2007-11-17 18:02:11

Đức Thánh Cha kêu gọi tăng cưng săn sóc mục vụ bệnh nhân cao niên
 


VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi tăng cường việc săn sóc mục vụ cho các bệnh nhân cao niên, đồng thời ngài chống lại những toan tính thu ngắn cuộc sống của họ.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 17-11-2007, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức tại Vatican với chủ đề ”Mục vụ trong việc săn sóc các bệnh nhân cao niên”.

Ngỏ lời với các chuyên gia đa ngành, đến từ 64 quốc gia, ĐTC nhận định rằng: ”Não trạng duy hiệu năng ngày nay thường có xu hướng gạt ra ngoài lề những anh chị em đang chịu đau khổ, như thể họ chỉ là một 'gánh nặng' và là 'một vấn đề' cho xã hội. Trái lại, ai ý thức về phẩm giá con người, đều biết rằng cần phải tôn trọng và nâng đỡ các anh chị em đau khổ ấy, giữa lúc họ phải đương đầu với những khó khăn trầm trọng liên hệ tới tình trạng của họ. Tuy nhiên khi cần thiết, thì việc sử dụng các biện pháp chống đau để giảm bớt những cơ cực do bệnh tật của họ gây nên, là điều chính đáng, cho dù các biện pháp ấy không thể chữa lành bệnh cho họ”.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Bên cạnh sự chăm sóc lâm sàng (clinique) không thể thiếu được, cần phải biểu lộ một khả năng yêu thương cụ thể, vì người bệnh cần được cảm thông, an ủi, liên tục khích lệ và tháp tùng. Đặc biệt những người cao nên cần được giúp đỡ để trải qua giai đoạn cuối đời một cách ý thức và nhân bản, để chuẩn bị đón nhận cái chết một cách thanh thản. Các tín hữu Kitô biết rằng sự chết là tiến vào vòng tay của Cha Trên Trời, đầy dịu dàng và từ bi”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC khuyến khích để cho chính gia đình đón nhận, săn sóc các bệnh nhân cao niên với lòng yêu thương và biết ơn.

Ngài cũng nhắc lại giáo huấn thường được Đức Gioan Phaolô 2 nêu lên, khích lệ các nhà khoa học và bác sĩ dấn thân nghiên cứu để phòng ngừa và chữa trị các bệnh tật liên quan đến tuổi già, nhưng không bao giờ chiều theo cám dỗ thi hành những biện pháp thu ngắn cuộc sống của người già và người bệnh, các biện pháp này là trong thực tế là những hình thức làm cho chết êm dịu. Trong thông điệp Tin Mừng Sự Sống, Đức Cố Giáo Hoàng đã khẳng định rằng ”Cám dỗ làm cho chết êm dịu là một trong những triệu chứng đáng lo âu nhất của nền văn hóa chết chóc đang lan tràn trong xã hội sung túc” (E.V, 64). Mọi người cần phải dấn thân và nỗ lực để sự sống con người, không những được tôn trọng trong các nhà thương Công Giáo, nhưng tại mọi nơi chăm sóc bệnh nhân.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến xác tín của các tín hữu Kitô về giá trị của đau khổ và nhấn mạnh rằng ”Đứng trước đau khổ và bệnh tật, các tín hữu được mời gọi đừng đánh nhấn sự thanh thản, vì không điều gì, kể cả cái chết, có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô. Trong Người và với Người, chúng ta có thể đương đầu và vượt thắng mọi thủ thách về thể lý và tinh thần, và chính trong lúc ta cảm thấy yếu nhược nhất là lúc chúng ta cảm nghiệm được những thành quả của ơn cứu chuộc”.

Hội nghị quốc tế lần thứ 22 do Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế tổ chức, đã tiến hành từ ngày 15 đến 17-11-2007. diễn tại Vatican và kéo dài tới ngày 17-11 tới đây với chủ đề ”Mục vụ trong việc săn sóc các bệnh nhân cao niên”.

Mục đích hội nghị là phân tích tình trạng người cao niên và các bệnh tật cũ và mới, trong bối cảnh hoàn cầu hóa hiện nay, dưới khía cạnh kỹ thuật chuyên môn, khoa học, xã hội chính trị và môi sinh.

ĐHY Lozano Barragán, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, đã khai mạc Hội nghị với bài thuyết trình về đề tài ”sự quan tâm mục vụ đối với các bệnh nhân cao niên”, và LM Wojciech Giertych, dòng Đa Minh, thần học gia tại Phủ Giáo Hoàng, trình bày về ”đức tin, đức bác ái và các bệnh nhân cao niên”.

Trên thế giới hiện có 390 triệu người trên 65 tuổi và con số này sẽ lên tới 800 triệu người vào năm 2025. Nếu người già được định nghĩa là người từ 60 tuổi trở lên, thì số người cao niên trên thế giới hiện nay là 650 triệu, và sẽ lên tới 2 tỷ người vào năm 2050, theo tổ chức Sức Khỏe thế giới, OMS.

ĐHY Lozano Barragán cũng cho biết 500 triệu người đang sống tại các nước trong đó người ta sống quá 60 tuổi, trong khi 45 triệu người khác sống tại các nước mà trung bình người dân không sống quá 45 tuổi. Sự kiện dân số thế giới ngày càng già nua tạo nên một loạt các thách đố mới cho vấn đề mục vụ.

ĐHY Lozano Barragán nhận định rằng: ”Tuổi già là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời, vì từ đó nhân loại cởi mở đối với đời sống vĩnh cửu. Săn sóc mục vụ cho bệnh nhân trong giai đoạn này có nghĩa là mở của cho họ nhân danh Chúa”.

Theo giáo sư Roberto Bernabei, chuyên gia về người già tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Roma, mặc dù sống lâu thường được coi là một dấu hiệu tốt, nhưng sự gia tăng số người cao niên có nghĩa là gia tăng những người dễ bị bệnh và nhiều thử thách về thể lý và tâm trí. Sự kiện người già bị mất bạn hữu và mất vai trò sản xuất trong xã hội cũng là một yếu tố quan trọng, và trong nhiều trường hợp, những sự kiện ấy làm cho tuổi già trở thành một thời kỳ đặc biệt mong manh.

Đức Cha José Redrado Marchite, dòng Bệnh viện Thánh Gioan Thiên Chúa, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, khẳng định rằng trách vụ chính đối với Giáo Hội là giáo dục các tín hữu biết quí chuộng tuổi già. Xã hội cũng phải nhìn nhận rằng những người về hưu ở lứa tuổi 60 hoặc 65 vẫn còn khả năng sản xuất. Và theo Đức Cha Redrado, ngay từ lứa tuổi 30, 40, chúng ta cần phải nghĩ trước xem mình muốn làm gì khi về hưu (SD 17-11-2007)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.