2008-03-09 17:40:45

Kinh Truyền tin chúa nhựt 9-3-08


Như đã giới thiệu vào các lần trưc đây, bài Tin mừng của các chúa nhựt trong mùa Bốn mươi được chọn lựa nhằm chuẩn bị các dự tòng lãnh các bí tích khai tâm. Ba chúa nhựt thứ 3-4-5 giải thích ý nghĩa của bí tích Thánh Tẩy dưới ba chủ đ: nước, ánh sáng, sự sống, dựa theo Tin mừng thánh Gioan. Hôm qua, đc thánh cha đã giải thích hai lần đoạn Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu cho ông Ladarô sống lại: vào buổi sáng khi cử hành Thánh lễ ở nhà nguyện thánh Lorenxô tại trung tâm đón tiếp các bạn trẻ nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, và vào lúc 12 giờ trưa trong bui đọc kinh Truyền tin. Trước hết, xin kính mời quý vị theo dõi huấn dụ trưc khi đọc kinh Truyền tin.

Anh chị em thân mến

Trong hành trình mùa Bốn Mươi, chúng ta đã đến chúa nhựt thứ năm, với đặc trưng là bài Tin mừng nói về ông Ladarô được sống lại (Ga 11,1-45). Đây là “dấu chỉ” trọng đại cuối cùng mà Chúa Giêsu thực hiện, rồi sau đó, các đại tư tế đã nhóm họp Thượng hội đồng quyết định thủ tiêu Người. Họ cũng định sẽ giết luôn ông Ladarô nữa, bởi vì ông là một bằng chứng sống động cho thiên tính của Đức Kitô, Chủ tể của sự sống và sự chết. Thực ra, bài Tin mừng này cho thấy rằng đức Giêsu là Người thật và Chúa thật. Trước hết, thánh sử nhấn mạnh rằng Người là bạn của ông Ladarô và hai chị em Marta và Maria. Ông nêu bật rằng “Người rất quý mến họ” (Ga 11,5), và vì thế Người muốn thực hiện việc lạ vĩ đại. Người nói với các môn đệ: “Ladarô, người bạn của chúng ta đang ngủ. Tôi sẽ dến đánh thức ông dậy” (Ga 11,11); Người dùng hình ảnh giấc ngủ để trình bày quan điểm của Thiên Chúa về cái chết: Chúa coi cái chết như một giấc ngủ, mà Người có thể đánh thức dậy. Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền năng tuyệt đối trên cái chết: ta có thể thấy điều đó khi Người trả lại sự sống cho người thanh niên, con một của bà goá thành Naim (xc Lc 7,11-17), và cho em bé gái 12 tuổi (xc Mc 5,35-43). Vào dịp ấy Người đã tuyên bố: “em bé không chết đâu, nó ngủ đấy thôi” (Mc 5,39), khiến cho thiên hạ chế nhạo Người. Nhưng thực tế là như vậy: cái chết về thể xác là một giấc ngủ, mà Thiên Chúa có thể đánh thức dậy bất cứ lúc nào.

