2008-06-10 19:17:12

Hiện tình Giáo Hội Công Giáo Ucraine và cuộc đối thoại đại kết



Trong các ngày 23 đến 26-5-2008 Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã viếng thăm Ucraine và chủ sự lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, một người con anh hùng của đất nước này. Trong 4 ngày lưu lại Ucraine Đức Hồng Y đã viếng thăm hai giáo phận Lvov và Kiev cũng như hội kiến với tổng thống Yushenko và Phó thủ tướng Nemyria.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng hôm 29-5-2008, liên quan tới vị thế của Ucraine trong cuộc đối thoại đại kết.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y vừa mới viếng thăm Ucraine trong vòng 4 ngày về. Tại sao trong chuyến viếng thăm Đức Hồng Y lại gọi Ucraine là cầu nối giữa Tây Âu và Đông Âu?

Đáp: Bởi vì thực ra Ucraine có thể có một vai trò quan trọng vì nó là điểm gặp gỡ, là ngã tư giữa các nền văn hóa Đông Phương và Tây Phương. Để lấy lại kiểu nói của Đức Gioan Phaolo II, Giáo Hội - không phải chỉ có Giáo Hội, mà cả Âu châu nữa - phải thở bằng hai lá phổi Đông và Tây. Chính năm nay kỷ niệm 1020 năm rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên cho người Rus ở Kiev, và từ đó sang Đông Phương và đã đặt các nền tảng cho gốc rễ Kitô như là chất mầu mỡ làm thành sự hiệp nhất giữa các dân tộc Đông Phương và Tây Phương. Các gốc rễ Kitô đã được lấy lại và nhấn mạnh, không phải chỉ từ phía các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô, mà cũng còn từ phía chính quyền trong ý thức về căn cước Kitô nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa các tín hữu công giáo Ucraine và các tín hữu công giáo Tây Âu có sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ không?
Đáp: Đây là vấn đề thực tế. Những người có tuổi vẫn nhớ tới cuộc sống anh hùng của Đức Hồng Y Slipyj, là một chứng nhân lòng tin lớn của Ucraine. Ít nhất một vài giai thoại trong lịch sử tôn giáo, của lòng trung thành của người dân Ucraine đối với lòng tin Kitô, đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo, đều hiện diện trong ký ức của biết bao nhiêu người. Hiện nay tôi không rõ là có sự hiểu biết đích thật hay không. Có lẽ cũng có ký ức về nạn đói trong các năm 1932-1933, mà trên bình diện lịch sử có người giải thích như là một hình phạt đối với người dân Ucraine và đối với các dân tộc khác.

Cả ký ức này cũng đã đi vào các sách lịch sử. Tôi cầu mong rằng các Giáo Hội và các xã hội Tây Âu hiểu biết lịch sử này hơn. Ngày xưa người ta nói rằng Ucraine là vựa lúa của Âu châu; người ta hay nói tới các cánh đồng lúa mênh mông và các mùa gặt của Ucraine. Thế rồi xảy ra vụ nổ lò nguyên tử tại Chernobyl. Tuy nhiên, không được biết Ucraine chỉ vì biến cố này mà thôi, mà cần phải biết tới phẩm giá của Ucraine là một dân tộc có một nền văn hóa rất lớn, và đã trung thành với các giá trị Kitô có lẽ hơn các dân tộc khác, và hiện nay đang đối diện với Âu châu với cùng phẩm giá và các tài nguyên, mà chúng ta tất cả phải đánh giá cao.

Hỏi: Trong các diễn văn, Đức Hồng Y hay nhắc tới chứng tá của các vị tử đạo và lấy đó làm gương cho các Kitô hữu ngày nay. Có các lý do lo lắng mục vụ nào đối với việc nhấn mạnh như thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết có một lý do lịch sử. Cả tại Ucraine cũng như tại nhiều quốc gia khác thuộc khối cựu Liên Xô, đã có các vị tử đạo vì lòng tin, các vị tử đạo nổi tiếng của thế kỷ XX, công giáo cũng như chính thống. Tại Ucraine đã có mưu toan triệt hạ tất cả mọi Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp, trong khi Giáo Hội Công Giáo Latinh mặc dù cũng phải gánh chịu các đau khổ lớn lao dưới chế độ cộng sản, nhưng cũng đã có được các ánh sáng của tự do và vì thế có thể hoạt động và diễn tả niềm tin của mình. Thế rồi một cách đặc biệt cần phải làm sống dậy ký ức cho ngày nay nữa, vì hồi đó đã có việc bách hại công khai. Ngày nay cũng có sự tấn kích nhưng tinh tế hơn: đó là sự tấn kích của khuynh hướng thờ ơ và của chủ thuyết tiêu thụ.

