2008-04-01 17:28:33

Tương quan giữa con người và thú vật


Phỏng vấn triết gia Jean Marie Meyer về tương quan giữa con người và thú vật

Từ vài thập niên qua người ta chứng kiến cảnh nhiều hiệp hội và đảng xanh trên thế giới giơ cao lá cờ bảo vệ thú vật và thiên nhiên.

Người ta tổ chức các hội nghị, và sản xuất hàng loạt phim ảnh về việc bảo vệ các thú vật có nguy cơ bị tuyệt chủng như cá voi, gấu nâu, gấu trắng, panda, chó sói, đười ươi, một vài loại trong số mấy ngàn loại khỉ khác nhau và nhiều thú vật khác trong đó có cả hải cẩu và nhiều loại chim. Tại các nước Tây Âu người ta cũng thấy mọc lên nhan nhản các tiệm xén lông và thẩm mỹ viện cho thú vật như chó, mèo, và trong các siêu thị có vô số thực phẩm cho súc vật. Đặc biệt có nhiều phim hoạt họa miêu tả súc vật trong các tâm tình và cung cách suy tư hành xử của con người. Nhưng khuynh hướng bảo vệ thú vật thái qúa trên đây cũng tạo ra nhiều lẫn lộn giữa con người và thú vật, trong khi cần phải thiết định các khoảng cách đúng đắn.

Và đây là vấn đề gây tranh luận giữa những người bênh vực thú vật và những người chủ trương không được lẫn lộn giữa con người và thú vật. Những người bảo vệ thú vật chống lại chủ trương ”duy loại”. Đây là từ Richard Ryder đã chế ra hồi năm 1972 để gọi thái độ của con người kỳ thị thú vật. Họ cho rằng con người đã thần thánh hóa chủng loại của mình là loài người, nhất là đã qúa đề cao lý trí như yếu tố biện minh cho quyền tối thượng của con người trên các loài vật khác. Đối với những người đề cao súc vật, hơn là sự thiếu lý trí hay lời nói, sự khổ đau là yếu tố định đoạt. Thú vật cũng nhậy cảm trước khổ đau, và như con người chúng có quyền được đối xử một cách đúng đắn không làm cho chúng phải đau khổ. Đây là vấn đề công bằng như bà Martha Nussbaum, người Mỹ, viết trong cuốn sách tựa đề ”Các biên giới mới của công lý. Sự tàn tật, quốc tịch, việc tùy thuộc một chủng loại”. Bà Nussbaum nhận xét rằng không có lý do chính đáng để biện minh cho việc không áp dụng các hệ thống hiện hữu của công lý nền tảng, cũng như các quyền và luật lệ vượt ngoài hàng rào của các chủng loại. Đây cũng đã là lập trường của triết gia người Đức Arthur Schoppenhauer. Ông Schoppenhauer phản đối quan niệm do thái Kitô dành quyền tối thượng cho con người. Theo ông ”giữa súc vật và con người có căn tính chuyên biệt trên bình diện tâm thần cũng như trên bình diện thể xác”.

Dĩ nhiên Kinh Thánh coi con người là trung tâm vũ trụ, nhưng trong cuốn sách tựa đề ”Thần học của súc vật” tác giả Paolo De Benedetti khẳng định rằng ”con người không được cứu rỗi một mình”. ”Chúng ta hãy nhớ đến chuyện của ông Noe. Sau lụt hồng thủy Thiên Chúa thiết lập giao ước không chỉ với gia đình ông Noe, hay với loài người mà thôi, mà còn thiết lập giao ước với tất cả mọi súc vật đã ra khỏi Tầu nữa. Và trong sách Sáng Thế khi Thiên Chúa truyền cho con người chế ngự súc vật, thì Người luôn luôn hiểu trong nghĩa giữ gìn chúng: vườn địa đàng không phải của con người, nhưng được giao cho con người vun trồng, nghĩa là phát triển nó trong cuộc sống. Con người phải là một người chế ngự tốt, như Thiên Chúa chế ngự muôn loài muôn vật”.

