2008-06-03 11:44:00

NIỀM HY VỌNG CHO NGƯỜI TÀN TẬT KHỜ-ME CAM-BỐT


Bà Am Chhat thức dậy thật sớm. Bà dọn bữa ăn sáng đạm bạc cho chồng, ông Dit Samnang. Rồi hai vợ chồng cùng đi làm. Trước khi ra khỏi nhà, bà cẩn thận mang vào cái ”chân giả”. Trên đường đi, họ gặp nhiều người khác, đàn ông có, đàn bà có, đa số là người tàn tật, nạn nhân của mìn-cá-nhân hoặc của bệnh hoạn. Có người chống nạng, có người ngồi xe lăn. Tất cả cùng hướng về xưởng dệt ”Joom Noon” ở Preah Vihear cách xa thủ đô Cam-Bốt, Phnom Penh, 360 cây số.

”Joom Noon” trong tiếng Khờ-me có nghĩa là ”Quà Tặng”. Xưởng dệt thành hình nhờ sáng kiến và lòng bác ái của ông David Gibbons - người Mỹ. Ông là cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam vào cuối thập niên 1960. Nguồn gốc xưởng dệt như sau.

Thiếu nữ Am Chhat không bao giờ cắp sách đến trường. Lý do là vì quân Khờ-me đỏ thiêu rụi các trường học trong làng hồi năm 1975. Nhưng với ”nước da bánh mật”, khuôn mặt duyên dáng, cô thiếu nữ Khờ-me hy vọng tìm được người chồng lý tưởng, làm chủ một đám ruộng nho nhỏ. Thế mà, mộng ước đơn giản bỗng tan thành mây khói vào một buổi sáng tháng 2 năm 1996. Hôm ấy, cô Am Chhat cùng các bạn gái ra ao bắt cá. Bỗng một tiếng nổ hất tung cô gái đến mấy thước. Cô nằm sóng soài trên đường đầy bụi bặm. Chân phải bị gãy còn chân trái nát bấy, đầy máu. Cô gái nhìn trời cao lòng cay đắng tự nhủ:

- Biết bao người từng qua lại con đường này, sao hôm nay mình lại dẫm phải mìn?

Am Chhat được đưa đến bệnh xá gần đó nhất. Các bác sĩ chỉ băng bó sơ sài cái chân bị nát. Mãi đến 24 giờ sau, Am Chhat mới được chở đến nhà thương Theng Meanchey. Tại đây các bác sĩ đành cắt bỏ cái chân bị thương cho đến bên trên đầu gối. Am Chhat đau đớn thầm nghĩ:

- Không còn ai thèm cưới mình làm vợ nữa!

Nhưng định mệnh an bài. Vào đúng hôm ấy, ông David Gibbons, người Mỹ, có dịp đến nhà thương và ông đã gặp cô Am Chhat. Nhìn gương mặt vừa đau đớn vừa u buồn của thiếu nữ, ông tìm cách làm cho cô hiểu rằng, còn một cuộc sống khác bên kia cái phòng ”nhỏ hẹp” của nhà thương này!

Hơn ai hết, ông David Gibbons từng nếm mùi ”tuyệt vọng”. Sau khi bị động viên và chiến đấu một thời gian tại Việt Nam, ông trở lại Hoa Kỳ vào năm 1968. Ông lập gia đình và có công ăn việc làm. Nhưng rồi, ông bị rơi vào vòng nghiện rượu, tật xấu ông mang từ thời niên thiếu. Thế là gia đình tan vỡ. Ông ly dị và rơi xuống hố thẳm buồn thương vào năm 1982. Sau đó, ông tìm cách cai nghiện và trở về với cuộc sống bình thường. Năm 1993, khi cô thứ nữ giật mãnh bằng tú tài, ông quyết định làm lại cuộc đời tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông David Gibbons gặp ông Bobby Muller, cựu trung tá hải quân từng phục vụ tại Việt Nam. Ông Muller bị tàn phế và thành lập Hội Từ Thiện, viết tắt là VVAF, gây quỹ giúp các nạn nhân chiến tranh tại nhiều nước như: Cam-Bốt, Việt-Nam, El Salvador, Angola và Sierra Leone.

Thể theo lời khuyên của ông Bobby Muller, ông David Gibbons đi Cam-Bốt vào năm 1994. Ông làm việc thiện nguyện tại một bệnh xá ở thủ đô Phnom Penh và bắt đầu yêu mến xứ sở này. Ông tâm sự:

- Tôi thấy như mình đang sống tại quê hương!

Năm sau - 1995 - ông mở một bệnh xá tại Preah Vihear với mục đích giúp các nông dân và cựu chiến binh tàn tật. Nhưng rất nhanh sau đó, ông David Gibbons hiểu ngay rằng, người tàn tật cũng cần có một nghề để tự sinh sống. Nghề gì bây giờ??? Ông nghĩ đến việc mở một xưởng dệt tơ lụa với phẩm chất cao rồi xuất cảng các tấm lụa ra nước ngoài dùng làm vải may áo hoặc khăn quàng. Xưởng dệt ”Joom Noon” chào đời từ đó. ”Joom Noon” trong tiếng Khờ-me có nghĩa là ”Quà Tặng”.

Hiện nay xưởng dệt qui tụ hàng trăm thợ, đa số là phụ nữ bị tàn tật vì dẫm phải mìn hay vì bệnh hoạn hoặc bị câm điếc. Tơ lụa do hãng dệt Joom Noon xuất cảng rất được nhiều người mua: người Mỹ, người Úc, người Anh, người Nhật và người Tàu v.v.

Mức sống của dân làng Preah Vihear được nâng cao hẳn, kể từ khi xưởng dệt Joom Noon thành hình. Ông David Gibbons đã trao tặng một tương lai sáng sủa và một niềm hy vọng bao la cho người dân Cam-Bốt đã chịu quá nhiều khổ đau vì sức tàn phá dã man của quân Khờ-me đỏ.

... ”Tôi xin nhắc lại ân nghĩa ĐỨC CHÚA, dâng lời ca tụng ĐỨC CHÚA, vì tất cả những gì ĐC CHÚA đã thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của Ngưi đối với nhà Israel, vì những gì Ngưi đã thực hiện, bởi lòng Ngưi đy thương xót và lắm nghĩa giàu ân. Ngưi đã phán: ”Thật chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!” Và đối với họ, Ngưi đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cm, chính Ngưi đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ” (Isaia 63,7-9).

(”Sélection du Reader's Digest”, Septembre/2002, trang 84-89)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.