2007-11-07 13:42:35

Một mô thức hòa bình cho xung khắc chiến tranh


Belfast: một mô thức hòa bình cho các cuộc xung đột và chiến tranh trên thế giới. Phỏng vấn ông John Hume, giải thưởng Nobel Hòa Bình 1998

Trong các ngày này dân chúng thành phố Derry, bắc Ailen, mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Phong Trào Bảo Vệ Dân Quyền Bắc Ailen, lấy hứng từ tinh thần các cuộc tranh đấu của người da đen bên Hoa Kỳ, do mục sư Martin Luther King lãnh đạo.

Derry cũng là quê sinh của ông John Hume, giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1998, và là người đã thành công trong việc làm trung gian giúp chấm dứt xung đột tại miền Bắc Ailen, là vùng đất xảy ra tranh chấp giữa nhóm người Ailen muốn hiệp nhất với Anh quốc, đa số theo Tin Lành và các người Ailen muốn vùng đất này hiệp nhất với Ailen, đa số theo Công Giáo.

Kể cả 6 vùng thuộc Anh quốc, Ailen rộng 80.420 cây số vuông, với hơn 3,5 triệu dân, đa số theo công giáo. Năm 1536 vua Henri VIII của Anh bẻ gẫy liên lạc với Giáo Hội Roma và tuyên bố mình là thủ lãnh Giáo Hội Anh. Năm 1541 ông trải rộng ảnh hưởng của Tin Lành trên Ailen rồi tuyên bố mình là vua Anh quốc và Ailen. Các xung khắc nảy sinh giữa người Anh độ hộ và người Ailen. Năm 1689 James II Stuart, vua công giáo bị đuổi khỏi Anh sang đánh chiếm Derry bên Ailen, nhưng dân chúng thành này được William Orange vua Tin Lành cứu thoát. Người công giáo Ailen theo phò vua Stuart. Và thế là nội chiến bùng nổ giữa hai phe công giáo và tin lành. Năm 1690 vua William Orange thắng vua James Stuart tại Boyne. Và trong nhiều thập niên qua để kỷ niệm chiến thắng này, trong mùa hè các Huynh Đoàn Cam thường tổ chức diễn hành đi ngang qua các khu phố công giáo trong thành Derry gây ra các căng thẳng và xung đột.

Vào đầu thế kỷ XX các nhóm muốn hiệp nhất với Anh quốc hay hiệp nhất với Ailen thành hình và trở thành các đảng phái chính trị chủ trương đấu tranh võ trang. Cho tới các năm gần đây hai nhóm vẫn đụng độ và sát hại nhau, nhưng ngày nay xem ra Belfast đã trở thành một mô thức giải quyết các xung đột nhờ việc thành lập một chính quyền cách đây 5 tháng. Chính quyền này bao gồm giới lãnh đạo của cả hai nhóm cực đoan, và trong các ngày trung tuần tháng 10 vừa qua đã bắt đầu giải giáp binh sĩ của nhóm ”Ulster Defence Association” là nhóm dân vệ mạnh nhất của phía chủ trương Ulster thuộc Anh quốc.

Bằng chứng cho thấy thế giới đang bắt chước mô thức của miền Bắc Ai Len và Nam Phi, là sự kiện mới đây ông Martin McGuinness, Phó thủ tướng Bắc Ai Len đã hội kiến với phái đoàn của hai nhóm Sunnít và Schiit Irak tại Helsinky, để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Irak hiện nay.

Ông John Hume đã rút lui khỏi các hoạt động chính trị năm 2004 và là một trong các người đã thành lập đảng ”Xã hội Dân Chủ và Lao Động”, là đảng đối lập cấp tiến của miền Bắc Ailen. Đảng này được sự hậu thuẫn của giới cử tri công giáo chống lại cuộc chiến đấu vũ trang, và trong các thập niên qua đã thăng tiến các nguyên tắc phát triển chính trị trong vùng Ulster: từ các đối đầu với nhóm cộng hòa cực đoan của tổ chức ”Sinn Fein” trong các năm 1980 cho tới việc ngoại giao với chính quyền Luân Đôn, và thỏa hiệp hòa bình ký kết năm 1998 chấm dứt chiến tranh Bắc Ailen.

Hỏi: Thưa ông John Hume, ngưi ta đã phải chờ đợi gần 10 năm, nhưng sau cùng thì tinh thần và văn bản của thỏa hiệp Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1998 đã được thi hành một cách tốt đẹp nhất trong các tháng qua, với chính phủ liên hiệp Bắc Ailen, bao gồm giới lãnh đạo của cả hai phe trưc đây xung đột và chống đối nhau. Đâu đã là chướng ngại lớn nhất cần thắng vượt trong các năm dài của tiến trình hòa bình thưa ông?

Đáp: Khó mà có thể nêu tên một chướng ngại đặc biệt, nhưng một trong những khó khăn lớn nhất là thắng vượt các chia rẽ giữa các thành phần dân chúng Bắc Ailen. Người dân vùng này thuộc nhiều chủng tộc, tôn giáo và giai tầng xã hội khác nhau. Tuy nhiên kết qủa của nỗ lực này đã rất đáng ca ngợi và ngày nay mọi người đều trông thấy kết qủa đó. Từ nhiều năm nay hai miền Bắc và Nam Ailen cộng tác làm việc chặt chẽ với nhau, cả trên bình diện kinh tế sự phân cách đã được thắng vượt.

