2008-04-09 17:17:46

Thánh Biển Đức, ông tổ của phong trào viện tu Tây Phương và thuyết nhân bản đích thật


Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 9-4-2008

Sáng thứ tư 9-4-2008 đã có 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hằng tuần với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Biển Đức, ông tổ phong trào Viện Tu bên Tây Phương.

Chúng ta biết được cuộc đời thánh nhân nhờ quyển II trong tác phẩm ”Đối thoại” của thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả viết năm 592, tức 50 năm sau khi thánh Biển Đức qua đời. Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả ca tụng thánh Biển Đức là người của Thiên Chúa rạng rỡ trên trái đất này nhờ các phép lạ và ngời sáng trong tài hùng biện khi trình bầy giáo lý của Chúa (Dial. II,36). Cuộc đời và công trình của thánh Biển Đức thành Norcia đã có ảnh hưởng nền tảng đối với sự phát triển của nền văn minh và văn hóa âu châu.

Đức Gregorio Cả kể lại cuộc đời thánh Biển Đức để cho thấy gương cụ thể của một người đã đạt đỉnh cao của sự chiêm niệm nhờ tín thác nơi Thiên Chúa. Người cũng kể lại rất nhiều phép lạ thánh Biển Đức đã làm để cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng sống xa cách thế giới và loài người, nhưng can thiệp vào những tình trạng cụ thể của cuộc sống con người. Thời đại của thánh Biển Đức giữa thế kỷ thứ V thế kỷ thứ VI là thời đại khủng hoảng các giá trị và cơ cấu gây ra bởi sự sụp đổ của đế quốc Roma, bởi cuộc xâm lăng của các dân tộc mới và sự suy đồi phong hóa. Khi giới thiệu gương mặt của thánh Biển Đức như ”tinh đẩu rạng ngời”, Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả muốn cho thấy lối thoát khỏi đêm đen của lịch sử. Thật thế, công trình của thánh Biển Đức và đặc biệt là Luật Dòng của người cho thấy một hiện tượng tinh thần thay đổi bộ mặt của Âu châu, khơi dậy một sự hiệp nhất tinh thần và văn hóa mới là lòng tin Kitô được các dân tộc của đại lục này chia sẻ, sau khi sự hiệp nhất của đế quốc Roma sụp đổ. Thực tại Âu châu nảy sinh từ đó. Đề cập tới tiểu sử của thánh Biển Đức Đức Thánh Cha nói:

Thánh Gregorio cho biết thánh Biển Đức sinh vào khoảng năm 480 thuộc vùng Norcia. Cha mẹ người khá giả nên gửi người về Roma học. Nhưng người không ở Roma lâu, vì như Đức Gregorio cho biết, thiếu niên Biển Đức chán ngấy kiểu sống trác táng của các bạn đồng trang lứa, và không muốn phạm cùng các lỗi lầm ấy. Người chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Vì thế trước khi kết thúc chương trình học, Biển Đức rời Roma và lui vào sống trong vùng núi tĩnh mịch ở mạn đông Roma. Sau khi dừng chân tại làng Effide, nơi thánh nhân sống chung với một cộng đoàn tu sĩ, người sống đời ẩn tu tại Subiaco 3 năm, hoàn toàn một mình trong một hang đá. Từ thời Trung Cổ trở đi nơi này trở thành con tim của một tu viện biển đức, được gọi là ”Hang thánh”. Thời gian sống cô tịch một mình với Chúa tại Subiaco đã là thời gian trưởng thành. Thánh nhân chịu và thắng vượt được ba thử thách là tự mãn coi mình là trung tâm, tình dục, và giận dữ báo thù. Thánh nhân xác tín rằng chỉ khi thắng vượt được ba chước cám dỗ đó, người mới có thể nói lời hữu ích cho những ai cần trợ giúp. Thánh nhân đã hoàn toàn kiểm soát được cái tôi của mình, và là người tạo dựng hòa bình chung quanh. Chỉ khi đó người mới quyết định thành lập các tu viện đầu tiên trong thung lũng Anio, gần Subiaco.

Tiếp tục kể lại cuộc đời thánh Biển Đức Đức Thánh Cha nói: vào năm 529 thánh nhân bỏ Subiaco để đến sống tại Montecassino nam Italia. Nhiều người giải thích sự di chuyển này như là việc chạy trốn một âm mưu đen tối của giáo sĩ địa phương, nhưng thật ra nó ghi dấu một giai đoạn trưởng thành nội tâm và kinh nghiệm viện tu mới. Thánh Gregorio Cả giải thích rằng đời sống kín ẩn trong viện tu có lý do của nó, nhưng tu viện cũng có một nhiệm vụ công cộng trong cuộc sống Giáo Hội và xã hội: nó phải cho thấy lòng tin như là sức mạnh của cuộc sống. Thật thế ngày 21 tháng 3 năm 547 khi thánh Biển Đức qua đời, với Luật Lệ và gia đình Biển Đức người đã để lại một gia tài với rất nhiều hoa trái trên toàn thế giới trong các thế kỷ qua.

