2008-06-03 14:24:56

Hiện tình Giáo Hội Myanmar


Một số nhận định của Đức Cha Luigi Bressan, Tổng Giám Mục Trento Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Italia, về truyền giáo và cộng tác giữa các Giáo Hội, về hiện tình Giáo Hội Myanmar

Từ ngày 28-5-2008 các Giám Mục Myanmar viếng mộ hai thánh Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Trong buổi tiếp các Giám Mục sáng ngày 30-5-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ca ngợi các hoạt động cứu trợ của Giáo Hội Công Giáo Myanmar, đồng thời cầu mong có sự cởi mở của mọi người để công tác cứu trợ và tái thiết đất nước này được tiến hành dễ dàng hơn. Đức Thánh Cha nói: ”Giáo Hội tại Myanmar được biết đến và ngưỡng mộ vì tình liên đới với những người nghèo túng. Điều này đặc biệt hiển nhiên qua mối quan tâm của anh em đối với các nạn nhân cuồng phong Nargis... Tôi hy vọng rằng sau thỏa hiệp mới đây về việc cứu trợ của cộng đồng quốc tế, tất cả những ai sẵn sàng trợ giúp sẽ có thể thực hiện các công trình ấy và được thực sự lui tới những nơi cần nhất. Xin Chúa mở lòng mọi người để cùng nhau cố gắng phối hợp lòng hăng say cứu trợ những người đau khổ và tái thiết hạ tầng cơ sở cho đất nước Myanmar”.

Như đã biết đêm mùng 2 rạng ngày mùng 3-5-2008 trận bão Nargis đã tàn phá Yangoon và các tỉnh lân cận đặc biệt là vùng đồng bằng sông Irrawaddy, khiến cho hơn 140 ngàn người chết và hơn 2 triệu người lâm cảnh không nhà. Mặc đù cộng đồng quốc tế và các tổ chức bác ái nhân đạo sẵn sàng trợ giúp, nhưng Ủy Ban quân quản do tướng Than Shwe lãnh đạo, chỉ cấp chiếu khán nhỏ giọt cho các nhân viên thiện nguyện của Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Một số chuyến bay chở đồ cứu trợ đã tới được Yangoon, thì bị chính quyền tịch thu và dành quyền phân phát với nhiều thất thoát kể cả việc đem bán ngoài chợ.

Bà Elisabeth Byrs, phát ngôn viên văn phòng phối hợp cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc ở Genève, cho biết gần một tháng sau khi xảy ra trận bão tàn hại đã chỉ có 137 nhân viên Liên Hiệp Quốc được cấp chiếu khán nhập cảnh và đã chỉ thực hiện được 153 chuyến bay chở phẩm vật cứu trợ. Chỉ gần phân nửa các nạn nhân đã nhận được phẩm vật cứu trợ quốc tế. Trong 15 quận bị bão nặng nhất đã chỉ có 23% các nạn nhân trên 2 triệu người nhận được trợ giúp. Chính quyền quân quản đã chỉ có thái độ cởi mở hơn, sau khi ông Ban Ki Moon Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đến Yangoon để thôi thúc mở cửa tiếp nhận phẩm vật cứu trợ quốc tế.

