2008-05-13 17:59:14

Chương trình mục vụ của Giáo Hội Công Giáo Hungari


Phỏng vấn Đức Hồng Y Péter Erdoe, Tổng Giám Mục Esztergom-Budapest về chương trình mục vụ của Giáo Hội Công Giáo Hungari

Trong các ngày từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 5, các Giám Mục Hungari đã về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Phái đoàn Giám Mục Hungari do Đức Hồng Y Péter Erdoe, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hungari hướng dẫn.

Hungari rộng hơn 93 ngàn cây số vuông, có hơn 10 triệu dân. Giáo Hội Công Giáo được khoảng 6,5 triệu tín hữu thuộc nhiều lễ nghi khác nhau, với hơn 3.000 linh mục, khoảng 500 đại chủng sinh và hơn 2000 nữ tu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Erdoe, về chương trình mục vụ của Giáo Hội Công Giáo Hungari, do chương trình tiếng Hungari của đài Vaticăng thực hiện ngày mùng 5-5-2008.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, bắt đầu từ ngày mùng 5-5-2008 các Giám Mục Hungari đã về Roma để viếng mộ hai thánh Tông Đ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh. Trong lần viếng thăm theo Giáo Luật 5 năm một lần này, các Giám Mục Hungari muốn trình bầy về chương trình mục vụ lên Đc Thánh Cha. Đức Hồng Y có thể cho biết nội dung chương trình mục vụ này hay không?

Đáp: Trước hết chúng tôi phải trình bầy hiện tình các các giáo phận, nghĩa là các điều kiện sống của Giáo Hội Hungari hiện nay cũng như cung cách phục vụ của Giáo Hội. Sự kiện chính đó là sau vụ thay đổi chế độ, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chúng tôi đã có thể tái mở cửa các cơ cấu khác nhau. Nó đã không phải là ước muốn của chúng tôi, mà là ước muốn của xã hội. Xã hội ước mong Giáo Hội có trở lại các trường học riêng, các trường trung học tốt có phẩm chất và một đại học, cũng như các cơ cấu xã hội khác nhau. Nhưng đồng thời cũng cần phải làm cho các giáo xứ sinh động trở lại. Hiện nay các giáo xứ hoạt động với nhiều tự do hơn. Thế rồi còn có một số các bất động sản, như các cơ cấu của Giáo Hội đã bị nhà nước Hungari sử dụng từ năm 1948 như là nơi thờ tự hay cho công ích xã hội, nay đã được trao trả lại cho Giáo Hội. Như thế một đàng chúng tôi phải làm cho các cơ cấu này được sinh động trở lại, đàng khác cũng phải thức tỉnh các cộng đoàn, vì bây giờ phần đóng góp của Giáo Hội cho đời sống xã hội được đánh giá cao trong vị thế của cộng đoàn tôn giáo.

Hỏi: Tình hình sống đạo của tín hữu Hungari hiện nay ra sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Kết qủa các thống kê mà chúng tôi đã thực hiện theo các tiêu chuẩn xã hội học cho thấy những người có lòng tin và thuộc một cộng đoàn tôn giáo nhất định và sống đạo thường xuyên, thì làm việc nhiều hơn, họ đánh giá các tương quan nhân bản nhiều hơn, họ sống tin tưởng hơn, và họ khơi dậy lòng tin tưởng trong môi trường họ sống, và nhất là họ rất khoan nhượng đối với người khác. Như thế, cả lòng tin tưởng, cả sự đóng góp của Giáo Hội cũng đem lại kết qủa kinh tế cần thiết cho cuộc sống xã hội, và dĩ nhiên cả trên bình diện cuộc sống dân sự nữa.

