2008-07-07 10:44:26

Thánh Phaolô, con người của hai nền văn hóa


Một số nhận định của Daniel Marguerat, giáo sư Kinh Thánh Tân Ước tại đại học Lausanne, Thụy Sĩ, về ”thánh Phaolo, con người của hai nền văn hóa”

Sáng thứ tư mùng 2-7-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về thánh Phaolô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bày bối cảnh xã hội văn hóa thời thánh Phaolô hồi thế kỷ thứ I, và khẳng định rằng nó cần thiết vì giúp chúng ta hiểu con người, tư tưởng và các giáo huấn của thánh nhân. Thánh Phaolô là người do thái, được giáo dục và lớn lên trong phong tục tập quán do thái và được giáo dục để trở thành một rabbi do thái. Nhưng thánh nhân nói tiếng hy lạp và cũng là một Kitô hữu, sau cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Daniel Marguerat, giáo sư Kinh Thánh Tân Ước tại đại học Lausanne, Thụy Sĩ, về ”thánh Phaolô, con người của hai nền văn hóa”.

Hỏi: Thưa giáo sư Marguerat, thánh Phaolô là mt con người có nhiều mặt: Tông Đ, người giảng thuyết, nhà truyền giáo, ngưi đặc trách cộng đoàn, nhà thần học vv... Theo giáo sư, đâu là nhân tố của sư khác biệt này?

Đáp: Cái nút thắt của con người thánh Phaolô đó là từ vựng ”người giải thích”. Thánh nhân là người của Chúa Quan Phòng đã biết giải thích truyền thống của Đức Giêsu và cho phép Kitô giáo phát triển như là một tôn giáo đại đồng. Trong nghĩa này thánh nhân là người sáng ngời nhất giữa tất cả mọi gương mặt của Kitô giáo thời tiên khởi. Thánh nhân không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất lao mình vào cuộc mạo hiểm giải thích này, nhưng ngài là người có khiếu nhất.

Hỏi: Có cái gì cho biết kiểu giải thich của thánh Phaolô sẽ thắng thế thưa giáo sư?

Đáp: Từ một quan điểm thực dụng, ban đầu thánh nhân đã thành công trong hoạt động truyền giáo. Thánh Phaolo là một người có các cộng sự viên, biết làm việc theo nhóm, có hệ thống nối kết. Người ta thường tưởng tượng là thánh nhân chỉ làm việc một mình, nhưng thật ra không phải vậy! Chỉ vì người ta thường không biết tới hệ thống truyền giáo của thánh nhân, gồm nhiều cộng sự viên, là yếu tố hướng dẫn công tác truyền giáo hữu hiệu nhất thời xa xưa.

Nhưng nhất là thánh Phaolô là người của hai nền văn hóa: nền văn hóa do thái và nền văn hóa hy lạp latinh. Ngài là một người biệt phái, thuộc phe khắt khe của Do thái giáo trong tư tưởng, trong việc chú giải sách Luật và áp dụng lễ nghi vào cuộc sống cá nhân. Ngài cũng là một người hoàn toàn có khả năng sử dụng biện chứng pháp và khoa hùng biện hy lạp roma, mà chắc chắn là ngài đã học được từ trường học khắc kỷ thành Tarso, là trường dậy triết lý khắc kỷ lớn nhất của vùng đông Địa Trung Hải. Thánh Phaolô tham dự vào ngã tư văn hóa đó, vì thế tư tưởng của ngài sẽ cho phép Kitô giáo rời bỏ qũy đạo gốc của Do thái giáo, để rộng mở cho tính cách vũ hoàn của thế giới.

Hỏi: Chúng ta có thể xác định kiểu thánh nhân loan báo Tin Mừng trong các nền văn hóa hoàn toàn không hề biết gì về Tin Mừng hay không?

