2008-01-14 11:33:35

Cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại Kenya


Một số nhận định của Linh Mục Daniele Moschetti, về tình hình tại Kenya hiện nay

Trong những ngày cuối năm 2007, Kenya đã rơi vào cơn lốc bạo lực khiến cho hơn 300 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hơn 100.000 người phải bỏ gia cư đi lánh nạn. Bạo lực bùng nổ sau khi tổng thống Mwai Kibaki tái đắc cử sau cuộc bỏ phiếu ngày 27-12-2007. Chính phủ Kenya tố giác phe đối lập, do ông Raila Odinga thuộc bộ tộc Luo lãnh đạo, thi hành chính sách ”thanh lọc chủng tộc” và tấn công bộ tộc Kikuyu của tổng thống Kibaki. Trong khi phe đối lập tố cáo tổng thống đã gian lận trong cuộc bầu cử.

Hội Đồng Giám Mục Kenya cũng như Hội Đồng Tối Cao của Hồi giáo và các tổ chức quốc gia và quốc tế đều lên tiếng kêu gọi hai bên đối thoại để chấm dứt tình trạng bạo động và xung đột. Trong số những người thiệt mạng có 50 người bị thiêu sống trong một nhà thờ thuộc Giáo Hội Tin Lành ”Đại Hội của Thiên Chúa” tại thành phố Eldoret khi họ tìm tới đây lánh nạn.

Trong tuyên ngôn dài 4 trang công bố ngày 2-1-2008, 24 Giám Mục Kenya kêu gọi các nhà chính trị nước này dành trọn nỗ lực để dấn thân đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay của đất nước Kenya đang cần có hòa bình dựa trên công lý và tình huynh đệ. Tuyên ngôn cua Hội Đồng Giám Mục Kenya có đoạn viết: ”Chúng tôi kêu gọi tất cả các vị hữu trách tìm ra những phương thức, như thành lập một ủy ban điều tra và đặc biệt là để duyệt xét lại kết qủa cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Chúng tôi tha thiết thỉnh cầu qúy vị làm tất cả những gì có thể điều tra và làm sáng tỏ sự thật về những lời tố cáo, thay vì dùng bạo lực và phá hủy tài sản”. Các Giám Mục Kenya cũng kêu gọi dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, bình tĩnh và tự chế, không tham gia những vụ phá hoại tài sản cưởp bóc hay nhận giữ những của cải ăn cắp.

Linh Mục Vincent Wambugu, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Kenya cho biết trong số 100 ngàn người tị nạn thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau có phân nửa được tá túc trong các cơ sở của Giáo Hội Công Giáo thuộc giáo phận Eldoret. Ngoài ra các Giáo Hội Kitô khác cũng đã thành lập một ủy ban điều hợp liên tôn để xúc tiến việc cứu trợ người tị nạn. Riêng Giáo Hội Công Giáo có Caritas Kenya và cơ quan cứu trợ công giáo Hoa Kỳ phối hợp các hoạt động cứu trợ.

Đức Cha Cornelius Arap Korir, Giám Mục giáo phận Eldoret cho biết giáo phận của ngài có 40 ngàn người tị nạn. Họ hiện đang tạm trú trong các cơ sơ của Giáo Hội. Nhà thờ chính tòa Eldoret có 5 ngàn người tị nạn cư ngụ. Eldoret là thành phố lớn thứ 4 của Kenya. Đức Cha Korir đã từng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Kenya.

Đức Cha kêu goi các Giám Mục khác trợ giúp giáo phận Eldoret, cụ thể là giúp đỡ lương thực, giường chiếu và chăn mền cho người tị nạn. Đức Cha lên án các vụ xung đột giữa các bộ tộc Kikuyu, Luo và Kalenjin và nói rằng thật là điều bi thảm, vì các Kitô hữu lại chém giết lẫn nhau. Cộng đồng quốc tế cần gia tăng áp lực trên phe chính phủ và phe đối lập và thúc giục họ đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bà Jendayi Frazer, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã sang Kenya để tiếp xúc với ông Kibaki và Odinga nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị xã hội tại đây. Có lẽ nhờ thế mà ông Odinga tuyên bố huy bỏ các cuộc biểu tình của phe đối lập, dự trù vào ngày mùng 8 tháng giêng vừa qua; và tổng thống Kibaki đã tuyên bố sẵn sàng thành lập một chính phủ hiệp nhất quốc gia nhằm hiệp nhất và hòa giải người dân Kenya với nhau.

Theo các tin mới nhất của Caritas Quốc Tế số người tị nạn đã lên tới gần 200 ngàn. Ông Giovanni Sartor, điều hợp viên văn phòng Caritas Italia bên Phi châu cho biết người tị nạn chạy về mạn tây chung quanh vùng Eldoret, nhưng họ cũng chạy về Mombasa và trong các khu xóm ngoại ô thủ đô Nairobi, vì nhà cửa của họ đã bị đốt phá hay vị sợ hãi bị tấn công. Hiện nay Caritas Kenya và các giáo xứ đứng ra phối hợp công tác trợ giúp với các phương tiện có được ở địa phương. Nhưng trong vài ngày tới Caritas Quốc Tế sẽ gửi các ngân khoản đầu tiên để có thể mua thêm thuốc men, giường chiếu, chăn màn và thực phẩm.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Daniele Moschetti, về tình hình hiện nay tại Kenya. Cha Moschetti thuộc dòng Comboni và từ 7 năm nay làm việc trong giáo xứ thuộc khu vực ngoại ô thành phố Korogocho. Khu vực này bao gồm 120 ngàn người sống chen chúc nhau trong một diện tích một cây số vuông.

