2007-11-13 15:55:33

Linh Mục Oreste Benzi, tông đồ của những người bị xã hội bỏ rơi


Một số nhận định của ông Paolo Ramonda, Phó giám đốc Hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, về gương mặt và cuộc đời của Linh Mục Oreste Benzi

Ngày mùng 2-11-2007, Linh Mục Oreste Benzi, sáng lập viên hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã qua đời tại trung tâm của Hiệp hội tại Rimini trung Italia, hưởng thọ 82 tuổi.

Cha Benzi là người rất nổi tiếng vì các hoạt động bác ái từ thiện. Chính quyền thành phố Rimini đã tuyên bố thành phố để tang cha. Đã có hàng chục ngàn người đến viếng xác và tham dự đám táng của cha. Trong điện văn gửi đến Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục giáo phận Rimini, do Đức Hồng Y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chia buồn với tất cả những ai đang khóc thương cha Benzi, ”vị linh mục khiêm hạ thanh bần của Chúa Kitô, vị sáng lập và chủ tịch đầy công lao của cộng đoàn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Đức Thánh Cha nhắc lại gương mặt mục vụ của cha Benzi như một cha sở, và sau đó như một tông đồ không biết mỏi mệt của lòng bác ái, bênh vực những người rốt cùng và vô phương thế tự vệ, gương mặt của một người đảm trách biết bao nhiêu vấn đề trầm trọng của xã hội đang đè nặng trên thế giới hiện nay”. Đức Thánh Cha xin Chúa ban nghỉ yên cho vị linh mục tôi tớ ngoan ngoãn của Giáo Hội và ban ơn nâng đỡ hy vọng cho toàn thể cộng đoàn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và cho giáo phận Rimini trước sự mất mát to lớn này.

Cha Oreste Benzi sinh năm 1925 tại San Clemente, cách Rimini 20 cây số, và là người thứ 7 trong gia đình có 9 người con. Thụ phong linh mục năm 1949, ngài dấn thân giúp đỡ giới trẻ, và năm 1968 cha thành lập Hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, chuyên trợ giúp cai nghiên ma túy. Năm 1973 cha mở nhà gia đình đầu tiên tại Italia. Đây là mô thức gia đình nhận nuôi các trẻ em khác chung với con cái của mình. Năm 1983 Hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được giáo quyền Rimini chính thức công nhận.

Năm 1986 cha Benzi thành lập nhà gia đình đầu tiên tại nước ngoài bên Zambia, Phi châu. Năm 2004 Hội Đồng Tòa Thánh Giáo Dân thừa nhận Hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là hiệp hội quốc tế với quyền Giáo Hoàng.

Ngày 19-10-2007 phát biểu tại Tuần Lễ Xã Hội Italia, Cha Benzi đã mạnh mẽ tố cáo các đảng phái chính trị và chính quyền Italia có thể giải thoát 100 ngàn phụ nữ mại dâm tại Italia, nhưng đã không làm gì cả vì sợ mất phiếu. Cha gọi họ là ”những kẻ mại dâm chính trị” và yêu cầu họ từ chức. Cha cũng mạnh mẽ tố giác tệ nạn phá thai và sự kiện xã hội ngày nay im lặng đồng lõa với tội tàn sát trẻ em.

Hiện nay hiệp hội có 500 nhà gia đình tại 27 quốc gia trên thế giới trong số đó có 200 nhà tại Italia; 6 nhà cầu nguyện, 7 nhà huynh đệ, 15 hợp tác xã xã hội, 6 trung tâm ban ngày, 32 trung tâm cai nghiện và phục hồi những người nghiện ma túy tại nhiều nước kể cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ngoài ra còn có hàng trăm gia đình rộng mở để tiếp đón tất cả những người bị bỏ rơi và cần được trợ giúp.

Hiệp Hội cũng có một nhà in đó là nhà in ”Sempre”. Cha Benzi cũng dấn thân mạnh mẽ chống lại nạn khai thác các phụ nữ mại dâm và đã giúp rất nhiều phụ nữ thoát khỏi cảnh sống nô lệ kỹ nghệ tình dục để hoàn lương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Paolo Ramonda, phó giám đốc hiệp hội, về gương mặt và cuộc sống của vị linh mục lão thành, tông đồ của lớp người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.

