2008-03-03 14:58:48

Gương mặt của Đức Giêsu thành Nagiaret trong lịch sử nghệ thuật


Phỏng vấn ông Flavio Caroli, giáo sư lịch sử nghệ thuật hiện đại về gương mặt của Đức Giêsu thành Nagiarét

Ngày 30-1-2008 ông Flavio Caroli, giáo sư lịch sử nghệ thuật hiện đại tại đại học kỹ thuật đa khoa Milano, bắc Italia, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Gương mặt Đức Giêsu. Lịch sử của một hình ảnh từ thời cổ xưa cho tới nghệ thuật ngày nay”.

Từ đầu lịch sử Kitô giáo cho tới nay người ta đã luôn luôn tò mò muốn biết đâu là gương mặt thật của Đức Giêsu thành Nagiarét. Người có râu hay không có râu, tóc mầu như thế nào: vàng hoe hay nâu hoặc hung hung, mắt mầu xanh biếc hay mầu nâu vv... Những người đã có diễm phúc trông thấy Chúa Giêsu có lẽ đã ngạc nhiên đến độ không để lại dấu vết nào cho hậu thế. Nhưng các họa sĩ thuộc mọi thời đại đã tìm cách vẽ ra gương mặt của Đức Giêsu thành Nagiarét.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Flavio Caroli, giáo sư lịch sử nghệ thuật hiện đại tại đại học kỹ thuật đa khoa Milano, bắc Italia, về gương mặt của Đức Giêsu thành Nagiarét.

Hỏi: Thưa giáo sư Caroli, đâu là hình cổ xưa nhất diễn tả Chúa Giêsu trong lịch sử nghệ thuật?

Đáp: Xem ra là điều mâu thuẫn, nhưng bức hình đầu tiên diễn tả Đức Giêsu thành Nagiarét lại do một người thù nghịch với Ngài vẽ ra. Đó là một hình vẽ chế nhạo thuộc thế kỷ thứ II, mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong một căn nhà trên đồi Palatino ở Roma. Đồi Palatino là ngọn đồi trên đó có các dinh thự đền đài của các hoàng đế Roma. Nó nằm cạnh Foro Romano là trung tâm của đế quốc Roma xưa kia.

Trên hình vẽ đó người ta thấy một cây thập tự với một chiếc đầu lừa và một người đang thờ lậy đầu lừa bị đóng đinh, với hàng chữ Hy lạp viết: ”Tên Alessandro thờ lậy Thiên Chúa của hắn”. Thật ra chúng ta biết là dân ngoại, tức những người không do thái, chế nhạo tín hữu Kitô như là những người thờ lậy một con lừa, trong khi các Kitô hữu lưỡng lự không dám diễn tả hình ảnh của Chúa Kitô, ít nhất là cho tới thế kỷ thứ IV.

Hỏi: Tại sao lại có sự trễ tràng trong việc vẽ hình Chúa Giêsu Kitô như thế thưa giáo sư?

Đáp: Sự kiện Thiên Chúa nhập thể làm người đã lập tức gây ra các vấn nạn lớn liên quan tới việc thích hợp hay không thích hợp diễn tả hình ảnh của Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Người ta sẽ thảo luận trong suốt ngàn năm thứ nhất của lịch sử Kitô giáo và nó cũng sẽ là lý do gây ra sự xung khắc bùng nổ trong toàn đế quốc Bisantin, do những người chống đối các tượng ảnh chủ mưu. Những người thuộc phong trào này cho rằng không thể diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa được, nên họ tìm cách đốt phá các ảnh tượng. Và đã có hàng ngàn bức vẽ trên gỗ qúy giá bị đốt phá.

Thế rồi ban đầu cũng có sự thận trọng dễ hiểu của một nhóm tín hữu bị bách hại, thích dùng các biểu tượng ám chỉ hơn là vẽ ra các hình ảnh. Tuy nhiên trong các thế kỷ đầu các hình ảnh diễn tả Chúa Kitô luôn luôn cho thấy một thanh niên không có râu, theo hình mẫu của thần Apollo.

Chỉ vào giữa thế kỷ thứ IV mới xảy ra sự thay đổi định đoạt. Trong các hầm mộ của hang toại đạo Commodilla ở Roma người ta tìm thấy một bích họa vô danh, tức hình vẽ trên tường mộ, diễn tả Chúa Giêsu với tóc dài và bộ râu rậm rạp.

Hỏi: Và hình ảnh đó đã là hình ảnh ngự trị dọc dài các thế kỷ cho tới ngày nay, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, đúng thế, cho tới ngày nay và trong cả các phim ảnh xinê nữa. Xem ra nó phát xuất từ một văn bản mạo thư, được gán cho một viên chức người Roma sống đồng thời với Chúa Giêsu. Viên chức này miêu tả Chúa Giêsu ”như là một người cao lớn... Tóc có mầu giống mầu của loại hồ đào (noce) vùng Sorrento nam Italia. Và có râu rậm cùng mầu với tóc, không dài lắm nhưng ở cằm thì chẻ làm đôi. Mắt người mầu xanh da trời”. Miêu tả này tương đương ít nhiều với các nét vẽ hình Chúa Giêsu thuộc thời trung cổ. Xem ra có sự nghi ngờ liên quan tới mầu mắt của Chúa Giêsu, vì họa hiếm mới thấy hình vẽ mắt mầu xanh.

