2008-09-22 16:10:55

Hiện tình tự do tôn giáo trên thế giới


Phỏng vấn bà Elvira Zito, thuộc văn phòng báo chí của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, về hiện tình tự do tôn giáo trên thế giới

Từ mấy tuần qua các hãng thông tấn công giáo như Asianews đã liên tục đưa tin liên quan tới làn sóng bạo lực và các vụ bách hại chống lại các tín hữu Kitô trong bang Orisssa bên Ấn Độ. Các lực lượng ấn giáo cuồng tín đã tấn công các cộng đoàn Kitô tại Kandhamal, khiến cho 45 người chết, 5 người mất tích, hơn 18.000 người bị thương và hơn 50.000 người phải chạy trốn vào rừng hay chạy đến các trại tị nạn. Đã có 56 nhà thờ, 11 trường học, 4 trụ sở của các tổ chức phi chính quyền bị phá hủy.

Các tín đồ ấn giáo cuồng tín đã tấn công 300 làng và đốt phát 4.000 căn nhà của các Kitô hữu. Hiện nay 40.000 người còn phải lẩn trốn trong rừng, 12.000 người khác tạm tá túc trong các trai tị nạn. Họ thiếu thực phẩm, nước uống, thuốc men và quần áo.

Các vụ tấn công và bách hại Kitô hữu đã bắt đầu chiều ngày 23-8-2008, sau khi lãnh tụ ấn Giáo Swami Laxmanananda Saraswati và 5 đệ tử bị du kích quân mao trạch đông ám sát. Một nhóm tín hữu ấn giáo đã chặn xe chở hai nữ tu dòng Máu Rất Thánh Chúa Giêsu Kitô, bắt các chị xuống xe, rồi họ hành hung tài xế và đốt xe. Một xe khác chở các nữ tu cũng bị đốt gần Ainthapally trong tỉnh Sampalpur. Sáng ngày 24-8-2008 nhiều nhà thờ công giáo đã bị tấn công. Vào ban chiều trung tâm xã hội Jan Vikas của Tổng giáo phận Cuttack Bhubaneswar bị đốt phá. Trung tâm mục vu Divya và nhà xứ Baliguda trong tỉnh Kandhamal cũng bị đốt. Nhà thờ công giáo Kanjamedi và ba nhà thờ khác trong vùng cũng bị đập phá. Một nũ tu làm việc tại trung tâm xã hội Nuagaon trong tỉnh Kandhamal bị hãm hiếp, và các người ấn giáo cuồng tín đốt trung tâm. Sáng ngày 25 tháng 8 vài đồ đệ của Saraswati tấn công nhà thờ công giáo Phulbani làm cho nhà thờ bị hư hại nặng. Họ cũng tấn công tòa giám mục Bhubaneswar bằng đá gạch và làm bể nhiều cửa sổ. Họ cũng hành hung và gây thương tích nặng cho ông Jamai Pariccha, giám đốc tổ chức trợ giúp xã hội Gramya Pragati, và một giáo sư công giáo khác là ông Puren Nayak. Vào ban chiều họ giết chết chị Rafani Majhi, một nữ giáo dân thừa sai, khi chị tìm cách cứu các trẻ em mồ côi của viện mồ côi Bargarh, rồi họ thiêu sống một tín hữu và đánh trọng thương một linh mục làm việc tại đây. Linh Mục Thomas Callan, giám đốc trung tâm xã hội Kanjimendi và nữ tu Meena cũng bị thương nặng, khi trung tâm này bị tấn công. Giáo xứ Sankrakhol cũng bị tấn công, nhưng cha xứ Alexandar Chandi may mắn thoát được và trốn vào rừng. Trên đường đi thăm một linh mục khác bị thương, cha Bernard Digai cũng bị một nhóm tín hữu ấn cuồng tín chặn đường, bắt cha xuống khỏi xe díp và đốt xe của cha. Hôm sau đó cha lại bị hành hung và phải vào nhà thương. Tu viện thánh Giuse cũng bị tấn công và các nữ tu đã phải chạy trốn vào rừng. Ban tối cùng ngày 17 nhà của các Kitô hữu làng Raikia bị cướp phá.

Ngày 25-8-2008 đã có 4 nhà thờ công giáo và tin lành bị tấn công. Trong quận Bargarh một nhóm 2000 tín hữu ấn cuồng tín đã tấn công và tàn phá mhiều nhà thờ và đánh đập đã man các linh mục và tu sĩ. Cha Edward Sequira bị đánh trọng thương. Tại làng Tiangia đã có một tín hữu công giáo là anh Vikram Nayak đã bị đánh tử thương, và nhiều nhà của Kitô hữu bị đốt phá. Trong khi tại Raikia có ba tín hữu bị chết ngạt, khi nhà của họ bị đốt. Ngày 26 tháng 8 tai làng Tingia cũng có ba tín hữu khác bị chết ngạt khi nhà của họ bị đốt. Nhà thờ làng Badimunda và nhà của 5 giáo dân cũng bị đốt. Hai cha Simon Laksa dòng Ngôi Lời, và cha Xavier Tirkey dòng Tên, bị bắt và bị đánh đập, nhưng sau đó chạy thoát được.

