2008-08-11 16:14:34

Aleksander Solzhenitsyn, người tố cáo chế độ cộng sản nổi tiếng nhất thế kỷ XX


Một số nhận định của hai văn sĩ Vladimir Fédorovski và Vittorio Strada, về gương mặt của văn hào Aleksander Isaevich Solzhenitsyn

Hôm Chúa Nhật mùng 3-8-2008 văn hào Aleksander Isaevich Solzhenitsyn đã qua đời vì bị đứng tim tại tư gia trong thủ đô Matscơva, thọ 90 tuổi.

Solzhenitsyn sinh năm 1918 là văn sĩ, tư tưởng gia và là gương mặt khổng lồ nổi tiếng nhất trong số hàng ngàn người bất đồng ý kiến với chế độ cộng sản Liên Xô. Các sách và tiểu thuyết của ông tố cáo các tội ác kinh hoàng của chế độ cộng sản Liên Xô, và là các suy tư về sự dữ thống trị thế giới này.

Bà Natalia vợ ông và Stepan người con trai ông, đã hiện diện bên ông cho tới phút cuối cùng. Bà Natalia nói: ”Ông nhà tôi đã muốn qua đời trong mùa hè và tại nhà. Ông đã được toại nguyện. Ông đã có cuộc sống khó khăn nhưng hạnh phúc. Chúng tôi đã rất hạnh phúc với nhau”. Stepan kể lại: ”Từ lâu nay cha tôi rất bệnh, nhưng người đã không đi khám bác sĩ, viện cớ là có nhiều việc phải làm”. Cả trong ngày cuối cùng cha tôi cũng làm việc, người đang duyệt lại toàn bộ các tác phẩm sẽ xuất bản vào năm 2010. Và vào ban chiều ngày mùng 3 tháng 8 người đã chết đột ngột. Tôi rất là đau đớn. Tôi xin cám ơn tất cả những ai nhớ tới cha tôi”.

Nhiều giới chức đạo đời đã bầy tỏ thương tiếc sự qua đi của văn hào Solzhenitsyn, trong đó có tổng thống George Bush của Hoa Kỳ, tổng thống Nikolas Sarkozy của Pháp và thủ tướng Angela Merkel của Đức. Trong điện tín phân ưu gửi tới gia đình văn hào hôm mùng 4 tháng 8 vừa qua, tổng thống Dimitrij Medvedev viết: ”Cái chết của vĩ nhân này, là một trong những văn sĩ, tư tưởng gia và nhà nhân bản lớn nhất của thế kỷ XX, là một sự mất mát không bù đắp được cho nước Nga và toàn thế giới”. Theo nguyên chủ tịch Mikhail Gorbaciov văn hào Solzhenitsyn đã ”chiến đấu cho nước Nga cho tới ngày cuối đời. Ông đã chiến đấu để cho nước Nga thực sự trở thành một quốc gia tự do và dân chủ. Như hàng triệu người đồng hương tác gỉa ”Quần đảo Gulag” đã sống các thời gian khắc nghiệt. Ông đã là người đầu tiên nói tới chế độ vô nhân của Staline và của những người đã chịu đựng chế độ đó mà không qụy ngã”.

Trong điện tín phân ưu gửi tới gia đình văn hào, Đức Thượng Phụ Alexis II Giáo Chủ Chính Thống Matscơva nhớ tới gương mặt của một người đã trải qua những thử thách rất cam go, nhưng đã luôn luôn chấp nhận với phẩm cách Kitô và sự dịu hiền. ”Ông đã tích cực tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước trên lập trường dân sự, và góp phần vào việc phát triển tinh thần, văn hóa và xã hội của nước Nga mới. Văn hào Solzhenitsyn đã là tín hữu chính thống sùng đạo và chú ý rất nhiều tới việc bảo vệ các truyền thống đích thật của dân nga”

Aleksander Solzhenitsyn sinh năm 1918 tại Kislovodsk vùng bắc Caucase. Năm 1941 sau khi đậu tiến sĩ toán và vật lý ông nhập ngũ tham gia thế chiến thứ II và bị bắt năm 1945 và bị kết án tù 8 năm trong trại tập trung, vì các thư viết cho một người bạn học trong các năm 1944-1945 trong đó ông phê bình Staline. Năm 1962 nhờ bầu khí ”tan giá băng” dưới thời chủ tịch Nikita Krushchev, Solzhenitsyn có thể in cuốn ”Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich” và nhiều tiểu thuyết khác như ”Căn nhà của Matrjona”, ”Một trường hợp xảy ra tại nhà ga Krecetovka”, rất được độc giả Nga hâm mộ.

