2008-10-14 20:29:13

Phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ XII về Lời Chúa


Mục phóng sự Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII về Lời ”Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội” tóm tắt ý chính các bài phát biểu của 4 vị đại biểu của các Giáo Hội kitô anh em.

Trước hết là bài phát biểu của mục sư Robert Welsh, Tổng thư ký và chuyên viên đại kết của các Môn đệ Chúa Kitô Hoa Kỳ. Mục sư nói đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục ”Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội” là một đề tài chính đối với toàn thể Giáo Hội. Nó gợi lên sự vâng phục, khi chúng ta lắng nghe, công bố lời Chúa và trả lời cho Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người vì yêu thương thế giới và để cứu rỗi thế giới. Mục sư Welsh nhấn mạnh trên hai điểm sau đây:

Thứ nhất, sự hiệp nhất kitô là trung tâm điểm sứ điệp của Tin Mừng; sự chia rẽ trong thân mình Chúa Kitô là một gương mù gương xấu trước mặt Thiên Chúa và thế giới. Các chia rẽ của chúng ta tại bàn tiệc Thánh Thể là một chối bỏ liên lỉ quyền năng của Thập Giá chữa lành, hòa giải và hiệp nhất mọi sự dưới đất cũng như trên trời. Vì thế tôi hy vọng Thượng Hội Đồng Giám Mục này đào sâu các suy tư liên quan tới những gì nối kết Lời Chúa, Thánh Thể và sư hiệp nhất giữa mọi kitô hữu trong thân mình Chúa Kitô.

Thứ hai, tôi hy vọng công việc và các cuộc thảo luận trong Thượng Hội Đồng Giám Mục này phân tich sâu rộng hơn những gì nối kết giữa Lời Chúa và sứ mệnh của Giáo Hội, nhất là đối với những người nghèo, người đau khổ, bị áp bức hay bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Giáo Hội của chúng tôi đã dấn thân trên con đường hiểu biết sứ mệnh dựa trên nguyên tắc hướng dẫn của sự ”hiện diện phê bình” trong một sứ mệnh đặt ưu tiên trên thừa tác vụ đối với các chi thể nghèo khổ nhất. Giáo Hội không chỉ lắng nghe họ, mà cũng đi trước để gặp gỡ họ với Lời hằng sống của Chúa trong mọi cuộc chiến đấu và chứng tá hằng ngày của niềm hy vọng trước tuyệt vọng, của sự sống trước cái chết. Sau cùng tôi cầu xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục và các suy tư về Lời Chúa không chỉ là dịp canh tân cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo, mà cũng phục vụ toàn Giáo Hội nữa, và để nó là dịp canh tân phong trào đại kết và tất cả mọi Giáo Hội trong ơn gọi chung là truyền giáo trên thế giới.

Vị thứ hai phát biểu là Đức Cha Gunnar Stalsett, nguyên Giám Mục Oslo, đại diện cho Liên hiệp Luther Thế Giới. Đức Cha nói đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục thật là có tính cách đại kết, vì nó liên lụy với mọi tôn giáo và đề ra một sứ điệp cho thế giới này. Cuộc đối thoại giữa các tín hữu công giáo Roma và các tín hữu Luther trong 30 năm qua đã góp phần vào nội dung đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục này với các vấn đề nòng cốt như giáo lý về sự công chính hóa, vai trò của thừa tác được truyền chức và bản chất của Giáo Hội. Trong Giáo Hội Luther sự phân biệt giữa Thánh Kinh như là điều luật làm ra luật và các niềm tin hay truyền thống khác của Giáo Hội như là điều luật được làm ra khiến Thánh Kinh trở thành quyền bính cuối cùng của Giáo Hội. Ba tôn giáo của Kinh Thánh là Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo bị siết chặt giữa khuynh hướng duy đời và khuynh hướng cuồng tín.

Tự do tôn giáo và tự do diễn tả là các quyền căn bản của con người. Điều này bao gồm sự kiện các kiểu diễn tả niềm tin cuồng tín cũng có chỗ trong xã hội, cả khi chúng có dẫn tới khuynh hướng giáo phái và các chia rẽ đi nữa. Nhưng khủng bố nhân danh Thiên Chúa là một đối đầu với tất cả mọi tôn giáo cũng như một bạo lực đối với Thiên Chúa.

