2008-06-18 16:03:58

Thánh Isidoro, giáo phụ của đời chiêm niệm và hoạt động


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 19-6-2008

Sáng thứ tư 19-6-2008 đã có gần 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số các đoàn hành hương cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Isidoro, Giám Mục thành Siviglia bên Tây Ban Nha. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn đề cập tới thánh Isidoro thành Siviglia. Người là em trai út của Leandro, Giám Mục thành Siviglia và là người bạn lớn của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả. Chi tiết này quan trọng vì nó cho phép chú ý tới khía cạnh văn hóa và tinh thần cần thiết cho việc hiểu biết con người của thánh Isidoro. Thật thế, là người rất đòi hỏi, chăm chỉ nghiên cứu và sống khắc khổ, Giám Mục Leandro đã tạo ra bầu khí gia đình có sắc thái khắc khổ của một đan sĩ và tiết nhịp nghiên cứu nghiêm chỉnh cho em trai út. Ngoài ra Đức Cha Leandro còn lo lắng mọi sự cần thiết giúp đối phó với tình trạng chính trị xã hội bấy giờ: trong các thập niên hồi đó người rợ Visigoti theo bè rối Ario đã xâm lăng Tây Ban Nha và chiếm các vùng đất của đế quốc Roma. Nhà của Giám Mục Leandro và Isidoro có một thư viện chứa nhiều tác phẩm cổ điển, ngoại giáo và Kitô. Là người bị cả hai lãnh vực lôi cuốn, Isidoro được anh cả huấn luyện phát triển thú nghiên cứu học hỏi một cách kín đáo và với óc phân định, trong bầu khí thanh bình và cởi mở của Tòa Giám Mục. Chính vì thế các chú thích nghiên cứu văn hóa và trau dồi tinh thần đó đã khiến cho Isidoro trở thành một người biết nhiều hiểu rộng về nền văn hóa ngoại giáo và Kitô, sáng tác rất nhiều và đề cập tới các tác giả từ Marziale cho tới Agostino từ Cicerone cho tới Gregorio Cả một cách vô cùng dễ dàng. Năm 599 Isidoro trở thành Giám Mục thay thế Đức Cha Leandro cai quản giáo phận Siviglia, nhưng thánh nhân phải đương đầu với một cuộc chiến đấu nội tâm cam go. Người ta có thể nhận thấy điều này ngay trong các tác phẩm của người. Người qua đời năm 636 và ít năm sau đó Công Đồng Toledo năm 653 đã định nghĩa thánh nhân như là ”bậc thầy cao siêu của thời đại chúng ta và là vinh quang của Giáo Hội Công Giáo”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm về sự giằng co và xung khắc nội tâm trong cuộc đời của thánh Isidoro như sau:

Cả trong cuộc sống cá nhân người thường xuyên sống kinh nghiệm của một cuộc xung khắc nội tâm, rất giống với xung khắc mà thánh Gregorio Cả và thánh Agostino đã sống, giữa ước mong cô tịch và chỉ dành thời giờ để suy niệm Lời Chúa và các đòi hỏi thực thi bác ái đối với các anh chị em khác, mà người cảm thấy có trách nhiệm trong cương vị là Giám Mục. Chẳng hạn người viết về các người có trách nhiệm trong Giáo Hội như sau: ”Người có trách nhiệm trong một Giáo Hội một đàng phải đóng đinh chính mình cho thế giới với việc hãm dẹp xác thịt, đàng khác phải chấp nhận quyết định của giáo hội khi nó đến do thánh ý Chúa, là chăm lo cai quản với lòng khiêm tốn, cả khi không muốn làm điều đó” (Sententiarum liber III, 33,1: PL 83, col 705 B). Người viết trong đoạn tiếp theo: ”Các người của Thiên Chúa thật ra không ước muốn chú ý tới các sự trần gian, và họ rên rỉ khi phải lãnh nhận vài trách nhiệm vì một chương trình nhiệm mầu nào đó của Thiên Chúa... Họ tìm mọi cách để tránh các trách nhiệm ấy, nhưng chấp nhận điều họ muốn tránh xa và làm điều họ muốn tránh né. Thật thế, họ bước vào trong bí mật của con tim và nơi đó họ tìm hiểu thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn đòi hỏi gì nơi họ. Và khi họ ý thức được rằng phải tuân hành các chương trình của Thiên Chúa, thì họ khiêm tốn đặt cổ tâm lòng vào ách sự quyết định của Chúa” (Sententiarum liber III, 33,3 PL 83, coll. 705-706).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: phải hiểu các tình hình chính trị phức tạp thời đó để có thể hiểu thánh giáo phụ Isidoro hơn, Ngay từ khi còn bé Isidoro đã sống kinh nghiệm bị lưu đầy. Nhưng người có nhiệt huyết tông đồ và mong muốn góp phần vào việc đào tạo một dân tộc tái tìm được sự hiệp nhất, trên bình điện chính trị cũng như tôn giáo, với biến cố Chúa Quan Phòng cho vua Ermegegildo bỏ bè rối Ario để trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên các tương quan với các người theo bè rối và người Do thái không phải là dễ dàng. Và trong bối cảnh thế kỷ thứ VI hồi đó, tại một vài miền bên Tây Ban Nha có cả một loạt các vấn đề, tựa như các vấn đề ngày nay. Sự hiểu biết phong phú về các nền văn hóa đã giúp giáo phụ Isidoro đối chiếu sự mới mẻ Kitô với gia tài cổ điển hy lạp roma, cả khi tài khéo của giáo phụ không phải là tổng hợp, mà chỉ là chắp nối thu thập diễn tả sự thông thái cá nhân không luôn luôn có trật tự.