Nhưng dưới thời chủ tịch Leonid Brezhnev, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Năm 1967 Solzhenitsyn bắt đầu bị bắt bớ vì dám gửi thư ngỏ cho đại hội các nhà văn Liên Xô yêu cầu bỏ luật kiểm duyệt sách báo.

Các cuốn tiểu thuyết ”Trong vòng tròn thứ nhất” và ”Khu vực ung thư” của Solzhenitsyn đưa cho nhà in Novyj Mir đã không được in nhưng được chuyền tay lén lút qua các bản đánh máy gọi là ”samizdat” và cuối cùng lọt ra ngoài và được in bên Tây Âu và rất được ưa chuộng. Năm 1970 Solzhenitsyn được giải thưởng Nobel văn chương, nhưng đã chỉ lãnh giải 4 năm sau đó sau khi bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Năm 1973 Solzhenitsyn cho xuất bản cuốn ”Quần đảo Gulag” bên Tây Âu tố cáo các tội ác kinh hoàng và sự tàn bạo của chế độ cộng sản thời Staline dựa trên kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm của 200 người tù khác. Cuốn sách đã gây chấn động trên thế giới và bắt buộc nhiều nước dân chủ phải xét lại thái độ nhân nhượng của họ đối với chế độ cộng sản sắt máu. Cuốn sách đã được đem lén trở lại Liên Xô và người dân Nga đã say sưa đọc. Nhưng cũng chính cuốn ”Quần đảo Gulag” đã khiến cho nhà nước Matscơva trục xuất ông sang Đức vì tội ”phản bội quốc gia”. Sau đó vợ và 3 con cũng được đoàn tụ với ông. Sau 3 năm sống bên Thụy Sĩ, văn hào Solzhenitsyn và gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ. Tai đây ông viết bộ sách lịch sử tựa đề ”Bánh xe đỏ” kể lại các biến cố từ thế chiến thứ I cho tới cách mạng tháng 10.

Sau khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, văn hào Solzhenitsyn và gia đình đã hồi hương và sống trong thủ đô Matscơva, sau 20 năm lưu đầy. Ông hy vọng có thể nắm giữ vai trò nào đó trong cuộc sống chính trị, nhưng thất vọng trước các thay đổi không phù hợp với các tư tưởng quân chủ và ái quốc của ông.

Ông đã mạnh mẽ phê bình khuynh hướng tự do của tổng thống Boris Eltsin và từ chối nhận huy chương danh dự thánh Anrê. Trái lại quan điểm ái quốc đã khiến ông đã xích lại gần tổng thống Putin, và năm ngoái ông đã nhận giải thưởng của chính quyền Nga.

Các thất vọng của ông lộ hiện trong các tác phẩm như ”Nước Nga trong đất lở” và ”Hạt lúa giữa hai tảng đá cối xay”, cũng như cuốn ”Hai trăm năm với nhau” kể lại tương quan giữa người Nga và người do thái, trong đó hơi có giọng bài do thái.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của hai văn sĩ Vladimir Fédorovski và Vittorio Strada, về gương mặt của văn hào Aleksander Isaevich Solzhenitsyn, người đã can đảm tố cáo các tội ác của chế độ cộng sản vô thần Liên Xô.

Trước hết là các nhận định của văn sĩ Vladimir Fédorovski. Văn sĩ hiện là một trong số các nhà viết khảo luận và tiểu thuyết nổi tiếng nhất tại Pháp. Trước đây ông đã từng làm việc trong lãnh vực ngoại giao trong tư cách là cố vấn của tổng thống Mikhail Gorbaciov và phát ngôn viên của tổng thống Boris Eltsin.

Hỏi: Thưa ông Fédorovski, văn hào Solzhenitsyn đã để lại ấn tưng nào sâu đm nào nơi ông?

