2008-05-28 17:20:09

Đức Gregorio Cả, giáo phụ và giáo hoàng của hòa bình và lòng hăng say truyền giáo


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 28-5-2008

Sáng thứ tư 2́́́8-5-2008 đã có hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các đoàn hành hương Đông Âu như Ba Lan, Ucraine, Tschèques, Slovac và Croat. Từ Á châu có các đoàn hành hương Hồng Kông, Ấn Độ và Indonesia. Đến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả, Giám Mục Roma từ năm 590 đến năm 604 và là một trong các giáo phụ và tiến sĩ lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội. Đề cập tới thân thế của người Đức Thánh Cha nói:

Người sinh tại Roma khoảng năm 540, từ một gia đình thượng lưu giầu có gốc vùng Anicia, không chỉ nổi tiếng vì dòng máu qúy tộc, mà còn vì lòng tin Kitô sâu đậm và các công tác phục vụ Tòa Thánh nữa. Từ gia đình của người xuất thân hai vị Giáo Hoàng là Đức Felice III (483-492) và Đức Agapito (535-536). Căn nhà nơi Đức Gregorio sinh trưởng nằm trên đồi Clivus Scauri, có các dinh thự bao bọc chứng minh cho sự huy hoàng của thành Roma Cổ và sức mạnh tinh thần của Kitô giáo. Linh hứng cho các tâm tình Kitô của Đức Gregorio còn có gương sống đạo của song thân là ông Gordino và bà Silvia, cả hai đều được tôn kính như các thánh, cũng như gương sống của hai bà cô là Emiliana và Tarsilia, sống như các trinh nữ thánh hiến tại gia trong đời cầu nguyện và khổ hạnh.

Theo gương thân phụ, Gregorio đã sớm bước vào nghiệp hành chánh, và năm 572 trở thành tỉnh trưởng Roma. Với các khó khăn thời đó nhiệm vụ này khiến cho Gregorio phải giải quyết nhiều vấn đề hành chánh đủ loại sẽ trao ban ánh sáng cho các nhiệm vụ tương lai của người. Người có ý thức đặc biệt đối với trật tự và kỷ luật. Khi trở thành Giáo Hoàng người đã gợi ý cho các Giám Mục noi gương kiểu làm việc mẫn cán và tôn trọng luật lệ của các nhân viên dân sự trong việc điều hành công việc giáo hội. Nhưng cuộc sống này đã không khiến cho Gregorio thỏa mãn. Chỉ ít lâu sau, người rũ bỏ hết mọi chức vụ và lui về nhà sống đời viện tu, biến gia đình thành tu viện thánh Andrea al Celio. Việc tiếc nuối thời gian sống viện tu và đối thoại thân tình với Chúa sẽ ngày càng rõ ràng trong các bài giảng của người: giữa các lo lắng mục vụ tràn ngập nó là thời gian hạnh phúc được tịnh niệm trong Chúa, dành thời giờ cho việc cầu nguyện và đắm mình trong học hỏi nghiên cứu. Chính nhờ thế mà người hiểu biết sâu xa Kinh Thánh và các Giáo Phụ và sử dụng cho các tác phẩm của mình.

Tuy nhiên thời gian viện tu không kéo dài bao lâu. Vì kinh nghiệm hành chánh dân sự của người trong thời có nhiều nhiễu nhương, vì các tương quan với anh em Bisantin, vì sự kính trọng đại đồng có được, Đức Giáo Hoàng Pelagio đã chỉ định người làm Phó Tế, và gửi người qua Constantinopoli như là Sứ Thần để chấm dứt các tranh luận về thuyết nhất tính và nhất là để được sự yểm trợ của hoáng đế trong nỗ lực ngăn chặn áp lực của rợ Longobardi. Thời gian lưu lại Constantinopoli và cuộc sống viện tu tại đây sẽ cho giáo phụ Gregorio cơ may hiểu biết thế giới Bisantin và vấn đề của người Longobardi, sẽ thử thách tài khéo léo và nghị lực của người trong các năm làm Giáo Hoàng sau này.

Sau vài năm Gregorio được Đức Giáo Hoàng Pelagio triệu vời về Roma làm thư ký. Đó là các năm khó khăn: mưa dầm dề nước sông dâng cao gây ra cảnh lụt lội và nạn đói khắp nơi trong nước Italia kể cả tại Roma. Sau cùng lại xảy ra nạn dịch tả khiến cho nhiều người chết, trong đó có cả Đức Giáo Hoàng Pelagio. Hàng giáo sĩ, dân chúng và thượng viện Roma đồng thanh bầu Phó Tế Gregorio lên làm Giáo Hoàng. Giáo phụ Gregorio cố chống cự và tìm cách chạy trốn, nhưng không được nên đành phải chấp nhận. Đó là năm 590.