Chỉ có sự giải thích Kinh Thánh trung thực hơn mới có thể đối chọi lại khuynh hướng cuồng tín này mà thôi. Vì thế Giáo Hội phải tiếp tục làm cho sự khoan nhượng và sự thật được quân bình. Các mục tiêu phát triển Ngàn Năm Mới, do Liên Hiệp Quốc đề ra, là một lời mời gọi mọi tín hữu thắng vượt cảnh bất công, nghèo túng, các bất bình đẳng, nạn mù chữ, nạn thất nghệp, các khổ đau trong cuộc sống của một phần lớn nhân loại ngày nay. Bệnh dịch liệt kháng đã đốn ngã hàng triệu người và có lẽ sẽ theo đuổi nhiều thế hệ nữa. Các cộng đoàn tu sĩ thuộc mọi tôn giáo, đặc biệt là các Giáo Hội và cộng đoàn công giáo địa phương, đang góp phần săn sóc và trợ giúp các bệnh nhân với tình yêu thương. Nhưng rất tiếc một vài giải thích tôn giáo cũng đưa con người tới chỗ bị thương tích. Vì thế chúng ta phải tiếp tục tìm ra các các phương cách phù hợp với lòng tin để che chở sự sống của các bệnh nhân liệt kháng trong và ngoài hôn nhân một cách tốt đẹp hơn. Nỗi âu lo và tuyệt vọng toàn cầu cũng kêu gọi toàn cầu hóa ơn cứu rỗi và niềm hy vọng. Hàng lãnh đạo tôn giáo được mời gọi thi hành chức thừa tác của hòa bình và hòa giải.

Thứ ba là bài phát biểu của Linh mục trưởng Ignatios Moysis Sotiriadis, cố vấn phái bộ đại diện Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp cạnh Liên Hiệp Âu châu. Cha nêu bật rằng Kinh Thánh là con đường của giáo Hội, Lời Chúa làm sống động mọi thời, và khi được giải thích một cách tinh tuyền theo Thánh Truyền Thống, thì nó dẫn đưa tín hữu tới Thánh Thể, hay tới sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa - Ngôi Lời. Tuy nhiên trong lịch sử Kitô giáo cũng có đầy dẫy các tội phạm, các lỗi lầm và sai trái. Vì thế cần phải hoán cải và thay đổi con tim yêu đuối của chúng ta. Xã hội đòi buộc chúng ta là các kitô: hữu công giáo, chính thống, tin lành, anh giáo phải làm chứng chung. Đó là trách nhiệm của chúng ta như là chủ chăn các Giáo Hội của thế kỷ XXI. Đó cũng là sứ mệnh đầu tiên của Giám Mục Đầu Tiên của Kitô giáo và nhất là của Đức Giáo Hoàng là Thầy dậy Thần Học: là dấu chỉ hữu hình và hiền phụ của sự hiệp nhất, dưới sự hướng dấn của Chúa Thánh Thần và theo Thánh Truyền Thống, cùng với các giám mục toàn thế giới hướng dẫn toàn nhân loại tới với Chúa Kitô Cứu Thế.

Tiếp đến là bài phát biểu của thầy Alois Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé. Liên quan tới việc thông truyền lòng tin cho người trẻ, thầy Alois bầy tỏ âu lo đối với việc trợ giúp giới trẻ liên hệ gới Giáo Hội và một cách cụ thể hơn, với các giáo xứ, cũng như cố gắng đáp ứng khát vọng tinh thần của họ khi họ tới hành hương Taizé. Làm thế nào để đón tiếp họ trong một bầu khộng khí tin tưởng để họ khám phá ra rằng Thiên Chúa đã ở trong họ, cả khi lòng tin của họ có bé nhỏ đi nữa. Thầy Roger Schutz đã tìm cách khiến cho Phụng Vụ các Giờ Kinh của cộng đoàn trở thành gần gũi hơn với giới trẻ bằng cách thức khác nhau. Chẳng hạn như khiến cho nơi cầu nguyện có bầu khí tiếp đón hơn. Chỉ đọc các văn bản kinh thánh ngắn, để dành các văn bản dài và khó hơn cho việc dậy giáo lý bên ngoài giờ cầu nguyện chung. Thế rồi duy trì các lúc thinh lặng dài sau mỗi bài đọc từ 8 tới 10 phút. Hát trong vòng vài phút cùng một câu kinh thánh hay một câu của truyền thống phụng vụ. Lo lắng làm sao để có các tu huynh và các linh mục mỗi chiều cho việc giải tội hay lắng nghe người trẻ muốn trình bầy và thổ lộ tâm tư của họ. Nhấn mạnh trên ý nghĩa và giá trị của các cử chỉ biểu tượng: chẳng hạn mỗi chiều thứ sáu các bạn trẻ đến đặt trán mình trên thánh giá Chúa để ở dưới đất, và qua cử chỉ biểu tượng này họ tín thác nơi Chúa Kitô các gánh nặng cá nhân và các khổ đau của toàn thế giới.

Tiếp đến thầy Alois nhấn mạnh trên hai thực tại nối kết các kitô hữu: thứ nhất là Lời Chúa và thứ hai là bí tích Rửa Tội. Cùng nhau lắng nghe Lời Chúa dẫn đưa chúng ta vào một sự hiệp nhất trước, có lẽ bất toàn nhưng thật sự. Và thấy Alois đề nghị cần phải cùng nhau lắng nghe Lời Chúa như thế mỗi ngày thay vì chỉ cùng nhau lắng nghe Lời Chúa vài lần trong năm.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.