2008-02-13 15:29:03

GƯƠNG THA THỨ ANH HÙNG CỦA BÀ MAITI GIRTANNER


Tha thứ cho kẻ đã cố tình nhận chìn thân xác mình vào đại dương đau khổ, tàn phá mọi hy vọng tương lai không phải là chuyện dễ dàng. Thế mà vẫn có một số người anh hùng thực hiện được, chẳng hạn như bà Maiti Girtanner, một phụ nữ người Pháp tuy đã 77 tuổi, nhưng vẫn còn mang những nét đẹp đài các mặc dù từ hơn 50 năm nay, bà phải sống trong những đau đớn thể xác không tả nổi, thường bắt bà phải nằm liệt giường.

Vào năm 1940, thế chiến thứ hai tung hoàng trên đất Âu châu, Quân Đức Quốc Xã xâm chiếm một phần nước Pháp. Poitou là một trong những thành phố chiến lược với con sông Vienne làm biên giới ngăn cách phần thị trấn bị Đức chiếm và bên kia là đất Pháp. Maiti lúc ấy là một sinh viên trẻ đẹp 18 tuổi và là một thiên tài dương cầm, đã từng trình diễn trước công chúng trong các buổi hòa nhạc từ năm 12 tuổi, thuộc một trong những gia đình quan trọng nhất vùng này. Khi thấy thành phố thân yêu lọt vào tay kẻ xâm lăng tự do kiểm soát đi lại và nhất là khi thấy cả gia cư của mìbnh cũng bị xe thiết giáp vây quanh để canh chừng dòng sông, người thiếu nữ này uất hận quyết định gia nhập phong trào kháng chiến. Nhận thấy gần đó có một khúc sông thoát ra ngoài sự canh chừng cẩn mật của quân Đức, Maiti viện cớ là phải ôn bài thi và xin được phép học thi trên một con thuyền. Dưới đáy thuyền, nàng làm chỗ ẩn cho một kẻ gặp nguy khốn cần trốn sang vùng tự do, thường là một người Anh. Con thuyền thả trôi trên sông, kín đáo đưa người đi trốn xuống bờ tự do ngay dưới mắt quân Đức. Nhưng Maiti không ngừng ở đó. Với một nhóm sinh viên yêu nước, nàng đảm nhận việc chiếm hữu các bản đồ duyên hải Pháp với những vị trí chiến lược do quân Đức bố trí dọc theo bờ biển, để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh trong tương lai. Với tài hùng biện, Maiti thuyết phục bộ tư lệnh Đức Quốc Xã từ Dunquerne đến Bayonne là địa điểm làm việc của họ không xứng đáng vì ẩm thấp tối tăm. Nhóm công nhân của nàng sẵn sàng tu bổ các bức họa và thay giấy dán tường cách nhanh chóng cho hợp với chủ mới hơn. Thế là 75 ký giấy cũ, chứa đựng bản đồ chiến lược của Đức quốc xã dọc vùng duyên hải Pháp mọc cánh bay sang Anh quốc. Ít lâu sau, bộ chỉ huy kháng chiến quân yêu cầu Maiti thông báo về sự di chuyển của các tàu ngầm Đức Quốc Xã. Người thiếu nữ thông minh này quan sát thấy rằng các sĩ quan Đức Quốc Xã đồn trú trên các tàu ngầm luôn luôn đưa quân phục đi giặt rửa trước ngày lên đường và thế là Maiti thành lập một tiệm giặt ủi lưu động, đảm nhận việc nhận đồ dơ và giao đồ sạch tại gia. Qua các chi tiết trên bộ quân phục của giới sĩ quan, Maiti biết rõ mọi di chuyển chi tiết và chuyển cho bộ chỉ huy kháng chiến quân. Rất nhiều lần, Maiti được mời về thủ đô Paris để trình tấu cho các nhân vật cao cấp thuộc cơ quan mật vụ Gestapo thưởng thức. Và nàng thường lợi dụng các cơ hội này để xin họ trả tự do cho vài nghệ sĩ bạn, thường thì là các kháng chiến quân. Cho đến một ngày nọ vào cuối năm 1943, trong một vụ bố ráp, Maiti sa vào tay Đức Quốc Xã và bị một sĩ quan mật vụ Gestapo nhận diện. Tức điên lên vì bị lường gạt, bọn Gestapo giải nàng đến một trại giam ở vùng Tây Nam nước Pháp, dành cho những kháng chiến quân cứng đầu nhất, một địa điểm bí mật vì không có tù nhân nào sống sót ra khỏi nơi đây.