Bức tường Berlin đã sụp đổ, chế độ cộng sản đã sụp đổ, nhưng vẫn còn có các vấn đề thách đố lòng tin. Và chúng đòi hỏi phải có nhiều can đảm và dấn thân lớn hơn nữa trong việc làm chứng tá cho lòng tin Kitô và sống kinh nghiệm cuộc sống Kitô đích thực.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y trong chuyên viếng thăm Uracine vừa qua, Đức Hồng Y cũng đã nhấn mạnh nhiều trên dấn thân đại kết. Đức Hồng Y đã nói với tín hữu công giáo hay với cả các tín hữu chính thống nữa?

Đáp: Trước hết tôi đã đề cập tới dân thân đại kết với tín hữu công giáo, mặc dù tôi cũng đã gặp gỡ các vị lãnh đạo và các đại diện chính thống, trong các lễ nghi công giáo. Đây là điều có giá trị đối với tất cả mọi người, vì nỗ lực tạo dựng hiệp nhất, tạo ra nền tảng cho sự hiệp nhất, đồng quy hướng về các mục tiêu chung dựa trên chính niềm tin chung, là một giả thiết không thể thiếu cho công tác tái rao giảng Tin Mừng và cho sự hữu hiệu của chứng tá của tất cả mọi Giáo Hội và cộng đoàn Kitô, trong sự khác biệt nhưng trong cùng lòng tin vào Chúa Kitô.

Hỏi: Trên bình diện tôn giáo và dân sự Đức Hồng Y có nhận ra các lý do tin tưởng và các dấu chỉ đối với một sự hiện diện hiệp nhất và ít xung khắc hơn giữa các tín hữu công giáo và các tín hữu chính thống hay không?

Đáp: Tôi phải nói rằng tôi đã gặp gỡ một Giáo Hội sinh động, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo với các thành phần khác nhau, một Giáo Hội hăng say và tham gia tích cực. Các vị lãnh đạo cũng đã nói cho tôi biết là bên Ucraine các nhà thờ đều chật ních tín hữu tham dự các lễ nghi phụng vụ. Và qủa thế, tôi đã sống kinh nghiệm đó trong các cuộc găp gỡ của tôi, như dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô với cuộc rước kiệu dọc theo các đường phố Kiev, cũng như trong thánh lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, được tín hữu công giáo cũng như chính thống sùng mộ. Chị là chứng nhân của tình bác ái anh hùng và là một điểm gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và chính thống và kể cả những người không tin. Đây đã là một dấu chỉ của sự hiệp nhất rồi, một dấu chỉ của căn cước chung. Vì thế tôi đã tìm thấy rất nhiều dấu chỉ tích cực: dấu chỉ của sự đối thoại, của sự gắn bó với con tim của Giáo Hội Công Giáo, là Đức Giáo Hoàng, đặc biệt với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI; và trong các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo đặc biệt là giới lãnh đạo chính thống Nga, vì tôi đã gặp Đức Tổng Giám Mục Volodimir và tôi cảm nhận được ước mong hiệp nhất. Tất cả đều nói tới sự cần thiết phải có các bước cụ thể chung. Tuy vẫn còn có các khó khăn, nhưng đã có các bước tích cực trong việc đối thoại để đồng quy về một vài đề tài. Chẳng hạn như liên quan tới vấn đề giáo dục, đào tạo. Chúng tôi cũng nói với Đức Tổng Giám Mục chính thống về đề tài nên thánh. Và các anh em chính thống đã hỏi tôi về các tiến trình xin phong chân phước và phong thánh của Giáo Hội Công Giáo, bằng cách đối chiếu với các tiến trình của Giáo Hội Chính Thống. Đó là một số đề tài cho thấy sự đồng quy và ước muốn chia sẻ một số các phương pháp và mục đích cuối cùng với nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y một sự hòa hợp tốt giữa các Kitô hữu Ucraine, bằng cách thắng vượt các xung khắc lịch sử, có khiến cho cuộc đối thoại giữa Roma và Matscơva được dễ dàng hơn không?

