2008-08-03 20:23:53

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Bressanone


. Trưa Chúa Nhật hôm qua Đức Thánh Cha đã có buổi đọc kinh Truyền Tin lần đầu tiên với du khách và tín hữu giáo phận Bressanone, bắc Italia, nơi ngài đang nghỉ hè. Ngài mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ơn lành Chúa đã ban cho con người, trong đó có mọi yếu tố thiên nhiên và ơn sự sống. Ngoài ra cũng còn có các thực tại, mà không một chế độ độc tài và quyền lực trần gian nào có thể cướp mất, như sự kiện con người được Thiên Chúa yêu thương trong Đức Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha cũng khuyến khích mọi người biết chia sẻ với nhau và cho nhau mọi thiện ích vật chất và tinh thần. Ngài cũng đề cao gương mặt và công đức của Đức Phaolo VI qua đời cách đây 30 năm, đối với Giáo Hội. Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đất nước và nhân dân Trung Quốc, ban tổ chức và các lực sĩ tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, và cầu mong tinh thần thể thao thế vận hội góp phần củng cố tình huynh đệ và hòa bình giữa các dân tộc.

Ngỏ lời chào mọi người bằng tiếng Đức Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Cha Egger, Giám Mục sở tại, các giới chức đạo đời và tất cả những ai đã góp phần cộng tác tổ chức buổi đọc Kinh Truyền Tin, cũng như lo lắng để ngài có những ngày nghỉ ngơi trong vùng đất, nơi nghệ thuật văn hóa, lòng tốt và sự tiếp đón nồng hậu của người dân trộn lẫn với nhau. Đức Thánh Cha nói ngài nhớ tới tất cả mọi người trong lời cầu nguyện: đó là phương thế duy nhất để ngài cám ơn họ.

Rồi Đức Thánh Cha nhắc đến ba tư tưởng chính của các bài đọc phụng vụ và nói: Bài đọc thứ nhất nhắc nhở cho chúng ta biết các điều lớn lao nhất trong cuộc sống không được chiếm hữu hay mua bán, nhưng được ban cho chúng ta. Vì các điều quan trọng và sơ đẳng nhất của cuộc sống chỉ có thể được trao tặng cho chúng ta như mặt trời và ánh sáng của nó, và không khí mà chúng ta hít thở. Tất cả các thiện ích nòng cốt ấy chúng ta không thể mua, mà chúng được ban tặng cho chúng ta. Bài đọc thứ hai cho chúng ba biết thêm rằng có những điều mà không một ai có thể lấy mất đi, không một chế độ độc tài nào, không một cường lực tàn phá nào có thể cướp mất. Sự kiện được Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa là Đấng hiểu biết và yêu thương từng người trong chúng ta: không ai có thể lấy mất đi điều đó, và cho tới khi nào chúng ta có được điều đó, thì tuy chúng ta nghèo, nhưng vẫn giầu. Thế rồi Phúc Âm thêm vào một tư tưởng thứ ba nữa: đó là nếu chúng ta nhận được từ Thiên Chúa các ơn cao trọng như vậy, thì đến lượt mình chúng ta cũng phải biết cho đi, trong lãnh vực tinh thần là trao ban lòng tốt, tình bạn và tình yêu thương, và cả trong lãnh vực vật chất nữa: Phúc Âm nói tới việc chia sẻ bánh ăn. Hôm nay hai điều ấy phải thấm nhập tâm trí chúng ta: chúng ta phải là những người cho đi, vì chúng ta là những người đã nhận lãnh. Chúng ta cũng phải cho tha nhân ơn lòng tốt, tình yêu thương và tình bạn, nhưng chúng ta cũng phải cho các ơn vật chất cho tất cả những ai cần đến chúng ta, và như thế là chúng ta tìm làm cho trái đất được nhân bản hơn, nghĩa là gần Thiên Chúa hơn.

Tiếp đến Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tưởng niệm vị tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, qua đời chiều ngày lễ Chúa Hiển Dung ngày mùng 6 tháng 8 năm 1978 tức cách đây 30 năm. Mầu nhiệm ánh sáng của Chúa hiển dung đã luôn luôn quyến rũ tâm hồn vị chủ chăn cao qúy từng hướng dẫn dân Chúa chiêm ngưỡng gương mặt của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ con người và là Chúa của lịch sử. Chính việc quy hướng lòng trí về Chúa Kitô đã là một trong các điểm chính yếu của Công Đồng Chung Vaticăng II. Thái độ này đã được Đức Gioan Phaolô II thừa hưởng và đẩy mạnh trong Năm Thánh 2000. Ở trung của tất cả luôn luôn và chỉ có Chúa Kitô: trung tâm điểm của Kinh Thánh và Truyền Thống, trọng tâm của Giáo Hội, của thế giới và của vũ trụ.

Đề cập tới công đức của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đối với Giáo Hội Đức Thánh Cha nói: Chúa Quan Phòng đã đã gọi Đức Gioan Baotixita Montini từ tòa Milano về tòa Roma trong giai đoạn tế nhị nhất của Công Đồng - khi trực giác của chân phước Gioan XXIII có nguy cơ không thành hình. Làm sao không cảm tạ Chúa vì hoạt động mục vụ phong phú và can đảm của người được? Khi cái nhìn về qúa khứ của chúng ta từ từ trải rộng ra và trở thành ý thức hơn, thì công nghiệp của Đức Phaolô VI lại càng lớn lao và siêu phàm hơn đối với việc chủ sự Công Đồng, dẫn đưa Công Đồng tới chỗ kết thúc tốt đẹp và cai quản thời điểm giao động hậu công đồng. Chúng ta có thể cùng nói với thánh Phaolô rằng ơn thánh Chúa nơi người ”đã không ra vô ích” (x. 1 Cr 15,10). Người đã biết sử dụng các ơn thông minh bén nhọn của mình, và tình yêu thương say mê đối với Giáo Hội và con người. Trong khi chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội vị Giáo Hoàng lớn lao này, chúng ta hãy dấn thân giữ gìn kho tàng giáo huấn của người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nói: ”Thứ sáu mùng 8 tới đây là ngày khai mạc Thế Vận Hội lần thứ 29 tại Bắc Kinh. Tôi vui sướng gửi tới quốc gia đóp tiếp Thế Vận Hội, các người tổ chức và các tham dự viên lời chào thân ái, với lời cầu chúc mỗi người cho đi những gì tốt đẹp nhất của mình, trong tinh thần thế vận tinh tuyền. Tôi theo dõi biến cố thể thao lớn lao này với sự thiện cảm và nhiệt liệt cầu mong nó cống hiến cho cộng đồng quốc tế một thí dụ có giá trị về sự chung sống giữa các người thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, trong sự tôn trọng phẩm giá chung. Ước chi một lần nữa thể thao là bảo chứng cho tình huynh đệ và hòa bình giữa các dân tộc!”
Sau cùng Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức Tây Ban Nha, Ba Lan và Ladino là tiếng địa phương, và cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui và mùa hè khỏe mạnh. Ngài cũng không quên cám ơn dân chúng vùng Bressanone dịp Giáng Sinh năm ngoái đã tặng Tòa Thánh cây thông cao lớn để trang hoàng hang đá tại quảng trường thánh Phêrô.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.