2008-11-18 15:11:29

Thực tại cuộc sống thánh hiến tại Italia


Phỏng vấn Linh Mục Alberto Lorenzelli, Chủ tịch Hiệp hội các bề trên cấp cao dòng nam Italia, về thực tại cuộc sống thánh hiến tại Italia

Trong các ngày đầu tháng 11 vừa qua, 180 bề trên cấp cao các dòng nam toàn nước Italia đã nhóm đại hội thường niên lần thứ 48 tại Napoli, nam Italia. Thánh lễ khai mạc đại hội đã do Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Tu Đoàn tông đồ chủ sự.

Đại hội về đề tài ”Sự phục vụ của quyền bính và đức vâng lời” đã kết thúc ngày 7-11-2008. Theo thống kê năm 2007 hiện nay Italia có tất cả 21.295 nam tu sĩ, trong đó có 18.526 vị sống tại Italia và 1.310 vị làm việc tại nước ngoài trong một cộng đoàn có liên hệ với tỉnh dòng Italia. Bên cạnh đó có 1.445 tu sĩ gốc Ý nhưng gia nhập các tỉnh dòng nước ngoài.

Vẫn theo thống kê của Hiệp hội các Bề trên cấp cao dòng nam Italia, giữa các năm 2003-2007 số ơn gọi tu sĩ giảm 12,8%; số các tập sinh giảm 31,6%: năm 2007 chỉ có 199 tập sinh; số sinh viên triết học và thần học giảm 29,6%: năm 2007 chỉ có 924 sinh viên. Tuy nhiên các sinh hoạt do các tu sĩ đảm trách vẫn sinh động. Các tu sĩ điều khiển 189 trường học với 50 ngàn học sinh, 99 trung tâm huấn nghệ, 122 trung tâm văn hóa, 53 nhà in, 58 học viện cho người tàn tật, 50 trung tâm trợ giúp các người nghiện ma túy và bệnh nhân Sida, 94 trung tâm cung cấp bữa ăn nóng cho người nghèo, 32 trung tâm tiếp đón người di cư. Số các giáo xứ do tu sĩ các dòng nam Italia điều khiển là 1.230 giáo xứ, cộng thêm 234 giáo xứ được giao đích danh cho một tu sĩ trông coi.

Phát biểu trong đại hội Linh Mục Sabatino Maiorano, Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Italia, giáo sư Đại Học Alfonsianum, nêu bật sự vâng lời đối tác không xung khắc với các bề trên, và việc thi hành quyền bính như là công tác phục vụ.

Đó cũng là ý kiến của Linh Mục Josè Ornelas Carvalho, thuộc dòng Dehoniani. Cha ghi nhận rằng: ”Trong đời sống thánh hiến, việc thi hành quyền bính đã luôn luôn được quan niệm như là sự phục vụ. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào người ta cũng tránh được sự tiêm nhiễm của các mô thức văn hóa trái nghịch. Điều định đoạt đó là sống tương quan giữa quyền bính và đức vâng lời, không phải trong viễn tượng xung đột, nhưng trong sự đối tác, vì cuộc sống huynh đệ là sự lắng nghe biết ơn và tuân phục Chúa Thánh Thần, là Đấng triệu vời các tu sĩ bước theo Chúa Kitô để rao truyền Nước Chúa. Do đó cần phải đánh giá cao ”chiều kích liên hệ” để tái trao ban lòng hăng say và sự tin tưởng cho các tương quan, rất thường khi đã trở thành mỏng manh và đầy nghi ngờ. Một cách nòng cốt, việc phục vụ của quyền bính phải được nhận thức như là việc vâng theo chương trình của Thiên Chúa. Trong qúa khứ, năng động này được tóm gọn trong việc tôn trọng những gì được viết trong các điều luật. Ngày nay cần phát triển nó như là sự trung thành sáng tạo: vâng lời là tìm kiếm, là sẵn sàng nhổ lều đời mình để cắm ở các nơi khác, là liên lỉ xuất hành, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.

Dĩ nhiên, ai thi hành việc phục vụ này không được lơ là các bổn phận của mình. Đặc biệt các Bề trên không được miễn trừ cho mình bổn phận phải lấy các quyết định mà các vị có nhiệm vụ phải làm, bởi vì nếu không tất cả mọi thành phần cộng đoàn phải đau khổ vì tình trạng vô trật tự xẩy ra. Vì thế đối tượng việc quản trị của các Bề trên phải là việc bảo đảm cho nhà Chúa lớn lên và phát triển theo ý Chúa muốn, và lo lắng cho từng thành viên trong gia đình của Chúa. Chúa đòi hỏi các bề trên phải quản trị các thiện ích của Chúa. Các bề trên không phải là chủ nhân của ai, và không được sử dụng các tài nguyên chung để phục vụ chính mình. Các vị không được bắt chước hàng lãnh đạo của của thế gian này, mà phải noi gương Chúa Giêsu, là Đấng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình. Sau cùng các Bề trên phải tạo ra bầu khí làm sao để mọi thành viên của gia đình dòng tu đều góp phần vào việc xây dựng cộng đoàn.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Alberto Lorenzelli, Chủ tịch Hiệp hội các bề trên cấp cao dòng nam Italia, về thực tại cuộc sống thánh hiến tại Italia.

Hỏi: Thưa cha Lorenzelli, thống kể của Hiệp hội Bề trên cấp cao các dòng nam Italia cho thấy sự sút giảm nhân lực trong các dòng tu. Nhưng đọc các thống kê ấy trong cái nhìn bi quan có là điều sai lầm hay không thưa cha?