Tuy nhân dân gặp nạn, nhưng Ủy Ban quân quản vẫn duy trì cuộc trưng cầu dân ý liên quan tới bản tân Hiến Pháp ngày 19 tháng 5. Dân chúng các tỉnh vùng bị nạn phải đi bỏ phiếu ngày 24 tháng 5. Trước đó quân đội đã bắt giải tán các nạn nhân tạm trú trong các trường học để lấy chỗ tổ chức trưng cầu dân ý. Song song với thái độ ”sống chết mặc bay” đối với nhân dân các vùng bị cuồng phong tàn phá, chính quyền quân đội độc tài Myanmar liên tục đàn áp các thành viên đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, và ra lệnh quản thúc bà Aung Suu Kyi. Bà đã bị chính phủ quân đội quản thúc tại gia từ năm 1989, khi chính phủ tuyên bố thiết quân luật.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ thắng lớn, nhưng Ủy Ban quân quản không thừa nhận kết qủa cuộc tổng tuyển cử. Năm 1991 bà Aung Suu Kyi được giải Nobel hòa bình. Năm 1995 chính quyền thu hồi lệnh quản thúc, nhưng hạn chế sự di chuyển của bà. Năm 2000 bà lại bị quản thúc tại gia, và tháng 5 năm 2003 bị bắt sau các vụ đụng độ giữa các lực lượng của chính quyền và các người ủng hộ đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ. Vào tháng 9 cùng năm bà được trở về nhà để chữa bệnh và tiếp tục bị quản thúc. Để trấn an dư luận quốc tế sau các vụ đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình xuống đường đòi dân chủ của giới sinh viên học sinh và các nhà sư hồi tháng 3 năm nay, đại diện Ủy ban quân quản đã gặp bà Aung Suu Kyi, nhưng rồi đâu vẫn vào đó. Đa số các nước có chút ảnh hưởng trên Myanmar như Trung Quốc, Ấn Độ, một số các quốc gia Tây Âu và các nước trong khối Asian, thì thinh lặng vì không muốn mất đi các lợi nhuận thương mại và khai thác quặng mỏ với Myanmar, trong đó có mỏ dầu hỏa.

Đức Cha John Hsane Hgyi, Giám Mục Pathrin, cho biết tình hình tại Myanmar còn rất khó khăn. Nhưng giới lãnh đạo các tôn giáo đã sát cánh với nhau trong việc tổ chức công tác cứu trợ. Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangonn cho biết Giáo Hội Công Giáo đã cung cấp thực phẩm nước uống, chăn mền và quần áo cho 25 ngàn người cũng như săn sóc tinh thần và tâm lý cho các nạn nhân. Tuy chỉ chiếm 1,3 % tổng số dân và gặp nhiều hạn chế khó khăn, như phải xin phép mỗi khi tổ chức hội họp, Giáo Hội Công Giáo rất sinh động, với 14 giáo phận và khoảng 800 linh mục săm sóc cho hơn 600 ngàn tín hữu.

Các Giám Mục Myanmar cũng đã gặp phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Italia gồm Đức Cha Luigi Bressan, Tổng Giám Mục Trento, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Italia về truyền giáo và cộng tác giữa các Giáo Hội, Đức Ông Agostino Suberbo, Phó chủ tịch Ủy Ban, và Đức Ông Giuseppe Merisi, Chủ tịch Caritas Italia.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Luigi Bressan về hiện tình Myanmar.

Hỏi: Thưa Đức Cha, cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Myanmar đã diễn ra như thế nào và các Đc Cha đã thảo luận những gì?

Đáp: Chúng tôi đã có những giờ phút rất huynh đệ bên nhau, trong đó tôi đã tái bày tổ tình liên đới của Giáo Hội Italia với Giáo Hội và nhân dân Myanmar hiện đang phải sống trong cảnh tang tóc, khổ đau và thiếu thốn. Các Giám Mục Myanmar đã tỏ lòng biết ơn đối với sự gần gũi và liên đới này. Chúng tôi đã đề cập tới thực tại Myanmar nói chung, và nhất là trận cuồng phong Nargis tàn phá Myanmar khiến cho hàng trăm ngàn người chết hàng triệu người mất nhà cửa.

Tình hình rất là kinh khủng, Đức Cha Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangoon, là thành phố bị trận bão tàn phá nặng nề nhất, đã không thể về Roma vì có qúa nhiều việc phải làm. Tuy cũng chịu nhiều thiệt hại như tất cả mọi người, Giáo Hội Myanmar đã huy động công tác cứu trợ ngay. Cùng với nhiều tín hữu bị chết cũng có một linh mục và ba giáo lý viên làm việc toàn thời. Giáo Hội đã quy tụ các chủng sinh và các nữ tu và dậy khóa cứu trợ cấp tốc. Và rất may là nhờ hệ thống Caritas hiện diện trong tất cả mọi giáo phận, công tác cứu trợ đã hữu hiệu, mặc dù phẩm vật ít và khả năng hạn chế.

