2007-11-27 16:17:54

Cuộc tranh đấu chống lại án tử hình


Phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi về cuộc đấu tranh chống lại án tử hình trên thế giới

Ngày 16-11-2007 trong phiên họp trước Ủy Ban thứ 3 về quyền con người, hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu chấp nhận đề nghị của Italia đưa vấn đề án tử hình ra thảo luận và bỏ phiếu trong phiên họp khoáng đại vào trung tuần tháng 12 tới đây.

Để yểm trợ cho cuộc đấu tranh cho quyền sống này các phong trào và hiệp hội công giáo Italia, đứng đầu là cộng đồng thánh Egidio, đã phát động chiến dịch xin 5 triệu chữ ký tại 153 quốc gia trên thế giới. Trong những ngày vừa qua phái đoàn đã trao danh sách 5 triệu chữ ký xin hủy bỏ án tử hình cho ông Sergian Kerim người Macedonia chủ tịch theo lượt của Ủy Ban thứ 3 về quyền con người của Liên Hiệp Quốc.

Từ nhiều năm qua, Italia đã luôn luôn đề nghị hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận và đưa ra nghị quyết hủy bỏ án tử hình, vì nó trái với các quyền con người. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm nay, chính quyền Italia chính thức bắt đầu thể lệ xin đưa vấn đề án tử hình vào trong chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc. Tiếp đó ngày mùng 1-2 và 25-4 năm nay Quốc Hội Âu châu đã hầu như đồng loạt bỏ phiếu ủng hộ sáng kiến của chính quyền Italia và dấn thân hoạt động để cho sáng kiến đó được Liên Hiệp Quốc chấp nhận.

Ngày 14 tháng 5 Italia được giao cho nhiệm vụ soạn văn bản dự thảo nghị quyết về việc hủy bỏ án tử hình. Trong phiên họp của Ủy ban thứ ba về nhân quyền của Liên Hiệp quốc, ngày mùng 1 tháng 11 vừa qua hai nước Niu Dilen và Brasil đệ trình lên Liên Hiệp Quốc đề nghị dự thảo nghị quyết về án tử hình với chữ ký của 72 quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng hôm 17-11-2007, Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, cho biết ngài rất hài lòng về sự kiện Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp nhận dự thảo nghị quyết hủy bỏ án tử hình. Nhưng rất tiếc nó chỉ là một dự thảo và sự quyết định của Liên Hiệp Quốc chỉ có tính cách khích lệ. Dầu sao đi nữa kết qủa đầu tiên đó cũng quan trọng, và người ta hài lòng khi thấy biết bao nhiêu hiệp hội công giáo đã hăng hái tích cực dấn thân trong cuộc tranh đấu này.

Dự thảo nghị quyết theo đuổi các ”nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, nhắc lại Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền” và tiếp nhận các quyết định dự thảo được con số gia tăng các quốc gia chấp nhận. Vì thế mục đích dự thảo nghị quyết nhắm tới là ”bầy tỏ âu lo sâu xa đối với việc tiếp tục án tử hình; hạn chế từ từ việc xử dụng án tử hình và giảm số tội đáng bị tử hình, cũng như tiến tới chỗ hủy bỏ án tử hình. Lý do là vì án tử hình xúc phạm đến phẩm giá con người, vì thế dự thảo nghị quyết giúp góp phần cải tiến và phát triển quyền con người. Đặc biệt vì không có bằng chứng nào cho thấy án từ hình giúp giảm số tội phạm, và mỗi một thất bại của công lý trong việc áp dụng án tử hình đều không thể chuyển đảo và không thể sửa chữa được.

Trong năm 2007 đã có 5.628 vụ hành quyết tại 27 nước trên thế giới. Đứng đầu là Trung Quốc với 5.000 vụ, tiếp đến là Iran 215 vụ, Pakistan 82, Irak 65, Sudan 65, Hoa Kỳ 53, A rập Sauđi 39, Yemen 30, Viêt Nam 14 và Kuwait 11 vụ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đồng thánh Egidio, về cuộc tranh đấu chống lại án tử hình trên thế giới.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, sự kiện ngày 16-11-2007 Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp nhận dự thảo nghị quyết chống lại án tử hình, do Italia đng ra đớng, có phải là một chiến thắng quan trọng hay không?

Đáp: Vâng, nó đã là một cuộc bỏ phiếu quan trọng khai mở việc suy tư trở lại về nền văn hóa chết chóc trên bình diện toàn cầu. Nó là chiến thắng của những người liên lạc thư tín với các tù nhân bị kết án tử hình tại Hoa Kỳ và bên Phi châu, của những người trẻ cảm thấy phấn khởi vì cuộc đấu tranh cho sự sống. Nó cũng khiến cho thế giới chú ý tới Italia là quốc gia đã đứng ra phát động chiến dịch này, một Italia yêu hòa bình và ước mong dấn thân cho các vấn đề lớn nhỏ liên quan tới cộng đồng thế giới. Nó mở màn cho một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh cho sự sống và nhân phẩm.