Hỏi: Có thể đưa ra các tương đồng giữa cuộc xung đột tại miền Băc Ailen với cuộc xung đột giữa ngưi Israel và người Palestine hay không? Ông có tin rằng kinh nghiệm của Bắc Ailen có thể lập lại trong một cách thế nào đó trên thế giới không?

Đáp: Cuộc chiến của chúng tôi đã không phải là một chiến tranh tôn giáo, mà là một đụng độ tập trung trên căn tính, vì người tin lành tự coi họ là người Anh, và người công giáo trái lại cảm thấy họ là người Ailen. Việc đặt để đúng chỗ căn tính đã và hiện có tầm quan trọng chính yếu trong tiến trình hòa bình của chúng tôi.

Tôi tin rằng trọng tâm và lý do của mọi xung đột và chiến tranh là các khác biệt quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo hay có tính cách xã hội. Các dân tộc vùng Địa Trung Hải có thể rút tỉa ra một bài học lớn từ kinh nghiệm của chúng tôi, bằng cách bắt đầu tôn trọng các khác biệt này, thay vì chiến đấu chống lại chúng. Tại Ailen cũng như bên Palestine hay tại Irak không có chia rẽ giữa các vùng đất, nhưng có chia rẽ giữa các dân tộc. Nếu các dân tộc này thành công trong việc làm việc chung với nhau và tôn trọng nhau, thì hòa bình là điều có thể có ở bất cứ nơi xâu trên thế giới này. Hòa bình có thể xây dựng tại bất cứ đâu, kể cả trước các cuộc khủng hoảng xem ra không thể giải quyết nổi, bằng cách sử dụng chính trị như là giải pháp thay cho bạo lực của các nhóm vũ trang.

Hỏi: Quân đội Hoa Kỳ đang nghĩ tới chuyện áp dụng cho thủ đô Baghdad của Irak hệ thống ”các bức tường hòa bình” của Belfast. Ông có tin rằng chúng có thể giúp hạn chế bạo lực trong thủ đô Irak hay không?

Đáp: Có lẽ các bức tường đó có thể hạn chế nạn bạo lực, nhưng chắc chắn không phải như thế mà có thể xây dựng được hòa bình đâu. Tôi tin rằng Liên Hiệp Âu Châu là thí dụ tốt nhất cho thế giới trong việc giải quyết các xung khắc và tôi thích kể lại một giai thoại xảy ra vào năm 1979, khi tôi được bầu làm dân biểu Quốc Hội Âu châu lần đầu tiên. Một ngày nọ tôi dừng chân trên cây cầu chia đôi Strasbourgh của Pháp với Kehl của Đức. Tôi thầm nghĩ: cách đây 30 năm, vào cuối thế chiến thứ II sự hiệp nhất giữa hai dân tộc này đã là một giấc mộng bị cấm đoán. Thế mà bây giờ Cộng Đồng Âu châu là một thực tại. Tôi tin rằng để có thể tiến tới hòa bình tại bất cứ đâu trên thế giới này, cần phải chú ý tới ba nguyên tắc nền tảng sau đây.

Thứ nhất là sự tôn trọng các khác biệt, chấp nhận các khác biệt, và không phía nào được nổi hơn các phía khác hay có nhiều đặc ân đặc lợi hơn các nhóm khác. Thứ hai, tạo dựng các cơ cấu có khả năng giúp tôn trọng các khác biệt này. Chẳng hạn tôi nghĩ tới một quốc hội với hệ thống bầu cử theo tỷ lệ bao gồm đại biểu của mọi tầng lớp dân chúng. Và nguyên tắc thứ ba quan trọng hơn cả: đó là điều mà tôi gọi là ”tiến trình trị liệu chữa lành”. Cùng nhau dấn thân chữa lành các vết thương của cuộc sống xã hội. Cùng nhau làm việc cho công ích cho mục đích chung là điểm khởi hành của tất cả mọi sự. Cần phải đổ mồ hôi lao nhọc của chúng ta, chứ không đổ máu. Như thế, các thành kiến, các hàng rào ngăn cách và sự bất tín nhiệm trước đây từ từ sẽ bị hao mòn đi và biến mất, và nảy sinh ra một xã hội mới. Tại miền Bắc Ailen chúng tôi đã thành công vì chúng tôi đã có thể khiến cho mọi nhóm chủng tộc và tất cả mọi tôn giáo sống trong sự tôn trọng lẫn nhau.
 
Hỏi: Thưa ông Hume, có người cho rằng cần phải can thiệp bằng bạo lực để bảo vệ các quyền con người khi chúng bị vi phạm. Đó là các cuộc chiến gọi là “chiến tranh nhân đạo”. Chúng có giúp bảo vệ các quyền con người hay không?

Đáp: Tuyệt đối là không rồi. Và ý niệm về ”chiến tranh nhân đạo”, tự nó là một điều nghịch nghĩa. Trong chiến tranh con người đau khổ và thấy các quyền căn bản nhất của mình bị chà đạp và tước đoạt, bắt đầu bằng quyền sống. Thế thì làm sao mà có thể nghĩ tới việc bảo vệ các quyền con người bằng cách gây ra chiến tranh được?

(Avvenire 17-10-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.