Các cuộc đấu tranh cho quyền của súc vật bắt buộc suy tư về căn tính của con người. Trên bình diện này, theo triết gia Francesco D' Agostino, cần phải ghi nhận sự khác biệt không thể vượt thắng được sau đây: đó là ”súc vật không thể tự nói về mình như là ”tôi” và nhất là nó không thể biến thành một ”anh chị” đích thật cho con người, tức là trở thành một người, kể cả khi đó là một người bị bệnh tâm thần đi nữa. Như thế xem ra thánh Toma Aquino có lý, khi khẳng định súc vật thấp hơn con người, nhưng cũng có phẩm giá chuyên biệt vì thuộc trật tự của Thiên Chúa. Nhưng đây là lý thuyết mà các người tranh đấu cho quyền của súc vật không chấp nhận, vì đối với họ ”súc vật và con người hoàn toàn giống nhau”.

Mới đây triết gia Jean Marie Meyer, giáo sư luân lý đạo đức tại Học viện triết học so sánh Paris, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Chúng ta là động vật, nhưng không phải là thú vật”. Trong thời gian qua giáo sư cũng đã hướng dẫn khóa luân lý đạo đức của học viện Philanthropos ở Fribourg bên Thụy sĩ. Khóa học cống hiến cho các sinh viên một nền đào tạo nhân chủng theo tinh thần Kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư về tương quan giữa con người và thú vật.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay người ta nhận thấy trong xã hội tây âu có khuynh hướng tiêu qúa nhiều tiền cho các súc vật như chó mèo, rồi có sự kiện trăm hoa đua nở của các phim trình bầy súc vật, biến việc tái đưa chó sói hay gu vào trong các môi trường thiên nhiên trở thành các thảm cảnh tâm lý, rồi ngưi ta đòi các quyền lợi dân sự cho các loài cá như cá voi vv... Theo giáo sư tất cả các hiện tượng này có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là các trường hợp thuộc một bối cảnh mới, trong đó tại các nước tây âu người ta không cần súc vật cho việc làm và các hoạt động sản xuất nữa. Trong khi trong qúa khứ thú vật cần thiết và hữu ích cho con người. Ngày nay con người thiết lập với thú vật một tương quan không phải là tương quan dụng cụ nữa. Vì thế thú vật hầu như độc quyền trở thành một yếu tố yêu thích của con người. Nó trở thành phần của đồ trang hoàng của con người, đến độ con người ngày càng ít hiểu thú vật hơn và đặt để thú vật vào trong các tình trạng sai lạc khiến cho thú vật trở thành dữ dằn. Song song con người bị cám dỗ dự phóng trên thú vật các tâm tình, các cảm xúc riêng của mình, bằng cách tin rằng mình trông thấy nơi thái độ và tâm lý của thú vật một tương quan với các vui buồn của mình. Thế rồi còn có người tìm làm đẹp lòng con chó con mèo của mình, bằng cách cống hiến cho chúng các thú vui đặc thù của con người. Chúng ta đang ở trong sự lẫn lộn giữa thú vật và con người. Khuynh hướng nhân hình này đặc biệt có thể nhận ra, nếu chúng ta xem các phim như ”Bờm Trắng” năm 1953 trong đó con ngựa hoang vẫn là ngựa hoang và chú bé chinh phục được nó không thể tự đồng hóa với nó. Nhưng trong phim ”Vua Sư Tử” năm 1994 thì trái lại, trẻ em được mời gọi tự đồng hóa với con sư tử con và với tất cả thiên nhiên được giới thiệu như là khôn ngoan.

Hỏi: Các biến chuyển đó vén mở cho thấy điều gì trong xã hội chúng ta thưa giáo sư?

Đáp: Hồi thế kỷ XVII thuyết của Decartes định nghĩa con người là một con vật biết suy tư đã góp phần giảm thiểu chiều kích thú vật của con người. Tiếp theo đó thuyết duy cảm thơ mộng của thế kỷ XVIII và thuyết của Freud thuộc thế kỷ XX đã khiến cho chúng ta giảm thiểu con người vào các kích thích và như thế là trở thành súc vật. Ngày nay chúng ta phải tìm ra khoảng cách đúng đắn giữa con người và thú vật, không qúa xa vì cũng giống như thú vật chúng ta có khả năng cảm nhận, cũng không qúa gần để đến độ không còn biết phân biệt giữa con người với thú vật nữa, và ở trên vực thẳm của sự hỗn loạn trí tuệ.

Hỏi: Nhưng đâu là tương quan đúng đắn của con người với thứ vật thưa giáo sư?

