2008-03-17 13:40:37

CUỘC TRỞ LẠI CÔNG GIÁO CỦA MALCOLM MUGGERIDGE, VĂN SĨ KIÊM KÝ GIẢ TRUYỀN THANH TRUYỀN HÌNH NỔI TIẾNG NGƯỜI ANH.



Vào đầu thập niên 80, tin nhà văn kiêm ký giả truyền thanh truyền hình nổi tiếng người Anh là ông Malcolm Muggeridge trở lại đạo công giáo đã gây chấn động mạnh cả tại Anh quốc lẫn tại nhiều nước trên thế giới. Một nhân vật lỗi lạc, một ký giả rất ăn khách và nổi tiếng là tay phê bình quái quỷ như ông Malcolm mà lại trở lại đạo công giáo, quả thực là chuyện khó tưởng tượng nổi.

Malcolm Muggeridge sinh năm 1903 trong một gia đình khiêm tốn tại khu City. Thời thanh niên, Malcolm nhiệt thành chạy theo chủ thuyết bất khả tri, cho rằng con người không thể nào hiểu thấu được cái tuyệt đối. Thêm vào đó, Malcolm theo tinh thần bài giáo hội do triết gia Pháp Voltaire đưa ra và ưa chuộng những tư tưởng cấp tiến. Vào thập niên 30, Malcolm hoan nghênh chủ thuyết cộng sản đến độ định di cư khăn gói sang Mascơva, thiên đường cộng sản, để sinh sống, Nhưng chẳng bao lâu sau, chạm mặt với sự thật phũ phàng của bề trái thiên đường đỏ, Malcolm lật đật khăn gói gió đưa trở về quê nhà. Nhưng kinh nghiệm tiêu cực này đã làm cho chàng trở nên người chua cay sẵn sàng miệt thị mỉa mai tất cả mọi hệ thống tư tưởng và mọi cá nhân đói tượng. Tờ Observer London, đã mô tả ký giả Muggeridge với một câu độc địa như sau: Ông ta đã cắn tất cả mọi bàn tay từng vuốt ve nuôi dưỡng mình.

Nhưng càng lớn tuổi, càng dạn dày kinh nghiệm, Malcolm Muggeridge lại càng cảm thấy bị tôn giáo lôi cuốn hơn. Càng đào sâu hiểu biết khôn ngoan, Malcolm càng cảm nhận được thực tại huyền bí là Thiên Chúa và khao khát Người. Nhưng vẫn có một sự gì đó ngăn cản ông bước đến với Người. Rồi một hôm, ký giả Muggeridge gặp mẹ Têrêsa Calcutta. Ông nói về ảnh hưởng của
người nữ tu nhỏ nhắn yếu đuối này đối với ông như sau: Mẹ Têrêsa đã dạy cho tôi biết mở mắt nhận ra ý nghĩa đích thực của một cuộc sống làm người kytô. Mẹ là chứng tá hiển nhiên nhất cho quyền năng lạ thường của tình yêu đã nảy nở và lớn mạnh rồi lan tràn rộng trên khắp thế giới chỉ nhờ một tâm hồn bé nhỏ sùng kính Thiên Chúa. Ngay từ hồi đầu gặp Mẹ ở Calcutta, mẹ Têrêsa đã nhiều lần khẳng định với tôi rằng chính bí tích Thánh Thể nhận lãnh hằng ngày đã cống hiến cho Mẹ sức mạnh tiến tới trong cuộc sống hàng ngày. Không có sự hỗ trợ của Thánh Thể, thì mẹ đã ngã quỵ hoặc đi lạc đường từ lâu rồi. Tôi thì tôi còn ngần ngừ, nói tránh rằng Chúa muốn dùng tôi như một người ngoại và phê bình rằng trong giáo hội của Chúa, có bao nhiêu là giáo sĩ đang nhao nhao phản đối Chúa đấy. Nhưng Mẹ Têrêsa chỉ mỉm cười mà chẳng coi lời phê bình chống đỡ của tôi có kí lô nào cả. Mẹ nói Chính Chúa Giêsu đã tự tay chọn 12 môn đệ và trong số này, có cả Giuda kẻ bán Chúa. Rồi lúc Chúa cần đến các môn đệ khác, thì họ trốn chạy mất biệt. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi Đức Giáo Hoàng hay hàng giáo sĩ phải toàn thiện toàn hảo hơn Chúa được.

Nhưng sự chống đối vẫn nung nấu trong con tim người ký giả lỗi lạc này. Cho tới một lúc nọ, Malcolm đành phải đầu hàng khi Chúa ban hồng ân đức Tin xuống trên ông. Trong một khoảnh khắc, bao nhiêu chống đối nghi ngờ tan biến như mây khói, không hề để lại dấu vết bợn nhơ, và thay vào đó là niềm tin vững chắc như đá tảng vào chân lý vừa được vén mở cho mình. Malcolm nói: Khi ấy, tôi như người mù vừa được cho sáng mắt và thưa cùng Chúa: Chỉ có một điều con biết rõ hơn cả. Đó là trước đây con mù mắt và bây giờ con thấy được. Điều mà ai ai cũng phải công nhận là sự hiện hữu của Giáo Hội Chúa qua suốt hai ngàn năm lịch sử sóng gió, với bao nhiêu sai lầm của con người, với bao nhiêu thăng trầm biến chuyển thời cuộc. Bất cứ giờ nào, ở một nơi nào đó trên thế giới, có thể vẫn có một người nào đó đang ban phát Mình và Máu Thánh Chúa cho nhân loại và tiếp tục hy lễ Chúa Giêsu đã dâng cách đây hai ngàn năm.

Càng ngày, Malcolm càng bị thu hút bởi giáo huấn của giáo hội công giáo, nhất là những điều xem ra đi ngược lại khuynh hướng thời đại. Chẳng hạn như thông điệp của ĐTC Gioan Phaolo II về Sự sống con người. Ông nhận định rằng thông điệp không chấp nhận các phương tiện ngừa thai nhân tạo bởi vì đây là điều cốt yếu để phân biệt một hành động tình dục thuần túy và cứu cánh của tính dục là truyền sinh, giữa hành động phái tính và điều kiện của phái
tính là tình yêu trường tồn. Về luật cho phép tự do phá thai, ông nói: với một vụ sát hại thai nhi mỗi ba phút đồng hồ, người ta đang thực hiện một cuộc diệt chủng âm thầm và con số nạn nhân còn cao hơn cả cuộc diệt chủng do thái dưới thời Đức quốc xã. Gia đình kytô bị tước lột hết các giá trị tinh thần cao quý và trở nên giống như một nông trại tân tiến, trong đó người ta chỉ bận tâm lo cho các con vật được ăn uống đầy đủ và mang lại lợi lộc mà thôi.

Con đường trở lại của ông Malcolm Muggeridge đạt đến đích điểm năm ông gần 80 tuổi. Tại nhà thờ Đức Mẹ cứu giúp tín hữu kytô ở miền đồng quê Sussex, ông Malcolm Muggeridge cùng vợ là bà Kitty tuyên xưng đức tin vào giáo hội công giáo. Niềm vui sâu đậm nhất của ông là từ ngày đó, rất nhiều người viết thư hay tìm cách gặp ông để chia vui và bày tỏ tinh thần đồng đạo với ông, một tình thân huynh đệ giữa những người con của cùng một Thiên Chúa là Cha.

MAIANH (...112)








All the contents on this site are copyrighted ©.