Hỏi: Nhưng mà thưa giáo sư, hình vẽ Chúa Giêsu đã luôn luôn đp như thế hay sao?

Đáp: Ban đầu Kitô hữu loại bỏ các giai thoại hạ nhục Chúa Giêsu trong cuộc đời của Người, như cảnh bị đóng đanh trên thập giá. Chúa Giêsu đã chỉ được diễn tả như là Đấng chữa lành tật bệnh hay như là Tôn Sư. Đặc biệt trong thế giới đông phương, các icone, tức các hình vẽ trên gỗ, nêu bật khía cạnh thiên linh của Chúa Giêsu và không biết đến thảm cảnh của thịt xác.

Vào thời Trung Cổ người ta mới bắt đầu vẽ hình ảnh khổ đau của Chúa Cứu Thế. Chúng ta hãy nghĩ đến các bức vẽ Chúa Giêsu chịu đóng đinh nổi tiếng của nhà danh họa Cimabue, tả cảnh Chúa Giêsu quằn quại lần cuối diễn tả cái run rẩy cuối cùng của sự sống trên thập giá trước khi tắt thở. Hay hình Chúa chịu đóng đanh của họa sĩ Donatello. Thế rồi trong thời Cải Cách, với phong trào tin lành chiều kích thê thảm sẽ được nhấn mạnh một cách thái qúa: điển hình là bức họa tả cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh của nhà danh họa Mathias Gruenewald. Các họa sĩ nêu bật các nét khổ đau trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Hỏi: Thưa giáo sư Caroli, các ha sĩ nào đã diễn tả bản tính nhân loại và thiên tính của Chúa Kitô một cách hoàn hảo nhất?

Đáp: Họa sĩ Piero della Francesca là người đã trộn lẫn hai chiều kích thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu một cách hoàn hảo nhất trong bức vẽ Phục Sinh của Thánh Mộ. Nhưng dọc dài con đường trình thuật và hiện thực, mà nghệ thuật Tây phương đã đi, chúng ta cũng có nhiều thí dụ điển hình chẳng hạn như: bức tranh ”Chúa Kitô chết” của họa sĩ Mantegna; hay ”Bữa Tiệc Ly” của Leonardo da Vinci, là người đầu tiên đã nghiên cứu chiều kích nội quan; hoặc sự ”Hiển Dung” của Raffaello; hay ”Mẹ Sầu Bi” của Rondanini di Michelangelo, hoặc ”Mẹ Sầu Bi” của Lorenzo Lotto, cho thấy tất cả sự ưu sầu của Chúa Kitô. Thế rồi còn có họa sĩ Caravaggio với bức tranh ”Ơn gọi của thánh Mátthêu” tả cảnh Chúa Giêsu kêu gọi nhân viên thu thuế Matthêu theo Người.

Hỏi: Nhưng mà các hình ảnh của Chúa Kitô đâu có kết thúc với các họa sĩ tên tuổi trên đây, còn có nhiều hình ảnh khác nữa, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Đúng thế, các hình ảnh của Chúa Kitô không kết thúc với các nhà danh họa kể trên. Vào thế kỷ XVII và XVIII, tương quan giữa nghệ thuật lớn và các đề tài thánh thiêng suy yếu đi, khi đó nảy sinh ra chiều kích kín ẩn thân tình: Chúa Giêsu trở thành chứng nhân sự bất hạnh của nhà nghệ sĩ và của con người hiện đại. Một nhà duy vật như Daumier vào năm 1850 đã thực hiện một kiệt tác như bức tranh ”Này là Người”. Họa sĩ E. Gauguin hòa mình vào nỗi khổ đau của Chúa Giêsu nên tự vẽ chính mình trong bức tranh ”Chúa Kitô trong vườn cây dầu”. Chúng ta cũng có các kết qủa thơ mộng trong thế kỷ XIX là thế kỷ của mọi loại hùng biện và khuynh hướng đời, như bức tranh “Chúa Kitô bị sỉ nhục” của họa sĩ G. Rouault.

Họa sĩ E. Picasso thì tuyên bố rằng: ”Chẳng có đề tài nào hay bằng đề tài Chúa Kitô bị đóng đanh, đến độ trong hơn một ngàn năm nó đã được lập đi lập lại tới hàng triệu lần”.

Thế rồi trong lãnh vực phim ảnh chúng ta hãy nghĩ tới phim ”Phúc Âm theo thánh Mátthêu” của nhà đạo diễn Pasolini. Có một sự đớn đau dấu ẩn ngay trong tác phẩm của họa sĩ kiêm điêu khắc gia và đạo diễn Andy Warhol, người Mỹ gốc Slovac, miêu tả Chúa Kitô trong kiểu đọc lại bức tranh Bữa Tiệc Ly của họa sĩ Leonardo da Vinci.

Kitô giáo đã là động lực của nghệ thuật. Việc gặp gỡ với Chúa Kitô đã khiến cho các nghệ sĩ lớn trở thành người say mê Chúa. Và các tác phẩm của họ thông truyền cho chúng ta mầu nhiệm và sự hấp dẫn đó của Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật.

(Avvenire 30-1-2008)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.