Hỏi: Tình hình tại Myanmar hiện nay ra sao, thưa Đức Cha?

Đáp: Ban đầu chính quyền chống lại việc nhận các trợ giúp từ nước ngoài, nhưng từ từ chính quyền đang cho phép chở phẩm vật cứu trợ đến Myanmar, và hy vọng là mọi chuyện sẽ được cải tiến tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên dân chúng những vùng bị nạn là những người rất nghèo. Chúng ta phải nhớ Myanmar là quốc gia có đa số dân chúng phải sống dưới mức nghèo túng. Một giáo viên tiểu học lãnh lương tháng là 5 mỹ kim, trong khi chúng ta thì nói tới lương tháng 3-4 ngàn Euros.

Hỏi: Thế còn cuộc sống Giáo Hội thì ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Chúng tôi cũng đã đề cập tới cuộc sống của Giáo Hội Myanmar. Như mọi người đều biết, Giáo Hội Công Giáo Myanmar có khoảng 700 ngàn tín hữu, phần đông thuộc các sắc tộc thiểu số, với gần 800 linh mục, khoảng 200 nữ tu, và 160 đại chủng sinh thần học. Điều hay nhất đó là Giáo Hội Myanmar cũng thành công trong việc duy trì tương quan với Trung Quốc, và giúp đỡ các linh mục, các giáo lý viên và nhiều người trẻ theo học tai một ít trường dậy nghề của Giáo Hội.

Hỏi: Tuy nhiên người ta vẫn tiếp tục nói tới các khó khăn liên quan tới tự do tôn giáo. Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Dĩ nhiên rõ ràng là luôn luôn có các khó khăn. Cuộc sống của dân chúng rất là khổ sở, chính quyền thì luôn luôn theo biện pháp mạnh và cho rằng nếu không như vậy thì đất nước bị chia rẽ. Điều này có nghĩa là không có các viễn tượng ý thức hệ, chủ trương tiêu thụ, đem lại bình đẳng hay thăng tiến phát triển, mà chỉ có việc duy trì quyền bính mà thôi.

Hỏi: Hiến Pháp mới có đem lại các lợi ích nào cho dân chúng không thưa Đức Cha?

Đáp: Hiến Pháp mới thì có đó, nhưng không ai cho nó một giá trị thực tế nào, vì chính quyền có khuynh hướng duy trì tình trạng y nguyên như hiện nay, chứ không muốn có các thay đổi. Trong cuộc nói chuyện chúng tôi đã không đề cập tới vấn đề này, nhưng xem ra không có các viễn tượng dân chủ lớn.

Hỏi: Thế còn về vấn đề tự do tôn giáo thì sao thưa Đức Cha?

Đáp: Không thể nói là có đàn áp tôn giáo. Ai muốn theo đạo thì có thể theo, cũng như có sự tự do thờ phượng. Tổ chức Cariatas có hoạt động và có thể giáo dục, nhưng ngoài các thực tại bé nhỏ như tôi đã nói trên đây, chẳng hạn như các trường dậy nghề, các trạm phát thuốc vv... không thể có các cơ cấu xã hội lớn như mở các trường học riêng của Giáo Hội hay có các nhà thương. Tuy nhiên nó cũng còn tùy thuộc rất nhiều nơi tương quan với chính quyền địa phương. Nếu có tương quan tốt, thì có thể làm việc, nhưng nếu chính quyền địa phương cuồng tín, thì mọi chuyện đều thay đổi hoàn toàn.

(Avvenire 28.30-5-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.