2008-01-06 18:23:58

Lễ Chúa Hiển linh tại Vatican


Năm nay toàn thể Giáo hội công giáo đều mừng lễ Hiển Linh vào cùng một ngày. Thật vậy, với cuộc cải cách phụng vụ sau công đồng Vaticanô II, tuy lễ Hiển Linh vẫn được chỉ định vào ngày 6 tháng 1 trong lịch phổ quát, nhưng tại những nước mà ngày này không phải là lễ nghỉ dân sự (chẳng hạn như tại Việt Nam) thì lễ Hiển linh được dời vào chúa nhựt liền sau ngày 1 tháng giêng. Năm nay ngày 6 tháng 1 trùng vào chúa nhựt cho nên có thể mừng chung trên khắp mọi nơi. Ý nghĩa của lẽ Hiển Linh là gì? Vào thời các giáo phụ, bên Đông phương người ta mừng lễ Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua biến cố Nhập Thể. Vào thời Trung cổ, bên Tây phương người ta chú ý dến ba vua tưng trưng cho các sắc dân, mang lễ vật đến thờ lạy Chúa Cứu thế. Từ sau công đồng Vaticanô, phụng vụ muốn nêu bật ơn gọi hết muôn dân đón nhận Tin mừng. Thêm vào đó, tại vài quốc gia, ngày 6 tháng 1 được dành làm ngày Thiếu nhi truyền giáo: các nhi đồng tìm cách tham gia vào công cuộc truyền giáo bằng những cuộc lạc quyên đóng góp đ giúp đỡ những bạn đồng lứa tuổi còn thiếu thốn điều kiện để phát triển sức khỏe và văn hoá. Nhng tư tưng này đưc đức thánh cha gợi lên trong bài huấn dụ trưc khi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nht hôm qua, cũng như trưc đó, trong bài giảng Thánh lễ cử hành tại đền thánh Phêro vào lúc 10 giờ sáng. Trước tiên, kính mời quý vị theo dõi buổi đọc kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Chúng ta hân hoan mừng lễ Hiển Linh, nghĩa là Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc trên thế giới, được tượng trưng nơi các đạo sĩ đến từ phương Đông để bái phục Vua dân Do thái. Khi quan sát hiện tượng thiên văn, các nhân vật huyền bí này thấy nổi lên một ngôi sao mới, và dựa theo những lời sấm ngôn, họ nhìn nhận đó như là dấu hiệu giáng sinh của Đấng Mêsia, thuộc dòng dõi vua Đavit (xc Mt 2,1-12). Như vậy, ngay từ lúc vừa xuất hiện, ánh sáng của Chúa Kitô bắt đầu thu hút những con người “được Chúa thương yêu” (Lc 2,14), từ khắp mọi ngôn ngữ, dân tộc và văn hoá. Chính sức mạnh của Thánh Linh đã thôi thúc lòng trí con người đi tìm kiếm sự thật, vẻ đẹp, công lý. Đó là điều mà Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II đã quả quyết trong thông điệp Đức tin và Lý trí (số 33) như sau: “Con người luôn ở trên đường tìm kiếm dường như là vô tận: đi tìm kiếm sự thật và tìm kiếm Ai đó mà mình có thể ký thác cuộc đời”. Các nhà đạo sĩ gặp được cả hai điều đó nơi hài nhi Bêlem.

Trên đường lữ hành, con người thuộc mọi thế hệ cần được định hướng: biết đi theo ngôi sao nào đây? Sau khi đã dừng lại ở trên căn nhà nơi hài nhi cư ngụ (Mt 2,9) thì ngôi sao hướng dẫn các đạo sĩ chấm dứt công tác, nhưng ánh sáng thiêng liêng của nó vẫn còn hiện diện qua lời của Phúc âm mà ngày hôm nay vẫn còn có khả năng hướng dẫn mỗi người đến cùng Chúa Giêsu. Lời đó, chính là phản ánh của Đức Kitô, là người thật và là Thiên Chúa thật, và còn được Giáo hội mang đến cho mỗi linh hồn nào sẵn sàng đón nhận. Vì thế, Giáo hội cũng giữ vai trò của ngôi sao đối với nhân loại. Điều này cũng có thể nói một cách tương tự cho mỗi một người Kitô hữu: họ cũng được mời gọi hãy soi sáng bước đường cho anh chị em của mình bằng lời nói và chứng tá cuộc sống. Vì thế việc chúng ta trung thành với ơn gọi cùa mình thật là quan trọng biết chừng nào! Mỗi tín hữu chân chính luôn lên đường trong cuộc hành trình đức tin của bản thân mình, và đồng thời, cùng với ánh sáng bé nhỏ đang mang trong mình, họ phải trở nên người hỗ trợ cho những kẻ ở bên cạnh mình, và lắm khi đang lần mò để tìm thấy con đường dẫn tới Đức Kitô.

