2008-09-29 10:47:55

THÁNH GIOAN GIANG TỬ ĐẠO TRUNG HOA


Ông Giang sinh năm 1805 bên Trung Quốc, trong một gia đình ngoại giáo. Ông có 2 đời vợ và có cả thảy 15 người con. Nhưng rồi tất cả đều qua đời chỉ còn lại vỏn vẹn 3 người.

Buồn rầu vì thấy các con lần lượt ra đi, ông Giang cạo đầu mặc áo cà-sa và sống chay tịnh nghiêm ngặt theo tông phái Phật Giáo ”ăn chay tràng”. Ông cũng thường làm phúc bố thí giúp đỡ người nghèo. Ông là hiện thân một người Trung Hoa chân chính, ước muốn ăn ngay ở lành và thực thi đức từ-bi xả-kỷ như lời Phật dạy.

Một ngày, ông Giang tình cờ gặp một tín hữu Công Giáo. Cả hai vui vẻ chuyện trò và câu chuyện dần dần tiến đến phạm vi tôn giáo. Tín hữu Công Giáo đơn sơ trình bày giáo lý Đạo Công Giáo cho ông Giang nghe. Vui mừng vì khám phá ra một tôn giáo mới lạ, ông Giang sẵn sàng từ bỏ các thần tượng Phật Giáo và theo Kitô Giáo.

Lời nói đi đôi với hành động. Khi trở về nhà, ông Giang đập vỡ các tượng bụt thần ở trong nhà. Bỡ ngỡ trước thái độ lạ lùng của chồng, bà Giang to tiếng phản đối. Thay vì lớn tiếng đáp lời vợ hoặc lên giọng gắt gỏng bắt vợ phải câm miệng, ông Giang dịu dàng giải thích lý do. Ông nói cho vợ nghe về giáo lý Đạo Công Giáo. Dĩ nhiên bà Giang không thể hiểu ngay giáo lý cao cả của Kitô Giáo. Bà càng to tiếng chửi rủa hơn nữa. Nhưng sau cùng ông Giang thành công. Ông thuyết phục vợ và làm cho vợ tin theo Đạo Công Giáo giống y như mình.

Lòng nhiệt thành tin theo Kitô Giáo của ông Giang đã khiến Cha Jean Pierre Néel (1832-1862), người Pháp, Linh Mục Hội Thừa Sai Paris, sẵn sàng ban bí tích Rửa Tội cho ông. Ông Giang cùng với vợ và 3 người con gia nhập Giáo Hội Công-Giáo duy-nhất thánh-thiện và tông-truyền. Ông chọn tên thánh là Gioan, Vị Tông Đồ dấu ái của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Vào ngày hồng phúc ấy, ông Gioan Giang đâu ngờ rằng Phép Rửa Tội đưa ông vào Đạo Công Giáo cũng là con đường dẫn ông đến ân lành tử đạo sau này.

Tháng 2 năm 1862, ông Gioan Giang bị bắt cùng với Cha Jean Pierre Néel và 2 tín hữu Công Giáo Trung Hoa khác. Trên đường bị dẫn ra tỉnh, bà con cùng bạn bè đi theo và dụ dỗ ông Giang bỏ Đạo. Họ nói:

- Anh chỉ cần nói một câu chối Đạo thôi, thì được thả. Một khi tự do rồi, nếu muốn, anh lại tôn thờ THIÊN CHÚA như trước, đâu có sao!

Ông Gioan Giang cương quyết trả lời:

- Cha linh hồn tôi chắc chắn sẽ bị giết vì Đạo. Tôi cũng vậy. Tôi sẽ không bao giờ từ chối chết vì Đạo!

Hoặc ông nói:

- Cha linh hồn tôi không sợ chết, nên tôi sẽ cùng chết với ngài!

Tại pháp trường, những người ngoại giáo cùng làng với Ông Giang tìm lời dụ dỗ lần cuối. Họ nói:

- Bác chối Đạo đi thì chúng tôi sẽ cho bác ruộng đất để cày cấy và ngôi nhà mới để thay thế ngôi nhà cũ kỹ của bác.

Ông Gioan Giang trả lời:

- Dù có bị giết hay không, tôi cũng không bao giờ chối Đạo. Vã lại tôi đâu có mơ ước ruộng đất của anh chị em. Và ngôi nhà của gia đình tôi vẫn còn tốt mà! Tôi không mơ ước điều gì khác ngoài của cải châu báu vô giá vĩnh cửu ở trên Thiên Đàng!

Ông Gioan Giang bị giết vì Đức Tin Công Giáo năm 1862, hưởng dương 52 tuổi.

Chúa Nhật 1-10-2000 trong khung cảnh Đại Năm Thánh Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) nâng ông Gioan Giang lên hàng hiển thánh cùng với 119 Vị Tử Đạo Trung Hoa khác.

... ”Hỡi những người con trung hiếu, hãy lắng nghe lời ta. Hãy nên như cây hồng lớn lên bên dòng nưc, như cây hương ta mùi thơm ngào ngt, như cây huệ trổ bông. Hãy đồng thanh cất tiếng hát lên một bài ca. Hãy ngợi khen THIÊN CHÚA vì mọi việc Người làm. Hãy tán dương danh Chúa, ngợi khen chúc tụng Người. Hãy đàn ca mà dâng lời cảm tạ. Mọi việc THIÊN CHÚA làm đều hoàn toàn tốt đẹp. Mỗi mệnh lệnh Người ban sẽ đưc thi hành đúng thi đúng lúc .. Người chỉ phán một lời là nước dồn thành khối. Người chỉ nói một câu là nước trữ vào bồn .. Công việc của phàm nhân tất cả đều diễn ra trước mặt Người. Lẫn tránh sao cho Người khỏi thấy là chuyện không thể được. Từ muôn thư cho đến muôn đi Người nhìn thấy tất cả .. Phúc lành của THIÊN CHÚA trào ra như dòng sông, chan hòa mặt đt như nước lũ” (Sách Huấn Ca 39,13-22).

(Adrien Launay, ”Les 35 Vénérables Serviteurs de Dieu”, Paris, 1907, trang 145)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.