Đức Thánh Cha nói thêm về thánh Isidoro như sau: giáo phụ đã không muốn đánh mất đi bất cứ sự gì đã được con người chiếm hữu được trong các thời đại cổ xưa, cho dù đó là gốc ngoại giáo, do thái hay Kitô. Thành ra chúng ta không nên lấy làm lạ, khi giáo phụ không thành công trong việc thông truyền một cách thích hợp các hiểu biết đã được thanh lọc bởi lòng tin Kitô. Tuy nhiên trong chủ ý, những gì mà giáo phụ đề nghị luôn luôn phù hợp với lòng tin công giáo. Trong việc thảo luận nhiều vấn đề thần học khác nhau, người nhận thức được sự phức tạp và thường đề nghị một giải pháp bén nhọn diễn tả sự thật Kitô toàn vẹn. Chính nhờ thế mà Kitô hữu dọc dài các thế kỷ cho tới ngày nay vẫn được hưởng ích lợi của các định nghĩa do người đưa ra.

Một trong các thí điển hình là định nghĩa của người về các tương quan giữa đời hoạt động và đời chiêm niệm. Giáo phụ viết: ”Những người muốn đạt sự nghỉ ngơi của chiêm niệm thì trước đó phải tập dượt trong thao trường của đời hoạt động đã; và như thế được thanh tẩy khỏi mọi vấy bẩn của tội lỗi, họ sẽ có thể biểu lộ cho thấy con tim trong sạch, là con tim duy nhất cho phép trông thấy Thiên Chúa” (Differentiarum Lib II, 34, 133: PL *#, col. 91 A).

Tuy nhiên cái thực tế của một chủ chăn đích thật khiến cho giáo phụ xác tín về nguy cơ mà tín hữu có thể gặp: đó là tự giản lược thành những người chỉ sống một chiều kích. Nhưng giáo phụ viết thêm: ”Con đường trung dung bao gồm cả hai hình thái sống, thường cho thấy nó hữu ích hơn và giải quyết các căng thẳng thường sắc nhọn hơn là việc lựa chọn chỉ một hình thức; trái lại các căng thẳng đó được dịu bớt bởi việc lựa chọn thay đổi nhau giữa cả hai hình thức chiêm niệm và hoạt động” (o.c., 134: ivi)

Giáo phụ Isidoro nêu gương của Chúa Giêsu như là việc định hướng đúng đắn cho cuộc sống. Người viết: ”Chúa Giêsu Cứu Thế cống hiến cho chúng ta gương sống hoạt động, khi ban ngày Người dành để ban các dấu chỉ và làm các phép lạ trong thành phố, nhưng Người cho thấy đời chiêm niệm, khi rút lui lên núi và cầu nguyện suốt đêm” (o.c., 134: ivi). Dưới ánh sáng mẫu gương đó của Thầy Chí Thánh Isidoro có thể kết luận với giáo huấn luân lý chính xác sau đây: ”Vì thế người tôi tớ của Thiên Chúa cũng bắt chước Chúa Kitô, sống đời chiêm niêm và không khước từ đời hoạt động. Hành xử khác đi là không đúng. Thật vậy, chúng ta yêu Chúa với sự chiêm niệm làm sao, thì cũng phải yêu Chúa bằng sự hoạt động như vậy. Không thể sống mà không có sự đồng hiện diện của cả hai hình thức, cũng không thể yêu thương, nếu không sống kinh nghiệm của cả hai hình thức” (o.c., 135: ivi). Tôi coi đó là tổng hợp của một cuộc đời tìm chiêm ngắm Thiên Chúa, đối thoại với Chúa trong lới cầu nguyện, trong việc đọc suy niệm Kinh Thánh, cũng như trong hoạt động phục vụ cộng đoàn nhân loại và phục vụ tha nhân. Đó là tổng hợp bài học mà giáo phụ Isidoro để lại cho Kitô hữu chúng ta ngày nay, được mời gọi làm chứng cho Chúa Kitô trong nghìn năm mới.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.