2008-06-11 17:55:08

Thánh Colombano viện phụ, một trong những người Cha của Âu châu kitô


”Thánh viện phụ Colombano là người mời gọi tín hữu kitô hoán cải và không dính bén tới của cải vật chất để hưởng cuộc sống vĩnh cửu mai sau”. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một vị thánh giáo phụ khác của Âu châu: đó là thánh Colombano, một đan sĩ, thừa sai và tác giả đã làm việc tại nhiều nước Tây Âu và cổ võ sự hiệp nhất văn hóa của Âu châu. Đề cập tới tiểu sử của thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Colombano sinh vào khoảng năm 543 tại tỉnh Leinster, trong miền đông nam Ailen. Được giáo dục bởi nhiều vị thầy tuyệt hảo, người học các nghệ thuật tự do rồi được hướng dẫn bởi viện phụ Sinell của cộng đoàn Cluain-Inis ở miền bắc Ai len, và đào sâu việc nghiên cứu Kinh Thánh. Khoảng năm 20 tuổi người gia nhập đan viện Bangor tại miền đông bắc Ailen, sống đời cầu nguyện, khổ chế và nghiên cứu, ý hiệp tâm đầu với viện phụ Comgall, một người nổi tiếng nhân đức và khổ hạnh. Chính tại đây thầy được thụ phong linh mục. Cuộc sống và gương mẫu của viện phụ ảnh hưởng rất nhiều trên ý niệm về viện tu mà thánh Colombano sẽ để cho chín mùi và truyền bá suốt cuộc đời mình.

Năm 50 tuổi, cùng với 12 đan sĩ khác, Colombano bắt đầu lý tưởng theo gương Chúa Kitô hành hương truyền giáo Âu châu. Vào thời đó các làn sóng di cư của các dân tộc miền bắc và miền đông đã khiến cho nhiều vùng được kitô hóa rơi trở lại vào ảnh hưởng ngoại giáo. Các đan sĩ truyền giáo đến vùng Bretagne và được các vua của người Franchi tiếp đón và tặng cho pháo đài Roma cổ đổ nát Annegray. Chẳng bao lâu sau pháo đài được tái thiết, các đan sĩ cũng bắt đầu khai quang và trồng tiả đất đai. Cuộc sống cầu nguyện, lao tác và khổ hạnh của các vị lôi cuốn nhiều tín hữu hành hương và kẻ tội lỗi hoán cải. Và có nhiều người trẻ xin gia nhập đan viện, đến độ phải thành lập một đan viện thứ hai tại thành phố cổ đổ nát là Luxeuil. Đan viện này sẽ trở thành trung tâm tỏa rạng lối sống viện tu và truyền giáo Ailen trên Âu châu. Sau đó có thêm đan viện Fontaine cách đó một giờ đi bộ.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: thánh Colombano đã sống tại Luxeuil khoảng 20 năm, và đã viết Luật cho các đan sĩ ”Regula monachorum”, trong một thời gian đã phố biến tại Âu châu hơn luật của thánh Biển Đức, liên quan tới gương mặt lý tưởng của đan sĩ. Ngài còn viết thêm ”Regula coenobialis” là một bộ luật phạt các đan sĩ lỗi luật. Sau đó người viết thêm một tác phẩm nổi tiếng khác là ”De poenitentiarum misura taxanda”, du nhập việc xưng tội riêng và hình phạt đền tội tương xứng với sự nghiêm trọng của tội do linh mục giải tội đề ra cho hối nhân. Các điều mới mẻ này khiến cho các Giám Muc địa phương nghi ngờ và trở thành thù nghịch thánh Colombano, vì người có can đảm công khai trách cứ cung cách sống của một vài vị. Sự đụng độ xảy ra nhân việc tranh luận liên quan tới ngày lễ Phục Sinh. Ailen theo truyền thống đông phương trái nghịch với truyền thống Roma. Năm 603 các Giám Mục họp công nghị tại Châlon-sur-Saôn và mời viện phụ Colombano tới để giải thích các thói tục liên quan tới việc sám hối và lễ Phục Sinh. Thay vì đến tham dự công nghị, người gửi các Giám Mục một lá thư xin các vị không chỉ thảo luận ngày lễ Phục Sinh là vấn đề nhỏ, mà thảo luận tất cả các vấn đề luật lệ mà nhiều người không đồng ý (x. Epistula II,1), đồng thời viện phụ cũng viết thư cho Đức Giáo Hoàng Bonifazio IV để bệnh vực truyền thống Ailen, như vài năm trước đó đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả (x. Epistula I).

