2008-11-26 17:03:34

Lòng tin đích thật được biểu lộ trong các hoạt động bác ái


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-11-2008

”Lòng tin đích thực là sự kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô và trở thành tình bác ái. Nó trổ sinh hoa trái của Thần Khí và được biểu lộ ra trong các hoạt động bác ái”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 26-11-2008.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy về giáo huấn của thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa nhờ lòng tin. Ngài nói: Con người không thể trở nên công chính với các hành động của riêng mình, mà chỉ trở nên công chính nhờ lòng tin khiến cho họ kết hiệp với Chúa Kitô. Lòng tin này không phải là một tư tưởng, một ý kiến hay một suy tư, nhưng là sự kết hiệp với Chúa Kitô, là việc đồng hình đồng dạng với Chúa. Nói cách khác, nếu nó đích thật, lòng tin phải trở thành tình yêu, lòng bác ái và diễn tả ra trong tình bác ái. Không có hoa trái bác ái, thì lòng tin không đích thật. Nó là lòng tin chết. Như thế chúng ta tìm thấy hai mức độ: mức độ không quan trọng của các hành động và công việc làm của chúng ta để đạt ơn cứu độ, và mức độ của sự công chính hóa nhờ lòng tin sinh hoa trái của Thần Khí. Tiếp đến Đức Thánh Cha nói tới sự lẫn lộn hai chiều kích này và các hậu qủa của nó như sau:

Việc lẫn lộn giữa hai mức độ này trong dòng lịch sử đã gây ra các hiểu lầm trong Kitô giáo. Trong bối cảnh này thật là quan trọng, khi trong thư gửi tín hữu Galát, một đàng thánh Phaolô triệt để nêu bật sự nhưng không của việc công chính hóa không do các công việc làm của chúng ta, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh trên tương quan giữa lòng tin và sự bác ái, giữa lòng tin và các công việc làm. Ngài viết: ”Quả thật trong Đức Kitô Giêsu cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Hậu qủa là một bên có các các công việc làm của ”xác thịt” là: ”dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy... ” (Gl 5,19-21): tất cả đều là các công việc làm trái nghịch với lòng tin; đàng khác là hoạt động của Thánh Thần, Đấng dưỡng nuôi cuộc sống Kitô và khơi dậy ”bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22): đây là các hoa trái của Thần Khí phát xuất từ lòng tin.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: đứng đầu danh sách các nhân đức này là bác ái, tình yêu, và nó kết thúc với tiết độ. Thật ra, Thần Khí là Tình Yêu của Chúa Cha và và Chúa Con, đổ chan hòa ơn đầu tiên của Người là tình yêu vào trong tâm lòng chúng ta (x. Rm 5,6); và để tự diễn tả một cách tràn đầy tình yêu đòi hỏi sự tự chủ. Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu tôi cũng đã đề cập tới tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con đến với chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta trong chiều sâu. Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô nói rằng khi vác gánh nặng cho nhau, tín hữu chu toàn giới răn yêu thương (x. Gl 6,2). Được nên công chính nhờ ơn lòng tin nơi Chúa Kitô chúng ta được mời gọi sống trong tình yêu của Chúa Kitô đối với tha nhân, vì vào cuối cuộc đời chúng ta sẽ bị phán xử dựa trên tiêu chuẩn này. Thánh Phaolô đã chỉ lập lại giáo huấn của Chúa Giêsu trong dụ ngôn về ngày Phán Xét sau hết, mà chúng ta đã nghe Chúa Nhật vừa qua.

Trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô nổi tiếng nhờ ”Bài Ca Đức Mến”: ”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng... Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi... ” (1 Cr 13,1.4-5). Tình yêu kitô rất đòi hỏi, vì nó nảy sinh từ tình yêu hoàn toàn của Chúa Kitô đồi với chúng ta: tình yêu đó kêu gọi chúng ta, tiếp đón chúng ta, ấp ủ chúng ta, nâng đỡ chúng ta, và tới độ hành hạ chúng ta vì nó bắt buộc chúng ta không sống cho chính mình và đóng kín trong sự ích kỷ của mình nữa, mà sống cho ”Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,15). Tình yêu của Chúa Kitô khiến cho chúng ta trở thành thụ tạo mới trong Người (x. 2 Cr 5,17), trở thành chi thể Thân Mình mầu nhiệm của Người là Giáo Hội.

