2008-09-23 12:10:49

NIỀM VUI SỐNG CỦA THANH NIÊN TÀN TẬT PHÁP


Guillaume Guérinieau là thanh niên tàn tật Pháp. Anh không sử dụng được tứ chi, cũng như ngôn ngữ. Anh phải luôn ngồi xe lăn. Nhưng nơi anh lan tỏa niềm vui sống và có rất nhiều bạn bè. Ai tiếp xúc với anh đều tỏ ra quí mến anh. Sau đây là chứng từ của bà Léonne, hiền mẫu anh Guillaume.

Câu chuyện bắt đầu ngay khi Guillaume lọt lòng mẹ. Tôi nhớ mình thấy con nằm bất động như chết. Tôi tự nhủ:

- Hoặc bé sẽ chết hoặc bé sẽ tàn tật suốt đời!

Tuy nhiên, điều đánh động tôi nhất chính là cái nhìn tuyệt điệu phi thường của bé. Thật thế, Guillaume bị hôn mê trong vòng một tháng trời. Vị bác sĩ nói với chúng tôi:

- Ông bà biết không, tốt hơn là để cho bé chết!

Xin thú thật với quí vị rằng, lời nói và thái độ của giới y tế trong những giờ phút khó khăn ấy thật vô tình, vô nhân!

Sau cùng, Guillaume ra khỏi tình trạng hôn mê. Sức khoẻ bé không sáng sủa nhưng cũng không tồi tệ lắm, như lời các bác sĩ tiên đoán. Từ đó đến nay ròng rã 26 năm trôi qua, Guillaume sống với chúng tôi. Guillaume bị cái gọi là tê liệt thần kinh não bộ. Thế nhưng, ngoại trừ chứng tàn tật kém may mắn ấy, Guillaume đối với chúng tôi là một người con luôn tươi cười, hết sức sống động mà chúng tôi không ngừng khám phá ra, ngay từ khi Guillaume còn nằm ngửa, mới 2 tháng!

Với thời gian, tôi thiết nghĩ, điều khích động tôi nhất có lẽ chỉ vì, trong tư cách người mẹ, tôi nhất quyết không buông tay đầu hàng. Tôi chiến đấu cho lý do sống còn của con. Một điều may mắn khác, đó là chúng tôi giữ trẻ và các trẻ này mang lại cho Guillaume một hỗ trợ bao la, cũng như Guillaume hết lòng gắn bó với các trẻ ấy. Tôi nhớ đặc biệt đến một bé gái, luôn tháp tùng chơi chung với Guillaume cho đến năm 4 tuổi. Chúng như hai anh em ruột. Cho đến khi lên 5 tuổi, chúng tôi phải gởi Guillaume đến trường. Nói là gởi đến trường, nghe thật trịnh trọng. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi lẽ chúng tôi phải lặn lội tìm cho ra các viện dành riêng cho các trẻ em tàn tật, thích ứng với mức độ tàn tật trầm trọng của Guillaume. Từ 5 đến 16 tuổi, Guillaume phải sống trong các viện tàn tật.

Mặc dầu không sử dụng được ngôn ngữ, cũng không ra hiệu được bằng hai tay, nhưng Guillaume vẫn tìm cách thông truyền tư tưởng và diễn tả tâm tình với các bậc giáo dục cũng như bạn bè sống chung quanh. Có lẽ đây là lý do khiến Guillaume luôn được vui tươi và hạnh phúc. Guillaume biết lôi kéo sự chú ý của những ai đến gần mình.

Thế rồi một vấn đề nan giải đặt ra. Đa số các viện giáo dục trẻ tàn tật chỉ nhận trẻ vị thành niên. Đến tuổi trưởng thành 18 tuổi, chúng tôi phải đưa Guillaume trở lại gia đình. Chính lúc này đây, nảy sinh nơi tôi ý tưởng mở một trung tâm tiếp đón người tàn tật trong vùng. Khi đưa ý kiến ra thảo luận với các phụ huynh và bạn bè, chúng tôi đi đến chỗ thành lập hiệp hội ”Tàn Tật Hy Vọng”.

Hiệp hội ra đời năm 1990 và quy tụ khoảng 300 thành viên. 7 năm sau, hiệp hội chính thức cho xây cất trung tâm tiếp đón người tàn tật tại thành phố Coex, miền Trung nước Pháp. Đối với tôi, Guillaume là nhân tố chính thúc đẩy mọi người ra tay chung xây trung tâm ”Tàn Tật Hy Vọng”.

Guillaume luôn lôi kéo sự chú ý của người sống chung quanh. Ngoài ra Guillaume thật may mắn vì nhận sự hỗ trợ tinh thần của vị Linh Mục, bạn thân của gia đình. Cha tên Jean-Yves Poulailleau. Ngài cũng là chủ tịch hiệp hội của chúng tôi.

Nếu có ai thắc mắc hỏi tôi làm thế nào để thông truyền tư tưởng với một người không sử dụng được ngôn ngữ và tứ chi, tôi xin thành thật trả lời:

- Không có gì khó cả! Mọi chuyện xảy ra thật bình thường như cuộc sống của bao người bình thường khác. Giữa Guillaume và tôi, chúng tôi trao đổi tư tưởng và tâm tình bằng ánh mắt, nụ cười và một vài cử động vô cùng bé nhỏ. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đủ làm chúng tôi hiểu nhau và yêu thương nhau thật tình.

... ”Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự THIÊN CHÚA, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn đ đón chịu thử thách. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đi, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đ con. Đưng con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người” (Sách Huấn Ca 2,1-6).

(”Annales d'Issoudun”, Juillet+Aout/2000, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.