Các vụ tấn kích và bách hại Kitô hữu trong bang Orissa chẳng những đã không giảm mà còn lan sang các bang khác như Kerala, và tại bang Karnataka tình hình cũng rất căng thẳng. Sau các ngày giới nghiêm và tình trạng khẩn trương tối ngày 15-9-2008, 500 tín hữu ấn giáo cuồng tín đã tấn công một trạm cảnh sát và đốt nhiều xe tại Kandhamal. Đã có một cảnh sát bị chết. Vụ tấn công này có lẽ là nhắm trả thù cảnh sát trong các ngày qua đã bắn vào các người ấn để ngăn cản họ đốt nhà của các Kitô hữu tại Krutamgarh. Linh Mục Dibyasingh Parichha, phát ngôn viên của giáo phận Cuttack-Bhubaneswar cho biết hôm 14 tháng 9 đã có 12 nhà của Kitô hữu trong làng Makabali bị đốt, một nhà tại Debari, và một nhà khác tại Murudikupuda. Và ngày 15 tháng 9 tại Raikia đã có một Kitô hữu bị giết.

Đêm 14 rạng ngày 15 tháng 9 vườn trẻ công giáo Jaya Mata, thuộc quận Kasardoge bang Kerala, đã bị tấn công. Một phòng của vườn trẻ này đang được dùng làm nhà nguyện tạm vì nhà thờ giáo xứ đang được tu sửa. Sáng ra cha Antony Punnoor đã tìm thấy cửa và các kính cửa sổ vườn trẻ bị đập bể, tượng Đức Mẹ bị đá ném hư hại.

Riêng tại Mangalore trong bang Karnataka ngày 14-9-2008 đã có 20 nhà thờ bị các tín hữu ấn cuồng tín của nhóm Sangh Parivar cướp phá. Họ vu khống các Kitô hữu là chiêu dụ tín đồ ấn giáo. Các Kitô hữu đã biểu tình phản đối cảnh sát địa phương đã không làm gì để che chở các nơi thờ tự Kitô. Ngoài ra Hội đồng Kitô giáo Ấn Độ có trụ sở tại Bangalore trong bang Karnataka đã tố cáo cảnh sát đánh đập các Kitô hữu.

Ngày 17 tháng 9 một nhóm vũ trang đã tấn công tu viện nữ Cát Minh Banduha tại Ujjain trong bang Madya Pradesh. Tại Ujire trong bang Karnataka nhà thờ công giáo Siro thánh George bị đốt phá và tượng Đức Mẹ Lộ Đức tại Kolar cũng bị phá hủy.

Đức Hồng Y Varkey Vithayathil, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã mạnh mẽ lên án các hành động bạo lực bách hại Kitô hữu. Đức Hồng Y nói có ”các quyền lực đen tối xúi bẩy các nhóm tội phạm này bách hại Giáo Hội và tìm cách loại trừ Kitô giáo khỏi quê hương Ấn Độ yêu dấu của chúng tôi”. Sự thù ghét các Kitô hữu có các lý do bất khoan nhượng tôn giáo và văn hóa, nhưng nhất là các lý do chính trị, vì các quyền lực đen tối này là các nhóm ái quốc qúa khích ”Hindutva” muốn loại trừ Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số. Họ coi Kitô giáo là một nguy hiểm cho hệ thống phân chia giai cấp trong xã hội Ấn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà bà Elvira Zito, thuộc văn phòng báo chí của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ, về hiện tình tự do tôn giáo trên thế giới. Từ nhiều năm qua hàng năm tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội Đau Khổ vẫn công bố tài liệu duyệt xét tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Tài liệu năm nay sẽ được phổ biến trong mùa thu này.

Tại các nước như Afghanistan, A Rập Sauđi, Trung Quốc, Đảo Chypre, Bắc Hàn, Mauritania, Nigeria, Sudan và Yemen, không có tự do tôn giáo. Tại các nước khác như Albania, Algeria, Bangladesh, Campuchia, Colombia, Cuba, Ai Cập, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Indonesia, Irak, Kosovo, Libăng, Myanmar, Oman, Pakistan, Somalia, Sri Lanka, các vùng đất của người Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam, tự do tôn giáo rất bị giới hạn. Trong khi tôn giáo bị giới hạn tại các nước Angola, Bahrein, Bielorussia, Bosni Erzegovina, Burundi, các Vương quốc A Rập, Giordania, Ian, đảo Mauritius, Israel, Kenya, Kuweit, Libia, Marốc, Mehicô, Qatar, Ruanda, Nga, Serbia Montenegro, Siria và Tunisia.

