2008-01-28 17:24:27

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị Liên Hàn Lâm Viện


VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-1-2008, dành cho các tham dự viên Hội nghị Liên hàn lâm viện, ĐTC Biển Đức 16 đề cao mầu nhiệm con người và kêu gọi các ngành khoa học cộng tác với nhau để làm nổi bật và duy trì mầu nhiệm riêng nơi con người.

Hội nghị do Hàn lâm viện các khoa học luân lý và chính trị ở Paris và Hàn lâm viện Tòa Thánh về các khoa học, tổ chức với chủ đề ”Căn tính thay đổi của cá nhân”. Phần đầu của Hội nghị đã diễn ra tại Học Viện Pháp quốc (Institut de France) ở Paris trong hai ngày 24 và 25-2008 và phần hai tại Roma với sự tham dự của nhiều viện sĩ, trong đó có một số thành viên các Hàn lâm viện Tòa Thánh.

ĐTC nói: ”Tôi vui mừng vì lần đầu tiên có sự cộng tác liên hàn lâm viện thuộc loại này, mở đường cho những nghiên cứu rộng rãi đa ngành ngày càng phong phú”.

Nhắc đến những tiến bộ của các khoa học chính xác, khoa học tự nhiên và nhân văn trong việc nhận biết về con người và thế giới của con người, ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ muốn đóng khung hoàn toàn căn tính của con người và khép kín nó trong kiến thức mà người ta có thể có được. Ngài nói: ”Để đừng đi vào con đường như thế, cần phải nhìn nhận nghiên cứu nhân loại học, triết học và thần học, giúp làm nổi bật và duy trì mầu nhiệm riêng nơi con người, vì không có khoa học nào có thể nói con người là ai, con người từ đâu mà đến và đang đi đâu. Vì thế khoa học về con người là điều cần thiết nhất trong số tất cả các khoa học”.

Cũng trong bài diễn văn, ĐTC đề cao con người, vượt lên trên những gì người ta thấy hoặc tri giác bằng kinh nhiệm, và ngài nói: ”Thờ ơ không đặt vấn nạn về con người chắc chắn sẽ đưa tới sự phủ nhận tìm kiếm sự thật khách quan về con người trong sự toàn vẹn của nó, và do đó, không có khả năng nhìn nhận nền tảng của phẩm giá con người, của mọi người, từ giai đoạn phôi thai cho đến lúc chết tự nhiên”.

ĐTC nhắc lại rằng con người không hải là kết quả của tình cờ, cũng không phải là một mớ các yếu tố đồng qui, và không phải do định mệnh, hoặc những tác động lý hóa tạo thành. Trái lại con người là một hữu thể có tự do và là dấu chỉ một mầu nhiệm có một sự gì khác ở trong con người. Con người có khả năng của con người trong việc phân định thiện, ác. Lương tri do Đấng Tạo Hóa đặt nơi con người như một ấn tín, thúc đẩy con người làm điều thiện. Và ngài nhấn mạnh rằng: ”Thời nay, sự phát triển của các khoa học đang thu hút và quyến rũ nhờ những khả thể do chúng mang lại, điều quan trọng hơn bao giờ hết là giáo dục lương tâm con người thời đại, để khoa học không trở thành tiêu chuẩn xác định điều thiện, và để con người được tôn trọng như trung tâm của toàn công trình sáng tạo, chứ không phải là một đối tượng cho những cuộc lèo lái ý thức hệ, hoặc của những quyết định độc đoán, những lạm dụng của kẻ mạnh trên kẻ yếu. Bao nhiêu là nguy hiểm chúng ta đã có thể nhận thấy chúng biểu hiện qua dòng lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong thế kỷ 20 vừa qua”.

ĐTC, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger, ngài là thành viên ngoại quốc kết nạp của Hàn lâm viện các khoa luân lý và chính trị ở Paris từ năm 1992. Ngài thay thế nhà khoa học đối lập Sô Viết Andrei Sakharov. (SD 28-1-2008)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.