2008-05-06 17:24:23

Nền thần học vũ trụ


Phỏng vấn Linh Mục Michal Heller, chuyên viên vũ trụ học và tư tưởng gia người Ba Lan về nền thần học vũ trụ

Trong vài thập niên qua nghành thiên văn và vũ trụ học đã đạt được nhiều bước tiến rất đáng kể. Có những dữ kiện trước đây thường được cho là tưởng tượng nay trở thành sự thật, khiến cho các khoa học gia ngày càng xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa quyền năng mới có thể tạo dựng ra vũ trụ này với các luật lệ vật lý và toán học toàn vẹn như vậy.

Tuy cho tới nay con người mới chỉ lên tới mặt trăng, và còn đang thăm dò Hỏa Tinh để hy vọng có thể thám hiểm nó vào sau năm 2020, nhưng khoa vật lý, thiên văn và vũ trụ học đã cho biết nhiều dữ kiện khá chính xác liên quan tới vũ trụ mênh mông bát ngát này. Ngày nay chúng ta biết có ít nhất hàng ngàn tỷ dải ngân hà, và mỗi dải ngân hà có khoảng từ 200 đến 400 tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao là một thái dương hệ có các hành tinh quay chung quanh như thái dương hệ của chúng ta có 9 hành tinh trong đó có trái đất. Khoa vật lý và thiên văn cũng cho chúng ta biết có những ngôi sao sau bao nhiêu tỷ năm bị nguội đi, rồi chết bằng cách nổ tung và các mảnh vụn của nó bị hút vào lỗ đen, nhưng cũng có các ngôi sao mới thành hình. Để đến ngôi sao gần thái dương hệ của chúng ta nhất là Proxima Centauri, phải mất 4,3 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng bằng khoảng cách 9,46 triệu triệu cây số.

Ngày 24-4-2008, nhân kỷ niệm 18 năm phóng đài thiên văn vũ trụ Hubble, trung tâm không gian NASA của Hoa Kỳ đã phổ biến 59 hình ảnh do đài thiên văn Hubble chụp được. Chúng cho thấy các vụ đụng độ giữa các thiên hà, chẳng hạn hình ARP 148 cho thấy hai thiên hà đụng nhau, làm thành hình chiếc nhẫn có đuôi dài. Chúng nằm cách trái đất 500 triệu năm ánh sáng. Có thiên hà đĩa đã nhập vào nhau một nửa, nhưng vẫn còn có nhân độc lập với nhau. Có thiên hà khác nữa chồng lên nhau ở phần rià và phát ra ánh sáng hồng ngoại mạnh gấp 100 tỷ lần tia hồng ngoại mặt trời của chúng ta. NGC 6240 là một thiên hà hình con bướm, hay con tôm, bao gồm hai thiên hà nhỏ hơn đang nhập vào nhau. Chúng nằm trong chòm sao Ophiuchus, cách xa trái đất khoảng 400 triệu năm ánh sáng. Cũng có hình một thiên hà giống hình chiếc lông gà vắt qua thiên hà bên cạnh. Chúng nằm trong chòm sao Sagitarius, cách chúng ta khoảng 650 triệu năm ánh sáng. Rồi cũng có cặp thiên hà xoắn ốc UGC 8335 đã nhập với nhau có đuôi cong gồm khí và sao của chúng ở ngoài cơ thể. Chúng nằm cách xa trái đất 400 triệu năm ánh sáng.

Trái lại NGC 17 đại diện cho một vụ sáp nhập dường như đã hoàn tất, nằm cách chúng ta khoảng 250 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Cetus. ARP 272 là vụ chạm giữa hai thiên hà xoắn, nằm trong chòm sao Hercules. Chúng được nối với nhau bởi các cánh tay xoắn và nằm cách chúng ta khoảng 450 triệu năm ánh sáng. Có cặp thiên hà khác bắt đầu tiến đến gần nhau cách đây khoảng 700 triệu năm và khiến cho hàng loạt ngôi sao thành hình. Hệ thống này nằm trong chòm sao Gấu Lớn, cách chúng ta 150 triệu năm ánh sáng. Rồi cũng có vụ đụng độ giữa ba thiên hà, trong chòm sao Peacock, cách chúng ta 250 triệu năm ánh sáng. Đó là một số các hình ảnh mới nhất về vũ trụ do vệ tinh Hubble chụp được và gửi về trung tâm không gian NASA. Chúng cho chúng ta vài khái niệm về sự mênh mông bát ngát của vũ trụ vẫn tiếp tục thành hình.