Trong trại tù này, Maiti được giao cho một viên y sĩ trẻ Đức quốc xã tên là Léo. Ngày ngày, viên y sĩ này thực hiện những nghiên cứu khoa học trên tủy sống của người thiếu nữ can trường này, nhận chìm nàng vào những đau khổ khủng khiếp triền miên. Biển đau khổ thể xác bao phủ Maiti cả ngày lẫn đêm. Mục đích của viên y sĩ đó là dùng đau đớn thể xác để làm Maiti phát điên cho đến lúc chết.

Một vài lần họa hiếm, Maiti trao đổi trò chuyện được vài câu với người đao phủ đang giết nàng dần mòn. Qua những lần đối thoại ngắn ngủi ấy, Maiti nhận thực được một điều: đó là viên y sĩ trẻ này đã bị nhồi sọ, bị tẩy não bởi những tuyên truyền Đức quốc Xã từ năm lên 8, khi bắt đầu gia nhập phong trào giới trẻ Hitler. Cùng bị giam chung với Maiti trong một hầm tối, còn có 18 tù nhân khác chung cuộc sống đày đọa. Và Maiti đề nghị mọi người cùng nàng dành thời giờ giữa những cuộc tra tấn hành hạ để cầu nguyện liên lỷ và tránh không rơi vào cạm bẫy tuyệt vọng, đưa con người đến chỗ phát điên. Tháng 2 năm 1944, Maiti bị bọn cai tù dùng gậy đánh nhừ tử. Khi tưởng nàng đã chết, chúng quẳng nàng đi như một con búp bê bầm dập. Chẳng ngờ đâu, Maiti lại được cứu sống như là một phép lạ, nhưng với tấm thân tàn tạ tật nguyền, gần như tê liệt giữa bao nhiêu đau đớn ngày đêm.
Khi thế chiến chấm dứt, Maiti được đưa vào bệnh viện điều trị. Suốt 8 năm trời sau đó, nàng ra vào nhà thương như cơm bữa. Kết quả là sau 8 năm, Maiti lại có thể đứng lên và di chuyển chậm chạp được vài bước, nhưng không bao giờ nàng đánh đàn dương cầm được nữa. Sự nghiệp tương lai của người thiếu nữ trẻ tuổi đã bị phá tan, và người bạn thiết sẽ đồng hành với nàng suốt cuộc đời còn lại là đau đớn triền miên trên thân xác. Những can thiệp nghiên cứu của viên y sĩ Léo trên tủy sống của Maiti đã để lại những vết thương không bao giờ hàn gắn được nữa.
Mấy chục năm sau đó, bà Maiti thú nhận rằng: lúc ấy tôi đã mấy lần nghĩ đến chuyện tự tử vì không thể nào chấp nhận một thân xác tàn hại như thế nữa. Nhưng rồi một ngày nọ, tôi được gặp gỡ Chúa Giêsu Kytô mang thân phận làm người, với bản tính nhân trần của Người. Cuộc gặp gỡ này đã giải thoát tôi khỏi nỗi niềm tuyệt vọng đang đe dọa xâm chiến trọn con người tôi, làm cho tôi thấu hiểu được rằng không bao giờ Chúa mong ước sự dữ cho con người. Khám phá tiếp theo đó là tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tôi và bên cạnh tôi mỗi khi cơn đau làm tôi quằn quại.

Để đem lại một ý nghĩa cho cuộc sống, Maiti bắt đầu dạy triết học tại gia và đồng thời đào sâu các khoa thần học. Nàng cảm thấy linh hướng dòng Đa Minh lôi cuốn mạnh mẽ và trở thành rường cột của các huynh đoàn Đa Minh, nhất là các huynh đoàn người bệnh.

