2008-07-21 11:25:52

LINH MỤC THỪA SAI TẠI CĂM-BỐT


Từ 10 năm nay - tháng 9 năm 1998 - Cha Olivier Schmitthaueusler, người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), làm việc truyền giáo tại Căm-Bốt.

Đây là vùng đất may mắn thoát khỏi vòng vây sát hại của Khờ-Me đỏ từ hơn 20 năm qua. Cũng từ đó, Giáo Hội Công Giáo dần dần hồi sinh. Xin nhường lời cho Cha Olivier Schmitthaueusler kể lại các sinh hoạt mục vụ.

Một căn nhà bằng gỗ thô sơ nằm chênh vênh giữa khu đất rộng lớn dùng làm nơi tôi trú ngụ, dâng Thánh Lễ và tiếp đón các bạn trẻ. Hồi đó tôi đến trường, theo học tiếng Khờ-Me với các học sinh trung học. Bạn cứ tưởng tượng một ông tây to lớn, ngồi ở cuối lớp, đủ hiểu lôi kéo sự chú ý chừng nào! Chưa hết, tôi còn phải xách giỏ đi chợ nữa! Bởi vì, chính tôi nấu bếp cho các sinh viên đang trọ chung với tôi.

Ban đầu, sự hiện diện của tôi nơi chỗ nhóm chợ, khiến không ai là không khỏi mĩm cười và tò mò thắc mắc. Các bà nội trợ xì-xào rỉ-tai nhau:

- Đó là vị thầy tu sẽ không bao giờ lấy vợ!

Thế nhưng, đây là dịp tốt để gặp gỡ, lắng nghe và khám phá ra cuộc sống đơn sơ đích thực của người dân Khờ-Me.

Hồi ấy Svay Sisophon là cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ gồm khoảng 15 tín hữu Công Giáo, sống đạo chân thành, và khoảng 20 bạn trẻ đều đặn đến tham dự Thánh Lễ vào mỗi Chúa Nhật.

Lễ Phục Sinh Năm Thánh 2000, tôi hân hoan ban bí tích Rửa Tội cho 3 bạn trẻ dự tòng, từng tìm hiểu giáo lý đạo Công Giáo từ hơn 5 năm qua. Thật là tuyệt đẹp, khi nhìn thấy niềm vui Đức Chúa GIÊSU KITÔ Phục Sinh, chiếu tỏa rạng rỡ trên khuôn mặt tươi trẻ của họ! Vô cùng cảm tạ THIÊN CHÚA!

Vào mỗi Chúa Nhật, tôi có thói quen dâng Thánh Lễ tại hai hay ba giáo xứ khác nhau. Hạt Battambang họp bởi 13 cộng đoàn Công Giáo, sống xa xôi rải rác, với đường xá khó đi, đặc biệt trơn trượt vào các mùa mưa. Đây là các cộng đoàn mang đặc tính mới mẻ, bởi vì, được thành hình khoảng hơn 10 năm trước. Đa số giáo dân là các dự tòng và các tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong thời kỳ sống nơi các trại tị nạn bên Thái-Lan. Các cộng đoàn trẻ này đầy sinh lực, đầy hoạt náo, nhưng cũng cần được huấn luyện kỹ lưỡng, bởi lẽ, nơi đây thiếu vắng các cụ ông cụ bà, các vị lão thành, nhân chứng của lịch sử. Các cộng đoàn Công Giáo trẻ là măng non, cần được chăm sóc, bảo bọc yêu thương, hầu lớn mạnh trong Đức Tin và đầy ơn nghĩa Chúa.

Niềm vui sâu xa của tôi là thực hiện được ước mơ: xây một nhà nguyện nhỏ cho cộng đoàn ở Svay Sisophon. Nhà nguyện có thể chứa 100 người và được mang danh Giáng Sinh.

Ưu tư hàng đầu của tôi là công cuộc mục vụ bên cạnh người trẻ, đặc biệt các bạn trẻ nghèo. Vì nghèo, họ không thể học xong tối thiểu bậc trung học. Một số khác học xong, nhưng lại không thể vào đại học, vì lệ phí đại học tư quá đắc, trong khi các đại học của chính phủ thì không đủ chỗ.

Đây cũng là thách đố lớn nhất cho Giáo Hội Công Giáo tại Căm-Bốt. Bởi vì, chỉ có nền giáo dục mới có thể giúp Căm-Bốt tìm lại phẩm giá của mình. Chỉ có nền giáo dục mới nhào nặn cho tương lai những người nam nữ biết lãnh trách nhiệm và có sáng kiến cho công cuộc xây dựng quốc gia.

Tôi sống tại thủ đô Phnom Penh để trau dồi thêm về ngôn ngữ Khờ-Me. Tôi trọ nơi cư xá gồm 12 sinh viên, được Hội Trẻ Em Sông Cửu Long đỡ đầu. Tất cả đều không phải là tín hữu Công Giáo. Thật là kinh nghiệm mới mẻ đối với tôi. Chứng tá đầu tiên của tôi hệ tại việc yêu thương tất cả các bạn trẻ. Cứ hai lần mỗi tuần, tôi dạy môn Pháp Văn tại phân khoa kinh tế. Và khi rãnh rỗi, tôi lang thang nơi bờ sông, để tìm kiếm, gặp gỡ và trao đổi, bàn luận với các bạn trẻ, đa số bị mất hướng và không có tương lai.

Hồi Năm Thánh 2000 chúng tôi trải qua một thời điểm đáng ghi nhớ. Ngày 7-5-2000, khoảng 2 ngàn người tụ họp tại Tang-Kok để tưởng niệm các Vị Tử Đạo Căm-Bốt.

Tang-Kok là ngôi làng nơi Đức Cha Joseph Chhmar Salas (1938-1977), Giám Mục tiên khởi của Căm-Bốt, bị chết vì đói và vì kiệt sức năm 1977. Trước đó, ngày 14-4-1975 Đức Cha Paul Tep Im Sotha - Giám Quản Tông Tòa Phnom Penh - đã truyền chức cho Đức Cha Salas với chức vụ là Giám Mục Phó.

Chúng tôi đã tưởng niệm hàng vạn vạn người gồm Khờ-Me, Việt-Nam và Pháp thuộc đủ mọi thành phần: tín hữu, tu sĩ, Linh Mục và Giám Mục, đã bỏ mình trong cuộc thảm sát do Khờ-Me đỏ chủ mưu.

Giây phút cảm động nhất là lúc 4 Giám Mục gieo lúa trên một mãnh đất được lấy từ khắp các vùng trên toàn lãnh thổ Căm-Bốt, nơi các vị Tử Đạo Căm-Bốt gục ngã vì đói hoặc bị giết chết. Chúng tôi suy niệm Lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ phán: ”Hạt lúa phải chết đi để mang lại hoa trái”, Gioan 12,24.

... Bấy giờ Đc Chúa GIÊSU nói: ”Đã đến giờ Con Ngưi được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mi sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đi đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, CHA của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Gioan 12,23-26).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.357, Mars/2001, trang 79-82)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.