Tiếp tục trình bầy gương mặt Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả Đức Thánh Cha nói: nhận biết việc xảy ra như thánh ý Chúa, Đức Gregorio bắt tay vào việc ngay. Người có cái nhìn sáng suốt đối với thực tại và tỏ lộ khả năng ngoại thường trong việc giải quyết các chuyện của Giáo Hội cũng như các vấn đề dân sự, quân bình và cẩn trọng trong các quyết định và nhiệm vụ phải chu toàn. Nhờ khoảng 800 bức thư của người chúng ta biết được các vấn đề được đệ trình hằng ngày, đến từ các Giám Mục, các Viện Phụ, các giáo sĩ và cả chính quyền dân sự đủ loại nữa. Một trong những vấn đề nghiêm trọng thời đó là vấn đề của người Longobardi. Trái với hoàng đế Bisantin coi họ là mọi rợ cần phải hủy diệt, Đức Giáo Hoàng Gregorio có cái nhìn của một chủ chăn, lo lắng loan báo Tin Mừng cứu độ cho họ bằng cách thiết lập các tương quan huynh đệ với họ, hầu tìm ra một giải pháp chung sống hòa bình giữa người Italia, các người theo hoàng đế và người Longobardi. Đức Gregorio cũng nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trẻ trung trong bối cảnh dân sự mới của Âu châu như: người Visigoti bên Tây Ban Nha, Người Frank, người Saxon, người di cư tại Britania và người Longobardi. Hôm qua chúng ta mới mừng thánh Agostino thành Canterbury, là trưởng nhóm tu sĩ, được Đức Giáo Hoàng Gregorio sai đi truyền giáo tại Anh quốc.

Để đem lại hòa bình cho Roma và Italia Đức Gregorio liên tục thương thuyết với vua Agilulfo của người Longobardi với kết qủa là cuộc ngưng chiến kéo dài 3 năm (598-601) và sau đó vào năm 603 ký kết thỏa hiệp đình chiến. Kết qủa tích cực này có được cũng là nhờ các tiếp xúc của Đức Gregorio với hoàng hậu Teodolinda, là một công chúa công giáo đạo hạnh vùng Bavière, khác với các dân tộc Germanic khác. Các thư tín cho thấy sự qúy trọng và tình bạn Đức Gregorio dành cho hoàng hậu.

Hoàng hậu Teodolinda từ từ thành công trong việc khiến cho nhà vua theo Công Giáo và chuẩn bị cho con đường hòa bình. Đức Giáo Hoàng cũng gửi thánh tích thánh Gioan Tẩy Giả để biếu cho nhà nguyện hoàng hậu cho xây tại Monza và gửi qùa cho nhân dịp hoàng tử Adaloaldo chào đời và được rửa tội. Những chuyện của hoàng hậu là một chứng từ liên quan tới tầm quan trọng của nữ giới trong lịch sử Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gregorio nhắm tới ba mục đích: ngăn chặn sự bành trướng của người Longobardi tại Italia; giúp cho hoàng hậu Teodolinda đừng rơi vào ảnh hưởng của các người ly giáo và củng cố lòng tin công giáo: làm trung gian giữa người Longobardi và người Bisantin để tiến tới thỏa hiệp hòa bình lâu dài và truyền giảng Tin Mừng cho người Longobardi. Nghĩa là ngài liên tục thăng tiến các thỏa hiệp trên bình diện ngoại giao chính trị và phổ biến việc rao truyền lòng tin Kitô giữa các dân tộc. Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Bên cạnh hoạt động thuần túy tinh thần và mục vụ, Đức Giáo Hoàng Gregorio cũng có một hoạt động xã hội tích cực đa điện. Với lợi tức của Tòa Thánh tại nhiều vùng Italia đặc biệt là Sicilia, ngài mua và phân phát lúa mì, cứu giúp người nghèo khó, yểm trợ các linh mục, nam nữ đan sĩ sống trong cảnh nghèo túng, trả tiền chuộc các tù binh của người Longobardi, mua chuộc các cuộc đình chiến. Ngoài ra Đức Gregorio còn tái tổ chức việc hành chánh tại Roma và trên toàn Italia, đưa ra các chỉ thị rõ ràng liên quan tới các tài sản của Giáo Hội, hữu ích cho cuộc sống giáo hội và công tác truyền giáo trên thế giới, theo các luật lệ công bằng, lòng thương xót và sự ngay thẳng, che chở các người cầy cấy trồng tỉa trên đất của Giáo Hội và mau mắn bồi thường khi họ bị lừa đảo, để gương mặt Hiền Thê của Chúa Kitô không bị lọ lem vì các lợi lộc bất chính.

Các hoạt động mạnh mẽ ấy khiến cho sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Gregorio suy yếu. Ngoài ra cuộc sống chay tịnh trong những năm sống đời viện tu khiến cho bộ máy tiêu hóa của người gặp khó khăn và giọng nói yếu ớt, đến độ thầy Sáu phải đọc bài giảng thế cho ngài. Tuy yếu nhọc nhưng ngài đã làm tất cả những gì có thể để cử hành các lễ nghi trọng thể và gặp gỡ các tín hữu. Tuy phải sống trong các hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhờ sự thánh thiện và nhân bản, Đức Gregorio đã chinh phục được sự tin yêu của tín hữu và đem lại cho thời đại của ngài và tương lai các kết qủa lớn lao. Ngài là người đắm chìm trong Thiên Chúa nên đã biết tạo dựng hòa bình và trao ban hy vọng trong các trạng huống tuyệt vọng nhất.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Ucraine, Tshceques, Croat và Ý trước khi bắt kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.