Hỏi: Thưa bà Elvira, đâu là nhng vùng trong đó Kitô hữu gặp nhiều nguy cơ bị bách hại nhất trên thế giới hiện nay?

Đáp: Các vùng có nhiều nguy cơ bạo lực chống lại các tín hữu Kitô nhất là các vùng hồi giáo, đặc biệt tại những nơi xảy ra tình trạng chiến tranh bạo lực như bên Irak. Thế rồi còn có các vụ xảy ra trên đảo Mindanao bên Phi Luật Tân, nơi du kích quân hồi giáo và mao trạch đông thường xuyên tấn công các Kitô hữu. Đặc biệt trong các ngày này các vụ tấn công Kitô hữu đã rất là mạnh mẽ trong bang Orissa bên Ấn Độ. Tại đây hồi Giáng Sinh năm 2007 các Kitô hữu đã là nạn nhận của bạo lực bách hại nghiêm trọng đến độ báo chí đã gọi đó là ”Giáng Sinh đẫm máu”. Phong trào Ấn giáo cuồng tín lan tràn mạnh mẽ tại Ấn và là điểm tiêu cực trong bản tường trình hằng năm của tổ chức Trợ Giúp các Giáo Hội Đau Khổ liên quan tới tự do tôn giáo trên thế giới. Trong các năm qua bản tường trình cũng ghi nhận tiến trình từ từ đưa ra các luật lệ chống việc theo các đạo khác với Ấn giáo trong nhiều tiểu bang của Liên Bang Ấn.
 
Hỏi: Thưa bà, đâu là các nưc đã xảy ra các vụ tấn công đẫm máu nhất chống lại các Kitô hữu?

Đáp: Ngoài các nước Irak, Phi Luật Tân và Ấn Độ như đã kể trên đây đặc biệt còn có vùng Darfur bên Sudan. Tại đây chính quyền hồi giáo bách hại dân chúng địa phương đa số theo Hồi giáo, mặc dù không bị A rập hóa. Và trong số các người bị chính quyền hồi giáo bách hại có cả các Kitô hữu. Bên Phi châu còn có nước Nigeria là nơi đã xảy ra nhiều bạo lực chống lại các Kitô hữu và nhằm cưỡng bách họ theo Hồi giáo.

Hỏi: Thưa bà Elvira, trên đây bà đã ghi nhận sự kiện tại nhiều bang bên Ấn Độ chính quyền đã đưa ra các luật lệ cấm không được theo các tôn giáo khác ngoài Ấn giáo. Trên thế giới hiện nay đâu là nhng vùng nơi các Kitô hữu gặp khó khăn với vì các luật lệ do chính quyền đưa ra?

Đáp: Đây là yếu tố đặc thù của tất cả những vùng có đa số dân theo Hồi giáo. Tại các nơi như thế tín hữu không hồi giáo thường xuyên bị thiệt thòi vì thuộc tôn giáo thiểu số, ngay cả trong công ăn việc làm. Vì là Kitô hữu hữu nên họ bị loại bỏ, không được chấp nhận trong một số công việc. Liên quan tới các bối cảnh tư pháp và luật lệ chống lại các Kitô hữu cần phải nhắc tới các nước như Trung Quốc Bắc Hàn là các quốc gia thẳng tay đàn áp tôn giáo, cho tới độ trực tiếp can thiệp vào cuộc sống của Giáo Hội, chẳng hạn như can thiệp vào việc chỉ định các Giám Mục.

Hỏi: Thưa bà Elvira trong các tháng qua tình hình tự do tôn giáo đã trở nên tồi tệ nhất tại những nơi nào trên thế giới?

Đáp: Chắc chắn là tại Ấn Độ và Bắc Hàn, nơi xem ra có vài cởi mở đối với các hoạt động bác ái của một vài tôn giáo. Nhưng thật ra tất cả đã chỉ là ảo tưởng. Tại Trung Quốc, ngay trong thời gian Thế Vận Hội nhà nước Bắc Kinh lo sợ các vụ phản đối nên đã đưa ra các biện pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt, chứng minh cho thấy thực sự không có tự do tôn giáo.

Một thí dụ khác là trường hợp của Venezuela. Tại Venezuela qua các thư mục vụ, Hội Đồng Giám Mục nước này đã tố cáo các lập trường cứng nhắc của chính phủ của tổng thống Chavez đối với Giáo Hội công giáo.

(Avvenire 5.9-9-2009 ASIANEWS 15.16.17-9-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.