2008-02-23 17:55:53

Đc Thánh Cha trao thư về giáo dục cho Giáo Phận Roma


VATICAN. Trưa ngày 23-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ 50 ngàn ngàn phụ huynh, giáo chức và học sinh Roma tại Quảng trường thánh Phêrô và ngài chính thức trao cho họ lá thư về công tác cấp thiết liên quan tới việc giáo dục.

Hiện diện tại buổi gặp gỡ còn có ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma, cùng với công đảo các LM và tu sĩ nam nữ, dưới đầu trời nắng đẹp.

Sau lời chào mừng của ĐHY Ruini, và những bài phát biểu của các đại diện phụ huynh, giáo chức, giáo lý viên và học sinh, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người, ghi ghi nhận những thách đố và chướng ngại làm cho công việc giáo dục ngày càng trở nên khó khăn và nói rằng:

”Chúng ta tập họp nơi đây vì được thúc đẩy bởi một mối quan tâm chung đối với thiện ích của các thế hệ trẻ, sự tăng trưởng và tương lai của con cái mà Chúa đã ban cho thành phố này. Chúng ta cũng được thúc đẩy vì một sự lo âu, nghĩa là nhận thấy có một điều mà chúng ta đã gọi là ”nhu cầu cấp thiết lớn lao về giáo dục”. Giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn: vì thế nhiều cha mẹ và giáo chức bị cám dỗ từ bỏ nghĩa vụ của mình và họ không còn hiểu được đâu là sứ mạng được ủy thác cho họ. Có quá nhiều điều bất bênh và nghi ngờ lan tràn trong xã hội và nền văn hóa chúng ta, có quá nhiều hình ảnh bị méo mó do các phương tiện truyền thông phổ biến. Vì vậy thật là khó đề nghị cho các thế hệ trẻ một cái gì có giá trị và chắc chắn, những qui luật cư xử và những mục tiêu đáng hiến cuộc sống mình để đạt tới. Nhưng hôm nay chúng ta cũng tập họp nhau nơi đây nhất là vì chúng ta cảm thấy được nâng đỡ nhờ một niềm hy vọng lớn lao và niềm tín thác mạnh mẽ: nghĩa là chúng ta được nâng đỡ nhờ một xác tín chắc chắn rằng tình yêu rõ ràng và chung kết mà Thiên Chúa đã biểu lộ cho gia đình nhân loại trong Đức Giêsu Kitô (cf 2 Cor 1,19-20) cũng có giá trị đối với các thanh thiếu niên của chúng ta, cũng như đối với các trẻ em hôm nay đang đối diện với cuộc sống. Vì thế, cả trong thời đại chúng ta ngày nay, giáo dục về sự thiện là điều có thể thực hiện được; đó là một sự say mê mà chúng ta phải mang trong con tim, và là công trình chung mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi góp phần thực hiện”.
”Nói một cách cụ thể, chúng ta ở đây vì chúng ta muốn trả lời cho câu hỏi về giáo dục mà ngày nay các cha mẹ đang cảm thấy trong tâm hồn họ, lo lắng vì tương lai con cái, cũng như các giáo dục đang sống kinh nghiệm khủng hoảng học đường, các linh mục và giáo lý viên, biết qua kinh nghiệm, về sự khó khăn dường nào trong việc giáo dục về đức tin, và chính sách trẻ em, thiếu niên và người trẻ, không muốn để cho mình bị lẻ loi một mình trước những thách đố của cuộc sống.”

Đứng trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi các giáo chức và phụ huynh tiếp tục hy vọng và tín thác nơi Chúa. Ngài nói: ”Cả trong thời đại chúng ta ngày nay, giáo dục về sự thiện là điều có thể thực hiện được; đó là một sự say mê mà chúng ta phải mang trong con tim, và là công trình chung mối người chúng ta đều được mời gọi góp phần thực hiện”.

ĐTC đặc biệt kêu gọi các bậc cha mẹ tiếp tục ”kiên vững trong tình yêu thương lẫn nhau, và đó chính là món quà đầu tiên và lớn nhất mà con cái đang cần đến, để tăng trưởng trong sự thanh thản, thủ đắc được niềm tự tín và tin tưởng nơi cuộc sống, cũng như học cách thức có khả năng yêu thương chân thành và quảng đại. Tiếp đến, thiện ích mà anh chị em muốn trao cho con cái phải giúp anh chị em có một lối sống và lòng can đảm của một nhà giáo dục đích thực, với chứng tá cuộc sống phù hợp với điều mình dạy dỗ và có sự cương quyết cần thiết để giúp huấn luyện tính khí của các thế hệ trẻ”.

Với các giáo chức, ĐTC nhắc nhở họ rằng ”dạy dỗ có nghĩa là đáp ứng ước muốn hiểu biết vốn ở trong tâm hồn trẻ em và người trẻ. Nghĩa vụ của anh chị em không phải chỉ là thông truyền kiến thức, mà bỏ qua câu hỏi lớn liên quan đến sự thật, nhất là sự thật có thể hướng dẫn trong cuộc sống”.

Cuối cuộc gặp gỡ, ĐTC đã trao cho các đại diện giáo chức, phụ huynh và học sinh lá thư của ngài về nghĩa vụ cấp thiết trong công tác giáo dục, trình bày những chỉ dẫn, đơn sơ và cụ thể, cũng như những khía cạnh cơ bản và chung trong hoạt động giáo dục. Ví dụ, ĐTC nhận xét rằng ”tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, đó là điều có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”. ĐTC cũng nói đến sự cần thiết phải tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật. Nếu không có qui luật trong việc cư xử và trong đời sống, thì người ta không huấn luyện tính tình người trẻ và không chuẩn bị chúng trong việc đương đầu với những thử thách trong tương lai”.

ĐTC kêu gọi các cha mẹ đừng bao giờ hỗ trợ con cái trong sai lầm, làm bộ như không thấy những sai lầm ấy, hoặc tệ hơn nữa lại chia sẻ những lầm lẫn đó, như thế đó là những biên cương mới trong sự tiến bộ của con người.. (SD 23-2-2008)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.