2008-11-10 16:29:52

Bổn phận của các bác sĩ là triệt để tôn trọng phẩm giá của bệnh nhân


Một số nhận định của bác sĩ Giovanni Zaninetta, Giám đốc bệnh viện Domus Salutis tỉnh Brescia, bắc Italia, về bổn phận triệt để tôn trong phẩm giá của các bệnh nhân

Ngày 20-10-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến 300 than dự viện hội nghị toàn quốc Italia lần thứ 110 của Hội các bác sĩ giải phẫu. Ngỏ lời với các tham dự viên Đức Thánh Cha kêu gọi cải tiến quan hệ giữa các bác sĩ và bệnh nhân. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc tôn trọng phẩm giá con người đòi buộc sự tôn trọng vô điều kiện mỗi một bản vị con người, đã sinh ra hay chưa sinh ra, khỏe mạnh hay đau yếu, sống trong bất cứ điều kiện nào.

Nhắc lại đề tài của hội nghị là ”Cho một phẫu thuật tôn trọng bệnh nhân”, Đức Thánh Cha nói sứ mệnh của bác sĩ giải phẫu gồm ba mục tiêu: thứ nhất là chữa lành bệnh nhân hay ít nhất là can thiệp một cách hữu hiệu trên tật bệnh; thứ hai làm vơi các triệu chứng đau đớn đi kèm với tật bệnh, đặc biệt trong giai đoạn bệnh đã phát triển qúa nặng; và thứ ba săn sóc người bệnh trong tất cả mọi chờ mong của họ.

Trong qúa khứ người ta chỉ làm giảm đau, vì không ngăn chặn được tật bệnh phát triển. Nhưng với các tiến bộ y khoa và kỹ thuật, đặc biệt là khoa giải phẫu, ngày nay các bác sĩ có thể can thiệp vào việc ngăn chặn và chữa lành tật bệnh. Tuy nhiên người ta có nguy cơ bỏ rơi bệnh nhân, khi thấy không thể đạt các kết qủa đáng công. Nhưng ngay cả trong trường hợp này nữa, vẫn có thể giúp cho bệnh nhân bớt đau đớn, đặc biệt qua việc đồng hành với họ và cải tiến điều kiện phẩm chất cuộc sống của họ trong mức độ có thể. Không được đánh giá thấp sự kiện này, vì mỗi một bệnh nhân, cả bệnh nhân không thể chữa trị được nữa, cũng vẫn mang trong mình một giá trị vô điều kiện, một phẩm giá phải trân trọng, làm thành nền tảng không tránh được của mọi hoạt động y khoa.

Trong viễn tượng này, Đức Thánh Cha nói tiếp, cần phải cải tiến tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân. Những gì vị bác sĩ thông truyền cho bệnh nhân một cách trực tiếp hay gián tiếp, bằng lời nói hay không bằng lời nói, đều có một ảnh hưởng lớn trên bệnh nhân. Nó có thể động viên họ, nâng đỡ họ, huy động họ, và củng cố các sức lực vật lý và tinh thần của bệnh nhân, hay trái lại có thể làm suy yếu sức lực của họ hay khiến cho chúng bị tước đoạt, và như thế là giảm sự hữu hiệu của các phương thức trị liệu. Như thế cần phải nhắm tới một ”liên minh trị liệu” với bệnh nhân, làm sao để nâng đỡ niềm hy vọng trong việc tôn trọng sự thật của các dữ kiện. Hơn nữa cũng không nên quên rằng ngoài khả năng chuyên môn các bệnh nhân còn đánh giá cao các đức tính nhân bản của bác sĩ nữa. Họ muốn được bác sĩ nhìn với lòng tốt, chứ không chỉ được khám bệnh; họ muốn được lắng nghe, chứ không phải chỉ được chẩn bệnh bằng các máy móc tối tân; họ muốn trực giác được một cách chắc chắn là họ ở trong tâm trí của vị bác sĩ săn sóc họ... Nghĩa là phải coi bệnh nhân như là cộng sự viên tích cực và có tinh thần trách nhiệm đối với việc chữa trị. Và trách nhiệm nghề nghiệp của bác sĩ là phải dẫn đưa tới chỗ đề nghị một việc trị liệu nhắm thiện ích đích thật của bệnh nhân. Trong bối cảnh kỹ thuật hóa cao độ của xã hội ngày nay bệnh nhân có nguy cơ bị ”vật hóa” trong một vài mức độ nào đó. Nhân danh các đòi buộc của khoa học, kỹ thuật và tổ chức y tế, kiểu sống bình thường của họ có thể bị đảo lộn. Do đó cần phải cống hiến cho bệnh nhân một phẫu thuật thật sự tôn trọng bản vị con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bác sĩ Giovanni Zaninetta, Giám đốc bệnh viện Domus Salutis, tỉnh Brescia bắc Italia, về bổn phận triệt để tôn trong phẩm giá của các bệnh nhân. Bác sĩ là người phải thường xuyên đối đầu với các trường hợp của các bệnh nhân không thể chữa trị được nữa, nhưng vẫn phải tiếp tục săn sóc họ với tất cả sự chú ý và lương tâm nghề nghiệp.

Hỏi: Thưa bác sĩ Zaninetta, bác sĩ nghĩ gì sau khi đọc sứ đip Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi cho hội nghị toàn quốc Italia của Hội các bác sĩ giải phẫu?