Đáp: Tôi đã luôn luôn bị lôi cuốn bởi cái nhìn dịu hiền của văn hào Solzhenitsyn, cái nhìn của một ngôn sứ thời đại chúng ta. Tư tưởng đạo đức của ông đã khiến tôi luôn nghĩ tới một Tolstoij, đặc biệt một Tolstoj sau khi được ơn hoán cải. Nhưng có lẽ văn hào giống nhân vật Zosima, cụ già khôn ngoan bắt chước Chúa Kitô trong cuốn tiểu thuyết ”Anh em nhà Karamazov” của văn hào Dostoevskij.

Hỏi: Là ngưi đã quen biết văn hào Solzhenitsyn, ông đnh nghĩa văn hào như thế nào?

Đáp: Văn hào Solzhenitsyn đã là một gương mặt khổng lồ, ngoài sự kiện ông cũng là một nhân vật chính trị biểu tượng của một thời đại. Trước hết ông là một người khổng lồ của nền văn chương, đã thừa hưởng gia tài của các văn sĩ lớn thuộc thế kỷ XVIII, một người con tinh thần của văn hào Tolstoj. Ông đã vén mở cho thế giới thấy quần đảo Gulag và chiều kích rộng rãi các tội phạm không phải chỉ của một chế độ, mà của toàn vũ trụ Liên Xô, từ Lenin cho tới Staline. Chính văn hào Solzhenitsyn đã nhắc tới con số 80 triệu nạn nhân của chế độ cộng sản Liên Xô, mà ngày nay không ai nghi ngờ. Ông cũng đã là một tư tưởng gia địa lý chính trị, mạnh mẽ phê bình các chế độ độc tài đồng thời cũng không dịu dàng với thế giới Tây Âu. Ông đã lên án khuynh hướng hưởng lạc tháo thứ và cuộc khủng hoảng tinh thần của thế giới Tây âu, có lẽ cũng bởi vì ông là người thừa hưởng gia tài tinh thần slave, nhậy cảm đối với tư tưởng một nước Nga có nhiệm vụ bảo vệ các giá trị tinh thần và các giá trị kitô.

Hỏi: Trong các năm cui cùng văn hào Solzhenitsyn có thay đổi gì không?

Đáp: Có đúng thật là trong một nghĩa nào đó Solzhenitsyn đã xích lại gần quyền bính của tổng thống Putin, nhưng tư tưởng của một thay đổi ái quốc không tương xứng với sự thật. Trái lại, khuynh hướng ái quốc của ông khiến cho mật vụ Nga dùng nó như là cớ để nói xấu ông, đặc biệt trong thời hậu Andropov. Người ta cho ông là tiếc nuối chế độ Nga hoàng. Thật ra văn hào Solzhenitsyn đã không bao giờ muốn khước từ truyền thống của một nền văn hóa Nga vĩ đại.

Hỏi: Có đim nào nơi văn hào Solzhenitsyn đánh động ông nhất?

Đáp: Đó là sự gắn bó của văn hào đối với sự thật lịch sử. Là người thừa kế văn hào Tolstoj, nhưng ông ít chủ quan hơn và đưa ra nhiều tài liệu lịch sử hơn. Sự sít sao vĩ đại đó diễn tả một trong các sức mạnh lớn lao của ông như là văn sĩ và là người bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản liên xô.

Hỏi: Thủớng Angela Merkel và các chính trị gia khác đã coi văn hào Solzhenitsyn là một ”nhà luân lý”. Ông nghĩ sao?

Đáp: Tôi đồng ý với nhận xét đó, trong nghĩa văn hào Solzhenitsyn hoàn toàn thuộc một truyền thống văn chương kiếm tìm các giá trị luân lý. Chỉ cần nghĩ đến hai văn hào Tolstoj và Dostoevskij là đủ.

Hỏi: Trong nghĩa nào các tác phẩm của văn hào Solzhenitsyn đã tạo ra trận đng đt văn hóa bên Tây Âu thưa ông?

Đáp: Sức mạnh chứng tá của ông thành công trong việc xé rách sự nhồi sọ của nhiều giai tầng trí thức Tây Âu, từ lâu nay sẵn sàng nhắm mắt và giấu diếm các tội ác của chế độ cộng sản. Một vài nhà trí thức Tây Âu từng nói xấu văn hào Solzhenitsyn có trách nhiệm rất trầm trọng. Ngày nay chúng ta biết rằng tất cả các lèo lái đó là do mật vụ KGB của Liên Xô giật dây nhằm phá hủy danh tiếng của văn hào Solzhenitsyn. Và nhiều nhà trí thức Tây Âu lập lại y nguyên những gì mật vụ KGB mớm cho.

