2008-03-25 12:11:31

TRẠM CHẨN BỆNH PHÁT THUỐC MIỄN PHÍ


Cách đây đúng 10 năm - một buổi tối năm 1998 - khi cuộc khủng hoảng tiền tệ đang độ cao nhất ở Á Châu, ông Kim Tòng, 37 tuổi, nằm ngủ nơi công viên thủ đô Séoul, Nam Hàn.

Từ mấy tháng nay, ông lang thang ăn nhờ từ quán miễn phí này đến quán miễn phí khác và ngủ ngoài trời, nay chỗ này mai chỗ kia. Đêm ấy, ông đang chập chờn thiêm thiếp ngủ trên chiếc ghế băng, bỗng một tiếng động khác thường làm ông thức giấc. Ông vừa mở mắt, đủ để trông thấy mấy ”đứa choai choai” hùa nhau cao bay xa chạy, sau khi dùng dao lam rạch một đường trên mặt ông, từ trán xuống mũi! Cú chơi thiệt là quá quắt! Thử hỏi làm sao ông Tòng khỏi giận điên lên được?

May thay ông bỗng nhớ đến trạm chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí ”Thánh Giuse”. Mấy người bạn thất nghiệp nghèo sống vất-vơ vất-vưởng không nhà không cửa, đã bao lần nói với ông về nơi chốn phúc lành này. Hôm nay trong cơn hoạn nạn ông nhất định tìm đến đó. Và quả thật, ông được chăm sóc cách ân cần và chu đáo.

Ngoài việc chữa trị thể xác, các nhân viên thiện nguyện của trạm phát thuốc ”Thánh Giuse” còn để ý đến tình trạng tinh thần của bệnh nhân nữa.

Trạm Phát thuốc miễn phí ”Thánh Giuse” thành hình ngày 19-8-1987 do sáng kiến của một bác sĩ Công Giáo, ông Giuse Seon U Kyeong Sik.

Trạm có diện tích 300 thước vuông nằm ở lầu thứ nhất của một tòa nhà, bên cạnh khu chợ Sillimdong. Lúc đầu, trạm phát thuốc hoạt động nhờ 19 nhân viên thiện nguyện. Giờ đây trạm được sự trợ giúp của 150 nhân viên thiện nguyện cùng với 70 bác sĩ làm việc không công, chưa kể 300 thiện nguyện viên khác chuyên lo bếp núc và các công tác như quét dọn và giặt dũ, vv..

Bác sĩ Giuse Seon U Kyeong Sik kể lại nguồn gốc trạm phát thuốc như sau.

Năm ấy, khi từ Hoa Kỳ trở lại Hàn quốc, lúc vừa mãn 7 năm học, tôi có rất nhiều ưu tư. 7 năm đằng đẵng trôi qua nơi xứ người, miệt mài học tập, giờ đây trở lại quê hương, tôi muốn làm một cái gì đó, cho đời có ý nghĩa.

Trước tiên tôi dành ra một tuần để tĩnh tâm. Tôi thoáng nghĩ đến việc phục vụ người nghèo. Nhưng ý nghĩ đến nhanh rồi biến mất, bởi lẽ, xem ra lý tưởng khó thực hiện! Cho đến một ngày, người bạn học cũ điện thoại xin tôi đến thăm một phụ nữ bị bệnh nặng. Bạn tôi đang làm công tác bác ái trong khu phố nghèo nhất của thủ đô Seoul, tên là Sillimdong.

Hình ảnh người phụ nữ nằm liệt trên chiếc giường ọp-ẹp giữa đàn con bốn đứa nheo-nhóc, như mũi kim đâm thẳng trái tim tôi. Đây là tiếp xúc đầu tiên với thế giới người nghèo. Đó cũng là tiếp xúc làm thay đổi hẳn cuộc đời. Tôi bắt đầu dành trọn ngày nghỉ cuối tuần để tiếp tay với nhóm bác sĩ và sinh viên y khoa, làm việc thiện nguyện nơi ”Tổ Ấm Tình Thương” ở khu ổ chuột Sillim. Tôi sinh hoạt như thế trong 5 năm.

Thời gian trôi qua, công tác bác ái càng tiến hành càng lớn mạnh nơi tôi ý nghĩ thành lập một trung tâm chữa trị miễn phí cho người nghèo. Người nghèo cũng cần được săn sóc sức khoẻ y như bao người khác. Trong khi thời giờ tôi dành cho họ quá ít, chỉ vỏn vẹn ngày nghỉ cuối tuần. Thêm vào đó, số người nghèo bị bệnh lại quá đông và cần được theo dõi liên tục. Làm thế nào bây giờ???

Sau nhiều đắn đo suy nghĩ và bàn hỏi trao đổi với nhóm thiện nguyện làm việc bác ái nơi ”Tổ Ấm Tình Thương”, tôi khởi công quyên góp tiền của và được các nhà thương cung cấp một số dụng cụ y khoa. Sau một năm, tôi thu được 200 ngàn mỹ kim. Số tiền đủ để thuê một căn hộ diện tích 300 thước vuông nơi lầu một của tòa nhà nằm ngay giữa chợ Sillimdong. Căn hộ được trang bị dụng cụ y khoa và thuốc men với 18 nhân viên thiện nguyện.

Trạm phát thuốc và chữa trị miễn phí ”Thánh Giuse” chính thức sinh hoạt ngày 19-8-1987.

Từ đó đến nay trạm liên tục sinh hoạt với số nhân viên thiện nguyện gia tăng và số người nghèo đến xin chữa trị cũng mỗi ngày một đông. Trạm mở cửa suốt tuần và tiếp đón mọi người, không phân biệt lương giáo và tuổi tác.

... ”Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Theo luật dạy, con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đng đem chôn dưi đất kẻ nó hư đi. Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng. Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn” (Sách Huấn Ca 29,8-13).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.343, Novembre/1999, trang 264-269)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.