Đang khi chuẩn bị đọc kinh Truyền tin, tôi xin ngỏ lời chào thân ái đển các anh chị em Đông phương, sắp mừng lễ Chúa Giáng sinh vao ngày mai, dựa theo lịch Giulianô. Thật là vui sướng khi được chia sẻ với nhau việc cử hành các mầu nhiệm đức tin, qua tính đa sắc của các nghi điển trải qua hai ngàn năm lịch sử Giáo hội. Cùng với các cộng đoàn Đông phương Kitô hữu rất sùng kính Đức Thánh Mẫu, chúng ta hãy xin Người che chở toàn thể Hội thánh trong công cuộc truyền bá khắp thế giới Tin mừng Chúa Kitô là Ánh sáng muôn dân

Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức thánh cha đã nhắc rằng lễ Hiển linh cũng là ngày quốc tế truyền giáo của các nhi đồng, do đức cha Charles de Forbin đề xuất cách đây 160 năm, với việc thành lập hiệp hội Chúa Hài đồng, cổ động các em bé giúp đỡ công cuộc truyền giáo của Hội thánh nhờ lời cầu nguyện, việc hy sinh và những cử chỉ liên đới. Nhờ đó, hàng vạn thiếu nhi cũng muốn mang tình thương của Chúa Hài nhi đến với những em cùng lứa tuổi với mình. Đức Bênêđictô XVI đã bày tỏ lòng biết ơn với các em và cầu chúc các em luôn là những sứ giả Tin mừng. Sau cùng ngài cũng thêm những lời chào thăm đến đoàn rước kiệu của ba vua trong y phục cổ truyền đến tham dự buổi đọc kinh mặc dù trời mưa.

Như đã nói trên, vào lúc 10 giờ sáng, đức thánh cha đã cử hành thánh lễ trong đền thánh Phêrô. Trong bài giảng, ngài đã giải thích ý nghĩa của lễ Hiển linh, nghĩa là lễ mừng Chúa Kitô ánh sáng chiếu tỏa cho muôn dân. Biến cố các đạo sĩ từ phương xa đến thờ lạy Chúa Hài nhi biểu lộ kế hoạch cứu rỗi phổ thế mà Thiên Chúa ban cho loài người. Cần phải trở về những chương đầu của Kinh thánh thì mới nắm bắt ý nghĩa súc tích của nó. Vào lúc đầu, Thiên Chúa chúc phúc cho nguyên tổ nhân loại; thế nhưng do tội lỗi, con người đã mất tình nghĩa với Chúa. Kế đến, sau lụt hồng thuỷ, Thiên Chúa lại tái lập giao ước với ông Noe, hứa sẽ chúc lành cho nhân loại. Tiếc rằng, do tội kiêu ngạo, con người muốn xây cất tháp Babel, dẫn tới chỗ chia rẽ các chủng tộc vì bất đồng ngôn ngữ. Thiên Chúa lại thiết lập giao ước với ông Abram, và hứa sẽ chúc lành cho muôn dân. Lời hứa ấy được thực hiện nơi Chúa Kitô. Mặc dù Thiên Chúa luôn bền bỉ với lời hứa của Ngài, nhưng con người cần biết đón nhận phúc lành của Chúa. Việc các nhà đạo sĩ từ phương xa tìm đến thờ lạy Thiên Chúa giáng trần mở đầu cho cuộc trở về của muôn dân, nhằm tái thiết sự duy nhất bị tan vỡ do tháp Babel. Giáo hội của Chúa Kitô biểu lộ sự đoàn kết của mọi dân tộc biết dón nhận ơn cứu độ của Chúa, và đến lượt mình, Giáo hội cần phải trở nên dụng cụ để mang Tin mừng Chúa Kitô cho muôn dân. Tuy nhiên, cần phải khiêm tốn thú nhận rằng Giáo hội cũng còn mang nhiều dấu vết tiêu cực làm lu mờ ánh sáng của Chúa Kitô. Tất cả chúng ta cần theo gương các nhà đạo sĩ, những chứng nhân của lòng can đảm và niềm hy vọng trong cuộc lên đường tìm kiếm Sự thật và Ánh sáng, là chính Thiên Chúa. Nếu thiếu niềm hy vọng đó, con người chỉ muốn đi tìm hưởng thụ nhất thời, tiện nghi cá nhân, không đếm xỉa gì đến tha nhân, để rồi cuối cùng đưa đến chỗ diệt vong cho chính mình và cho xã hội.

Bình Hòa








All the contents on this site are copyrighted ©.