Nhìn trong nhãn quan này, sự công chính hóa không do các công việc, mà thánh Phaolô rao giảng, không mâu thuẫn với lòng tin hoạt động trong tình mến. Trái lại nó đòi buộc lòng tin của chúng ta diễn tả ra trong một cuộc sống theo Thần Khí. Thường khi chúng ta thấy một sự đối kháng không có nền tảng giữa thần học của thánh Phaolô và thần học của thánh Giacôbê, là người đã viết: ”Thật thế một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” ( Gc 2,26). Thật vậy, trong khi thánh Phaolô lo chứng minh cho thấy lòng tin nơi Chúa Kitô cần thiết và đủ, thì thánh Giacôbê nhấn mạnh trên các tương quan hiệu qủa giữa lòng tin và các công việc làm (x.Gc 2,2-4). Vì thế đối với thánh Phaolô cũng như thánh Giacôbê lòng tin hoạt động trong tình mến chứng thực cho ơn nhưng không của sự công chính hóa trong Chúa Kitô. Ơn cứu rỗi lãnh nhận được trong Chúa Kitô, cần được giữ gìn và làm chứng ”với lòng kính trọng và sự run sợ. Vì chính Thiên Chúa tác động trên ý chí cũng như hành động của anh em, theo chương trình tình yêu của Người. Hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng... ”, như thánh Phaolô viết cho tín hữu Philiphê (x. Pl 2,12-14.16). Rồi Đức Thánh Cha nhắc tới các hiểu lầm của tín hữu ngày nay như sau:

Chúng ta cũng thường rơi vào cùng các hiểu lầm như cộng đoàn Côrintô xưa kia: các Kitô hữu giáo đoàn này đã nghĩ rằng nhờ lòng tin họ được trở nên công chính trong Chúa Kitô một cách nhưng không rồi, nên ”họ được phép làm mọi sự”. Họ đã nghĩ rằng và ngày nay thường khi các Kitô hữu cũng nghĩ rằng được phép tạo ra các chia rẽ trong Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô, được phép cử hành bí tích Thánh Thể mà không lo lắng cho các anh chị em túng thiếu, khát khao các đặc sủng tốt nhất mà không ý thức là chi thể của nhau vv... Các hậu qủa của một lòng tin không nhập thể trong tình yêu thật là tai hại, vì nó bị giản lược vào sự quyết định và khuynh hướng chủ quan nguy hại nhất cho chính chúng ta và cho các anh chị em khác.

Trái lại, theo thánh Phaolô chúng ta phải canh tân ý thức rằng chính vì được trở nên công chính trong Chúa Kitô, mà chúng ta không tùy thuộc chính mình nữa, nhưng đã trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, và vì thế chúng ta được mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác chúng ta với toàn cuộc sống của mình (x. 1 Cr 6,19). Chúng ta sẽ bán rẻ giá trị vô giá của sự công chính hóa, nếu đã được chuộc bằng giá máu của Chúa Kitô, mà chúng ta không tôn vinh Ngài trong thân xác mình. Thật ra đó chính là phụng vụ hữu lý và thiêng liêng, mà thánh Phaolô khuyến khích chúng ta sống: ”tiến dâng thân xác chúng ta như của lễ sống động, thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Một việc phụng vụ chỉ tiến dâng cho Chúa, mà không đồng thời trở thành việc phục vụ tha nhân, một lòng tin mà không diễn tả ra trong lòng mến, thì sẽ trở thành cái gì? Và thánh Phaolô thường đặt để các cộng đoàn của ngài trước sự phán xử sau hết, trong đó mọi người phải xuất hiện trước tòa án của Chúa Kitô, để lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác (2 Cr 5,5,19; Rm 2,16). Tư tưởng này về sự Phán Xét phải soi sáng chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Nếu nền luân lý thánh Phaolô đề nghị với chúng ta không rơi vào các hình thức vụ luân lý và còn thời sự, thì đó là vì nó luôn khởi hành từ tương quan cá nhân và tập thể với Chúa Kitô, để chảy vào trong cuộc sống theo Thần Khí. Đây là điều nòng cốt: luân lý Kitô không nảy sinh từ một hệ thống giới răn, nhưng là hiệu qủa tình bạn của chúng ta với Chúa Kitô. Tình bạn đó ảnh hưởng trên cuộc sống: nếu đích thật, thì nó nhập thể và được hiện thực trong tình yêu tha nhân. Vì thế không có sự suy sụp luân lý nào chỉ ở trong môi trường cá nhân mà thôi, vì mọi suy sụp luân lý đều đồng thời là sự suy giảm lòng tin của cá nhân và của toàn cộng đoàn.

Do đó chúng ta hãy để sự giao hòa, mà Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta trong Chúa Kitô, đến với chúng ta, hãy để cho tình yêu điên loạn của Thiên Chúa đối với chúng ta đến với chúng ta: không có ai hay có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô (x. Rm 8,39). Xác tín này trao ban cho chúng ta sức mạnh sống một cách cụ thể lòng tin hoạt động trong đức mến.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.