Hồi thế kỷ XVII-XVIII triết gia kiêm khoa học gia Gottfried Leibniz (1646-1716) đã khẳng định rằng để tạo dựng thế giới Thiên Chúa đã nghĩ tới các cấu trúc toán học. Hai thế kỷ sau đó tư tưởng này đã được khoa học gia Albert Einstein xác nhận. Mới đây tư tưởng này được Linh Mục Michal Heller, chuyên gia vũ trụ học và tư tưởng gia người Ba Lan tái khẳng định. Cha Heller mới trúng giải Templeton, là một loại Nobel tôn giáo tháng vừa qua.

Cha Heller là giáo sư tại đại học Cracovia bên Ba Lan. Giấc mộng của cha là xây dựng cây cầu nối liền lòng tin và khoa học. Năm 1969 cha tham dự các cuộc gặp gỡ đầu tiên của giới thần học, triết học và khoa học gia, do Đức Tổng Giám Mục Cracovia hồi đó là Đức Cha Karol Wojtila, tổ chức. Để tránh các cấm đoán của nhà nước cộng sản Ba Lan, họ hội họp tại các tư gia. Chỉ nhờ tình bạn và sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtila, cha Heller mới có thể ra nước ngoài để tham dự các đại hội quốc tế của giới khoa học và thần học gia.

Sau đây chúng tôi gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Michal Heller, chuyên viên vũ trụ học và tư tưởng gia người Ba Lan về nền thần học vũ trụ.

Hỏi: Thưa cha Heller, sự hiểu biết gợi ý cho chúng ta biết rằng có một tương quan giữa Trí Tuệ tạo dựng của Thiên Chúa và trí tuệ tìm tòi nghiên cứu của con người. Cha có thể cho biết thêm về vấn đề này hay không?

Đáp: Để trả lời vắn tắt, tôi có thể nói rằng bộ óc của chúng ta đã được hình thành như là sản phẩm của một sự tiến hóa của Vũ Trụ - hay nếu dùng ám tỷ của triết gia Leibniz - như là hiệu qủa hành động của Thiên Chúa, là Đấng suy tư ra Vũ Trụ. Trong não bộ con người, sự tiến hóa của Vũ Trụ đã đạt điểm trọng tâm của nó, nghĩa là đạt khả năng suy tư về chính mình và giải thích Trí Tuệ của Thiên Chúa, hiện diện trong cơ cấu của Vũ Trụ.

Hỏi: Cha mời gọi suy tư trở lại về tư tưởng chìa khóa của triết gia Leibniz: theo đó để tạo dựng Vũ Trụ Thiên Chúa đã suy nghĩ các cơ cấu toán học. Nhưng các luật lệ toán học làm thế nào để hòa hợp được với điều mà cha gọi là ”Mầu Nhiệm Vĩ Đi” thưa cha?

Đáp: Không thể giải quyết vấn đề liên quan tới Mầu Nhiệm Vĩ Đại được. Trước đây khoa học gia Einstein đã nói một cách rõ ràng là chúng ta sẽ không bao giờ có thể vén mở hay hiểu Mầu Nhiệm này. Nhưng tôi xin đi thêm một bước nhỏ nữa: đó là ”thế giới là toán học”, vì Thiên Chúa nghĩ trong cung cách tương đương với suy tư toán học của chúng ta.

Hỏi: Thưa cha, trong một Vũ Trụ được tạo dựng, làm sao có thể biện minh cho các biến cố tình cờ?

