2007-12-17 12:23:11

Hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu


Một số nhận định của Đức Ông Pierangelo Sequeri, thần học gia giáo sư phân khoa Thần Học Milano, về thông điệp ”Spe salvi” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Sau thông điệp ”Deus caritas est - Thiên Chúa là Tình Yêu”, ngày 30-11-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố thông điệp ”Spe salvi - Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu độ”.

Thông điệp ”Enciclica” trong tiếng La tinh và ”enkyklosis” trong tiếng Hy lạp là ”thư luân lưu” gửi cho Giáo Hội trên toàn thế giới. Từ này được dùng lần đầu tiên bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV, để gọi tài liệu đầu tiên triều đại của người công bố ngày mùng 3 tháng 12 năm 1740 và được định nghĩa là ”Epistola encyclica (et commonitoria)”. Theo thói quen của Giáo Hội đề tựa của thông điệp bao giờ cũng gồm hai từ đầu tiên của văn bản tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội. Thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV mang tựa đề ”Ubi primum”, bàn về chức thừa tác của giám mục và cách thức thi hành chức thừa tác đó. Các Giáo Hội Kitô khác cũng có các thông điệp. Anh giáo gọi đó là các thư luân lưu của Đức Giáo Chủ; trong các Giáo Hội Đông Phương đó là các thư luân lưu Đức Thượng Phụ gửi tín hữu thuộc quyền Tòa Thượng Phụ của mình. Theo các thống kê thông điệp ”Spe salvi” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mới công bố là thông điệp thứ 295 kể từ thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV.

Trong phần đầu của thông điệp ”Spe salvi”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng theo đức tin Kitô, ơn cứu độ không chỉ là một sự kiện, nhưng còn là niềm hy vọng đáng tin cậy dẫn đưa tới một mục tiêu lớn lao, giúp tín hữu đương đầu với hiện tại, cho dù nó có khó khăn cơ cực tới đâu đi nữa. Yếu tố khiến cho tín hữu Kitô khác biệt đó là họ biết rằng mình có một tương lai và cuộc đời họ không chấm dứt trong hư vô. Sứ điệp Kitô không chỉ có tính cách ”thông tin”, nhưng còn có tính chất ”biến đổi”, hình thành. Nghĩa là Tin Mừng không chỉ là một sự thông báo cho biết một sự việc, nhưng là một sự thông truyền tạo nên những sự kiện và thay đổi cuộc sống con người. Ai có hy vọng thì sống một cuộc sống mới.

Như thế, đón nhận hy vọng là đạt tới chỗ nhận biết Thiên Chúa đích thực. Chúa Giêsu không đem đến ”một sứ điệp cách mạng xã hội” và ”không phải là người chiến đấu để đạt tới sự giải phóng chính trị”. Ngài mang lại một cái gì hoàn toàn khác biệt: đó là cuộc găp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, cuộc găp gỡ với một niềm hy vọng mạnh mẽ hơn những đau khổ của chế độ nô lệ và vì thế đã biến đổi cuộc sống và thế giới từ bên trong, cho dù các cơ cấu bề ngoài vẫn y nguyên.

Chúa Giêsu hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa nói với chúng ta trong thực tế con người là ai và con người phải làm gì để thực sự là người. Chúa Giêsu cũng là tôn sư sự sống, vì Người chỉ cho chúng thấy con đường vượt xa hơn cái chết. Người đem lại cho chúng ta niềm hy vọng đồng thời là sự chờ đợi và hiện diện, vì sự kiện tương lai hiện hữu có sức thay đổi hiện tại. Qua đức tin tương lai được thu hút vào bên trong hiện tại, khiến cho tín hữu cảm nghiệm được tương lai ấy. Điều này tạo ra sự chắc chắn, và là bằng chứng cho những điều tín hữu chưa thấy. Chính niềm hy vọng ấy giúp các tín hữu Kitô đương đầu với các cuộc bách hại và tử đạo, chống lại ”cường lực của ý thức hệ và các cơ quan tuyên truyền của chúng” và làm cho tín hữu có khả năng canh tân thế giới...

Đã có nhiều phản ứng từ các giới thần học, triết học, khoa học và các học giả. Sau đây là một số nhận định của Đức ông Pierangelo Sequeri, thần học gia, giáo sư phân khoa Thần Học Milano, bắc Italia, về thông điệp mới này của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đc Ông, khi đề cập tới tương quan giữa lòng tin và niềm hy vọng, Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đã trích một đoạn của thư gửi tín hữu Do thái. ”Lòng tin là bản chất các điều chúng ta hy vọng”. Nó có nghĩa là gì?
 
Đáp: Ở đây Đức Thánh Cha nhắc lại một đàng là lập trường của những người trông thấy trong câu này khẳng định của một lòng tin dựa trên sự chắc chắn, đàng khác là lập trường của những người - và ở đây Đức Thánh Cha trích tư tưởng của Luther - đã coi đó như là một ý niệm thuộc loại hiện sinh, hướng tới chỗ chiếm được sự chắc chắn hoàn toàn chủ quan. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng kiểu giải thích thứ nhất thiếu việc nhận ra nền tảng là Chúa: lòng tin không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là một kinh nghiệm hiệp thông với nền tảng của nó. Đối với kiểu giải thích thứ hai, tuy việc nhắc tới chiều kích hiện sinh có giá trị, nhưng lòng tin không chỉ là ”xác tín của con người”, mà là kinh nghiệm rộng mở cho cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Một cuộc đối thoại đã là kinh nghiệm của cuộc sống vĩnh cửu.

