2008-01-23 16:34:34

Chỉ khi hiệp nhất tín hữu Kitô mới cho thế giới thấy gương mặt thật của Thiên Chúa


Buổi tiếp kiến sáng thứ tư 23-1-2008

Sáng thứ tư 23-1-2008 đã có 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI. Vì đang trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về đề tài này.

Tuần cầu nguyện bắt đầu từ ngày 18 sẽ kéo dài cho tới ngày 25 tháng Giêng này, là lễ thánh Phaolo trở lại. Các tín hữu Kitô thuộc nhiều Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau hiệp nhất để cầu xin Chúa Giêsu tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả mọi môn đệ của Người. Lời khẩn nài đó đáp ứng lại ước muốn mà Chúa Kitô đã nói lên với Thiên Chúa Cha trong Bữa Tiệc Ly: xin cho họ hiệp nhất để thế giới tin (Ga 17,20-21).

Khi xin ơn hiệp nhất, các Kitô hữu kết hiệp với lời cầu nguyện của chính Chúa Kitô, và dấn thân hoạt động tích cực để toàn nhân loại tiếp nhận và biết Người như là Mục Tử và là Chúa duy nhất, và như thế có thể sống kinh nghiệm niềm vui của tình yêu. Đề cập tới đề tài và nguồn gốc của Tuần Hiệp Nhất Đức Thánh Cha nói:

Năm nay Tuần Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất các tín hữu Kitô có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt, vì là dịp kỷ niệm 100 năm từ khi bắt đầu. Thật ra lúc khởi sự nó đã là một trực giác thật phong phú. Đó là năm 1908 một người Mỹ anh giáo, sau này hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, sáng lập viên ”Hiệp Hội Phạt Tạ (Cộng đoàn các tu huynh và tiểu muội Phạt Tạ), là cha Paul Wattson, đã cùng với một người khác thuộc Giáo Hội Episcopal là Cha Spencer Jones, đã khởi động tư tưởng ngôn sứ tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Tư tưởng này được Đức Tổng Giám Mục New York và Đức Sứ Thần Tòa Thánh tiếp nhận.

Thế rồi năm 1916 lời mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất lan rộng trong toàn Giáo Hội Công Giáo nhờ sự can thiệp của vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, với tông thư ”Ad perpetuam rei memoriam”. Sáng kiến này đã lôi cuốn được sự chú ý và từ từ tiến triển khắp nơi và với thời gian càng ngày càng xác định cơ cấu riêng và phát triển nhờ phần đóng góp của Linh Mục Couturier (1936). Khi làn gió ngôn sứ của Công Đồng Chung Vaticăng II thổi, người ta càng nhận ra sự cấp thiết của sự hiệp nhất. Sau khi Công Đồng kết thúc, con đường tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô kiên nhẫn tiếp tục: đó là con đường đại kết hàng năm tìm thấy nơi Tuần Cầu Nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô một trong những thời điểm nhiều phẩm chất và lợi ích nhất.

Một trăm năm sau lời mời gọi đầu tiên, hiện nay Tuần Cầu Nguyện đã trở thành một truyền thống vững vàng và duy trì được tinh thần và các lựa chọn ban đầu của cha Wattson. Lựa chọn của cha đã có ý nghĩa biểu tượng. Lịch phụng vụ thời đó chọn ngày 18 tháng Giêng làm lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, là nền tảng vững chắc và là bảo đảm cho sự hiệp nhất dân Chúa, trong khi ngày 25 tháng Giêng là ngày thánh Phaolô trở lại, như trong lịch phụng vụ ngày nay. Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa về 100 năm cầu nguyện và dấn thân chung giữa biết bao nhiêu môn đệ của Chúa Kitô, với lòng biết ơn chúng ta cũng nhớ người đã khởi xướng ý kiến tinh thần quan phòng này là cha Wattson, và cùng với cha là tất cả những ai đã thăng tiến và làm cho nó thêm phong phú với các đóng góp khiến cho Ngày Cầu Nguyện trở thành gia tài chung của tất cả mọi tín hữu Kitô.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhắc giáo huấn Công Đồng Chung Vaticăng II về sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Sắc Lệnh ”Unitatis redintegratio” nêu bật vai trò và tầm quan trọng của lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất khi khẳng định rằng lời cầu nguyện là trọng tâm của toàn con đường đại kết. Đức Thánh Cha nói tiếp:

Việc hoán cải này của con tim và sự thánh thiện này của cuộc sống cùng với các lời cầu nguyện riêng tư và công cộng cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, phải được coi như linh hồn của tất cả phong trào đại kết” (UR, 8). Chính nhờ sự đại kết tinh thần này, việc kiếm tìm sự hiệp nhất đã ghi nhận trong các thập niên qua một sự phát triển rất lớn tỏa lan ra thành nhiều sáng kiến khác nhau: từ việc thừa nhận nhau cho tới việc tiếp xúc huynh đệ giữa các thành phần của các Giáo Hội và Cộng Đoàn khác nhau, từ các cuộc nói chuyện ngày càng thân tình hơn cho tới các cộng tác trên nhiều lãnh vực, từ cuộc đối thoại thần học cho tới các hình thức hiệp thông và cộng tác cụ thể. Chính lời cầu nguyện đã khiến cho con đường tiến về sự hiệp thông trọn vẹn giữa các tín hữu Kitô được sinh động và tiếp tục sinh động. ”Hãy cầu nguyện liên lỉ” (1 Tx 5,17) là đề tài của Tuần Cầu Nguyện năm nay. Đồng thời nó cũng là lời mời gọi các cộng đoàn chúng ta đừng ngừng vang lên lời khẩn cầu, để lời cầu nguyện là ánh sáng, sức mạnh, hướng dẫn bước chân chúng ta, trong thái độ khiêm tốn và ngoan ngoãn lắng nghe Chúa chúng ta.

Điểm thứ hai đó là Công Đồng Chung Vaticăng II nhấn mạnh trên lời cầu nguyện công cộng, do các tín hữu Công giáo và các tín hữu Kitô khác dâng lên Thiên Chúa Cha duy nhất. Nó là một phương thế rất hữu hiệu để được ơn hiệp nhất (UR, 8). Như thế là vì trong lời cầu chung, tín hữu Kitô đặt mình trước mặt Chúa, ý thức được các mâu thuẫn do sự chia rẽ gây ra, biểu lộ ý chí vâng theo thánh ý Chúa bằng cách chạy đến với sự trợ giúp của Người. Ngoài ra lời cầu nguyện diễn tả các dây nối kết tín hữu công giáo với các Kitô hữu còn phân rẽ. Rồi Đức Thánh Cha đưa ra nhận định như sau:

Lời cầu chung như thế không phải là một cử chỉ do ý chí hay chỉ có tính cách xã hội học, nhưng diễn tả lòng tin nối kết tất cả các môn đệ của Chúa Kitô. Trong các năm qua đã có một sự cộng tác phong phú trong lãnh vực này và từ năm 1968 Văn phòng đặc trách hiệp nhất các tín hữu Kitô đã trở thành Hội Đồng Tòa Thánh thăng tiến sự hiệp nhất các Kitô hữu và Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô cùng chuẩn bị các tài liệu cho Tuần Cầu Nguyện cho hiệp nhất, được phổ biến trên thế giới.

Công Đồng ghi nhận rằng việc tìm về hiệp nhất đó vượt qúa các sức mạnh và khả năng của con người. Vì thế phải đặt để tất cả niềm hy vọng nơi lời cầu của Chúa Kitô cho Giáo Hội (UR, 24). Chính ý thức về các hạn hẹp nhân loại thúc đẩy chúng ta tín thác trong tay Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa sâu thẳm của Tuần Cầu Nguyện: dựa trên lời Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện trong Giáo Hội để cho tất cả nên một..., để cho tế giới tin...” (Ga 17,21).

