2008-02-13 18:26:06

Ngày đời sống thánh hiến mùng 2-2 -2008)



Mùng 2 tháng 2 vừa qua là lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh cũng còn gọi là lễ Nến, và là Ngày Quốc Tế về đời sống thánh hiến lần thứ XII. Ngày này đã do Đức Gioan Phaolo II thành lập năm 1997, nhằm giúp toàn thể Giáo Hội đánh gía, trân trọng và cầu nguyện cho ơn gọi sống đời thánh hiến trong Giáo Hội.

Ban chiều Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ đã chủ sự thánh lễ cho các tu sĩ nam nữ trong đền thờ thánh Phêrô, trong đó các tu sĩ đã cùng nhau lập lại các lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y còn có Đức Tổng Giám Mục Gardin, Tổng thư ký của Bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, cùng với nhiều vị Bề trên Tổng quyền các dòng nam, trước sự hiện diện của 8 ngàn tu sĩ nam nữ.

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đến gặp các tu sĩ nam nữ và nhắn nhủ mọi người chuyên cần lắng gnhe, suy niệm và sống Lời Chúa. Sau khi nhắc lại đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ XII sẽ diễn ra tại Roma vào tháng 10 năm nay về ”Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”, Đức Thánh Cha gợi lại tầm quan trọng của Lời Chúa, nhất là Tin Mừng, trong việc gợi hứng và soi sáng cho các vị Tổ Phụ sáng lập các dòng tu và trong tu luật, hiến pháp của các dòng; đồng thời ngài nhấn mạnh rằng: ”Theo Chúa Kitô không chút do dự hay thỏa hiệp, như được đề nghị trong Tin Mừng, chính là quy luật tối hậu và tột đỉnh của đời tu trì qua dòng thời gian” (PC 2). Đức Thánh Cha nói: ”Anh chị em hãy nuôi dưỡng ngày sống của mình bằng kinh nguyện, suy niệm, lắng nghe Lời chúa. Vốn quen thuộc với phương thức truyền thống ”lectio divina”, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa, xin anh chị em hãy giúp các tín hữu đề cao phương thức này trong đời sống thường nhật của họ. Và anh chị em hãy biết diễn đạt qua cuộc sống chứng ta những gì Lời Chúa chỉ dẫn, để cho mình được Lời Chúa uốn nắn, hầu mang lại hoa trái dồi dào như hạt giống được gieo vào thửa đất tốt”. Đức Thánh Cha kết luận rằng: ”Ước gì người đời có thể thấy những công việc lành của anh chị em, là hoa trái của Lời Chúa sống trong anh chị em và ngợi khen Cha anh chị em ở trên trời” (Mt 5,16).

** Trong toàn Giáo Hội hiện có 1 triệu 40 ngàn tu sĩ nam nữ, trong đó có 137.000 linh mục dòng. Nếu kể cả các tu huynh và đan sĩ cũng như thành viên các nam tu hội đời con số này lên tới 196.000 người. Tổng số nữ tu là 836.000 chị, trong đó có 47.000 đan sĩ chiêm niệm, 767.000 nữ tu thuộc các dòng hoạt động và 21.000 thành viên các nữ tu hội đời.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội tông đồ, về ý nghĩa ngày này. Đức Hồng Y Rodé, thuộc dòng Ladarist, từ năm 2004 là Tổng trưởng Bộ đặc trách các dòng tu và tu hội tông đồ.

H: Thưa Đức Hồng Y, ”Ngày Đời Sống Thánh Hiến” có ý nghĩa gì?

Đ: Cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến trong ngày lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, cũng gọi là lễ Nến hay lễ của Ánh Sáng, ánh sáng mạc khải cho muôn dân, đã là trực giác của vị Tôi Tớ Chúa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Thật thế đời sống thánh hiến phải là ánh sáng lớn giữa lòng Giáo Hội và cho thế giới. Đây là ngày Giáo Hội cảm tạ Chúa về ơn tuyệt diệu của đời thánh hiến, là ngày thăng tiến ơn gọi đời thánh hiến, làm cho nhiều người biết tới và gây ý thức cũng như lòng qúy mến của dân Chúa đối với đời thánh hiến, giúp tín hữu hiểu biết sự cao đẹp của sứ mệnh mà các tu sĩ có trong Giáo Hội và trên thế giới.

H: Từ Bộ đời sống thánh hiến và tu hội tông đồ, Đức Hồng Y nhận thấy tình trạng sức khỏe ơn gọi tu trì trên thế giới hiện nay ra sao?

Đ: Trong Giáo Hội các tu sĩ nam nữ đã luôn luôn là một lực lượng canh tân sinh động. Cả ngày nay nữa cũng vẫn thế, trong nhiều vùng trên thế giới họ tiếp tục là một chứng tá đặc biệt của tình yêu thương đối với Chúa Giêsu, đối với tha nhân và các người thiếu thốn cần được trợ giúp. Tuy nhiên trong các thời gian qua, tại một vài nơi như Tây Phương và Bắc Mỹ số tu sĩ giảm sút, đôi khi một cách mạnh mẽ. Nhưng trái lại từ châu Mỹ Latinh, Phi châu và Á châu lại có các dấu chỉ tích cực khích lệ, vì số ơn gọi gia tăng. Sự hiện diện của các nam nữ tu sĩ trong ba lục địa này rất đáng kể.

