2007-11-28 18:11:41

Thánh Efrem, thần học gia thi sĩ


Trong buổi tiếp kiến 8000 tín hữu và du khách hành hương tai đại thính đường Phao,o VI sáng thứ tư 28-11-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giới thiệu thánh Efrem thi sĩ và khẳng định rằng: Kitô giáo không phải là một tôn giáo Âu châu đã xuất cảng nền văn hóa của đại lục này sang các nước khác, nhưng nó có gốc rễ trong Kinh Thánh Cựu Ước và tại Gierusalem trong thế giới Semít. Ngài cho biết trong các thế kỷ đầu Kitô giáo đã lan sang Tây phương, hướng về thế giới hy lạp la tinh và đã linh hứng nền văn hóa Âu châu, cũng như lan sang đông phương cho tới Ba Tư, Ấn Độ và góp phần làm nảy sinh ra một nền văn hóa đặc thù trong các tiếng Semít có căn cước riêng. Một trong các giáo phụ tiêu biểu cho nền văn hóa đặc thù này là thánh Efrem, người Siro. Đề cập tới tiểu sử thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Sinh tại Nisibi trong một gia đình Kitô vào khoảng năm 306, được giáo huấn và lớn lên bên cạnh Đức Cha Giacomo là Giám Mục Nisibi (303-338), người đã là vị đại diện cho Kitô giáo nói tiếng Siriac và là vị duy nhất thành công trong việc gắn liền ơn gọi là thần học gia và ơn gọi thi sĩ. Cùng với Giám Mục Giacomo người thành lập trường thần học Nisibi. Được truyền chức Phó Tế thánh nhân tích cực tham gia cuộc sống cộng đoàn địa phương cho tới năm 363, là năm thành Nisibi rơi vào tay người Ba Tư. Khi đó thánh Efrem di cư sang thành phố Edessa, và tiếp tục sinh hoạt thuyết giảng. Người qua đời tại Edessa năm 373, vì săn sóc các người bệnh dịch hạch và bị lây bệnh. Người ta không biết người có phải là đan sĩ hay không, nhưng có điều chắc chắn là thánh nhân đã là Phó Tế suốt đời và đã sống khiết tịnh và khó nghèo. Nét đặc thù trong kiểu diễn tả văn hóa và căn cước nền tảng chung của Kitô giáo theo thánh nhân là lòng tin, lòng hy vọng cho phép sống khó nghèo và đồng trinh, và lòng mến cho đến chỗ hiến mình cho việc săn sóc các bệnh nhân dịch hạch.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: thánh Efrem đã để lại một gia tài thần học to lớn. Có thể quy tụ các sáng tác của người vào 4 loại: các tác phẩm viết bằng văn xuôi như các tranh luận hay các chú giải Kinh thánh; các tác phẩm bằng thơ; các bài giảng bằng thơ; và sau cùng các thánh thi là tác phẩm dài và rộng nhất của thánh nhân. Người là một tác giả phong phú và có nhiều khía cạnh rất hay, đặc biệt trên bình diện thần học. Đặc thái các tác phẩm của người là sự gặp gỡ giữa thần học và thơ phú. Ngài dùng thể thơ để trình bầy thần học. Thơ phú cho phép thánh nhân đào sâu suy tư thần học qua các mâu thuẫn và hình ảnh. Đồng thời thần học của người trở thành phụng vụ, trở thành âm nhạc: thật thế thánh nhân là một nhạc sĩ sáng tác rất tài. Thần học, suy tư về lòng tin, thơ phú, thánh ca chúc tụng Thiên Chúa đi đồng lượt với nhau. Chính đặc thái phụng vụ này trong thần học khiến cho sự thật về Thiên Chúa được tỏ lộ ra một cách trong sáng. Trong sự kiếm tìm Thiên Chúa và trong nền thần học của mình thánh nhân theo đuổi con đường của sự mâu thuẫn và biểu tượng. Người thích dùng các hình ảnh đối chọi nhau, vì chúng giúp nêu bật mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã trích lại một số bài thơ thần học của thánh Efrem. Chẳng hạn một vài bài thơ về biến cố Chúa Kitô giáng sinh nhân mùa Vọng sắp đến. Thánh Efrem bầy tỏ kinh ngạc trước Đức Trinh Nữ Maria như sau: ”Chúa đến nơi Mẹ để làm tôi tớ. Ngôi Lời đến nơi Mẹ để lặng thinh trong cung lòng Mẹ. Sét đến nơi Mẹ để không gây tiếng động nào. Mục tử đến nơi Mẹ và này đây Chiên Con sinh ra và khóc nhè nhẹ. Vì cung lòng Đức Maria đã đảo ngược các vai trò: Đấng tạo dựng nên mọi sự đã chiếm hữu cung lòng đó, nhưng nghèo nàn. Đấng Tối Cao đến nơi Mẹ, nhưng bước vào khiêm tốn. Ánh quang đến nơi Mẹ, nhưng quấn tã khiêm hèn. Đấng rộng rãi ban cho mọi sự lại phải đói. Đấng cho mọi người nước uống lại chịu khát. Trần truồng và trơ trụi ra khỏi lòng Mẹ, Đấng mặc cho mọi sự vẻ đẹp” (Thánh thi Giáng Sinh” 11,6-8).