Hỏi: Nhưng mà cuộc sống vĩnh cửu là gì thưa Đức Ông?

Đáp: Đức Thánh Cha đã đề nghị một kiểu phê bình hay đẹp về tư tưởng của ”sự vĩnh cửu” quên đi sự sống. Sự ổn định bằng ”cẩm thạch lạnh lùng” của ý niệm, như thế, được hòa giải với một kinh nghiệm sâu xa về ”tương quan”: chính trong tương quan với Thiên Chúa mà chúng ta xây dựng sự chắc chắn số phận cuối cùng của mình. Vì thế nên chỉ nhấn mạnh đến sự vĩnh cửu thôi không đủ, cần phải nhắc đến chiều kích sinh động của tương quan với sự tuyệt đối nữa. Ước mong cuộc sống vĩnh cửu, như vậy, không phải là một sự ”sống sót bất tận”, mà là một cuộc sống tương quan đích thật và riêng tư, vẫn tiếp tục sau cái chết.

Hỏi: Trong phần cuối cùng của thông đip Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đề cập tới cái chết, sự phán xét, hỏa ngục và thiên đàng. Chúng có các đặc thái nào?

Đáp: Như tôi đã nói trên đây, trong nền tảng có ý niệm về ”sự sống vĩnh cửu” không được hiểu trong nghĩa ”lượng”, tức như là ”sự kéo dài bất tận”. Nó là một ”cuộc sống trong tương quan”, một cuộc sống hạnh phúc vì ”tràn đầy các tương quan”, theo một ý niệm tập thể về hạnh phúc và theo những gì được mô tả trong Tân Ước. Đây là chìa khóa giúp hiểu biết những gì còn lại: trong diễn văn ở đây cũng có các ý niệm về sự tự do và tinh thần trách nhiệm, là những chiều kích được chỉ định để bước qua ngưỡng cửa của sự ”Phán xét”. Sự phán xét này không phải là cuộc tính sổ, mà là thừa nhận giá trị ”đã được tích trữ” trong lăng kính của tương quan, của sự chú ý săn sóc nhau, của việc đầu tư sự tự do của mình. Đó là các nội dung mà Thiên Cháu có thể tiếp nhận, và qua việc phán xử, Người giải thoát tất cả mọi thứ khác khỏi các cáu bẩn và các cặn bã của chúng.

Hỏi: Tại sao Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lại nhấn mạnh trên ý niệm ”đoàn ngũ” như vậy?

Đáp: Có lẽ vì ngày nay sự siêu việt thường bị giản lược vào chiều kích cá nhân, cả trong việc giảng dậy. Nhưng Đức Thánh Cha nói cho chúng ta biết rằng trong số phận của sự siêu việt cá nhân cũng có khung của các tương quan, trong đó tính cách cá nhân được tháp nhập vào và nó không kết thúc trong ”kinh thành trần thế”.

Hỏi: Như thế Đc Thánh Cha đã chỉ cho thấy con đưng nào thưa Đức Ông?

Đáp: Đó là con đường tiến lên, kể cả trên bình diện văn hóa từ phía Kitô giáo, con đường của số phận siêu việt của con người, là sinh vật không thể bị giản lược vào bình diện sinh học, chính trị và xã hội mà thôi.

Hỏi: Thưa Đức Ông, tại sao Đức Thánh Cha lại đối chọi tư tưởng của sự tiến bộ với sự phán xử của Thiên Chúa?

Đáp: Đây là một gạt bỏ có tính cách phẩm chất. Tư tưởng về sự tiến bộ là một tư tưởng hướng tới chỗ tuyệt đỉnh và tạo ra các ”nạn nhân”, trái lại sự phán xử của Thiên Chúa mở ra một khả thể ”thành công”, tại nơi chúng ta chỉ trông thấy các thất bại. Trong việc phán xử, khi đưa ra các tiêu chuẩn khác nữa của việc lượng định giá trị cuộc sống con người, Thiên Chúa phục hồi các mâu thuẫn, mà sự tiến bộ có khuynh hướng loại trừ. Chính vì thế Kitô giáo ”đánh cá” liên quan tới cả các nạn nhân của ”sự chiến thắng tiến lên” của chúng ta trong lịch sử nữa. Và công lý là ở đây.

Hỏi: Như vậy là có một ”cuộc sống bên kia” với các tương quan. Vậy tại sao Đức Thánh Cha lại nói rằng: với cái chết việc lựa chọn sự sống trở thành vĩnh viễn thưa Đức Ông?

Đáp: Giữa việc tạo dựng và số phận của con người, giữa nguồn gốc và cứu cánh, cuộc sống trần gian có thể được coi như là một sự khởi đầu, trong đó chúng ta diễn tả kiểu cách chúng ta chấp nhận hay không chấp nhận số phận sự hiện hữu: chúng ta sẽ được phán xử dựa trên sự lựa chọn nền tảng này.

Hỏi: Thưa Đức Ông tại sao Đức Thánh Cha lại không gắn liền hỏa ngục với một nơi chốn, mà lại gắn liền nó với các cá nhân?

Đáp: Bởi vì ”hỏa ngục” là điều kiện của người đã chỉ lựa chọn chính mình, họ ”bị đóng chặt” vào sự đồng hành của chính họ. Một điều kiện dựa trên sự khước từ tương quan, tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân.

(Avvenire 1-12-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.