Chẳng hạn mùa hè năm ngoái tôi đã viếng thăm Mehicô và đã có thể chứng kiến sự dấn thân mạnh mẽ của dòng Đạo Binh Chúa Kitô và các thành viên giáo dân của phong trào Regnum Christi trong lãnh vực giáo dục. Cách đây hai năm tôi đã viếng thăm Bolivia, trong vùng ngoại ô Cochabamba. Tại đây tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi công việc của các tu sĩ dòng Don Bosco và các nữ tu dòng Đức Bà Phù Hộ là nhánh nữ Salesienne, nhằm mục đích nâng cao mức sống của người dân bị nhà nước bỏ rơi. Đây là hai trường hợp điển hình nhưng không phải là riêng rẽ. Sau khi trở lại Roma tôi đã tường trình cho Đức Thánh Cha biết tình hình và công việc tuyệt vời của các tu sĩ các dòng nói trên, đặc biệt tại những nơi mà không ai muốn đến làm việc.

H: Có một hiện tượng trái ngược: đó là số ơn gọi các dòng chiêm niệm gia tăng ngay tại Tây Âu bị tục hóa nặng nề này, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đ: Vâng, đúng như vậy. Các tu viện chiêm niệm, nam cũng như nữ, không gặp khủng hoảng ơn gọi đang xảy ra trong các dòng tu hoạt động. Trong một thế giới giao động bởi nhiều vấn đề, nhiều thay đổi lớn, đôi khi xem ra báo trước một cuộc khủng hoảng của nền văn minh, với một tương lai bất ổn có nhiều âu lo, nhiều người trẻ tìm thấy câu trả lời trong kiểu sống chiêm niệm, trong sự gần gũi thân tình với Thiên Chúa, trong cuộc đối thoại không ngưng nghỉ với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Và đây là một thiện ích rất lớn cho toàn thể Giáo Hội và cho toàn thế giới, được hưởng nhờ ơn ích các lời cầu nguyện ấy của các tu sĩ sống đời chiêm niệm.

H: Thưa Đức Hồng Y, trong vài thập niên qua đã có nhiều ơn gọi đến từ các nước thuộc thế giới thứ ba, và đã giúp vực dậy các dòng tu đang trên bờ vực thẳm suy tàn vì thiếu ơn gọi. Nhưng sự kiện này cũng đã gây ra các phản ứng tiêu cực từ phía các Giáo Hội địa phương. Các vấn đề này đã được giải quyết chưa thưa Đức Hồng Y?

Đ: Vâng, các vấn đề này đã được giải quyết. Chúng tôi gợi ý là các thỉnh sinh và các tập sinh phải được huấn luyện và đào tạo tại địa phương trước. Sau khi người trẻ đã đạt mức trưởng thành nhân bản và ơn gọi rồi, thì có thể gửi họ sang các nước Tây Âu để bổ túc việc học, rồi sau đó trở về nước để làm việc. Dĩ nhiên đây là luật chung, nhưng cũng có những luật trừ, tùy theo nhu cầu của từng dòng, có cần nhân lực yểm trợ hay không.

H: Cha Hans Kolvenbach, nguyên Bể Trên Tổng Quyền dòng Tên, có nói rằng: vì đời thánh hiến là một ơn, nên không có gia đình dòng tu nào có thể tự coi mình như là không thể thiếu hay vĩnh cửu cả, Đức Hồng Y nghĩ sao về khẳng định này?

Đ: Khi nói rằng không ai là cần thiết đến độ không thể thiếu, thì chúng ta nghĩ tới người khác. Mỗi dòng tu đều có sức sinh sống riêng, vì thế cần phải làm tất cả những gì có thể để duy trì cho dòng có thể tiếp tục sứ mệnh của mình và khiến cho đặc sủng, mà Chúa ban cho đấng sáng lập của dòng, được tồn tại, với ơn thánh Chúa trợ giúp. Nhiệm vụ của các tu sĩ dòng Tên là truyền đạt đặc sủng đã được giao phó cho các vị qua thánh Ignazio thành Loyola, cũng như nhiệm vụ của các tu sĩ dòng Don Bosco là tiếp tục đặc sủng của thánh Gioan Bosco. Nếu đặc sủng của thánh Ignazio và thánh Bosco thiếu đi, thì sẽ là một mất mát rất lớn đối với Giáo Hội.

H: Liên quan tới các tu sĩ dòng Tên, giới truyền thông đã coi bài giảng của Đức Hồng Y trong thánh lễ khai mạc tổng tu nghị của dòng là qúa nghiêm khắc, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đ: Như qúy vị biết, đối với các vấn đề tế nhị hơn, dòng Tên là dòng duy nhất có tương quan trực tiếp với Đức Thánh Cha, chứ không qua trung gian Bộ các dòng tu và tu hội tông đồ, do tôi làm Tổng trưởng. Tuy nhiên tôi đã được mời chủ sự thánh lễ khai mạc Tổng Tu Nghị của dòng Tên. Bài giảng của tôi chỉ dựa trên các tin tức đến từ các vùng khác nhau của dòng, đặc biệt từ Tây Âu cũng như Bắc Mỹ và Ấn Độ. Tôi đã xin ý kiến của các vị có uy tin trong dòng và tôi cũng đã gửi văn bản bài giảng cho các bề trên của dòng xem trước, để nếu cần thì thêm thắt đửa đổi. Cần phải nêu bật sự trung thành của dòng Tên đối với Giáo Hội, và một cách cụ thể là đối với Đức Giáo Hoàng. Thánh Ignazio đã muốn rằng các tu sĩ dòng Tên luôn luôn chiến đấu dưới lá cờ của Thánh Giá và của Đức Giáo Hoàng: đó là căn tính của dòng Tên. Nếu trong các trường hợp cụ thể, điều này đã giảm sút, thì tôi nghĩ là phải nhắc nhở trở lại cho mọi người biết, một cách đơn sơ, thế thôi.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.