Đáp: Tương quan đúng đắn giữa con người với thú vật giả thiết là chúng ta không được đánh mất đi tinh thần trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc bảo vệ và quản lý các loại thú vật khác nhau. Nó cũng giả thiết không được quên rằng chỉ có con người là bản vị và cũng chỉ có con người là chủ thể của quyền lợi. Nghĩa là phải biết phân biệt một cách chính yếu và triệt để giữa sự tôn trọng vô điều kiện phẩm giá con người và việc bảo vệ có điều kiện các loài thú vật. Sự bảo vệ đó phải được quản trị trong chiều kích quân bình toàn diện, chẳng hạn như bảo vệ cá voi nhân danh các thế hệ tương lai, nghĩa là con cháu chúng ta cũng như chúng ta có quyền được vui hưởng thiên nhiên và các loại thú vật khác nhau.

Hỏi: Thưa giáo sư có thể nói rằng các loài thú vật có vú không có cuộc sống tâm lý không?

Đáp: Cả khi chúng có cuộc sống tâm lý đi nữa, thì nó cũng được sắp xếp từ bẩm sinh theo thứ loại của chúng và điều này hoàn toàn khác với việc theo đuổi các mục đích khách quan và cá nhân, như con người.

Triết gia Avicenna, môn sinh thừa tự của triết gia Aristotele, gán cho thú vật một khả năng “dự đoán” cho phép chúng hội nhập môi trường và nhận ra những gì đe dọa chúng. Khả năng ”dự đoán” của thú vật tương đương với sự phán đoán nơi con người, nhưng con người dùng các ý niệm, là điều thú vật không làm được.
 
Hỏi: Có thể nói về một thú vật nuôi trong nhà như là mt người bạn đồng hành không?

Đáp: Không. Chẳng hạn nói rằng một thú vật cứu một người khỏi cảnh cô đơn là sai, cả khi thú vật đó có làm cho vài khía cạnh khổ đau của sự cô đơn nơi con người thuyên giảm đi nữa. Cũng thế, không thể có tình bạn trong nghĩa có lòng tốt đối với nhau giữa một người và một thú vật... Từ chìa khóa theo tôi đó là ”lương tâm”. Dĩ nhiên không thể cấm nói tới ”ý thức nhậy cảm” nơi các loài thú có vú, trong nghĩa chúng có khả năng tiếp nhận các tin tức, nhưng nó không bao giờ có thể so sánh với ”ý thức suy tư” của con người hoạt động với ngôn ngữ. Điều này quan trọng, vì nó giúp hiểu biết sự khác biệt của các truyền thông. Giữa các thú vật có thể có sự truyền thông do bản năng, nhưng nó không làm nảy sinh ra các câu hỏi hay các tò mò liên quan tới môi trường. Và như thế thú vật không có văn hóa. Chỉ có con người là có văn hóa thôi.

Hỏi: Tóm lại theo giáo sư đâu là nét đc thù riêng tư ca con người?

Đáp: Theo tôi, xem ra có hai điều nòng cốt. Thứ nhất là việc tái trình bầy tức là khả năng thông truyền một sứ điệp với các kiểu diễn tả khác nhưng vẫn duy trì ý nghĩa không hư hại của nó. Đây là điều một con khỉ không có khả năng làm được, cả khi nó có thể phản ứng lại các dấu hiệu hay đưa ra các dấu hiệu cho chúng ta cảm tưởng là nó ”truyền thông” đi nữa. Thứ hai là sự kiện có thể ”tự nhìn thẳng vào mắt” mình. Nhà phân tâm Daniel Marcelli người Pháp đã quan sát và thấy rằng một con khỉ cái không bao giờ nhìn vào mắt của con nó một cách sâu thẳm, như một bà mẹ nhìn vào mắt con mình. Tất cả tương quan giáo dục hoàn toàn khác hẳn. Đối với con người cái nhìn là bản chất của mọi sự truyền thông. Dầu sao đi nữa định nghĩa ”đặc thái riêng tư” của con người hay khước từ sự hiện hữu của đặc tính riêng tư đó của con người không phải là nhiệm vụ của thú vật học, nhưng là nhiệm vụ đồng thời của nhân chủng học, triết học và tu đức.

(Avvenire 19-3-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.