Đáp: Không dễ mà định nghĩa sự tình cờ. Định nghĩa hiển nhiên nhất đó là biến cố tình cờ là một biến cố có xác xuất (probabilità) thấp nhưng vẫn được kiểm thực, cho dù có một xác xuất thấp trong việc kiểm chứng. Để thiết định xem một sự kiện có nhiều hay ít xác xuất xảy ra, người ta dùng phép tính xác xuất. Nhưng dù sao đi nữa, phép tính xác xuất cũng là một cơ cấu toán học tuyệt diệu, và như là cơ cấu toán học nó là một phần Trí Tuệ của Thiên Chúa. Những gì mà chúng ta gọi là các trường hợp tình cờ cũng nằm trong chương trình của Vũ Trụ.

Hỏi: Như thế cha cho rằng Vũ Trụ có một chương trình, mà Vũ Trụ không thể một mình tự cắt nghĩa đưc. Nhưng cha li định nghĩa là ”sai lầm thần học” thuyết ”chương trình thông minh”, tại sao vậy cha?
 
Đáp: Có một lý do chính xác. Đó là vì người ta đã lạm dụng kiểu nói ”chương trình thông minh”. Đó là những người khẳng định rằng có sự đối kháng giữa Thiên Chúa và trường hợp ngẫu nhiên. Tôi thích dùng kiểu nói ”Trí Tuệ” của Thiên Chúa hơn.

Hỏi: Cha giải thích khuynh hướng mới đây khước từ dành cho con ngưi địa vị tuyệt đỉnh của sự tiến hóa trong cuộc sống như thế nào?

Đáp: Nếu chúng ta quan sát các chủng loại sinh động dựa trên sự tổ chức đơn sơ của chúng, thì chắc chắn là một con trùng ”amibe” đánh bại được con người khôn ngoan ”homo sapiens”. Nhưng nếu chúng ta dựa trên tiêu chuẩn của sự phức tạp, thì bộ óc con người có cấu trúc phức tạp nhất Vũ Trụ. Và chính trong sự phức tạp của não bộ con người mà sự tiến hóa của Vũ Trụ đạt đích tới của nó.

Hỏi: Để bắc một cây cầu giữa khoa học và lòng tin, cha đề nghị một nền ”thần học về khoa học”. Nó là cái gì vậy?

Đáp: Một đàng chúng ta có một phương pháp khoa học miêu tả Vũ Trụ như khoa học chưa từng thấy. Nếu chúng ta theo phương pháp này, thì các giới hạn của phương pháp khoa học là các giới hạn của Vũ Trụ. Vì thế tất cả những gì vượt cao hơn việc nghiên cứu thực nghiệm, thì cũng vượt cao hơn Vũ Trụ của khoa học. Trái lại nền thần học thì nghĩ rằng Vũ Trụ được Thiên Chúa tạo thành. Nhờ Vũ Trụ mà các thần học gia hiểu tất cả những gì đã do Thiên Chúa tạo thành. Và như thế hiển nhiên là Vũ Trụ của các khoa học và Vũ Trụ của nhà thần học khác nhau.

Sự khác biệt, nảy sinh từ sự kiện các phương pháp của các bộ môn này phản ánh các quan niệm khác nhau của chúng về thực tại. Phương pháp thần học thành công trong việc ”trông thấy” trong vũ trụ một số vật chất và khía cạnh không tùy thuộc Vũ Trụ của các khoa học. Và ”Vũ Trụ vật chất” như được thần học chiêm ngưỡng, thì phong phú hơn là Vũ Trụ nhìn thuần túy từ khía cạnh thuần túy khoa học.

Hỏi: Trong các điều kiện như thế, nền thần học của khoa học phải di chuyển ra sao, thưa cha?

Đáp: Chính từ điểm này phát xuất ra khả năng làm thần học về hoa học. Như là suy tư thần học về khoa học, thần học của khoa học có thể tìm hiểu các hậu qủa của sự kiện các khoa học thực nghiệm tìm hiểu Vũ Trụ do Thiên Chúa tạo dựng ra. Thần học của khoa học phải là một phần toàn vẹn của nền thần học đích thực, với tất cả các đặc thái phương pháp của một bộ môn thần học.

(Avvenire 5-4-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.