Hỏi: Thưa cha Daniele, sau các cuộc bạo động gây chết chóc cho hàng trăm người, tình hình Kenya hiện nay ra sao?

Đáp: Sau vụ các người thuộc bộ tộc Kikuyu tấn công người bộ tộc Luo hôm thứ bẩy ngày 29-12-2007, khiến cho 7 người chết trong đó có cả hai trẻ em, thì hôm sau đó người Luo trả thù tấn công người Kikuyu. Hiện nay chúng tôi đang cố gắng khiến cho hai bên đối thoại với nhau và hòa giải với nhau. Tôi mới kết thúc một cuộc họp với 200 người thuộc các bộ tộc khác nhau. Tất cả thuộc 8 làng nhỏ vùng ngoại ô ổ chuột thành phố Korogocho là thành phố có 120 ngàn dân cư sống chen chúc nhau trong một diện tích một cây số vuông. Nhưng không có ai thuộc bộ tộc Luo tham gia cuộc họp.

Hỏi: Như thế có nghĩa là tình hình còn căng thẳng và khó mà có thể kiểm soát nổi, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, tình hình rất là căng thẳng. Cả khi sau cuộc họp chúng tôi đã đi tới kết luận là người dân thuộc các bộ tộc khác nhau sống trong các khu xóm ổ chuột phải cùng nhau xây dựng hòa bình và đối thoại với nhau.

Hỏi: Nhưng mà người dân nói gì thưa cha?

Đáp: Tùy thuộc nơi bộ tộc mà họ là thành phần. Người Kikuyu cảm thấy họ mạnh vì đã bầu lại được tổng thống Kibaki của họ; trong khi người Luo cảm thấy mình bị lừa bịp vì cuộc bầu cử gian lận.

Hỏi: Như thế là đang có sự bất mãn rất lớn, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng. Có sự bất mãn lớn lắm. Người ta kể lại cho tôi biết rằng trong vùng tây Kenya họ đang tuyển mộ các thiếu niên từ 17 tuổi trở lên để thành lập các nhóm vũ trang chống lại các đối thủ chính trị.

Hỏi: Ai là ngưi đứng ra làm chuyện đó thưa cha?
 
Đáp: Vấn đề đó là ở đây người ta gây ra cuộc chiến của dân nghèo. Cuộc bầu cử đã bị bộ tộc hóa và biến thành tranh chấp giữa các bộ tộc trước khi tới ngày bỏ phiếu 27 tháng 12.

Hỏi: Sự kiện người ta cho nhập ngũ thiếu niên là một chứng cớ gây rất nhiều âu lo, có phải vậy không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, Đây là sự kiện gây ra rất nhiều lo âu. Vì thế chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn hiện tượng này tại Korogocho này. Chúng tôi đã nói trong cuộc họp rằng: chúng ta đừng ảo tưởng là chỉ có các kẻ trộm cắp đàng sau các xáo trộn này. Vì nấp đàng sau là cả một sự kiện chính trị làm tổ sau những người mà nó lợi dụng.

Hỏi: Như vậy là cha xác nhận có các nhóm vũ trang với dao rừng tuần hành trên các đường phố Kenya?

Đáp: Điều đã xảy ra cho 50 người thuộc bộ tộc Kikuyu bị thiêu sống trong nhà thờ tại Eldoret là bằng chứng cho sự kiện này.

Hỏi: Như vậy thì phải làm sao để thoát ra khỏi tình trạng bạo lực này thưa cha?
 
Đáp: Một trong những lối thoát là thành lập một chính phủ hiệp nhất quốc gia, để cho tổng thống Kibaki dễ dàng từ chức cùng với tất cả tổ chức tội phạm Kenya.

Hỏi: Điều này có nghĩa là gì thưa cha?

Đáp: Nó có nghĩa là người cai trị không phải là tổng thống Kibaki mà có cả một lực lượng kinh tế đang cai trị Kenya. Nó sử dụng tổng thống như một con múa rối. Trong những ngày này hội Hồng Thập Tự quốc tế cho biết số người chết lên tới 1000 người, nhưng chính phủ nói chỉ có 300 người chết thôi. Và tổng thống đã làm gì? Ông đã không làm gì hết và cũng không nói gì cả. Đó là bằng chứng cho thấy ông không có quyền hành gì.
 
Hỏi: Tình trạng này có thể khiến cho Kenya lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế hay không thưa cha?

Đáp: Có. Hiện nay tất cả mọi hàng quán đều đóng cửa. Chúng tôi không có thực phẩm và đa số các khu xóm nghèo đều lâm tình trạng này. Hai vùng đông dân nhất là Kibera có tới 700 ngàn người và vùng Madare 350 ngàn người. Đường phố trong thủ đô Nairobi vắng lặng, không có xe cộ lưu thông và người qua lại. Và cái đói có thể khiến cho bom bạo lực bùng nổ và không có gì có thể kìm hãm được sự giận dữ của dân chúng.

Cái sai lầm lớn nhất của các quan sát viên quốc tế đó là đã không nhanh chóng can thiệp, nên mới xảy ra tình hình nghiêm trọng này. Nó có thể biến thành cuộc nội chiến hay chiến tranh du kích. Vụ nhà thờ bị đốt và sự hiện diện của các nhóm thiếu niên vũ trang đều là các dấu chỉ xem ra không giúp tạo đối thoại. Nhất là hiện nay không chỉ có hai bộ tộc Luo và Kikuyu, mà cả các bộ tộc khác cũng bắt đầu biểu lộ sự hiếu chiến của họ nữa. Và đây là điều rất nguy hiểm.

(Avvenire 3-1-2008)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.