Dĩ nhiên đây chỉ là lệnh triển hoãn, nghĩa là không có quốc gia nào bị bắt buộc thi hành, nhưng luân lý thế giới giờ đây cũng sẽ thay đổi. Chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn trên trái đất này, một trái đất hoảng sợ và tràn đầy khuynh hướng tạo ra các nạn nhân. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau người ta đang tái lập bạo lực, trong đó án tử hình là một bạo lực cổ xưa được người ta biến thành chuyện thánh thiêng. Vì thế cuộc bỏ phiếu của Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York là điều rất tích cực: nó dẫn đưa tới việc suy tư trở lại về giá trị cuộc sống con người.

Hỏi: Riêng đối với những ngưi như các tín hữu công giáo chủ trương bảo vệ sự sống toàn vẹn của con người, việc bỏ phiếu chấp nhận nói trên có ý nghĩa gì?

Đáp: Ngày nay giá trị sự sống không chỉ bị khinh rẻ bởi án tử hình, mà cũng còn bị khinh rẻ bởi việc giết người êm dịu và nạn phá thai nữa. Việc giết người ên dịu là đề tài đặc biệt liên lụy tới Âu châu. Do đó chúng ta phải chú ý tỉnh thức, vì đây là bước khởi đầu của việc tái suy tư trong toàn lãnh vực này, trong đó án tử hình chỉ là một bước chuyển tiếp. Chỉ khi nào xã hội có lòng thương xót, thì khi đó nó mới thực sự là một xã hội nhân bản. Cần phải có một nền văn hóa sự sống mới, cả trong lãnh vực chính trị nữa.

Hỏi: Thưa giáo sư, cng đồng thánh Egidio đã quyết định chiến dịch thu thập chữ ký cho dự thảo luật này từ nhiều năm qua. Cng đng đã xây dựng chiến thắng này ra sao?

Đáp: Đối với chúng tôi đó đã là thành công của toàn thể xã hội dân sự liên quốc. Nó đã là một cuộc đấu tranh thầm lặng, ít được các phương tiện truyền thông yểm trợ. Tuy nhiên đã có sự dấn thân rất lớn của dân chúng. 5 triệu chữ ký thu được tại nhiều nước trên thế giới có nghĩa đó đã là một công việc chi li, được làm với hai bàn tay trắng. Rất thường khi phải mất cả giờ đồng hồ thảo luận trên một chiếc ghế dài bên đường lộ để thu được một chữ ký. Những người đã liên lạc thư từ với các anh chị em bị kết án tử hình trong nhiều nhà tù bên Hoa Kỳ và tại Phi châu, các người trẻ hăng say tham gia cuộc đấu tranh này cho việc tôn trọng sự sống: chính họ đã chiến thắng. Và nước Italia đã khởi xướng dự thảo nghị quyết này đã trở thành điểm chú ý của toàn thế giới, một Italia yêu chuộng hòa bình và dấn thân cho các vấn đề lớn nhỏ của trái đất này.

Hỏi: Giới chính trị Italia có ở độ cao này hay không thưa giáo sư?

Đáp: Dĩ nhiên đây cũng là một chiến thắng của giới lãnh đạo chính trị và nghành ngoại giao Italia, vì chính phủ Italia đã đứng ra vận động các nước và soạn thảo văn bản để đưa đề nghị và đệ trình trong phiên họp của Ủy Ban thứ ba về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Italia đã quảng đại dấn thân trong cuộc đấu tranh cho quyền sống này, một cuộc đấu tranh không đem lại lợi lộc nào cho Italia. Nhưng sự kiện này minh chứng cho thấy trên bàn cờ quốc tế Italia có thể đại điện cho các lý lẽ của lương tri và của nhân loại.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, đâu là các chướng ngại và khó khăn có thể gặp phải trên lộ trình của dự thảo nghị quyết này?

Đáp: Thứ nhất là sự kiện các cường quốc đứng ngoài tiến trình này. Có các chống đối kịch liệt, đặc biệt từ phía chính quyền Bắc Kinh. Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất đó là có các kháng cự văn hóa từ phía vài môi trường hồi giáo, và các xác tín sâu xa của dư luận trong một số tiểu bang bên Hoa Kỳ, trong đó công lý phải được ghi dấu bằng máu của tội nhân. Trong các trường hợp như vậy cần có một nền văn hóa biết tôn trọng tha nhân, và sự định hướng của Liên Hiệp Quốc là một cơ may rất tốt cho các kitô hữu.

Hỏi: Như thế phải tiếp nhận cơ may ln này như thế nào thưa giáo sư?

Đáp: Bằng cách cùng nhau đứng trên một quan điểm xã hội mới, trong một nền nhân chủng học mới, bằng cách hủy bỏ án tử hình và chung vai sát cánh chống lại đói khát. Tôi rất hài lòng vì dự thảo nghị quyết được Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấp nhận nhân dịp kỷ niệm 40 năm công bố thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc”, trong đó Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã đề cập đếm một thuyết nhân bản mới phải tái khởi hành trong cuộc sống các dân tộc trên thế giới. Vì thế tín hữu công giáo chúng ta đừng hát bài ca chiến thắng, nhưng hãy trải rộng ý thức và nền nhân bản mới này ra khắp nơi trên thế giới. Không phải chỉ bằng các lời nói, mà bằng cả việc dấn thân sống một cách cụ thể nữa, làm sao để Lời Chúa đồng hành với kinh nghiệm sống của chúng ta.

(Avvenire 17-11-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.