Ông Ramonda năm nay 47 tuổi, có vợ và 3 con, cộng thêm 9 người con tiếp nhận nữa, và là một trong các nhà gia đình của hiệp hội. Ông đã gặp cha Benzi năm 1980 tại Rimini, khi tới làm việc xã hội thay cho thời gian đi quân dịch vì là một trong số các người trẻ từ chối đi quân dịch vì lý do lương tâm. Ông đã đậu tiến sĩ Sư phạm tại Torino và có bằng cao học về Khoa học tôn giáo của phân khoa thần học Torino. Hiện nay ông cũng là giáo sư khoa sư phạm tại trường đào tạo các nhà giáo dục tỉnh Cuneo, tây bắc Italia, nơi gia đình ông sinh sống. Từ năm 1998 ông được bầu làm phó giám đốc hiệp Hội Gioan XXIII.

Hỏi: Thưa ông Ramonda, ông đã gặp cha Oreste Benzi khi nào và đâu là nét đc thù trong linh đạo của cha Benzi?

Đáp: Tôi đã gặp cha Benzi lần đầu tiên hồi năm 1980, khi tôi chọn làm việc xã hội thay cho thời gian đi quân dịch. Tôi nghe người ta nói về cha Benzi và tôi đã tìm tới Rimini để gặp cha. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trong phòng khách giáo xứ Chúa Phục Sinh. Cha Benzi rất bận rộn nên tiếp tôi trong chớp nhoáng, hầu như vội vã. Cha lắng nghe tôi và đề nghị tôi đến theo cha dâng hiến cuộc sống cho người nghèo, và thế là tôi trở thành thành viên của Hiệp hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Nét đặc thù trong linh đạo của cha Oreste Benzi là nụ cười. Nó là hình ảnh diễn tả tính nhân bản sâu xa của ngài và một sự thanh thản đâm rễ sâu trong sự thân tình với Thiên Chúa. Nụ cười ấy giờ đây vẫn còn trên môi của ngài sau khi ngài qua đời.

Hỏi: Cha Benzi cũng là người triệt đ. Đó có phi là nét thường hằng trong cuộc sống của cha hay không? Trong các năm qua ông đã chia sẻ cuộc sống của cha như thế nào?

Đáp: Vâng, nét thường hằng trong cung cách sống của cha Benzi là sự triệt để và cương quyết, nhưng khi cha tiếp xúc với ai thì ngài vô cùng hiền dịu, nhưng lại cương quyết đề nghị người đó theo Chúa Kitô.

Trong suốt bao năm qua cha Benzi đã là vị lãnh đạo chắc chắn, một bậc thầy luôn dẫn đưa chúng tôi tới với vị thầy duy nhất là Chúa Kitô, nhưng đồng thời cha cũng thông truyền cho chúng tôi đặc sủng riêng biệt của ngài. Cha luôn luôn nói với chúng tôi: ”Chúa Kitô là một người sống động, chứ không phải là một triết lý hay một ý thức hệ”. Chính trong nhãn quan đó ngài đề nghị với chúng tôi cầu nguyện. Lời cầu nguyện không phải là tình cảm, mà là sự gắn bó có ý thức. Đây cũng là một lựa chọn gây khó chịu, vì thường khi một người cha hay một người mẹ có con ngoài hôn nhân được hiệp hội tiếp nhận, cũng phải chinh phục cho lời cầu nguyện có chỗ trong cuộc sống của họ. Và cha Benzi cũng thường nói với chúng tôi về Chúa Kitô như thế này: ”Nếu bạn yêu thương, thì phải kiếm tìm người yêu, và làm mọi sự để có thể gặp người yêu”.

Hỏi: Cộng đoàn Gioan XXIII sống chiều kích thiêng liêng này trong cuộc sống như thế nào?

Đáp: Cuộc sống của cộng đoàn chìm ngập trong các vấn đề của con người. Như là một gia đình thiêng liêng, chúng tôi liên tục cảm thấy được mời gọi bởi các anh chị em khổ đau. Nhưng sinh hoạt của chúng tôi đòi buộc phải sống thân tình với Chúa Kitô, sống sát Con Tim của Chúa. Vì vậy trong chương trình sống luôn có giờ cho Lời Chúa, cho việc cử hành thánh lễ và trong các trung tâm đều có một nhà nguyện nhỏ. Trong các năm qua chúng tôi cũng đã được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa do cha Benzi giải thích. Và các chú giải Phúc Âm đó đã được in thành sách tựa đề ”Bánh hàng ngày”. Ngoài ra chúng tôi cũng tham gia vào cuộc sống của Giáo Hội, của các giáo xứ và các giáo phận, nơi có các trung tâm chi nhánh của hội Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Hỏi: Trên đây ông đã cho biết cha Benzi thường xuyên giảng giải Lời Chúa. Thế cha Benzi đã sống phụng vụ như thế nào?