Tiếp theo đây là vài nhận định của văn sĩ Vittorio Strada, chuyên viên nổi tiếng về thế giới Slave, liên quan tới văn hào Solzhenitsyn. Ông mới cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Luân lý của sự Kinh Hoàng. Từ Fiodor Dotoesvkij tới Thomas Mann”.

Hỏi: Thưa ông Strada, tại sao tác phẩm ”Quần Đảo Gulag” của văn hào Solzhenitsyn đã gây chấn động tại Pháp, mà lại không có hiệu qủa tại Italia?

Đáp: Tại Paris tác phẩm này đã làm nổi dậy một phong trào sôi động nơi giới văn hóa ưu tú cũng như trong quần chúng, và trong thập niên 1960 của thế kỷ XX nó đã giải phóng nhiều người còn đang bị ý thức hệ cộng sản mê hoặc và cầm tù. Nhưng tại Italia, quyền bá chủ của đảng cộng sản đã rất là tinh tế và sâu đậm, đến độ cả những người đã tách rời khỏi đảng cộng sản như nhóm ”Tuyên ngôn” cũng đánh giá thấp hay khước từ sự tố cáo đó của văn hào Solzhenitsyn. Khuynh hướng phò chế độ Marx Lenine thắng thế. Vì thế có nhiều người tố cáo văn hào Solzhenitsyn là nhớ nhung chế độ của Nga hoàng, theo phát xít, phản cách mạng và bài do thái. Do đó nhiều giới văn hóa Italia cần phải tự phê bình kiểm thảo về sự cố ý không đề cập đến những gì văn hào Solzhenitsyn vén mở cho thấy xảy ra tại quần đảo Gulag dưới chế độ cộng sản liên xô.

Hỏi: Thưa ông, sự kiện văn hào Solzhenitsyn xích lại gần tổng thống Putin có thể khiến cho người ta nghĩ tới các cảm tính ái quốc và đc đoán hay không?

Đáp: Cần phải phân biệt. Ngày nay tại Nga khuynh hướng ái quốc là tâm tình thống trị trong xã hội cũng như trong các cơ quan chính quyền. Có một hình thức ái quốc chủng tộc cho rằng nước Nga thuộc người Nga và một hình thức tân đế quốc tiếc nuối quyền bính thời Staline. Văn hào Solzhenitsyn cũng không thoát khỏi hai ảnh hưởng này. Trái lại Điệm Cẩm Linh đã tạo ra huyền thoại cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ nguyên tổng thống Putin. Nhưng văn hào Solzhenitsyn lo lắng cho căn tính quốc gia và đặt vấn đề liên quan tới việc xác định nó và tái thiết nó. Chúng ta không được quên rằng trong thế kỷ XX nước Nga đã sống sự sụp đổ của hai đế quốc: đế quốc Nga hoàng và đế cuốc cộng sản. Các tương quan với các chủng tộc khác, việc mất đi Ucraine - đối với tổng thống Putin là một thất bại chính trị, đối với văn hào Solzhenitsyn là một thất bại luân lý - là các đề tài suy tư quan trọng cũng như sự chung sống với các người Nga theo Hồi giáo.

Hỏi: Giáo Hội Chính Thống đã có vai trò nào trong cuộc sống của văn hào Solzhenitsyn?

Đáp: Văn hào Solzhenitsyn đã là một con người của lòng tin sâu xa đích thực, một tín hữu coi Kitô giáo như phần toàn vẹn của nền văn minh Nga, như một nhân tố nền tảng mà chủ nghĩa cộng sản đã tìm nhổ tận gốc rễ. Văn hào Solzhenitsyn đã nghĩ rằng phải đi từ Giáo HỘi Chính Thống để tái xây dựng xã hội Nga bị chế độ cộng sản vô thần tàn phá trong 70 năm trời. Và ông xác tín rằng sự tái sinh đó chỉ có thể bắt đầu với việc tái sinh luân lý, trước cảnh các người giầu sụ không lo lắng gì tới đại đa số dân phải sống trong bần cùng nghèo túng, hay cảnh gian tham hối lộ và tội phạm nhan nhản khắp nơi trong xã hội Nga.

(Avvenire 5-8-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.