2008-11-06 11:52:23

GẶP ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ QUA BÍ TÍCH GIẢI TỘI


... Tôi cảm thấy vui mừng khôn tả khi được chia sẻ với bạn điều mà Đức Chúa GIÊSU ban cho tôi qua bí tích Hòa Giải. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy hơi lo sợ, vì chia sẻ là mở một chút con tim và đời sống riêng tư ra cho người khác xem. Cùng lúc, chia sẻ đồng nghĩa với việc sẵn sàng bênh vực Đấng mà chúng ta tôn thờ và yêu mến. Vì thế, tôi xin Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Mẹ MARIA giúp tôi biết sống trong sự thật, chỉ chia sẻ cách đơn sơ ân lành tôi nhận được và không có quyền giữ cho riêng mình, bởi vì, ân lành là hồng ân nhưng không đến từ THIÊN CHÚA.

Tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo giữ đạo bình thường. Tôi được cha mẹ Rửa Tội ngay khi mới chào đời. Khi đến tuổi khôn, tôi theo học lớp giáo lý và chuẩn bị xưng tội rước lễ lần đầu. Sau đó, tôi lãnh bí tích Thêm Sức. Tôi nhớ rất rõ lần xưng tội lần đầu, hôm trước ngày rước lễ lần đầu. Tôi cảm thấy lo âu vì phải thú tội mình ra với một người, cho dù người ấy là vị Linh Mục.

Sau lần xưng tội ấy tôi tiếp tục xưng tội thường xuyên, trước các ngày lễ trọng theo niên lịch Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, tôi chỉ xưng tội vì bổn phận, để có được lương tâm bằng an, thế thôi! Cứ mỗi lần đi xưng tội, tôi đều cảm thấy lo âu. Điều khó làm nhất là tôi phải xưng thú các tội phạm lỗi điều răn thứ 6 và thứ 9, liên quan đến đức trong sạch. Bởi vì, tôi cảm thấy thật xấu hổ và không bao giờ thổ lộ với ai về các yếu đuối lỗi lầm này. Và tôi phải chiến đấu lâu lắm rồi mới có can đảm quyết định xưng thú các tội lỗi ra. Đến lúc xưng tội, tôi lại nói thật nhỏ, mà có lẽ vị Linh Mục già nặng tai không nghe rõ tất cả các tội phạm của tôi!

Cho đến một ngày, trong khi chuẩn bị nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin, lời giải thích của vị Linh Mục về bí tích Hòa Giải, đã thay đổi hẳn tâm tình tôn giáo của tôi. Ngài nói:

- Cha biết rõ giới trẻ các con thường xấu hổ về các tội phạm lỗi đức trong sạch, nên thường khi, các con dấu tội, không xưng ra mỗi khi đi xưng tội! Vậy Cha lấy một ví dụ để các con dễ hiểu. Một cánh cửa có đến 7 chốt. Nếu người ta chỉ mở có 6, còn chốt thứ 7 quá cứng không mở được, thì cánh cửa sẽ vẫn luôn luôn bị đóng, không thể nào bước vào nhà được!

Lời giải thích của vị Linh Mục giúp tôi hiểu rằng:

- Bao lâu tôi còn dấu ẩn tội phạm đè nặng lương tâm và tâm hồn, thì bấy lâu, Đức Chúa GIÊSU không thể nào bước vào tâm lòng tôi. Ngài phải đứng ngoài cửa và chờ đợi.

Từ hai năm nay, Đức Tin tôi được củng cố vững mạnh hơn, vì tôi khám phá ra:

- Đức Chúa GIÊSU KITÔ yêu thương tôi. Ngài là Đấng Hằng Sống. Chính Ngài làm cho tôi sống. Đức Tin không phải là vấn đề thuộc phạm vi bổn phận, nhưng thuộc lãnh vực con tim.

Thế là, tất cả những gì đè nặng trên con tim, tôi đều thổ lộ và xưng thú trong bí tích Giải Tội. Bí tích Hòa Giải thực sự trở thành bí tích mang lại sự sống cho linh hồn và cho Đức Tin tôi. Thật an ủi và hạnh phúc khi cảm thấy tội lỗi được tha thứ và các vết thương được một bàn tay nhân ái chữa lành.

Tuy nhiên, bạn đừng nên nghĩ: thật tủi nhục khi phải tự nhận mình là kẻ bé nhỏ, yếu đuối và bị thương trước mặt THIÊN CHÚA. Nói đúng ra, không một ai muốn phơi bày những thấp hèn cho người khác thấy. Nhưng chúng ta không nên quên rằng, Đức Chúa GIÊSU đến trần gian là để chữa lành kẻ bệnh tật và cứu vớt người tội lỗi. Và chính nhờ tâm tình khiêm tốn, tự nhận cùng xưng thú lỗi lầm mà Đức Chúa GIÊSU KITÔ tỏ lòng nhân hậu đối với chúng ta. Ngài ban ơn tha thứ và chữa lành mọi vết thương nơi tâm hồn chúng ta.

Vậy thì, hỡi bạn yêu dấu, xin bạn đừng co cụm với tội lỗi, nhưng hãy mở rộng lòng và bày tỏ với Đức Chúa GIÊSU. Ngài sẽ yêu thương và bình an của Ngài sẽ đầy tràn nơi tâm hồn bạn. Chính Ngài đã phán:

- Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái và gánh Thầy nhẹ nhàng (Matthêu 11,28-30).

Chứng từ của Hélène, tín hữu Công Giáo Pháp, 18 tuổi.

(Marie-Michel, ”Infinie sa Tendresse”, Le Sarment FAYARD, 1993, trang 55-58)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.