Đáp: Chúng tôi đang trong tiến trình đối thoại với Giáo Hội Chính Thống Nga, với Đức Thượng Phụ Matscơva. Tôi đã có các cuộc gặp gỡ với Giáo Hội Chính Thống Nga tại Azerbaizan, và giờ đây tôi đã có các cuộc gặp gỡ tại Kiev. Đây là các dấu chỉ tích cực. Xem ra chúng tôi đang ở trong giai đoạn đối thạoi cởi mở, với các cuộc gặp gỡ thường xuyên. Trong các ngày vừa qua Đức Hồng Y Kasper cũng đã đến Matscơva trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Dĩ nhiên là chúng ta tất cả đều chờ đợi cuộc găp gỡ nổi tiếng giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Matscơva, khi nào Chúa muốn và khi sẽ có tất cả các điều kiện thuận lợi. Một vài giới chức chính thống của nhiều nước Âu châu đang công khai thúc đẩy để có cuộc gặp gỡ này. Đã có các sự kiện tích cực ngoài việc dịch các tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II ra tiếng Nga. Và việc phân phát các tài liệu này, cho phép hiểu biết tư tưởng của Giáo Hội Công Giáo nhiều hơn, trong lãnh vực tín lý cũng như luân lý, không phải chỉ trên bình diện luân lý cá nhân, mà cả luân lý xã hội và luân lý quốc tế nữa. Thế rồi cũng có việc dịch cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ra tiếng Nga, với một loại thỏa thuận nào đó với Giáo Hội Chính Thống, và sau cùng là việc dịch cuốn Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo ra tiếng Ucraine và tiếng Nga. Đây là một sự kiện tích cực cho phép hai Giáo Hội xích lại gần nhau một cách hòa bình trên bình diện văn hóa, một cách tinh túy, nghĩa là trực tiếp, và như thế hiểu biết nhau và chia sẻ với nhau. Chúng tôi cũng biết là Giáo Hội Chính Thống đang soạn thảo cuốn giáo lý xã hội của mình.

Hỏi: Cuộc hội kiến của Đức Hồng Y với tổng thống Viktor Yushenko và với phó thủ tướng Gregory Nemyria có đem lại các kết qủa cụ thể nào không?

Đáp: Chuyến viếng thăm Ucraine đã được tổ chức một cách đặc biệt cho lễ phong chân phước cho nữ tu Marta Wiecka, rất được mọi người yêu mến và tôn sùng và được chính quyền nhắc tới. Hiện diện trong lễ phong chân phước có chính quyền Lvov và các đại biểu của các cơ cấu quốc gia. Gương mặt của nữ tu Marta lôi cuốn và hiệp nhất tất cả mọi người. Tôi đã có các cuộc gặp gỡ lâu giờ với tổng thống Cộng Hòa Ucraine và với Phó thủ tướng. Trong các bài diễn văn, nhân danh Tòa Thánh, tôi cũng đã nhấn mạnh trên trên các nỗ lực tích cực của chính quyền, của các giới chức lãnh đạo Ucraine để thăng tiến nền dân chủ trong nhiều môi trường khác nhau, cũng như ý chí thừa nhận các quyền con người, sự tự do tôn giáo, sự bình đẳng giữa các Giáo Hội Kitô, và việc phát huy một đường lối chính trị trợ giúp gia đình.