Đáp: Chúng ta phải biết nhìn tình hình vượt xa hơn các con số thống kê. Vì thế, cho dù con số có giảm sút và có hiện tượng nhân lực già nua, tôi có thể nói rằng các nam tu sĩ vẫn có sức lôi cuốn người trẻ và toàn dân Chúa. Khi nêu bật quyền tối thượng, chỗ đứng cao nhất của Thiên Chúa, cuộc sống nội tâm và nền tu đức, đặc biệt trong một thế giới duy vật như thế giới ngày nay, các tu sĩ là câu trả lời sống động cho việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống của biết bao nhiêu người trẻ.

Hỏi: Tuy số nhân lực giảm sút, nhưng như cha va nói trên đây, các dòng nam Italia vẫn còn sức sinh động. Vậy thì đâu là dấu chỉ của sức sinh đng này thưa cha?

Đáp: Một trong các nét sinh động đó là cuộc sống thánh hiến vẫn tiếp tục hấp dẫn người trẻ. Ba lời khấn khiết tịnh, vâng lời - là đề tài đại hội năm nay của chúng tôi - và khó nghèo là một dấu chỉ mạnh mẽ trong một bầu không khí văn hóa mệt mỏi vì kỹ thuật, vì trào lưu tục hóa và các ý thức hệ trống rỗng. Con người của ngàn năm thứ ba, một cách ít nhiều ý thức đều nuối tiếc sự siêu việt, và trong nhiều trường hợp họ thật sự ước mong sự siêu việt. Sự siêu việt mà các tu sĩ là dấu chỉ qua ba lời khấn của họ. Trong số các bằng chứng cho sức sinh động của đời thánh hiến, còn có sự hiệp thông nữa. Cả trong trường hợp này người sống đời thánh hiến cũng đi ngược dòng đối với thế giới ghi đậm dấu vết của khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, nhưng luôn luôn có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, tìm kiếm một cuộc sống của các liên hệ đích thật, dựa trên tình yêu thương và sự trợ giúp huynh đệ.

Hỏi: Nghĩa là tình hình đời thánh hiến tại Italia không đến nỗi báo đng như một vài con số thống kê có thể khiến cho ngưi ta tin như thế?

Đáp: Dĩ nhiên không phải chúng tôi thiếu niềm hy vọng đâu. Trái lại, trong các năm qua chúng tôi đã tìm cách phản ứng lại cuộc khủng hoảng ơn gọi tu sĩ và hiện tượng già nua - là hiện tượng không chỉ liên quan tới các dòng tu, nhưng liên quan tới toàn xã hội Italia - bằng hai nỗi đam mê: đam mê đối với Chúa Kitô và đam mê đối với nhân loại. Như vậy, một đàng chúng tôi củng cố việc thường huấn tinh thần và văn hóa, để giúp các tu sĩ biết đọc ra các dấu chỉ thời đại và đồng hành với toàn thể Giáo Hội, đàng khác chúng tôi phát huy sự hiện diện của các tu sĩ trên các vùng biên giới của công tác bác ái, để sống cạnh nhân loại khổ đau.

Ở đây tôi chỉ xin đơn cử hai thí dụ: với các nhà xuất bản của mình chúng tôi đã góp phần định đoạt vào tiến trình cập nhất hóa thời hậu công đồng. Mặt khác, với nhiều cơ cấu bác ái xã hội và an sinh mà các dòng tu thường thành lập rất sớm và đi tiên phong trước đà tiến triển của xã hội, chúng tôi trợ giúp các anh chị em cần được trợ giúp một cách hữu hiệu như: đi tiên phong trong việc tiếp đón và săn sóc các bệnh nhân liệt kháng, hay tiếp đón và trợ giúp các người di cư tị nạn.

Hỏi: Thưa cha, có người cho rằng trong qúa khứ đã có các va chạm giữa hoạt động của các giáo phận với hoạt động của các dòng tu. Cha nghĩ gì về vấn đề này?

Đáp: Chúng tôi không phải là một Giáo Hội song song và chúng tôi muốn góp phần vào việc truyền giáo mới bằng cách sát nhập vào hoạt động mục vụ của các Giáo Hội địa phương và cộng tác với các Giám Mục. Trong các năm qua đã có nhiều tiến triển trong chiều hướng này. Và tôi xác tín rằng có tất cả các tiền đề giúp cải tiến sự cộng tác này hơn nữa. Cả Hiệp hội các Bề trên cấp cao dòng nam, như là tổ chức phục vụ các Bề trên cấp cao, cũng di chuyển theo hướng này.

Hỏi: Thưa cha, trong các ngày đại hội đầu tháng 11 vừa qua, các Bề trên cấp cao có thảo luận về sự vâng lời hay không. Tại sao năm nay đại hội lại chọn đề tài vâng lời? Có phải vì lời khấn vâng lời ngày nay đang gặp khủng hoảng hay không?

Đáp: Không. Không có khủng hoảng về đức vâng lời và cũng không có khủng hoảng quyền bính trong các cộng đoàn dòng tu của chúng tôi. Nhưng tài liệu của Bộ Tu Sĩ được đại hội chọn làm đề tài, cho thấy đây là lúc thuận tiện để nhấn mạnh rằng sự vâng lời là một cử chỉ của lòng tin và quyền bính cũng được thi hành qua việc khuyến khích các tu sĩ lãnh lấy trách nhiệm của mình bằng cách tôn trọng chúng, bằng cách đương đầu với sự khác biệt trong tinh thần của sự hiệp thông, với ý thức công bằng và bằng cách duy trì thế quân bình giữa các chiều kích khác nhau của đời sống thánh hiến.

(Avvenire 7-11-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.