Ngày nay chúng ta cảm nhận được tính chất thực tiễn của các lời này. Thế giới đau khổ vì vắng bóng Thiên Chúa, vì không đến được với Chúa, nên ước ao biết mặt Thiên Chúa. Nhưng con người ngày nay làm sao mà có thế nhận biết gương mặt đó của Thiên Chúa nơi gương mặt của Đức Giêsu Kitô, nếu các Kitô hữu chúng ta chia rẽ nhau, nếu người này dậy dỗ chống lại người kia, nếu một người chống lại người khác? Chỉ trong sự hiệp nhất chúng ta mới có thể cho thế giới thực sự thấy gương mặt của Thiên Chúa, gương mặt của Chúa Kitô. Hiển nhiên là chúng ta không thể có được sự hiệp nhất với các chiến thuật riêng, với sự đối thoại và với tất cả những gì có thể làm, tuy chúng cần thiết. Điều chúng ta có thể làm là sự sẵn sàng và khả năng tiếp nhận sự hiệp nhất đó. Đó là ý nghĩa của lời cầu nguyện: mở rộng con tim, tạo ra trong chúng ta sự sẵn sàng để mở đường cho Chúa Kitô...

Có thể nói rằng lời cầu nguyện đã linh hoạt và đồng hành với các chặng khác nhau của con đường đại kết, đặc biệt từ thời Công Đồng Chung Vaticăng II. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo đã tiếp xúc với các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội Đông Tây qua nhiều hình thức đối thoại, và đương đầu với nhiều vấn đề thần học và lịch sử nảy sinh dọc dài các thế kỷ và được coi như là các yếu tố gây chia rẽ. Chúa đã cho phép các liên hệ thân hữu đó cải tiến việc hiểu biết nhau, củng cố sự hiệp thông đồng thời giúp nhận ra rõ ràng hơn các vấn đề gây chia rẽ còn rộng mở. Hôm nay trong tuần cầu nguyện này chúng ta cảm tạ Chúa đã nâng đỡ và soi sáng con đường phong phú đã qua.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người đón nhận lời thánh Phaolo mời gọi các tín hữu Thexalonica ”cầu nguyện không ngừng”. Đây là cộng đoàn thánh nhân đã thành lập, khi biết có các bất đồng, người khuyên tín hữu kiên nhẫn với mọi người, đừng lấy ác báo ác nhưng luôn tìm thiện ích giữa họ và với mọi người và vui vẻ trong mọi hoàn cảnh vì Chúa gần đến. Đặc biệt ngài nguyên: ”Anh chị em hãy sống hòa bình với nhau”, ”Hãy cầu nguyện liên lỉ và trong mọi sự hãy tạ ơn Chúa” (1 Tx 5,13,18).

Có thể áp dụng các lời khuyên này cho thái độ sống của Kitô hữu trong các tương quan đại kết. Xin Mẹ, Maria Mẹ Giáo Hội làm cho các môn đệ của Con Mẹ có thể mau chóng sống trong hòa bình và tình bác ái, để cống hiến chứng tá hòa giải trước mặt toàn thế giới, và để phản ánh gương mặt của Thiên Chúa và gương mặt của Chúa Kitô, là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi, là Thiên Chúa của hòa bình và sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slovac và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết hôm nay là lễ kính thánh Phanxicô de Sales, Giám Mục Genève, Bổn Mạng giới báo chí công giáo. Thánh nhân đã sống trong thời có nhiều xung khắc và đã là một con người của hòa bình và sự hiệp thông. Là thầy dậy của cuộc sống tinh thần, người đã dậy rằng ai cũng có thể đạt sự toàn thiện Kitô. Các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, nhờ sự bầu cử của thánh Phanxicô de Sales, hãy sống ơn gọi của mình trong các điều kiện cụ thể của mình, bằng cách tín thác nơi tình yêu của Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành với chúng ta.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.