Là người rất đòi hỏi đối với mọi vấn đề luân lý, viện phụ Colombano cũng đụng độ với hoàng gia, vì người đã khiển trách gắt gao vua Teodorico vì các liên hệ ngoại tình của vua . Từ đó nảy sinh ra cả một mạng lưới âm mưu lèo lái trên bình điện cá nhân, tôn giáo và chính trị dẫn đưa tới chỗ vào năm 610 nhà vua ký sắc lệnh trục xuất viện phụ Colombano và tất cả các đan sĩ gốc Ailen khỏi dan viện Luxeuil và kết án lưu đầy vĩnh viễn. Các vị được dẫn độ xuống tầu do nhà vua trả lệ phí để trở về Ailen. Nhưng tầu bị mắc cạn không nhúc nhích được. Vị thuyền trưởng coi đó là dấu chỉ từ trời cao, nên từ chối không tiếp tục cuộc hải hành nữa mà chở các vị vào bờ. Thay vì trở lại Luxeuil các vị quyết định bắt đầu một cuộc truyền giáo mới, đi ngược sông Reno, rồi dừng lại ở Tuggen gần hồ Zuerich, và đến vùng Bregenz gần hồ Costanza, để rao giảng Tin Mừng cho người Alemanni.

Ít lâu sau đó vì các vấn đề chính trị ít thuận lợi cho công tác truyền giáo viện phụ Colombano quyết định cùng với đa số các đan sĩ vượt dẫy Alpi. Chỉ còn đan sĩ Gallus ở lại. Tịch liêu của người sau này trở thành đan viện Sankt Gallen bên Thụy Sĩ. Tới Italia viện phụ Colombano được triều đình Longobardi tiếp đón tử tế, nhưng lại phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn: cuộc sống Giáo Hội bị trào lưu lạc giáo Ariano xâu xé và đa số các giáo đoàn miền bắc Italia không hiệp nhất với Giám Mục Roma. Viện phụ viết một cuốn sách chống lại trào lưu lạc giáo Ariano và một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Bonifazio IV để thuyết phục ngài có các bước cụ thể nhằm tái lập sự hiệp nhất (x. Epistula V), Vào năm 612-613 khi vua Longobardi cho viện phụ một mảnh đất tại Bobbio trong thung lũng Trebbia, viện phụ Colombano thành lập một đan viện mới, sau này sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nổi tiếng ngang với đan viện Montecassino của thánh Biển Đức. Chính tại đây thánh Colombano qua đời ngày 23 tháng 11 năm 615.


Đề cập tới sứ điệp của thánh Colombano Đức Thánh Cha nói: Sứ điệp của thánh Colombano tập trung nơi lời kiên vững mời gọi hoán cải và không dính bén của cải trần gian để được hưởng gia tài vĩnh cửu. Với cuộc sống khổ hạnh và thái độ không giàn xếp trước sự thối nát của các kẻ quyền thế, người gợi lên gương mặt nghiêm khắc của thánh Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên sự nghêm khắc của người không bao giờ là đích điểm cho chính nó, mà chỉ là phương thế để tự do rộng mở cho tình yêu của Thiên Chúa, và hết mình đáp trả lại các ơn đã nhận lãnh từ Chúa, và như thế tái tạo nơi mình hình ánh của Thiên Chúa, đồng thời khai quang trái đất và canh tân xã hội. Tôi xin trích các Huấn Thị của người: ”Nếu con người biết dùng các khả năng Thiên Chúa ban cho linh hồn nó một cách đúng đắn, thì nó sẽ giống Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta phải trả lại tất cả các ơn, mà Chúa đã đặt trong chúng ta, khi chúng ta còn ở trong tình trạng ngyuên thủy. Chúa đã dậy dỗ chúng ta với các giáo huấn của Người. Giáo huấn thứ nhất là yêu thương Chúa hết lòng, vì Người đã yêu thương chúng ta trước, ngày từ khởi thủy, trước khi chúng ta nhìn thầy ánh sáng của thế giới này” (x. Instr. XI).
Vị thánh Ailen đã nhập thể các lời này trong cuộc sống của người. Là một người có văn hóa lớn thánh nhân cũng sáng tác thơ bằng tiếng Latinh và viết một cuốn văn phạm, và cho thấy người nhận được nhiều ơn thánh. Người cũng là vị thành lập các đan viện không biết mỏi mệt, và là nhà giảng dậy sám hối đòi hỏi, đem hết nghị lực để dưỡng nuôi các gốc rễ kitô của Âu châu đang nảy sinh. Với nghị lực tinh thần với lòng tin, với tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân, người thực sự trở thành một trong các người Cha của đại lục Âu châu: cả ngày nay nữa người chỉ cho chúng ta thấy đâu là các gốc rễ từ đó Âu châu có thể tái sinh.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha cầu mong lễ thánh Barnaba tông đồ là dịp khuyến khích người trẻ can đảm dấn bước theo Thần Khí của Chúa Giêsu phục sinh; là sự đỡ nâng cho các anh chị em đau yếu biết tuân theo ý Chúa; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trở thành các chứng nhân quảng đại cho tình yêu của Chúa Kitô.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh lậy cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.