2007-11-07 11:45:49

THIÊN CHÚA NHÂN HẬU TỪ BI VỚI LOÀI NGƯỜI


Qua chứng từ này tôi muốn cao rao lòng nhân hậu bao la của THIÊN CHÚA.

Tôi dâng lời tôn vinh Tình Yêu vô biên của Chúa, không ngừng lôi kéo và biến đổi tôi. Thế nhưng, ca tụng lòng từ bi của THIÊN CHÚA đồng nghĩa với việc nói về sự khốn cùng của tôi. Bởi vì, chính khi ý thức sự khốn cùng mà tôi gặp được Tình Yêu THIÊN CHÚA. Hay cũng có thể ngược lại. Con đường hồi tâm hoán cải của tôi diễn ra từ từ từng nấc một. Điều đó lỗi tại tôi. Bởi vì, tôi luôn luôn cưỡng lại lòng khoan hồng vô biên của THIÊN CHÚA. Tôi đâu biết rằng, chính sự kháng cự là nguồn gốc gây ra không biết bao đau khổ cho tôi.

Ngay từ thơ bé tôi mang trong mình mặc cảm tự ti. Mặc cảm đeo đẳng mãi không thể nào xóa tan được. Có lần tôi tưởng mình đã xóa hết mọi mặc cảm, thì ngay lúc đó, mặc cảm lại xuất hiện cách rõ ràng và đau thương nhất. Tuy nhiên, giờ đây hồi tưởng chặng đường đã qua, tôi mới thấy nhờ mặc cảm mà tôi trở về với Chúa. Tôi xin giải thích. Vì mặc cảm tự ti, tôi hứng chịu không biết bao đau khổ, đau khổ do tôi tự gây ra như: thất vọng, thất vọng về chính mình, về đời sống, về dự tính tương lai và về mộng ước. Tôi cứ sống trong thất vọng như thế cho đến lúc may mắn gặp những người đã gặp được Chúa. Họ cho tôi thấy THIÊN CHÚA mà họ tôn thờ và yêu mến là THIÊN CHÚA đầy Tình Thương và nhân hậu. THIÊN CHÚA yêu con người với những bất toàn và khốn khổ. Từ đó đôi mắt tinh thần của tôi mở ra. Niềm hy vọng lại chan hòa trong lòng, trên khuôn mặt và nhất là, trong cuộc đời tôi.

Với quan niệm mới mẻ về THIÊN CHÚA Tình Thương, tôi từ từ tái lập niềm an bình với chính mình, với dĩ vãng, với gia đình, với tha nhân và với môi trường. Tôi sống khoan hồng hơn và từ đó nhận được sự khoan hồng của THIÊN CHÚA.

Kinh nghiệm đau thương cuộc đời tôi giúp tôi hiểu cách thâm thúy vài dụ ngôn Tin Mừng. Chẳng hạn dụ ngôn đứa con trai hoang đàng trong Phúc Âm theo thánh Luca, chương 15 câu 11-32. Khi trở về nhà cha, người con phung phí chẳng có gì để biếu cha ngoài việc để cha yêu thương, trìu mến ôm hôn và kéo vào nhà dự tiệc với cha. Chàng chỉ còn tâm tình duy nhất là tâm tình người con, và tâm tình này làm rung động trái tim phụ tử quảng đại của cha chàng. Ngoài ra, chàng lên đường trở về nhà cha đâu phải vì chàng có tâm hồn cao cả, hoặc vì lương tâm cắn rứt, cũng chẳng phải vì chàng dốc quyết trở về với đường ngay nẻo chính. Không, chàng trở về chỉ vì lý do duy nhất là chàng bị đói. Lý do xem ra thật hạ đẳng, chẳng có gì xứng đáng được xem là nhân đức cả. Nhưng lý do này lại thật giống với tôi. Tôi chẳng có gì xứng đáng lãnh nhận Tình Thương bao la của Chúa, ngoài sự khốn cùng. Và với sự khốn cùng tôi chạy đến cùng Chúa và đã làm rung động con tim phụ tử vô biên của THIÊN CHÚA.

Một dụ ngôn khác trong Phúc Âm theo thánh Luca chương 18 câu 9-14 cũng đánh động lòng tôi. Dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế. Còn người thu thuế đứng ở xa, không dám ngửa mặt lên trời, lại còn đấm ngực và nói: ”Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Tâm tình người thu thuế cảm thấy bất xứng thật tương hợp với tâm tình tự ti mặc cảm của tôi. Tôi luôn luôn cảm thấy mình bất xứng, không làm nên trò trống gì. Có điều lạ là từ ngày nhận ra điểm tương đồng ấy, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân. Cuộc sống tôi biến đổi hoàn toàn. Lúc trước, tôi khổ sở và xấu hổ vì tính tự ti mặc cảm giờ đây tôi nhận ra rằng, đây là tâm tình chuẩn bị tôi đón nhận lòng Từ Bi bao la và Tình Thương vô biên của THIÊN CHÚA. Giờ đây tôi sống hạnh phúc, niềm hạnh phúc của người con, ý thức rõ ràng mình được THIÊN CHÚA là Cha, hằng yêu thương chăm sóc.

Chứng từ của ông André Gravel, người Canada.

... ”Thưa anh em, vì THIÊN CHÚA thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng THIÊN CHÚA. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phưng Ngưi. Anh em đừng có rập theo đi này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý THIÊN CHÚA: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Thư gửi tín hữu Roma 12,1-2).

(”Je Crois”, 4/1994, trang 24-28)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.