Tuy nhiên nhiệm vụ thời sự nhất của chúng tôi là rao truyền Tin Mừng trong một xã hội rất bị tục hóa, trong đó số sinh ngày càng giảm, dân số xuống thấp, và rất tiếc cả việc sống đạo cũng suy yếu. Chẳng hạn trong giáo phận của tôi chỉ có từ 8-10% tín hữu tham dự thánh lễ mỗi Chúa Nhật. Số người rửa tội cũng giảm sút, và trong một vài vùng nó còn giảm nhanh hơn là số sinh. Như thế có nghĩa là tình trạng tục hóa rất trầm trọng và đáng lo âu. Chính vì thế thái độ xưa kia ngồi chờ tín hữu đến nhà xứ để gặp linh mục không đủ nữa, mà phải có thái độ của các thừa sai, nghĩa là tìm tới với họ. Vì thế trong nhiều giáo phận có các ủy ban truyền giáo và các chương trình truyền giáo khác nhau.

Tại thủ đô Budaest chúng tôi đã tổ chức chiến dịch truyền giáo trong thành phố hồi mùa thu năm 2007. Dĩ nhiên là có nhiều vấn đề chung trong xã hội như: sự buồn chán, tuyệt vọng, thiếu viễn tượng sống, nạn thất nghiệp cao, dân số già nua. Trong các tình trạng tiêu cực như thế, chúng tôi phải là dấu chỉ của niềm hy vọng và sức mạnh của sự tái sinh tinh thần. Chúng tôi đã dành suốt năm 2006 cho chiến dịch này: năm 2006 là năm kỷ niệm 50 cuộc nổi dậy của nhân dân Hungari hồi năm 1956, và kỷ niệm 550 năm chiến thắng gần Belgrad. Đó đã là một năm canh tân tinh thần của toàn nước.

Hỏi: Trên đây Đức Hồng Y đã nói là xã hội Hungari bị tục hóa. Nhưng đàng khác nó cũng cn đến Giáo Hội và các cơ cấu của Giáo Hội. Giáo huấn và giáo lý của Giáo Hội có sức nặng nào trong các lựa chọn thường ngày của cuộc sống công cộng, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trước hết, xã hội cần Chúa Kitô, thế giới cần Chúa Kitô, cần các tín hữu Kitô hay Giáo Hội, trong tư cách chúng ta là các chứng nhân của Chúa Kitô, là những người mang Chúa Kitô đến trong bối cảnh này. Vì thế các cơ cấu của Giáo Hội không có mục đích cho chính mình, mà là các dụng cụ chứng tá Kitô. Đây là một nhiệm vụ và là mục tiêu cần đạt tới, và chúng tôi vẫn còn phải làm việc để tạo ra một bầu khí Kitô trong các cơ cấu của chúng tôi. Do đó không phải là điều dễ dàng. Đàng khác cũng có các nhu cầu nhân bản chung: như xã hội thiếu nền giáo dục tốt, thiếu dịch vụ tốt để săn sóc các bệnh nhân, người già vv... Vì thế các cơ cấu này cũng là một hình thức thực thi lòng thương xót.

Nhưng cơ cấu càng lớn thì hoạt động lại càng khó khăn và có thủ tục bàn giấy rườm rà. Các luật lệ của nhà nước thay đổi rất mau chóng. Việc điều hành nhiều khi không theo kịp các thay đổi ấy. Không thể cứ hai năm thay đổi hệ thống học đường một lần được. Do đó trên thực tế thủ tục bàn giấy rườm rà đè nặng trên các bác sĩ, các nhà giáo, các giáo sư, và các người điều hành các cơ cấu, đến độ khiến cho người ta còn ít thời giờ và sức lực cũng như phương tiện giúp các cơ cấu này hoạt động trong nền tảng một cách hữu hiệu. Nhưng cũng chính vì thế có người bắt đầu thích các hình thái bác ái kitô, chứng tá kitô, ít có tính cách cơ cấu cứng nhắc hơn, và do đó tránh được nạn bàn giấy rườm rà. Chẳng hạn như các tổ chức Caritas giáo xứ hay các hình thức đào tạo khác, các khóa học khác được tổ chức hữu hiệu mà không cần có cơ cấu cố định nào. Giáo Hội công giáo Hungari hiện có hơn 300 trường học, một đại học, 4 nhà thương, nhưng trong lãnh vực y tế hiện có rất nhiều khó khăn và cũng có các cuộc tranh luận liên quan tới việc tài trợ y tế và trợ giúp sức khỏe.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, bẩy năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng các Giám Mục Hungari về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đ và thăm Tòa Thánh. Trong bẩy năm qua cục diện thế giới đã có nhiều thay đổi. Cùng với các quốc gia láng giềng Hungari đã trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu châu. Như là Chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu, Đức Hồng Y nhận thấy Giáo Hội Hungari có vai trò nào trong bối cảnh cộng đồng Âu châu, vì cả trên bình diện địa lý Hungari là quốc gia nằm ở chính giữa đại lục này?