Đáp: Khó mà có thể nắm bắt được việc giảng giải đầu tiên của thánh nhân, vì các bút tích của ngài được viết ra trong giai đoạn sau hết của cuộc đời. Chúng ta không có gì liên quan tới thời gian giảng dậy đầu tiên này, nhưng một cách nào đó có được một ít trong giai đoạn thứ hai. Điều mà ít nhất chúng ta có thể thấy trong các thư của người: đó là thánh Phaolô đề nghị một nền thần học đoạn tuyệt, bẻ gẫy với qúa khứ. Ngài sử dụng tư tưởng gây ”sốc” mạnh, chẳng hạn như loan báo thập giá như là ”sự vấp phạm” đối với người do thái, và sự ”điên dại” đối với dân ngoại.

Thập giá là ”gương mù gương xấu, là điều gây vấp phạm”, vì nó trưng bầy một Đấng Cứu Thế giòn mỏng yếu đuối, không thể chấp nhận được đối với truyền thống do thái. Nó là sự điên dại đối với người ngoại giáo: thánh nhân ám chỉ việc kiếm tìm sự khôn ngoan của triết học hy lạp, một sự kiếm tìm vừa triết lý vừa tôn giáo, dẫn đưa tới các nguyên tắc cấu trúc thế giới. Đối với sự khôn ngoan đó, thì lý trí là một phần của sự tìm kiếm Thiên Chúa: Cần phải cho thấy Thiên Chúa tự đồng hóa với trật tự thế giới như thế nào.

Như vậy trong bối cảnh đó, loan báo rằng Thiên Chúa tự mạc khải trong một thân xác bị treo trân thập giá thì vừa phi lý vừa vô lý. Thánh Phaolô rất thành công trong việc diễn tả, qua ngôn ngữ của hai nền văn hóa, làm thế nào mà Thiên Chúa lại có thể tự biểu lộ trên Thập Giá là một vì Thiên Chúa vượt thoát sự tìm hiểu, vượt thoát sự chờ đợi và sự tưởng tượng của mọi tìm kiếm tôn giáo.

Hỏi: Đâu là chỗ của kinh nghiệm cá nhân trong nền thần học của thánh Phalô thưa giáo sư?

Đáp: Thánh Phaolô là một người rất bẽn lẽn, kín đáo. Ngài không phải là một người thích phô trương tôn giáo. Dĩ nhiên, ngài đã không bao giờ chối bỏ sự hoán cải và qúa khứ là người bách hại Giáo Hội, cũng như sự kiện cuộc đời ngài đã được chính Chúa Kitô thay đổi. Nếu thánh nhân có nhắc lại những điều đó, thì không bao giờ để đề cao cái ”tôi” của ngài, nhưng luôn luôn để bầy tỏ hoạt động của Thiên Chúa nơi ngài và qua ngài. Phaolô đọc lại trong nhãn quan thần học cuộc đổi đời của mình. Thần học của ngài là thần học của sự đoạn tuyệt, tương đương với sự đoạn tuyệt với qúa khứ trong cuộc sống của ngài. Nếu thánh Phaolô đã có thể mạnh mẽ loan báo sự cáo chung của Torah của Luật Lệ như con đường cứu rỗi và sự mạc khải của một Thiên Chúa, và đảo lộn hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta tưởng tượng ra, thì chính là bởi vì hai khẳng định này tương đương với điều thánh nhân đã sống trong chính con người của ngài.

Hỏi: Thưa giáo sư, gương mặt thánh Phaolô có thể giúp gì cho việc nghĩ tới tình hình của Kitô hữu ngày nay hay không?