Bốn mươi năm sau ngày được phóng thích, tức là vào năm 1984, một hôm, chuông điện thoại reo vang trong phòng bà Maiti. Khi nhắc ống nghe lên, bà tưởng chừng như mơ, từ đầu giây bên kia, là tiếng nói của Léo, viên y sĩ đồ tể đã đưa bà vào đời tật nguyền đau khổ. Bác sĩ Léo nói đã tìm cách xin gặp lại bà vì ngày xưa, ông ta có lần nghe bà nói với các bạn đồng tù về cái chết cũng như về các đau khổ. Giờ đây ông ta mang bệnh nặng, chỉ còn có thể sống được ba tháng nữa thôi và ông ta xin đến gặp bà. Maiti bằng lòng nói: Vâng, ông cứ đến”.
Vào đúng ngày hẹn, bà Maiti lên cơn đau tột độ không nhúc nhích gì được nên phải nằm im trên giường để tiếp Léo, viên y sĩ trại tù Đức quốc xã ngày xưa. Giờ đây, Léo là một bác sĩ giải phẫu tiếng tăm nổi như cồn tại quê nhà, được mọi người trong thành phố trọng vọng nể vì. Khi bác sĩ Léo dè dặt tiến đến gần, bà Maiti mỉm cười tuy không gượng dậy được vì đau đớn. Bà nhỏ nhẹ nói: Vâng, đây chính là công trình của bác sĩ đấy. Suốt mấy giờ sau đó, hai người trò chuyện về những vấn đề nền tảng sự sống như cái chết, viễn tượng thế giới bên kia và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bác sĩ Léo khẩn khoản nài xin bà Maiti, nạn nhân của ông ngày xưa, chỉ cho con đường phải đi bây giờ. Bà Maiti nói: Đứng trước sự dữ tuyệt đối, con người chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Hãy sống tình yêu trọn thời gian còn lại. Hãy tìm cho ra khuôn mặt của Thiên Chúa mà ông đã bỏ quên ở một nơi sâu kín trong tận đáy tâm hồn, bởi vì Thiên Chúa vẫn ngự trong con tim của những thụ tạo vô phúc sa vào đêm đen.

Khi hai người từ giã, bà Maiti ngập ngừng đưa tay ôm lấy khuôn mặt của viên y sĩ thủ phạm của những đau đớn hành hạ thân xác bà từ 40 năm nay, thân ái đặt một nụ hôn huynh đệ lên trán ông. Bác sĩ Léo sửng sốt, không cầm được giọt lệ hối hận, chỉ nghẹn ngào thầm thì được lời cầu xin tha thứ. Trong giây phút đó, bà Maiti cảm thấy tâm hồn thật an bình, một niềm an bình thanh thoát đến từ Trời Cao. Bà vô cùng sung sướng vì đã từ lâu lắm bà vẫn hằng cầu nguyện cho kẻ đã giết chết tương lai tươi sáng của bà và nguyện xin Thiên Chúa giúp bà biết sống tha thứ. Nhưng bà chưa biết chắc là có thật lòng tha thứ được cho viên y sĩ kia không. Bây giờ thì bà biết chắc là Chúa đã nghe tiếng bà nài xin. Về sau này, bà Maiti được biết rằng khi trở về Đức, bác sĩ Léo đã mở cuộc họp gia đình quy tụ bạn bè thân thuộc và gia nhân trong nhà. Trước mặt mọi người, bác sĩ đã thú nhận mọi lỗi lầm trong quá khứ mà ông hằng dấu kín, cả những hành vi cực kỳ tàn ác, khi còn là một y sĩ trong trại tù Đức Quốc Xã. Tiếp đó, bác sĩ đã thực sự dấn thân sống đức bác ái kytô cho đến ngày cuối của cuộc đời, dùng sản nghiệp gia đình để phục vụ tha nhân. Cho đến ngày nay, bà Maiti vẫn giữ liên lạc với vợ góa của ông. Bà nói: Đối với tôi, tha thứ cũng giống như là chơi đàn dương cầm tay đôi với Thiên Chúa. Nếu ta đánh không được, thì Chúa sẽ đánh hộ chúng ta.

Mai Anh








All the contents on this site are copyrighted ©.