2008-09-03 17:05:07

Đức Thánh Cha tiếp kiến hơn 8 ngàn tín hu hành hương


VATICAN. Sáng 3-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến chung hơn 8 ngàn tín hữu hành hương và nói với họ về cuộc trở lại của Thánh Phaolô Tông Đồ.

ĐTC đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo về Vatican để bắt đầu buổi tiếp kiến lúc 10 giờ 30. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có hơn 20 GM các nước. Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, ngài nói:

”Anh chị em thân mến, bài huấn giáo hôm nay nói về cuộc trở lại của thánh Phaolô. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca kể lại cho chúng ta giai thoại bi thảm trên đường tới thành Damas đã biến đổi Phaolô từ một người hăng say bách hại Giáo Hội trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Qua các thư, Phaolô mô tả kinh nghiệm của ngài, không phải như một cuộc hoán cải, nhưng đúng hơn như một lời kêu gọi làm tông đồ và thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Trước tiên, đây là một cuộc gặp gỡ, không phải với những ý niệm hay ý tưởng, nhưng với chính con người của Chúa Giêsu. Thực vậy, Phaolo đã gặp gỡ không phải Chúa Giêsu lịch sử của quá khứ, nhưng là Chúa Kitô hằng sống, Đấng tỏ mình ra là Vị Cứu Thế và là Chúa. Cũng vậy, động lực tối hậu làm cho chúng ta hoán cải không phải là những lý thuyết triết học bí truyền, cũng không phải là những bộ luật luân lý trừu tượng, nhưng là chính Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Chỉ có Chúa mới xác định căn tính của chúng ta như Kitô hữu, vì trong Ngài chúng ta khám phá ý nghĩa tối hậu của đời sống chúng ta. Thánh Phaolô, vì được Chúa Kitô biến thành người thuộc về Chúa, nên không thể không rao giảng Tin Mừng mà thánh nhân đã nhận lãnh (1 Cor 9,16). Đối với chúng ta cũng vậy. Được sự cao của Đấng Cứu Thế thu hút, giống như thánh Phaolô, chúng ta không thể không nói với tha nhân về Chúa. Ước gì chúng ta luôn thi hành điều đó với một xác tín đầy vui tươi.”
Trên đây là ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng được ngài trình bày bằng các thứ tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan.

Trước đó, trong bài huấn dụ bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày chi tiết hơn đề tài của bài giáo lý. Ngài giải thích về hai nguồn mạch nói về biến cố thánh Phaolô gặp trên đường Damas trong những năm 30 của thế kỷ thứ I. Trước tiên là các trình thuật của thánh Luca, 3 lần thánh nhân kể lại biến cố này trong sách Tông Đồ Công Vụ (9,1-19; 22,3-21; 26,4-23). Các trình thuật đó có nhiều chi tiết, nhưng tất cả đều qui về một biến cố trọng tâm này là: Chúa Kitô phục sinh hiện ra như một ánh sáng rạng ngời và ngài nói với Saulo, biến đổi tư tưởng và chính cuộc sống của ông. Ánh sáng rạng ngời của Chúa phục sinh làm cho ông bị mù: và thế là thực tại nội tâm của ông được biểu lộ ra bên ngoài, thực tại ấy là sự mù quáng đối với chân lý, đối với ánh sáng là Chúa Kitô. Tiếp đến là lời thưa 'xin vâng' chung kết của ông đối với Chúa Kitô trong phép rửa đã mở mắt cho ông, làm cho ông thấy sự thực.
Nguồn mạch thứ hai nói về cuộc trở lại của thánh Phaolô là các thư của thánh nhân. Ngài không hề nói chi tiết về biến cố này, có lẽ vì mọi người đã biết câu chuyện. Tuy không nói chi tiết nhưng thánh Phaolo nhiều lần nhắc đến biến cố rất quan trọng này, đó là chính ngài là chứng nhân về sự phục sinh của Chúa Giêsu, đã đón nhận trực tiếp từ Chúa mạc khải ấy, cùng với sứ mạng làm tông đồ. Văn bản rõ ràng nhất về điểm này ở trong trình thuật của thánh nhân về trọng tâm lịch sử cứu độ: đó là sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu và những lần Chúa hiện ra với các nhân chứng (cf 1 Cor 15). Thánh Phaolô nói rằng mình là người ”cuối cùng được Chúa phục sinh hiện ra” (1 Cor 15,8), qua đó ngài cho thấy đó là nền tảng sứ vụ tông đồ và cuộc sống mới của ngài. Ngoài ra có đoạn rất phổ biến trong thư gửi tín hữu Galát (1,15-17): ”Nhưng khi Đấng đã chọn tôi ngay từ lòng mẹ và gọi tôi bằng ân sủng của Ngài, Ngài đã muốn tỏ cho tôi Con của Ngài để tôi loan báo giữa dân ngoại, tức khắc, không tham khảo người nào, không đi tới Jerusalem nơi các vị đã là tông đồ trước tôi, tôi đến Arabia rồi trở về Damas”. Trong bài 'tự biện hộ' này, thánh Phaolô quyết liệt nhấn mạnh mình cũng là chứng nhân đích thực của Chúa Phục Sinh, có sứ mạng riêng đã nhận lãnh trực tiếp từ Chúa Sống Lại.