Quyền chủ tể trên cái chết không làm ngăn cản đức Giêsu cảm thấy xót thương nỗi đau đớn của sự chia ly. Trước cảnh khóc thương của các chị Marta và Maria và các thân hữu đến an ủi họ, Chúa Giêsu đã xúc động sâu xa, và Người “òa lên khóc” (Ga 11,33.35). Đức Giêsu mang một trái tim vừa của Thiên Chúa vừa của con người. Nơi Người, Thiên Chúa và con người đã gặp gỡ nhau, không tách rời mà cũng không trà trộn. Đức Giêsu là hình ảnh, hơn nữa là sự nhập thể của Thiên Chúa, là Tình Yêu, lòng lân tuất, tình âu yếm như người cha và người mẹ, một Thiên Chúa là sự sống. Vì thế, Người đã long trọng tuyên bố với chị Marta rằng: “Thầy là sự phục sinh và sự sống; ai tin vào Thầy, thì dù chết cũng sẽ sống; còn ai sống và tin vào Thầy, thì sẽ không chết mãi mãi”. Người hỏi thêm: “Con có tin như vậy không?” (Ga 11,25-26). Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi đó cho mỗi người chúng ta, một câu hỏi vượt quá sức chúng ta, quá tầm mức hiểu biết của chúng ta, và đòi hỏi chúng ta hãy tín thác vào Ngươì, cũng như Người tín thác vào Chúa Cha. Câu trả lời của chị Marta thật là tuyệt: “ Vâng, lạy Chúa, con tin rằng Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa phải đến trong trần gian” (Ga 11,27). Vâng, lạy Chúa, chúng con tin Ngài, bất chấp những nghi ngờ tối tăm; chúng con tin Ngài, vì Ngài có lời mang lại sự sống trường cửu; chúng con muốn tin Ngài, Đấng ban cho chúng con niềm hy vọng vào sự sống bên kia sự sống, một cuộc sống chân thực và sung mãn trong vương quốc của Ngài đầy ánh sáng và bình an.

Chúng ta hãy ký thác lời nguyện này cho đức Maria rất thánh. Mong sao cho lời chuyển cầu của Mẹ củng số cho niềm tin và hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu, đặc biệt vào những lúc gặp thử thách và khó khăn.


Sau khi ban phép lành Toà thánh, Đức Thánh Cha đã thêm lời kêu gọi liên quan đến tình hình chính trị miền Trung đông. Trước hết là tại Thánh địa, nơi diễn ra những cảnh bạo động gây ra chết chóc và thương tích cho nhiều người: chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn hoà bình và hoà giải nhờ những nỗ lực đàm phán. Kế đó là tại Irak, đặc biệt là kêu gọi trả tự do cho đức Cha Rahho bị bắt cóc từ hơn một tuần nay.

Trước khi chuyển sang phần chào thăm các phái đoàn hành hương bằng các ngôn ngữ khác nhau, đức Bênêđictô XVI đã dành những lời nhắn nhủ dành cho các bạn trẻ Rôma. Vào chiều thứ năm tuần này, ngài sẽ chủ toạ phụng vụ thống hối tại đền thờ thánh Phêrô, nhằm chuẩn bị cho chúa nhựt Lễ Lá, được chỉ định là ngày quốc tế giới trẻ, mà cao điểm sẽ là đại hội tại Sydney vào tháng 7 sắp tới.

Chính trong khung cảnh của mục vụ dành cho giới trẻ mà vào buổi sáng, ngài đến dâng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Lorensô, cạnh quảng trường thánh Phêrô, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trung tâm tiếp đón các bạn trẻ, vào ngày 23 tháng 3 năm 1983. Vì nhà nguyện nhỏ hẹp, cho nên chỉ một số đại biểu các phong trào thanh niên tham dự, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Trong bài giảng, ngoài những tư tưởng của các bài đọc Kinh thánh liên quan đến niềm tin và hy vọng Kitô giáo vào sự sống bất diệt, đức thánh cha đã trao cho các bạn trẻ một sứ mạng đặc biệt, đó là hãy giúp cho những bạn hữu của mình tìm gặp Chúa Kitô. Thực vậy, nhiều bạn trẻ thời nay bị lôi cuốn vởi những lời hứa hão huyền của thành công, danh vọng, lợi lộc, và họ cũng sớm thât vọng. Vì thế họ cần đến những người bạn chân tình, đồng hành trên con đường tìm kiếm chân lý. Nhất là các bạn trẻ đừng sợ nên thánh. Các bạn hãy nhìn đến những tấm gương của những bạn đồng tuổi, như chân phước Pier Giorgio Frassati, như Phanxicô Assisi, hoặc như vị thánh kính vào ngày 9 tháng 3, thánh nữ Francesca Romana.

Bình Hòa








All the contents on this site are copyrighted ©.