Đáp: Trước hết, tuy có các thảo luận quan trọng liên quan tới các giá trị, không phải đối với Hungari mà đối với Âu châu, Liên Hiệp Âu châu là một khả thể, là một cơ may đối với các dân tộc Trung Âu châu vì nó giúp các dân tộc này hòa giải và chung sống hòa bình cũng như cộng tác với nhau trong óc sáng tạo. Trong nghĩa đó, Giáo Hội Công Giáo Hungari chắc chắn có một khả thể và một sứ vụ đặc biệt: đó là phục vụ sự hòa giải và tình huynh đệ giữa các dân tộc. Vì thế chúng tôi đã có sáng kiến làm một cử chỉ hòa giải với với Hội Đồng Giám Mục Slovac, diễn ra tại Esztergom hồi năm 2006. Thế rồi chúng tôi cũng có các liên hệ thường xuyên và tốt đẹp với các Giám Mục Croat, Áo, Ba Lan, và giờ đây chúng tôi bắt đầu tìm ra một hình thức cơ cấu đối thoại với các Giám Mục Rumani nữa. Và như thế trong bối cảnh của Liên Hiệp Âu châu, Giáo hội Hungari có thể góp phần mạnh mẽ tích cực vào việc hòa giải, tha thứ, thanh tẩy ký ức, và phổ biến một nèn văn hóa của tình bác ái yêu thương.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, kiểu nói ”cộng tác sáng tạo” mà Đức Hồng Y đề cập tới trên đây là một kiểu nói rất hay cần được phổ biến rộng rãi. Có thể dùng nó làm khẩu hiệu cho các nước bắt đầu cộng tác với nhau hay không?

Đáp: Vâng, tôi xác tín là có, bởi vì trong tự sắc chỉ định tôi làm Tổng Giám Mục Đức Gioan Phaolô II đã dùng một kiểu nói rất hiếm và gây tò mò. Ngài đã viết rằng tôi phải tìm ra các linh hứng và ánh sáng cho công tác mục vụ của tôi trong lịch sử của tổng giáo phận cổ xưa này. Chúng ta đều biết rằng cách đây hơn một ngàn năm, vào cuối thế kỷ thứ X chính thánh Adalberto Giám Mục tử đạo, ngoài việc thành lập giáo phận đã hoạt động truyền giáo rất mạnh, tới độ vị vua đầu tiên của chúng tôi là vua thánh Stephano, đã muốn dâng kính nhà thờ chính tòa cho thánh Adalberto, ngay sau khi thánh nhân chịu tử đạo. Và thật thế, nhà thờ chính tòa ngày nay vẫn mang tên thánh nhân. Thế rồi cả các Giám Mục đầu tiên của giáo phận này cũng đã là các tu sĩ, bạn đồng hành của thánh Adalberto, tới từ Ba Lan và các nước lân cận. Rồi chúng tôi còn có gia tài của thánh Gerardo Sagredo thành Venezia nữa. Thánh nhân đã là người để lại dấu vết sâu đậm trong thời đầu tiên của Giáo Hội Hungari. Thánh Gerardo đã bị giết vì lòng tin sau cái chết của thánh vương Stephano, chính trong thủ đô Budapest. Và thánh nhân là thánh bổn mạng của thành phố Budapest. Đó, ngay từ đầu lịch sử, chúng tôi đã có kinh nghiệm sâu xa của sự cộng tác sáng tạo giữa các dân tộc khác nhau, trong dấu chỉ của lòng tin duy nhất, và sự cộng tác này đã để lại trong lòng người dân Hungari một kỷ niệm tích cực và tươi vui mà chúng tôi không thể nào quên và khước từ được.

(RG 5-5-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.