Trong cuốn hai của tác phẩm ”Đối Thoại” thánh Gregorio Cả cho chúng ta biết cuộc sống của thánh Biển Đức chìm đắm trong lời cầu nguyện, là nền tảng cuộc sống của người. Không có lời cầu nguyện, thì không có kinh nghiệm với Thiên Chúa. Nhưng nền tu đức của thánh Biển Đức không phải là sự nội tâm ngoài thực tế. Thánh nhân không bao giờ rời ánh mắt khỏi cuộc sống thường ngày và con người với các nhu cầu của nó. Đối với thánh nhân cuộc sống viện tu là ”trường học phục vụ Chúa” (Prol. 45). Người xin các đan sĩ đặt để Chúa ở trên hết (43,3) và nhấn mạnh rằng cầu nguyện trước hết là cử chỉ lắng nghe (Prol.9-11), và việc lắng nghe đó phải được diễn tả ra bằng hoạt động cụ thể: ”Chúa chờ đợi chúng ta đáp trả lại các giáo huấn của Người mỗi ngày với các sự kiện”. Như thế cuộc sống viện tu trở thành biểu tượng phong phú giữa hoạt động và chiêm niệm, ”để Thiên Chúa được vinh danh trong tất cả mọi sự” (57,9). Thay việc tự khẳng định và ích kỷ người môn đệ của thánh Biển Đức phải chân thành kiếm tìm Thiên Chúa (58,7), theo gương Chúa Kitô khiêm nhường và vâng lời (5,13), không được đặt để bất cứ gì trước Thiên Chúa (4,21; 72,11), và chính như thế mà khi phục vụ tha nhân họ trở thành người phục vụ hòa bình. Khi vâng lời với lòng tin được linh hoạt bởi tình yêu thương, người đan sĩ chiếm hữu được sự khiêm nhường (5,1). Và như thế con người ngày càng trở thành giống Chúa Kitô hơn.

Luật cũng đề cập tới gương mặt của Đức Viện Phụ là người thay thế Thiên Chúa. Viện phụ phải là người cha hiền từ và thầy dậy nghiêm nghị (2,24) và nhà giáo dục đích thật, phản ánh gương mặt của Mục tử Nhân Lành, trợ giúp chứ không thống trị (64,8), nêu bật với sự kiện hơn là lời nói tất cả những gì là tốt lành thánh thiện và minh giải các giới răn của Chúa với gương sáng (2,12). Để có thể quyết định viện phụ cũng phải là người biết lắng nghe lời khuyên của các anh em khác (3,2), vì ”Thiên Chúa thường vén mở cho người trẻ nhất giải pháp tốt nhất” (3.3). Tất cả những thiết định này khiến cho Luật lệ Biển Đức có từ 15 thế kỷ qua vẫn luôn còn thời sự. Người có trách nhiệm công cộng, cả trong các lãnh vực bé nhỏ, cũng phải là người biết lắng nghe và học hỏi nơi những gì mình lắng nghe. Đề cập tới sự hữu ích của Luật Dòng Biển Đức Đức Thánh Cha nói:

Thánh Biển Đức định tính Luật của người là ”bé nhỏ tối thiểu, chỉ được vạch ra cho thuở ban đầu” (73,8), nhưng thật ra nó cống hiến các chỉ dẫn không chỉ hữu hiệu đối với các đan sĩ, mà cũng hữu ích cho tất cả những người kiếm tìm một sự hướng dẫn trên con đường tiến đến với Thiên Chúa. Vì sự quân bình, tính cách nhân bản và sự phân định đơn sơ giữa điều chính yếu với điều phụ thuộc trong cuộc sống tinh thần, nó đã có thể duy trì sức mạnh soi sáng cho tới ngày nay. Ngày 24 tháng 10 năm 1964 khi tuyên bố thánh Biển Đức là Bổn mạng Âu châu, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã thừa nhận công trình tuyệt diệu mà thánh nhân đã thực hiện qua Luật dòng Biển Đức đối với việc đào tạo nền văn minh và văn hóa Âu châu. Ngày nay vừa mới ra khỏi một thế kỷ bị tổn thương sâu rộng vì hai thế chiến và sau biến cố các ý thức hệ ảo tưởng sụp đổ thê thảm, Âu châu cũng đang kiếm tìm căn tính của mình. Để tạo ra sự hiệp nhất mới và lâu bền cần có các dụng cụ chính trị, kinh tế và pháp lý, nhưng cũng phải khơi dậy một cuộc canh tân luân lý và tinh thần kín múc nơi gốc rễ Kitô của đại lục này, nếu không thì không thể xây dựng được Âu châu. Không có nhựa sống này, con người có nguy cơ ngã qụy dưới cám dỗ xưa là muốn tự cứu rỗi chính mình: đó là ảo tưởng, trong nhiều cách thế khác nhau đã tạo ra một sự thụt lùi chưa từng thấy trong lịch sử chao đảo của nhân loại. Trong khi kiếm tìm sự tiến bộ đích thật, chúng ta hãy lắng nghe Luật của thánh Biển Đức như ánh sáng soi đường. Vị đan sĩ lớn lao này là bậc thầy đích thật mà chúng ta có thể theo học nơi trường của người nghệ thuật sống nền nhân bản đích thực.

Sau khi chào các nhóm hành hương bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người..

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.