Rồi để diễn tả mầu nhiệm của Chúa Kitô thánh Efrem dùng nhiều đề tài, kiểu nói và hình ảnh khác nhau. Trong một bài thánh thi người gắn liền Ađam trong vườn Địa đàng với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể như sau: ”Bởi thanh gươm của thiên thần Seraphim con đường của cây sự sống bị đóng lại. Nhưng Chúa cây sự sống lại trao ban chính mình như lương thực trong hiến tế thánh thể. Cây cối trong vườn Eden được ban cho Ađam thứ nhất làm lương thực. Người làm Vườn trở thành lương thực cho chúng ta, cho linh hồn chúng ta. Thật thế, chúng ta tất cả đều đã ra khỏi vườn Địa Đàng cùng với Ađam và để nó lại đàng sau. Giờ đây thanh gươm đã bị lưỡi đòng cất xuống khỏi thập tự, để chúng ta có thể trở về vườn Địa Đàng” (Thánh thi 49,9-11).

Để nói về Phép Thánh Thể thánh Efrem dùng hai hình ảnh: lò lửa hay than hồng và viên ngọc. Đề tài than hồng lấy từ chương 6 sách ngôn sứ Isaia (Is 6,6) với hình ảnh thiên thần Seraphim gắp than hồng và đụng vào môi của ngôn sứ để thanh tẩy chúng; trái lại Kitô hữu đụng chạm vào và ăn Than hồng là chính Chúa Kitô: ”Trong bánh của Ngài dấu ẩn Thần Khí không thể tàn phai; trong rượu của Chúa có lửa hồng không thể uống được. Thần Khí trong bánh của Chúa, lửa hồng trong rượu Chúa: và này đây môi miệng chúng con tiếp rước sự tuyệt diệu. Thiên thần Seraphim không thể giơ tay cầm lấy lửa và môi miệng người cũng đã không nuốt nó; nhưng Chúa cho chúng ta được làm cả hai điều đó. Lửa thịnh nộ giáng xuống và hủy hoại kẻ tội lỗi, nhưng Lửa ơn thánh xuống trên bánh và ở lại đó. Thay vì lửa hủy hoại con người, chúng ta ăn lửa của bánh và chúng ta đã được cứu độ” (Thánh thi ”De Fide”, 10,8-10).

Thí dụ thánh thi cuối cùng diễn tả sự phong phú và vẻ đẹp của niềm tin: ”Hỡi anh em hãy đặt viên ngọc vào trong lòng bàn tay tôi để có thể quan sát nó. Tôi bắt đầu quan sát từ mặt này mặt khác. Viên ngọc chỉ có một khía cạnh từ mọi mặt. Việc kiếm tìm Chúa, Đấng không thể nhận ra được cũng thế, vì tất cả nó là ánh sáng. Trong sự trong sáng của nó, tôi trông thấy Đấng Trong Sáng không trở thành mờ đục; và trong sự tinh ròng, biểu tượng lớn lao của Mình Chúa chúng ta, trong sạch. Trong sự bất khả phân li của Người, tôi trông thấy chân lý bất khả phân li” (Thánh thi Sulla Perla” 1,2-3).

Rồi Đức Thánh Cha nói thêm về gương mặt của thánh Efrem như sau:
Gương mặt của thánh Efrem gần mà cũng xa như thế vẫn còn hoàn toàn thời sự đối với cuộc sống của các Giáo Hội Kitô. Chúng ta khám phá ra người trước tiên như là nhà thần học, khởi sự từ Kinh Thánh, suy tư về mầu nhiệm cứu độ được thành toàn bởi con người Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể. Suy tư của thánh nhân là suy tư thần học được diễn tả với các hình ảnh và biểu tượng lấy từ thiên nhiên và cuộc sống thường ngày cũng như từ Kinh Thánh. Thánh nhân trao ban cho thơ văn đặc thái dậy dỗ giáo lý. Đó là các bài thánh thi phụng vụ được đọc hay hát. Thánh Efrem dùng chúng để phổ biến giáo lý của Giáo Hội. Thời gian cho thấy đó là phương pháp dậy giáo lý cho cộng đoàn Kitô rất hữu hiệu.

Thánh Efrem cũng suy tư về Thiên Chúa Tạo Hóa: không có gì trong thụ tạo nào là bị cô lập, và thế giới là một cuốn sách Kinh Thánh của Thiên Chúa. Khi dùng sai sự tự do, con người đảo lộn trật tự vũ trụ. Nữ giới có vai trò ý nghĩa: sự kiện Đức Giêsu ngự trong cung lòng Đức Maria đã nâng cao phẩm giá nữ giới lên. Không có ơn cứu độ nếu không có Chúa Giêsu, và không có biến cố nhập thể nếu không có Mẹ Maria. Chiều kích thiên linh và nhân loại của mầu nhiệm cứu độ đã được trình bày trong các bút tích của thánh Efrem và sẽ là nền tảng thần học cho cả từ ngữ của các định nghĩa Kitô học lớn trong các Công Đồng của thế kỷ thứ V.

Tuy được gọi là ”hạc cầm của Chúa Thánh Thần” nhưng thánh Efrem đã lựa chọn làm Phó tế suốt đời, nghĩa là người phục vụ trong chức thừa tác phụng vụ và nhất là trong tình yêu thương đối với Chúa Kitô mà người chúc tụng, và trong công tác bác ái đối với các anh chị em khác mà người dẫn đưa vào trong sự hiểu biết sự Mạc Khải của Thiên Chúa.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lanh tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.