Đáp: Chúng tôi có bổn phận phải luôn luôn tìm ra thế quân bình giữa sự thật và niềm hy vọng, mà không khiến cho bệnh nhân rơi vào nỗi âu lo hay ảo tưởng. Dĩ nhiên tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân phải là tương quan cộng tác và không được thiếu sót bổn phận, không được quên rằng ngoài bệnh tật ra còn có bản vị con người nữa. Nếu chỉ chú ý tới việc chữa bệnh thôi, thì có thể rơi vào nguy cơ coi thường các tình trạng không thể cải tiến được.

Hỏi: Phải săn sóc các bệnh nhân không có viễn tượng chữa lành cho họ là nhiệm vụ thường ngày của các bác sĩ. Các lời nói của Đức Thánh Cha có khích lệ và trao ban can đảm cho bác sĩ không?

Đáp: Ai săn sóc các bệnh nhân đều nhắm việc triệt để đánh gía bản vị con người, mặc dù họ bị bệnh. Các kiểu chữa trị tạm thời khác cũng không được quên rằng y khoa săn sóc người bệnh cả trong quan điểm kỹ thuật nữa: không phải chỉ cầm tay bắt mạch người bệnh, là điều vẫn hữu ích, nhưng cũng biết một số các sự hiểu biết khoa học, qua đó đạt tới việc chú ý tới sự sống sinh học của bệnh nhân trong tất cả tính cách cá nhân của họ. Nghĩa là việc tới gần bệnh nhân là một tiếp xúc toàn diện.

Hỏi: Trong tương quan giữa bác sĩ với bệnh nhân Đức Thánh Cha Biển Đức XVI yêu cầu thiết lập một ”liên minh trị liệu” đích thật, trong việc tôn trọng sự thật, và đỡ nâng niềm hy vọng”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh ảnh hưởng lớn của bác sĩ trên bệnh nhân. Nó có gia tăng trách nhiệm của bác sĩ hay không?

Đáp: Bác sĩ phải tìm ra thế quân bình giữa sự thật và niềm hy vọng để đồng hành với bệnh nhân: đây là một lộ trình khó khăn và quanh co, nhưng có thể đi được. Nó chạy giữa vực thẳm của âu lo và vực thẳm của ảo tưởng. Chúng tôi phải cùng đi với bệnh nhân trên con đường hẹp đó. Trong một tương quan quân bình người ta cho các tin tức xác thực giúp trao ban lý do cho niềm hy vọng, cả khi có là các thông tin hạn chế đi nữa. Tôi sẽ không hứa hẹn việc khỏi bệnh, mà chỉ giúp giảm đau và giúp nghỉ ngơi. Liên minh trị liệu đích thật là liên minh khiến cho bác sĩ và bệnh nhân cộng tác với nhau, mà không thiếu sót bổn phận từ phía bác sĩ đối với bệnh nhân. Thật vậy, coi sự tự lập như là giá trị duy nhất cũng như khuynh hướng ”cha chú bao cấp” y khoa là một nguy hiểm. Ngay từ điểm khởi hành tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân là một tương quan không đồng đều với nhau, vì một người đứng và một người nằm, một người khỏe và một người yếu. Nhưng cần phải đối tác với nhau chừng nào có thể trong tinh thần bình đẳng và tôn trọng những gì là thiện ích của bệnh nhân. Có lẽ có thể nói đó là thái độ cha chú một cách hòa hoãn, nghĩa là lo lắng cho bệnh nhân, nhưng không đè bẹp họ. Chỉ có một lý do duy nhất cho phép một người ở trên người khác: đó là để khiến cho họ khỏe mạnh và đi đứng trở lại được.

Hỏi: Thưa bác sĩ, nguy cơ lạm dụng kỹ thuật có thể biến bệnh nhân trở thành một đồ vật có lẽ không xảy ra đối với kiểu chữa trị tạm thời, nhưng xy ra đối với bác sĩ giải phẫu. Thế thì làm sao để có thể tránh đưc nguy cơ này?

Đáp: Tôi là một chuyên viên đánh thuốc mê, vì thế tôi biết đây là thắc mắc định đoạt đối với bác sĩ giải phẫu. Rõ ràng là hơn các người khác, vị bác sĩ giải phẫu phải đương đầu với các hiệu qủa cụ thể, vì vậy có thể gặp nguy cơ bỏ rơi bênh nhân, khi không có một giải pháp nào để đề nghị với họ. Nhưng nó cũng hiển nhiên là nơi đâu vị bác sĩ giải phẫu kết thúc công việc của mình, thì nơi đó các bác sĩ khác bắt đầu làm việc của họ. Nhiện vụ của các bác sĩ là luôn luôn đồng hành với bệnh nhân, cả khi không có các giải pháp liên tục. Còn chuyện không để cho kỹ thuật thắng thế là điều đương nhiên trong lãnh vực y khoa rồi. Dĩ nhiên là có các vần đề trên bình diện tổ chức trong guồng máy khổng lồ của y tế, nhưng vấn đề thực sự là thêm cái gì đó vào kỹ thuật, chứ không lấy mất đi những gì tốt lành của kỹ thuật.

(Avvenire 21-10-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.