu hướng khép kín đối với những quan hệ với tha nhân và những gì khác với mình. Trái lại, Đại học, tự bản chất, sống một sự quân bình tốt đẹp giữa những sinh hoạt cá nhân và sinh hoạt cộng đoàn, giữa sự nghiên cứu và suy tư riêng, và sự chia sẻ, đối chiếu cởi mở với người khác, trong một chân trời phổ quát”.

ĐTC cũng nhắc đến một vấn đề rất thời sự tại Italia, đó là việc cải tổ các đại học. Dựa vào kinh nghiệm và giáo huấn của thánh Pier Damiano, Ngài nhắc nhở rằng: ”Những thay đổi về cơ cấu kỹ thuật chỉ thực sự hữu hiệu nếu có kèm theo một sự xét mình nghiêm túc từ phía các vị hữu trách ở mọi cấp độ, nhưng tổng quát hơn, là từ phía mỗi giáo sư, mỗi sinh viên và mỗi nhân viên kỹ thuật và hành chánh. Chúng ta biết thánh Pier Damiano rất nghiêm khắc với bản thân, và với các đan sĩ, rất đòi hỏi về kỷ luật. Vì thế, nếu ta muốn một môi trường con người tốt đẹp hơn về phẩm chất và hiệu năng, thì trước tiên mỗi người cần bắt đầu cải tổ chính mình, sửa chữa những gì có thể gây hại hoặc cản trở công ích một cách nào đó”.

Đề cập tới ý niệm tự do, ĐTC khẳng định rằng ”Giá trị của một cuộc cải tổ đại học chỉ có thể có nếu thực sự có tự do: tự do giảng dạy, tự do nghiên cứu, tự do tổ chức việc học đối với các quyền bính kinh tế và chính trị. Điều này không có nghĩa là cô lập đại học với xã hội, và cũng không có nghĩa là một sự tự qui chiếu, hoặc theo đuổi những lợi lộc riêng tư đồng thời lợi dụng tài trợ của công quĩ. Chắc chắn đó không phải là tự do Kitô giáo. Theo Tin Mừng và truyền thống của Giáo Hội, con người, cộng đoàn hoặc tổ chức tự do thực sự chính là người hoặc tổ chức hoàn toàn tương ứng với bản chất và mục đích của mình, và ơn gọi của Đại Học là huấn luyện cho con người về khoa học và văn hóa, để phát triển toàn thể cộng đồng xã hội và dân sự” (SD 1-12-2008)

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.