Đáp: Cha là một người say mê Thánh Thể. Cha chuẩn bị và cử hành thánh lễ với tất cả sự cẩn trọng và tình yêu mến. Tuy các buổi cử hành Thánh Thể do cha chủ sự rất bình dân, nhưng có rất đông người tham dự và là một cộng đoàn dân Chúa thực sự, trong đó mọi người đều được tiếp nhận. Cha Benzi nếm hưởng sự hiện diện của Chúa Kitô và làm cho người khác nếm hưởng được sự hiện diện ấy. Thế rồi cha rất trung thành với Kinh Thần Vụ. Cha bớt giờ ngủ nghỉ vốn đã rất ít, để đọc Kinh Thần Vụ, khi trong ngày có nhiều việc qúa mà chưa đọc Kinh Thần Vụ được. Thêm vào đó là lòng yêu mến đối với Lời Chúa, mà cha giảng giải và chia sẻ cho chúng tôi mỗi ngày. Sau cùng là lòng yêu mến Đức Mẹ Maria, mà cha gọi là ”Mẹ của những kẻ khó nghèo”, ”sự Tin Cậy của chúng con”. Cha phó thác cho Mẹ mọi hoàn cảnh khó khăn và những người đau khổ nhất, và thường nói với Đức Mẹ ”Để xem Mẹ làm sao, họ cũng là con cái Mẹ đấy!”.

Hỏi: Thưa ông Ramonda, tương quan của cha Benzi với hàng giáo phẩm ra sao, cha có gặp khó khăn nào không?

Đáp: Cha Oreste Benzi đã là một nhà cách mạng. Cha luôn nói với chúng tôi rằng chúng tôi không được cho người nghèo sự trợ giúp hay sự an ủi, vì các anh chị em nghèo túng cần công lý, cần một cuộc cách mạng ôn hòa và không bạo lực, nhưng có khả năng trao ban cho họ các khả thể mới. Đây là quan điểm mà cha cũng đã đưa vào trong Giáo Hội. Tuy nhiên trước các Giám Mục cha luôn dậy chúng tôi phải vâng lời. Cha mời gọi chúng tôi đối thoại, trình bầy các ý kiến của mình với các vị, và nhắc cho chúng tôi biết rằng trong Giáo Hội Chúa Thánh Thần ban ơn phân định cho các chủ chăn.
 
Hỏi: Khả năng bước kịp tiết nhịp của thời đại của cha Benzi khiến cho người ta ngạc nhiên. Làm sao mà một cụ già như cha lại có thể làm đưc điu đó?

Đáp: Cha Benzi đã luôn luôn nói: ”Bạn càng đâm rễ sâu trong Thiên Chúa và trong truyền thống sống động đã được Giáo Hội giữ gìn trong bao thế kỷ qua, thì bạn lại càng có khả năng là người hiện đại. Càng qùy gối bao nhiêu bạn lại càng biết đứng thẳng bấy nhiêu”. Để diễn tả một cách tóm tắt kiểu sống của cha chúng ta có thể nói rằng cha là một người chiêm niệm Thiên Chúa giữa đời. Cha sống một sự hiệp thông thần bí với Thiên Chúa và sự hiệp thông đó không bị ràng buộc vào không gian và thời gian đặc biệt: Lời Chúa xuyên suốt qua toàn con người của cha, vì thế không có hoàn cảnh nào là xa lạ đối với cha. Do đó nó giải thích tại sao cha đi ra đường phố, tới gặp gỡ nói chuyện với các phụ nữ mại dâm, và vào trong các phòng nhảy mà không có vấn đề nào, nhưng đó là một cách thức cha loan báo Chúa Kitô. Chúa Kitô là sự say mê của cha, và cha không có gì khác ngoài Chúa Kitô mà cha yêu thương nơi các anh chị em gặp khó khăn.

Hỏi: Theo ông đối với cha Benzi ”là người nghèo giữa những kẻ nghèo” có nghĩa là gì?

Đáp: Nơi các anh chị em khó nghèo cha Benzi trông thấy Chúa Kitô khổ đau và cha xin chúng tôi lắng nghe họ như lắng nghe các bậc thầy. Cha quan niệm một xã hội trong đó mỗi người có vai trò riêng của mình và có những gì cần thiết để sống. Vì thế cha khẳng định quyền sống, quyền có gia đình, quyền có công ăn việc làm, quyền được học hành giáo dục. Từ xác tín đó nẩy sinh ra sự lưa chọn của cha sống giữa người khác và liên lỉ lắng nghe những người cha gặp trên đường đời.

(Avvenire 4-11-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.