2008-05-26 10:12:50

CHA AGOSTINO KUZHUMPIL.


Xét về thân thế, thì giữa thánh Gioan Vianney, cha sở giáo xứ Ars bên Pháp với cha Agostino Kuzhumpil, thuộc giáo xứ Ramapuram bên Ấn Độ, có nhiều điểm tương đồng mặc dù ở hai thời và hai nơi xa nhau ngàn trùng. Cũng như thánh Vianney, cha Kuzhumpil âm thầm tận tụy phục vụ trong một giáo xứ nghèo nàn hẻo lánh miền Nam Ấn Độ. Cũng như thánh Vianney, thuở còn nhỏ thầy Kuzhumpil không được sáng trí mấy trong việc học, nhưng lại nổi tiếng có lòng thương người và chăm lo săn sóc linh hồn cho các tín hữu. Và cũng như cha sở giáo xứ Ars, cha Kuzhumpil đặc biệt chú trọng đến đời sống bí tích của các tín hữu, ngày ngày cha ngồi tòa giải tội giờ này sang giờ khác không biết mệt mỏi.

Cha Agostino Kuzhumpil sinh ngày 01.04.1891 tại Pala, gần Kottayam thuộc Ấn Độ. Trong thời gian huấn luyện tại chủng viện Kottayam, thầy Kuzhumpil đã phải chật vật lắm mới vượt qua được các bậc học. Hỡi ơi, khi chiến thắng xong sách vở, bề trên cho gọi thầy đến khuyên không nên tiến lên chức thánh chỉ vì thầy có thân mình nhỏ nhắn quá. Tưởng không còn thất vọng nào lớn hơn, nhưng may thay, chuyện đến tai Đức Khâm Sứ Tòa Thánh nên ngài can thiệp cho thầy được chịu chức vì: Chúa nhìn vào chiều sâu con tim mỗi người, chứ không chú trọng đến chiều cao thân xác đâu. Năm 1921, thầy Agostino Kuzhumpil được truyền chức thánh và trở thành linh mục của Chúa. Cha được chỉ định phụ tá một giáo xứ nhỏ ở mạn nam Ấn. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cha đã chiếm được thiện cảm của mọi người dân trong vùng và vì thân hình nhỏ nhắn, cha được họ thân ái tặng cho biệt danh là Kunjachan, vị linh mục nhỏ bé. Cha yêu thương và tận tụy phục vụ mọi người, nhưng đặc biệt quý trọng những người cùng đinh, thuộc giai cấp cùng đinh, là những người bị ghê tởm gọi là ”Đồ không thể đụng tới được”.
Xã hội Ấn Độ đặt nền tảng trên một trật tự giai cấp rất khe khắt, không thể thoát ra được. Người sinh ra trong một giai cấp không có hy vọng chuyển sang một giai cấp khác cao hơn hay lập gia đình với một người không thuộc cùng giai cấp với mình. Có tất cả 4 giai cấp chính và mỗi giai cấp còn chia ra hàng chục hàng trăm giai cấp phụ. Ngoài ra, xã hội Ấn Độ còn có khoảng 118 triệu người cùng đinh bị gạt bỏ ra ngoài mọi sinh hoạt cộng đồng hay tôn giáo. Họ phải làm những công việc hèn hạ nhất, bị mọi người ruồng rẫy khinh chê, tránh như tránh hủi. Hiến chương Ấn Độ công bố năm 1949, chính thức hủy bỏ hệ thống giai cấp này và công nhận là mọi công dân Ấn Độ đều có quyền lợi và bổn phận đồng đều nhau. Nhà lãnh đạo bất bạo động Gandhi đã mệnh danh những người cùng đinh này là Harijan, con cái của Thiên Chúa. Nhưng trên thực tế, phân chia giai cấp vẫn ăn sâu trong lòng xã hội Ấn. Và người cùng đinh vẫn lẩn quẩn trong cảnh cùng đinh mà thôi.

Chính trong hoàn cảnh này, quyết định của cha Kuzhumpil, vị linh mục nhỏ bé, tận hiến phục vụ cho người cùng đinh thật là táo bạo và nói lên ý chí bước đi theo dấu chân Thầy Chí Thánh, phục vụ những kẻ hèn mọn nhất. Cha lui tới thăm hỏi các gia đình Harijan, chăm sóc sức khỏe, kín đáo trợ giúp vật chất và nâng đỡ tinh thần cho họ. Với sự kiên nhẫn và thông cảm, cha bước cạnh họ và chiến thắng tâm tình nghi kỵ của họ, không hiểu được lý do nào đã thúc đẩy cha đến giúp họ như thế. Cha âu yếm khuyến khích các trẻ em Harijan chú ý đến việc vệ sinh thường thức, chăm lo cắp sách đến trường. Cha học hỏi cách dùng các môn lá thuốc cổ truyền của nền y khoa Ấn Độ để có thể áp dụng đến khi cần chữa bệnh cho người trong vùng. Trong cuốn nhật ký để lại, người ta đọc thấy mọi hoạt động mục vụ không biết mỏi mệt của cha kể từ 4 giờ sáng, là lúc cha thức dậy mỗi ngày, cho đến tối mịt, khi lên giường nghỉ. Nhờ sự tận tụy hoạt động tông đồ này, cha đã thu hút bao nhiêu người trở lại với đạo công giáo, và đã có ít nhất 6000 người được cha đích thân ban bí tích rửa tội sau khi đã dạy dỗ kỹ lưỡng về mặt giáo lý. Sau khi rửa tội, cha còn theo dõi sát việc huấn luyện họ hăng hái sống đời cầu nguyện và tự thanh luyện linh hồn với các cuộc tĩnh tâm hàng năm vào mùa chay. Cha đích thân đến xin các giới chủ nhân để cho tín hữu của cha được nghỉ việc ba ngày dự cuộc tĩnh tâm này. Và khi thấy các công nhân công giáo làm việc tận tụy nghiêm chỉnh hơn những người khác, các giới chủ nhân cũng thường hài lòng cho họ nghỉ theo lời yêu cầu của cha.

Năm 1971, cha mừng kỷ niệm 50 năm đời linh mục tông đồ cho người Harijan cùng đinh Ấn Độ. Nhưng vì tuổi đã cao và sức đã tận sau bao nhiêu năm phục vụ, cha đã nhắm mắt qua đời bằng yên. Ai nấy đều có cảm tưởng là một vị thánh vừa lìa trần và chẳng bao lâu sau, các tín hữu cũng như người ngoại đạo bắt đầu lui tới cầu nguyện trên mộ cha. Tiếng tăm thánh thiện lan rộng và các bậc giáo quyền trong vùng quyết định đưa di hài của cha Kuzhumpil, vị linh mục nhỏ bé của người cùng đinh, vào an táng dưới hầm nhà thờ Ramapuram, nơi cha đã từng ngày ngày lập lại hy lễ của Chúa Giêsu trước đó. Năm 1987, trước sự hiện diện của ĐHY Lourdusamy, hồ sơ xin phong chân phước cho cha Kuzhumpil được chính thức thành lập và các tín hữu công giáo đông phương Malabar hy vọng rằng, sau hai chân phước Kuriacose Chavara, linh mục và nữ tu Alfonsa, một người con khác của giáo hội này là cha Kuzhumpil sẽ sớm được tôn kính trong sổ bộ các thánh.
MAIANH (...128)









All the contents on this site are copyrighted ©.