Đáp: Điều khiến cho chúng ta gần gũi với tình trạng của thánh Phaolô đó là việc khám phá ra rằng: Kitô giáo ngày nay tiếp tục là một thiểu số trong một xã hội có cảnh công khai buôn bán và cạnh tranh tôn giáo, và Kitô giáo phải biện minh cho lý do hiện hữu của mình. Trong bối cảnh đó, thánh Phaolô dậy cho chúng ta biết công thức hóa căn tính Kitô như một căn cước rộng mở. Thật thế, trọng tâm nền thần học của thánh nhân đó là việc đến với Thiên Chúa không còn tùy thuộc vào một chủng tộc, không tùy thuộc lịch sử phái tính hay các thành tích tôn giáo nữa. Đó là điều chúng ta gọi là sự công chính hóa nhờ lòng tin. Sự tiếp đón mà Thiên Chúa dành để cho chúng ta là sự tiếp đón vô điều kiện. Từ đó thánh Phaolô thành lập các cộng đoàn phản ánh điều thánh nhân tin: các cộng đoàn, trong đó các người nam nữ, chủ nhân và nô lệ, do thái và hy lạp nhận biết nhau và cùng chia sẻ một thực thể là ”thân mình của Chúa Kitô”, và mỗi người đều bình đẳng trong quyền lợi, trách nhiệm và ơn gọi. Đó là các ”cộng đoàn các môn đệ bình đẳng”, theo kiểu nói của học giả Elisabeth Schuessler Fiorenza. Chính vì thế biến thánh Phaolô trở thành một người ”chống nữ giới”, như người ta thường lập lại, thì không phải chỉ là phạm lỗi sai thời đại, mà còn là đọc sai thời đại nữa... Nhưng đó không phải là điều lạ lùng gì: thánh Phaolô đã thường bị người ta đọc sai biết bao nhiêu!

Hỏi: Trên đây giáo sư đã nói tới căn cước rộng mở, nhưng vài cng đoàn Kitô nào đó có th đòi cho mình quyền tham chiếu thánh Phaolô mà vẫn khép kín thì sao thưa giáo sư...

Đáp: Đúng thế, thánh Phaolô có thể bị người ta tịch thu. Nhưng sự có sự khác biệt: đó là cuộc đối thoại cởi mở của thánh Phaolô với nền văn hóa. Các cộng đoàn khép kín có cái nhìn tiêu cực đối với thế giới và bi quan đối với văn hóa.

Chúng thường có một cái nhìn đầy tai ương đối với lịch sử. Các cộng đoàn này khước từ sự tân tiến và ra khỏi thế giới. Trái lại, thánh Phaolô rao giảng sự khác biệt đối với xã hội, một sự khác biệt cho thấy phẩm chất các tương quan nhân bản và các giá trị, mà tín hữu Kitô có thể cống hiến cho mọi người, nhưng thánh nhân không bao giờ trừ qủy thế giới và nền văn hóa của nó. Ngài bước vào cuộc tranh luận. Ngài bước vào lòng đời. Do đó thánh Phaolô không thể là biểu hiệu của các phong trào tách rời, chia rẽ phe đảng hay duy toàn vẹn được.

Hỏi: Giáo sư ưa thích điều gì nhất nơi thánh Phaolô?

Đáp: Một cách mâu thuẫn điều tôi đánh giá cao nhất nơi thánh nhân đó là óc khôi hài của ngài. Đọc các thư của thánh Phaolô không phải là một việc đặc biệt tức cười đâu! Điều mà tôi gọi là khôi hài, đó là khả năng giữ khoảng cách với điều chúng ta sống. Thí dụ tại Côrintô, khi thánh Phaolô bị tố cáo là một người giảng thuyết tồi, có triều thiên đặc sủng dễ bị người khác lấy mất, thì thánh nhân đã phản ứng với óc khôi hài. Ngài trả lời: Anh chị em hoàn toàn có lý. Nói cho cùng điều duy nhất tôi có thể khoe khoang là một chuỗi các khốn khổ của tôi thôi: tôi đã bị cầm tù, bị đánh đòn, tôi đã bị đắm tầu nhiều lần... Nhưng nếu tôi có thể nói là tôi khoe khoang về điều đó, thì chính bởi vì Thiên Chúa đã cứu thoát tôi khỏi các hiểm nguy ấy. Sự kiện đã vượt qua các thử thách này là dấu chỉ ơn thánh của Chúa hoạt động qua tôi”.

Như thế thánh Phaolô cho thấy điều người ta trách cứ ngài - sự thất bại - lại chính là cái xây dựng sự đích thật ơn gọi của ngài. Đó là óc khôi hài tin mừng: cho thấy làm sao trong sự yếu đuối giòn mỏng và trong sự chế nhạo lại biểu lộ quyền năng bí mật của Thiên Chúa của thập giá. Tin Mừng của thánh Phaolô vĩnh viễn đoạn tuyệt với một ý thức hệ của thành tích.

(La Croix 28-6-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.