Dĩ nhiên tôi cũng tái khẳng định rằng Tòa Thánh không phải là một quyền lực chính trị, không hành động như một quyền lực chính trị. Tòa Thánh thi hành sứ mệnh tinh thần của mình với quyền bính luân lý. Vì thế cả trong vấn đề đặc thù của việc hội nhập vào Liên Hiệp Âu châu cũng phải duyệt xét việc chu toàn các điều kiện do Liên Hiệp đề ra. Tuy nhiên tôi thấy xem ra Ucraine có thế đứng tốt, bằng chứng mới nhất là Ucraine đã được chọn vào Ban cố vấn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Và điều này dĩ nhiên không chỉ là việc thừa nhận Ucraine, mà cũng có nghĩa là trao phó cho Ucraine trách nhiệm thăng tiến và tôn trọng các quyền con người. Và uy tín phải đến từ phía chính quyền Ucraine trước cộng đồng quốc tế.

Hỏi: Trong bối cảnh này, Ucraine có cảm tưởng gì trước thái độ của nhiều nước Âu châu đối với người di cư, kể cả người di cư từ các nước Đông âu thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong các cuộc tiếp xúc tôi cũng đã đề cập tới vấn đề di cư. Người ta cũng đã đưa ra câu hỏi tại sao tại Italia có nhiều người Ucraine, và tại sao nhiều hãng xưởng Italia lại hoạt động bên Ucraine. Trước khi rời Ucraine tôi đã có dịp dùng bữa tối với nhiều vị đại sứ và với một phần của ngoại giao đoàn. Đại sứ Italia tại Kiev đã nói về các công nhân Ucraine và kinh nghiệm hãng xưởng Italia hoạt động bên Ucraine một cách rất tích cực. Tại Genova tôi cũng có kinh nghiệm tốt đối với cộng đoàn Ucraine đông đảo tại đây. Chúng tôi đã dành một giáo xứ cho họ và họ có cha sở riêng.

Cộng đoàn Ucraine đã hội nhập xã hội một cách khá tốt đẹp, mà không gây ra vấn đề như các nhóm người di cư khác. Cần phải lượng định từng nhóm một, để xem ai đến để làm việc thực sự, với căn cước văn hóa và tôn giáo, và giúp đỡ các anh chị em di cư đang sống trong một quốc gia và một nền văn hóa khác.

Dĩ nhiên chúng tôi cũng đã đề cập đến sự trợ giúp văn hóa trong việc giáo dục đào tạo cần cung cấp cho các cộng đoàn và các thế hệ tương lai. Chúng tôi cũng đế cập đến đại học công giáo Lvov và nền giáo dục công giáo với chính quyền thành phố này. Chính quyền thừa nhận vai trò đào tạo của Giáo Hội Công Giáo và các cơ cấu giáo dục của Giáo Hội, mà họ rất ngưỡng mộ. Tại Kiev có một Học viện cao học tôn giáo, là học viện Thánh Toma có các sinh viên công giáo, chính thống và cả người không tin nữa. Sự kiện chính quyền không chỉ thừa nhận vai trờ của các cơ cấu cao học đào tạo, văn hóa của Giáo Hội mà còn muốn yểm trợ các cơ cấu này nữa, là điều rất tích cực.

Hỏi: Trong các cuộc hội kiến Đức Hồng Y có nhận thấy các dấu vết của thảm cảnh chết đói tại Ucraine trong các năm 1932-1933 hay không?
Đáp: Nạn đói Holodomor đã là một thảm họa kinh khủng, mà người dân và chính quyền Ucraine không thể nào quên được, vì nó đã khiến cho hàng triệu người phải chết. Theo các sử gia và xác tín của chính quyền người ta đã cố ý tạo ra nạn đói này để tiêu diệt nhân dân Ucraine. Vì thế giờ đây chính quyền, chính tổng thống và nhân dân Ucraine đòi phải điều tra về nạn đói đó với các ủy ban nghiên cứu, với sự trợ giúp của Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh. Các nghiên cứu và chia sẻ tìm tòi lịch sử sẽ liên quan tới toàn lịch sử Ucraine, cũng như việc dựng lại ký ức của mọi nước có tương quan với Tòa Thánh và đặc biệt với các Giáo Hoàng.

(RG 29-5-2008)
Linh Tiến Khải
 







All the contents on this site are copyrighted ©.