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúng ta có thể thấy hai nguồn mạch ấy,- sách Tông Đồ Công Vụ và các thư của thánh Phaolô”,- đều đồng qui vào một điểm căn bản: đó là chính Chúa Phục Sinh nói với Phaolô, đã gọi thánh nhân làm tông đồ, và đã biến Phaolô thành Tông Đồ đích thực, chứng nhân về sự phục sinh, với trách vụ đặc biệt là rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, cho thế giới Hy La. Đồng thời Phaolô cũng học biết rằng mặc dù có liên hệ trực tiếp với Chúa Phục Sinh, mình phải bước vào cộng đồng hiệp thông của Giáo Hội, phải chịu phép rửa, phải sống hòa hợp với các tông đồ khác. Chỉ trong niềm hiệp thông với tất cả mà thánh nhân có thể là tông đồ thực sự, như ngài đã viết trong thư thứ I gửi tín hữu Corinto: ”Cả tôi cũng như họ chúng tôi đều rao giảng và chúng tôi đã tin như thế” (15,11). Chỉ có một sự rao giảng về Chúa Phục Sinh vì chỉ có một Chúa Kitô.

ĐTC cũng bác bỏ mọi giải thích tâm lý về cuộc hoán cải của Thánh Phaolô và nhấn mạnh rằng chỉ có cuộc gặp gỡ mạnh mẽ với Chúa Kitô mới là chìa khóa giải thích cuộc trở lại của thánh Phaolô. Cuộc gặp gỡ ấy có một cuộc đổi mới thực sự, đến độ điều mà trước kia đối với thánh nhân là thiết yếu và cơ bản, nay trở thành ”rơm rác”, không phải là một thắng lợi, nhưng là một sự thua thiệt, vì từ nay chỉ có cuộc sống trong Chúa Kitô mới đáng kể.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Kitô, qua việc đọc Kinh Thánh, trong kinh nguyện, trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Chúng ta có thể chạm đến trái tim của Chúa Kitô, cảm thấy ngài động đến trái tim chúng ta. Chỉ trong quan hệ bản thân như thế với Chúa Kitô, chỉ trong cuộc gặp gỡ như thế với Đấng Phục Sinh, chúng ta mới thực sự trở thành Kitô hữu. Và như thế, trí khôn chúng ta mở ra, tất cả sự khôn ngoan của Chúa Kitô mở ra cùng với tất cả sự phong phú của chân lý. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng chúng ta để ngài ban cho chúng ta trong thế giới này một cuộc gặp gỡ sự hiện diện của ngài: xin CHúa ban cho chúng ta một đức tin sinh động, một con tim cởi mở, một tình bác ái bao la đối với mọi người, có khả năng canh tân thế giới.”

Chào thăm

 
Trong phần chào thăm các phái đoàn tín hữu hành hương sau khi tên của họ được giới thiệu lên ĐTC, ngài đặc biệt nhắc đến các nữ tu dòng thừa sai Nữ Tỳ Thánh Linh và một nhóm các trẻ em giúp lễ người Malta đang phục vụ tại Đền thờ Thánh Phêrô; bằng tiếng Đức ngài nhắ đến đông đảo các ca đoàn thuộc giáo phận Eichstaet do Đức GM giáo phận hướng dẫn. ĐTC nói: ”Trong năm Thánh Phaolô này, tôi mời gọi anh chị em hãy bước theo vết của vị Đại Tông Đồ, đọc và suy niệm các thư của thánh nhân và viếng thăm các nơi tại Roma này đã ghi vết tích của thánh Phaolô.

Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc Giáo Xứ Chúa Phục Sinh ở Madrid, xứ thánh Phaolô Tông Đồ ở Managua thủ đô Nicaragua.

Với các tín hữu hành hương nói tiếng Ý, ĐTC nhắc đến các con cái tinh thần nam nữ của thánh Luigi Orione và các thừa sai thuộc Hội truyền giáo Hải ngoại Milano, gọi tắt là Pime. Ngài cầu mong rằng cuộc hành hương tại mộ thánh Phêrô củng cố mọi người trong niềm tin để khi trở về nhà có thể làm chứng về kinh nghiệm đã trải qua trong những ngày này.

Sau cùng ĐTC chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nhắn nhủ rằng: ”Hỡi những người trẻ quí mến, trở lại với những hoạt động thường nhật sau kỳ nghỉ hè, các con hãy trở lại nhịp bình thường của cuộc đối thoại thân tình với Chúa, chiếu tỏa quanh chúng con ánh sáng của Chúa qua cuộc sống chứng tá của các con. Hỡi các bệnh nhân thân mến, anh chị em hãy tìm nâng đỡ và an ủi nơi Chúa Giêsu, Đấng tiếp tục hoạt động cứu chuộc của Ngài trong cuộc sống của mỗi người. Và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, hãy cố gắng duy trì sự tiếp xúc thường xuyên với Chúa, Người là Đấng ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người, hãy tín múc nơi tình yêu Chúa để tình yêu của anh chị em ngày càng vững bền hơn”. ĐTC đã mời gọi mọi người cùng ngài hát kinh Lạy Cha và ban phép lành cho tất cả.

G. Trần Đức Anh OP









All the contents on this site are copyrighted ©.