2007-12-01 16:16:24

Đức Thánh Cha kêu gọi chống trào lưu duy tương đối


VATICAN. Sáng 1-12-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 130 tham dự viên Diễn đàn các tổ chức Công Giáo phi chính phủ, do Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh tổ chức ở Roma. Ngài kêu gọi chống lại trào lưu duy tương đối trong đời sống chính trị quốc tế.

Tham dự diễn đàn có một số vị Đại Sứ Công Giáo và nhiều giáo dân dấn thân trong các tổ chức quốc tế phi chính phủ, và họ thường cộng tác với các vị Đại diện Tòa Thánh cạnh các cơ quan quốc tế. Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã đại diện mọi người chào mừng và giới thiệu các tham dự viên với ĐTC.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhận định rằng các cuộc thảo luận quốc tế hiện nay thường chịu ảnh hưởng của lý luận duy tương đối: chủ trương này coi sự phủ nhận chân lý về con người và nhân phẩm là bảo đảm duy nhất để có sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc, và họ không nói gì về việc có thể có một nền luân lý đạo đức dựa trên sự nhìn nhận luật luân lý tự nhiên. Hậu quả của thái độ đó là người ta áp đặt một quan niệm luật pháp và chính trị, tạo nên sự đồng thuận giữa các quốc gia, sự đồng thuận này đồng thời chịu ảnh hưởng của những quyền lợi nhất thời, hoặc bị lèo lái vì những áp lực ý thức hệ, và được coi là nền tảng đích thực duy nhất của các qui luật quốc tế.
ĐTC cũng nhận xét rằng thành quả cay đắng của lý lẽ duy tương đối trên đây thật là điều hiển nhiên. Người ta coi các quyền con người là kết quả của những lối sống qui hướng về bản thân mình, và không quan tâm gì đến những nhu cầu kinh tế và xã hội của các nước nghèo; họ cũng coi rẻ luật pháp về nhân đạo và chỉ bảo vệ những nhân quyền do họ tuyển chọn”.

Trước tình trạng đó, ĐTC nói: ”Tôi khích lệ anh chị em hãy chống lại trào lưu duy tương đối ấy với tinh thần sáng tạo, bằng cách trình bày những chân lý cao cả về phẩm giá nội tại của con người và các quyền phát sinh từ phẩm giá ấy. Điều này sẽ góp phần đưa ra những câu trả lời thích hợp coh nhiều vấn đề đang được thảo luận trong diễn đàn quốc tế ngày nay. Trên hết, nó cũng giúp đẩy mạnh cách sáng kiến đặc thù đầy tinh thần liên đới và tự do”. (SD 1-12-2007)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.