2008-04-03 11:38:06

TỪ MỤC SƯ ANH GIÁO ĐẾN TU SĨ CÔNG GIÁO


Một ngày trong năm 1993, nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Dar-es-Salaam, thủ đô nước Tanzania, bên Phi Châu, chật ních tín hữu. Hơn phân nửa số người tham dự là tín hữu Anh giáo. Phần còn lại là tín hữu Công Giáo. Họ đến tham dự nghi lễ nhận mục sư anh giáo William Crombie chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Trong Thánh Lễ, Đức Cha Polycarp Pengo, Tổng Giám Mục Dar-es-Salaam, mời các tín hữu Anh giáo tiến lên bàn thánh, lãnh nhận Mình Máu Thánh.

Trước cử chỉ đại kết của vị Tổng Giám Mục Công Giáo, mục sư William Crombie thật cảm động và nói:

- Cách đây 10 năm, không ai nghĩ rằng một điều như thế có thể xảy ra!

Rồi mục sư nói thêm:

- Tôi mong rằng việc tôi trở về với Giáo Hội Công Giáo không là cớ gây chia rẽ, nhưng là mối dây hiệp nhất nối kết hai Giáo Hội lại với nhau.

Về phía Anh Giáo, phản ứng của Đức Cha Basil Sambano, giám mục anh giáo tại thủ đô Dar-es-Salaam, cũng thật bất ngờ. Khi hay biết quyết định rời bỏ anh giáo của mục sư William Crombie, Đức Cha Sambano rất lấy làm tiếc. Nhưng ngài cẩn thận tổ chức một buổi lễ tiễn biệt. Mục sư Crombie không bao giờ quên hai món quà quý giá mà Đức Cha tặng cho ngài. Đó là chiếc áo sơ-mi phi châu và con hà mã bằng đá, thật lớn và thật đep!

Mục sư William Crombie chào đời năm 1952 tại Aberdeen, bên Êcốt, nhưng từ nhỏ đã sinh sống tại Anh quốc. Tại đây William gia nhập ”Liên Hội Thừa Sai Anh Giáo” và lãnh nhận chức vụ mục sư năm 1979. Sau khi làm việc mục vụ 6 năm tại Anh quốc, mục sư William được gửi đi truyền giáo tại Tanzania.

Mục sư William Crombie phục vụ giáo hội anh giáo tại Tanzania, quốc gia thuộc vùng Đông Phi Châu, trong vòng 9 năm trời. Trong lãnh vực mục vụ, hai Giáo Hội Anh giáo và Công Giáo tại Tanzania hoạt động thật khắng khít, hòa hợp với nhau. Chính bầu khí đại kết tốt đẹp này làm nẩy sinh nơi mục sư Crombie ước muốn trở về với Giáo Hội Công Giáo. Mục sư tâm sự:

- Tận thâm tâm, tôi luôn ao ước ngày được kết hiệp mật thiết và hữu hình với ngai tòa thánh Phêrô. Thêm vào đó, tôi thuộc về một hệ phái anh giáo rất gần với Giáo Hội Công Giáo Roma!

Từ ý nghĩ trên, mục sư William Crombie thường tìm cách liên lạc với các Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Phi Châu, hay còn gọi là Các Cha Trắng, làm việc tại Dar-es-Salaam. Năm 1987 - tức năm 35 tuổi - khi mục sư Crombie ngỏ ý gia nhập Hội Thừa Sai Phi Châu, các Cha Trắng nói đùa:

- Nếu mục sư có chủ ý trở về với Giáo Hội Công Giáo và gia nhập Hội Thừa Sai, thì nên quyết định lẹ, không thì phải xin phép chuẫn, phiền phức!

Lý do vì luật của Hội thừa sai không cho phép nhận tập sinh đã quá 35 tuổi.

Dù nghe nói thế, mục sư William Crombie cũng do dự thật nhiều. Mục sư thường tự hỏi:

- Mình đã làm việc trong vườn nho Chúa, cho Nước Chúa rồi, tại sao lại phải bỏ đi để tìm kiếm nơi khác???

Những ý nghĩ dằng co do dự kéo dài trong vòng 5 năm trời. Sau cùng, mục sư William Crombie cảm thấy không thể tiếp tục sống trong tình trạng ngập ngừng này mãi. Mục sư nói:

- Không sớm thì muộn, chắc chắn tôi phải quyết định thay đổi.

Sau khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo và Hội Thừa Sai Phi Châu, năm 1994, mục sư William Crombie đến Fribourg, Thụy Sĩ để làm một năm Nhà Tập. Và ngày 9-7-1995, tập sinh Cromblie cùng với 10 tu sĩ khác cùng dòng, cử hành lễ kết thúc Năm Tập. Trong khi 10 tu sĩ bạn lên đường thực tập truyền giáo tại Phi Châu thì thầy Crombie được Bề Trên chỉ định đi Toulouse, miền Nam nước Pháp để đào sâu về thần học Công Giáo và môn đại kết, trong vòng một năm, và chuẩn bị chịu chức Linh Mục Công Giáo, sau khi đã khấn trọn đời.

Cha William Crombie ước mong trở lại hoạt động truyền giáo tại Tanzania, nơi Cha đã làm việc mục vụ trong vòng 9 năm, khi còn là mục sư anh giáo. Nhưng Cha không quên nói thêm:

- Đây là quyết định hoàn toàn nằm trong tay Bề Trên ..

... ”Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những ngưi này, nhưng còn cho những ai, nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên MỘT, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Gioan 17,20-21).
 
(”APIC”, n.194/1995, trang 2-4)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.